Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Gia Cát Lượng 6 lần xuất quân ra Kỳ Sơn nhưng vẫn không thể tiêu diệt Tào Ngụy? (Kỳ 2)

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Những năm 228 – 234, Gia Cát Lượng nhiều lần đem quân Bắc phạt Tào Nguỵ mà vẫn không thành công. Quân Tào cũng phản công vài lần nhưng bất thành. Cuối cùng, Thừa tướng Gia Cát Lượng vất vả lâu ngày, lâm bệnh mà mất ở gò Ngũ Trượng, đúng như lời thề của mình: “Cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi”.

Xem thêm: Kỳ 1  

Bắc phạt lần thứ 4

Tháng 2 năm 231, tức Kiến Hưng năm thứ 9, Gia Cát Lượng lại thống suất đại quân tiến ra Kỳ Sơn một lần nữa. Lần này để giải quyết triệt để vấn đề vận lương, ông tuyển chọn nhiều thợ khéo, chế ra “trâu gỗ ngựa máy” tải lương băng băng vượt qua rừng núi.

Ngựa gỗ có cơ cấu máy móc ở bên trong, tự đi khoảng 10km mà không cần lực đẩy, cứ hết 10 km lại cài lại cơ cấu bên trong để chạy tiếp, liên tục vận lương từ Kiếm Các ra Kỳ Sơn cho quân ăn. Gia Cát Lượng còn sai Lý Nghiêm ra Hán Trung đảm đương việc hậu cần, đốc thúc quân lương cho đại quân Bắc phạt.

Lúc này, Đại tư mã Tào Chân của quân Ngụy đang ốm nặng. Ngụy Minh đế Tào Duệ xuống chiếu triệu gấp Đại tướng quân Tư Mã Ý đang trấn giữ ở Uyển Thành về triều bàn việc quân cơ. Tào Duệ nói: “Phía Tây có chuyện, phi tướng quân thì không còn ai có thể phó thác được“.

Tào Duệ phong Tư Mã Ý làm Đô đốc thống soái binh mã 2 châu Ung, Lương, sai Ý cất quân đi về hướng tây ra Trường An trấn thủ. Đi cùng với Ý còn có Xa kỵ tướng quân Trương Cáp, Hậu tướng quân Phí Diệu, Thứ sử Ung Châu Quách Hoài và Chinh Thục hộ quân Đái Lăng, sẵn sàng xuất chiến chặn đứng quân Thục. Trương Cáp hiến kế khuyên Tư Mã Ý nên chia quân đóng giữ ở Ung, My để làm thế ỷ giốc.

Tư Mã Ý cho ý đó là phải, bèn đem quân tiến ra Kỳ Sơn. Gia Cát Lượng nghe nói Tư Mã Ý dẫn quân đến cự, liền chia binh vây đánh Kỳ Sơn, lại tự mình dẫn quân lên Thượng Nhai đón đánh Tư Mã Ý. Quách Hoài, Phí Diệu mang quân tập kích nhưng bị Lượng đánh tan.

Gia Cát Lượng đối đầu với Tư Mã Ý tại Thượng Nhai. Tư Mã Ý biết rõ tình thế quân Thục từ xa hành quân đến, lương thực có hạn nên luôn nóng lòng muốn đánh gấp. Do vậy, Ý cố tình tránh mũi nhọn quân Thục, dựa vào địa thế hiểm yếu, cố thủ không ra đánh.

Bất đắc dĩ, Gia Cát Lượng đành phải bày kế vờ rút quân về Hán Trung để dụ địch truy kích. Nhưng Tư Mã Ý vẫn vô cùng thận trọng, dẫn quân bám theo sau và luôn dò xét cẩn thận động thái quân Thục. Hễ quân Thục dừng bước thì Tư Mã Ý cũng cho quân nghỉ lại đóng trại.

Tư Mã Ý vẫn vô cùng thận trọng, dẫn quân bám theo sau và luôn dò xét cẩn thận động thái quân Thục. Ảnh dẫn theo us.24h.com.vn

Tư Mã Ý lên núi xây dựng doanh trại cố thủ, nhất định không giao chiến với quân Thục. Các tướng là Giả Hủ, Ngụy Bình nhiều lần xin xuất binh tiến đánh nhưng Tư Mã Ý không đồng ý. Các tướng mỉa mai rằng: “Tướng quân sợ quân Thục như sợ hổ, chẳng lẽ không sợ thiên hạ cười chê cho sao?“.

Tháng 5 năm ấy, sau khi bị các tướng liên tục gây áp lực, Tư Mã Ý không thể làm gì khác hơn là phái binh xuất chiến. Ý sai Trương Cáp mang quân đánh vào mạn phía nam Kỳ Sơn, nơi tướng Vương Bình của quân Thục đang trấn giữ. Bản thân Tư Mã Ý thống suất trung quân nghênh chiến với Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng phái các tướng Ngụy Diên, Cao Tường, Ngô Ban lĩnh binh đón đánh, đại phá quân Ngụy, chém được 3000 thủ cấp, cướp được 500 bộ giáp và 3000 cung nỏ. Sau trận đại bại, Tư Mã Ý nhanh chóng lui về doanh trại nhất nhất cố thủ. Lại nói, Trương Cáp đánh nhau với Vương Bình ở mạn Nam Kỳ Sơn bất phân thắng bại, tiến lên không được, sau lại nghe trung quân của Tư Mã Ý vừa đại bại bèn dẫn quân rút về.

Đến tháng 6, tuy đánh bại quân Ngụy nhiều trận nhưng quân Thục đã cạn lương thảo. Khi ấy trời đổ mưa to nhiều ngày, con đường vận lương càng thêm gập ghềnh, khó khăn. Lý Nghiêm chuyển quân lương chậm, sợ bị trách tội, bèn giả mạo chiếu chỉ của Hậu chủ Lưu Thiện, triệu Gia Cát Lượng lập tức hồi kinh. Quân Thục đành phải quay về.

Tư Mã Ý ra lệnh toàn quân truy kích nhưng Trương Cáp lại khuyên: “Binh pháp dạy rằng quân địch rút lui chớ truy đuổi gấp“. Tuy nhiên, Tư Mã Ý không nghe lời ấy, nhất nhất sai Trương Cáp đem quân truy đuổi. Cáp bất đắc dĩ bèn phải lên ngựa đuổi theo quân Thục. Khi đuổi đến Mộc Môn, quân Thục đặt phục binh ở trên, tên bắn như mưa. Trương Cáp bị tên bắn trúng đầu gối phải, cuối cùng tử thương.

“Tam Quốc diễn nghĩa” tả cảnh Trương Cáp bị mai phục tử trận rất sinh động. Theo đó, Trương Cáp đánh với Ngụy Diên chưa đầy mười hiệp, Diên bèn giả thua, bỏ cả áo giáp, mũ và ngựa, dẫn bại quân chạy vào đường Mộc Môn.

Trương Cáp đang hăng, lại thấy Ngụy Diên thua chạy, liền tế ngựa dấn theo. Bấy giờ, trời đã tối mịt, bỗng có tiếng pháo nổ vang, rồi lửa ở trên núi bốc sáng vằng vặc, đá gỗ quăng xuống ngổn ngang, chặn mất đường đi. Trương Cáp thất kinh, kêu rằng: “Ta mắc phải mẹo mất rồi!”.

Trương Cáp lập tức quay ngựa chạy về, té ra mé sau cũng bị đá gỗ chặn lấp mất đường, ở giữa chỉ còn một khoảng đất trống, hai bên toàn vách núi. Cáp hết đường lui tới. Bỗng nghe một tiếng cồng, hai bên núi hàng vạn cung nỏ bắn ra, tên bay như châu chấu. Trương Cáp và hơn trăm bộ tướng cùng bị bắn chết ở trong đường Mộc Môn. Khổng Minh đứng trong bóng lửa sáng, trỏ xuống bảo rằng: “Ta hôm nay đi săn, định bắt một con ngựa (ý chỉ Tư Mã Ý) lại bắn nhầm phải con nai (chỉ Trương Cáp)”.

Về chuyện Lý Nghiêm tắc trách, sau khi trở về Thành Đô, Gia Cát Lượng tha chết không chém nhưng giáng Lý Nghiêm xuống làm thứ dân. Tuy nhiên, sau đó Gia Cát Lượng lại tiếp tục dùng con Lý Nghiêm là Lý Phong thay cho cha mình lo việc đôn đốc lương thảo cho đại quân Bắc phạt.

Lần Bắc phạt này, Gia Cát Lượng thực sự đã phải đối đầu với một đối thủ sừng sỏ: Tư Mã Ý. Chiến thuật cố thủ không ra đánh của Tư Mã Ý từ đó trở về sau luôn khiến quân Thục phải lâm vào thế bí. Gia Cát Lượng dù thần cơ diệu toán cũng hoàn toàn bất lực. Chinh chiến xa xôi, đường vận lượng liên tục gặp trở ngại chính là điểm yếu không thể khỏa lấp của quân Thục. Tư Mã Ý nắm chắc được điều đó, chỉ cần không động binh, “bất chiến tự nhiên thành”, không đánh mà quân Thục cũng phải lui.

Tư Mã Ý không đánh mà quân Thục cũng phải lui. Ảnh dẫn theo dkn.tv

Bắc phạt lần thứ 5

Mùa xuân tháng 2 năm 234 (tức Kiến Hưng năm thứ 12), Gia Cát Lượng dẫn 10 vạn đại quân tiến theo đường Tà Cốc, dùng trâu gỗ ngựa máy vận lương, đánh chiếm gò Ngũ Trượng ở huyện Vũ Công (nay là vùng tây nam huyện My, Thiểm Tây). Sau đó, Gia Cát Lượng xua quân xuống bờ nam sông Vị Thủy. Ở bên kia chiến tuyến, Tư Mã Ý cũng dẫn quân tới xây dựng lũy trại, đối trận với quân Thục ở bờ bắc Vị Thủy. 

Mấy lần Bắc phạt trước, bởi vì cạn lương, quân Thục luôn phải rút về. Gia Cát Lượng lòng không nguôi lo lắng, bất an. Lần này ngay sau khi ra Kỳ Sơn, ông đã chú trọng khuyến nông, dẫn nước, lập đồn điền, ý muốn đánh lâu dài. Quân Thục làm ruộng, ở lẫn cùng dân ở bến sông Vị, trăm họ bình an mà quân lính vẫn nghiêm trang, không có của riêng tư lợi.

Lần này, trước khi tiến ra Tà Cốc bắc phạt, Gia Cát Lượng đã cử người sang sứ Đông Ngô, yêu cầu Tôn Quyền xuất binh từ mặt nam yểm trợ, hẹn ước rằng khi nào phá được quân Tào sẽ chia đôi đất Ngụy. Tôn Quyền ưng lời, sai Lục Tốn chuẩn bị quân sĩ sẵn sàng. Nhưng quân Ngô cũng muốn trục lợi, chính là muốn “tọa sơn quan hổ đấu”, nhìn Ngụy – Thục đánh nhau sứt đầu mẻ trán rồi tiện tay khuấy nước mò cá.

Tôn Quyền đích thân thống suất đại quân tiến lên bờ bắc. Nhưng quân Ngô bấy lâu chỉ giỏi phòng thủ mà kém tấn công, Tôn Quyền bị Ngụy Minh đế Tào Duệ đánh bại, buộc phải thoái lui mà chưa gây được khó dễ gì.

Như vậy mặt trận chính lúc này chuyển về hai bờ sông Vị. Tư Mã Ý vẫn nhận định rằng điểm yếu lớn nhất của quân Thục chính là tiếp lương, bèn ra lệnh cho ba quân giữ yên dinh trại, không vội giao chiến, đợi khi quân địch cạn lương, sĩ khí rối loạn thì có thể một trận định được cục diện. Tư Mã Ý giam quân ở trong trại suốt hơn 100 ngày không ra đánh mặc cho quân Thục nhiều lần đến tận cửa trại khiêu chiến, thậm chí mắng nhiếc quân Ngụy thậm tệ.

Gia Cát Lượng bỗng nghĩ ra một kế hay, phái người mang theo một bộ quần áo phụ nữ sang trại tặng cho Tư Mỹ Ý, ám chỉ rằng bản lĩnh ông ta chỉ như mụ đàn bà, rút đầu rụt cổ không dám ra ngoài. Gia Cát Lượng còn gửi riêng cho Tư Mã Ý một bức thư, lời lẽ đầy châm chọc, chế giễu: “Trọng Đạt đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm, quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy. Nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến“.

Các tướng Ngụy trông thấy cảnh ấy thì giận sôi người, hỏa khí bốc lên, muốn liều một mạng với quân Thục. Nhưng Tư Mã Ý cũng rất khôn ngoan, một mặt cảm ơn thịnh tình của Gia Cát Lượng, chấp nhận khoác lên mình tấm áo phụ nữ, mặt khác bèn dỗ dành các tướng bằng cách vờ dâng tấu lên Ngụy đế xin ra đánh quân Thục. Ngụy đế hiểu rõ tình thế bấy giờ, lập tức sai vệ úy Tân Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc truyền chỉ dụ yêu cầu ba quân giữ nghiêm thế trận, không được ra đánh, ai trái lệnh chém ngay. Bấy giờ các tướng mới chịu tuân theo, ai về trại nấy phòng ngự cẩn mật mà không bàn tán gì nữa.

Tướng Thục là Khương Duy vào yết kiến Khổng Minh thưa: “Tân Tỷ đến trại lần này ắt là quân Ngụy sẽ ra đánh nay mai“. Khổng Minh trầm ngâm: “Đó là Tư Mã Ý dùng kế để trấn bụng ba quân thôi. Hắn vốn không muốn xuất chiến. Cái gọi là xin lệnh đánh chẳng qua để thể hiện với các tướng rằng mình không hề sợ sệt mà thôi. Tướng ở bên ngoài có thể không tuân theo mệnh vua. Nếu quả thực Tư Mã Ý muốn ra đánh thì hắn hoàn toàn có thể chủ động tác chiến, hà tất phải viết thư sai người đi ngàn dặm để xin đánh chứ?“.

Quân Ngụy giữ vững không ra đánh, phía nam Tôn Quyền cũng đại bại rút quân về, cục diện dần chuyển biến xấu cho quân Thục. Lương thảo trong quân ngày một cạn dần, Gia Cát Lượng phải rút lên đóng ở gò Ngũ Trượng, cho quân sĩ làm ruộng cùng với dân để tính kế lâu dài, một mặt vẫn cho quân đi khiêu chiến. Nhưng Tư Mã Ý lúc này như người đã nắm dao đằng chuôi, không dễ bị lừa vào bẫy, cứ cố thủ một mực không ra đánh.

Tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng lao lực, vất vả lâu ngày mà thành bệnh, ốm nặng. Tin tức truyền về Thành Đô, Hậu chủ Lưu Thiện kíp phái Thượng thư Lý Phúc đến trại thăm Gia Cát Lượng đồng thời hỏi về đại kế quốc gia sau này. Gia Cát Lượng nói với Lý Phúc rằng: “Sau khi ta chết, Tưởng Uyển có thể thay thế“. Phúc hỏi sau Tưởng Uyển là ai, Gia Cát Lượng nói Phí Y có thể dùng được. Phúc lại hỏi sau Phí Y thì dùng ai, Khổng Minh không đáp nữa. Chẳng bao lâu sau, Gia Cát Lượng bệnh tình nguy kịch, mất ở trong quân, thọ 54 tuổi.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Khương Duy và Dương Nghi tuân lời di chúc, không dám phát tang, chỉnh đốn quân mã, bí mật rút về. Đêm hôm ấy, Tư Mã Ý xem thiên văn thấy có ngôi sao to, sắc đỏ tía ba lần rơi xuống trại Thục lại ba lần vụt lên. Biết là Khổng Minh đã chết, Tư Mã Ý truyền lệnh cất đại quân truy kích, đuổi đánh.

Khi ấy Dương Nghi theo lời di chúc của Gia Cát Lượng bèn bất ngờ quay ngược lại, đánh trống, dóng chuông làm ra vẻ như muốn đánh quân Ngụy. Tư Mã Ý đa nghi, sợ rằng Gia Cát Lượng chỉ giả chết để lừa mình bèn vội vàng tháo chạy, không dám đuổi theo. Quân Thục lại ung dung rút về, sau khi qua Tà Cốc mới chính thức phát tang.

Chuyện Tư Mã Ý không dám truy kích quân Thục đã trở thành một trò cười cho người đời chế nhạo. Người ta nói rằng: “Gia Cát chết vẫn dọa được Trọng Đạt sống” (Tư Mã Ý tên tự là Trọng Đạt). Nhưng khi biết điều đó, Tư Mã Ý cười mà nói: “Ta chỉ có thể biết được việc sống, làm sao đoán được việc chết đây. Khổng Minh mất rồi, chúng ta giờ được kê cao gối ngủ không lo gì nữa!”.

“Gia Cát chết vẫn dọa được Trọng Đạt sống”. Ảnh dẫn theo xemphim12.com

Tài dùng binh và đức độ của Gia Cát Lượng

Trong ba nước thời Tam Quốc, thực lực nước Thục là yếu kém, mỏng manh nhất, lại ra đời muộn nhất, rất là non trẻ. Gia Cát Lượng có thể phò tá hai cha con Lưu Bị, Lưu Thiện mà tranh hùng cùng Ngụy, Ngô, tạo lập thế chân vạc chính là chuyện không hề dễ dàng vậy.

Sử sách không ghi chép nhiều về những việc trị quốc an bang của Gia Cát Lượng. Nhưng từ những điều còn lưu truyền trong dân gian đến ngày nay cũng có thể phần nào hình dung được tài kinh bang tế thế của ông. Gia Cát Lượng cầm quân tài, trị nước cũng giỏi, cổ kim khó có người thứ hai. Ví như năm Kiến Hưng thứ 6, dù thất bại tại Nhai Đình, Gia Cát Lượng vẫn mang được hơn 1000 hộ ở Tây Thành về Hán Trung. Lại như năm Kiến Hưng thứ 12, Lượng mang quân Bắc phạt đã đồng thời lập đồn điền, cho quân Thục cày cấy cùng dân Ngụy để tự túc nguồn lương thảo tại chỗ, trăm họ sống với nhau hoàn toàn yên ổn, vô sự.

Gia Cát Lượng giỏi điều binh khiển tướng. Ông cũng là nhà quân sự có tấm lòng nhân nghĩa. Trong khi Bắc phạt, quân Thục chấp hành kỷ luật rất nghiêm minh, không phạm vào một cành cây ngọn cỏ nào của bách tính, lại cùng chung sống, cày cấy thuận hòa với trăm họ. Điều đó một phần cũng bởi tư tưởng chiến tranh tiến bộ của Gia Cát Lượng. Ông không chủ trương chỉ đánh thành, cướp đất mà muốn thu phục nhân tâm, dần dần biến người Ngụy thành dân nước Thục, xây cơ sở cho một Trung Hoa thống nhất, điều đến tận khi qua đời ông vẫn chưa một lần được nhìn thấy.

Trong “Gia Cát Lượng truyện” cũng có ghi chép về tài cầm quân, đôn đốc binh lính của Gia Cát Lượng: “Quân của ông ra vào có lễ như khách, đi đường không cướp bóc, hái củi cũng không săn bắn tàn hại muông thú, mọi chuyện hành xử như ở trong nước Thục vậy!“. Quả thực, quân Thục dưới sự chỉ huy của ông tác phong nghiêm chỉnh, sĩ khí tràn trề. Người ta nói quân đội của ông: “Lúc đóng trú thì thế tựa như núi, lúc tiến lên thì lực như gió thổi“.

Gia Cát Lượng còn nghiên cứu tinh thâm, kỳ công rất nhiều loại vũ khí. Trần Thọ trong “Tam Quốc chí” khen: “Lượng vốn tính khéo léo. Cải tiến nỏ liên châu, chế ra trâu gỗ ngựa máy, đều do một tay Lượng cả“. Thời Tam quốc, kỵ binh nước Ngụy rất tinh nhuệ. Gia Cát Lượng đã chế ra nỏ liên châu để hạn chế sức mạnh của kỵ binh. Loại nỏ này có thể bắn ra nhiều mũi tên, sức sát thương rất lớn, còn được gọi là nỏ Thôi Sơn, uy lực mạnh mẽ, được xem là binh khí hàng đầu lúc bấy giờ. “Ngụy thị xuân thu” chép rằng: “Lượng cải tiến nỏ liên châu, gọi là Nguyên nhung, lấy sắt làm tên, mũi tên dài tám tấc, mỗi nỏ bắn ra mười mũi tên một lần”.

Gia Cát Lượng cũng rất tinh thông trận pháp. Trần Thọ nhận xét Gia Cát Lượng: “suy diễn binh pháp, lập Bát trận đồ, chứa đựng tất cả tinh hoa, yếu lĩnh của Lượng”. Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, uy lực của “Bát trận đồ” chính là bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp. Hình thế của trận này dựa trên nguyên lý “Bát quái” với 8 cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Ảnh, Tử, Cảnh, Khai. Các cửa Sinh, Cảnh, Khai được gọi là “cửa cát” (cửa tốt), còn lại Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh chính là “cửa hung” (cửa xấu).

Trong một trận đồ điển hình, toàn trận có thể huy động 14 ngàn kỵ binh, cứ 50 người thành 1 đội hình, tất cả gồm 280 đội. Bộ binh có 10 ngàn người, chia đều thành 200 đội. Mỗi một đội bộ binh chiếm 10 thước trong trận đồ. Tùy theo tình hình cụ thể, “Bát trận đồ” có thể biến hóa khôn lường, làm quân địch mất phương hướng.

Bát quái trận. Ảnh dẫn theo vnmilitaryhistory.net

Ngoài ra, ở bên trong “Bát trận đồ” người ta còn có thể bố trí các loại vật liệu đặc biệt như đá, xe lương thực tạo chướng ngại vật, ngăn cản kỵ binh địch tấn công. Sau khi địch lọt vào trận, quân sĩ bên trong sẽ dùng cung, tên, mâu, kích để đả thương, tấn công địch. Trận đồ này là cơn ác mộng với các đội quân kỵ binh trang bị nhẹ.

Sau này khi Thục mất, Tấn Vũ đế Tư Mã Viêm ra lệnh cho Trần Hiệp phải “học cách Gia Cát Lượng đánh trận, lấy đó làm phép dùng binh”. Viên Chuẩn cũng nhận xét Gia Cát Lượng hành quân “đóng quân dựng trại, đào giếng bắc bếp, xây dựng nhà tiêu, rào giậu che chắn, đều nối bằng thừng, hành quân một tháng, lúc đi lúc đến đều tề chỉnh cả”.  

Sau khi Gia Cát Lượng mất ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý vào dinh trại quân Thục dò xét, thấy bày bố trước sau đều cẩn mật, chặt chẽ mới than rằng: “Người này quả là thiên hạ kỳ tài. Ta không sao bằng được!”.

Gia Cát Lượng mấy lần ra Kỳ Sơn Bắc phạt chẳng phải vì cầu danh lợi riêng cho bản thân mình mà là bởi một tấm lòng son sắt trung trinh, nhận mệnh thác cô, quyết phục hưng Hán thất. Chỉ tiếc là thời thế không chiều lòng người, mệnh Trời khó cưỡng, thành ra mấy lần xuất binh, bao nhiêu công nghiệp một sớm mà hóa thành hư ảo cả. Chính là như bài thơ kết thúc trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã nói:

“Kỳ Sơn trở ngọn cờ đào
Một tay mong chống trời cao nghìn trùng
Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng
Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa…”

Đánh Ngụy bất thành nhưng Gia Cát Lượng đã để lại một bài học lớn về chữ trung, chữ nghĩa cho hậu thế. Nghìn đời sau, người dân đất Thục hãy còn ca ngợi công tích của ông. Các thi nhân nổi tiếng như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lý Thương Ẩn… cũng đều làm thơ tán tụng, than khóc ông. Người như thế chẳng phải thường nhân vậy.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Bằng biên dịch và tổng hợp

Xem thêm:

 

Exit mobile version