Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Mộ Dung Phục không lấy Vương Ngữ Yên trong ‘Thiên Long bát bộ’?

Có thể nói trong “Thiên Long bát bộ”, Mộ Dung Phục và Vương Ngữ Yên được xem như trai tài gái sắc, trời xanh tác hợp. Nhưng vì lý do gì mà cả hai lại không thành đôi?

“Bắc Tiêu Phong, Nam Mộ Dung”, chỉ một câu đó đã đủ nói lên tiếng tăm, uy vọng của hai anh hùng này trong “Thiên Long bát bộ”. Ngoài tuyến nhân vật chính xuyên suốt cốt truyện: Tiêu Phong – Đoàn Dự – Hư Trúc, Kim Dung cũng đã dày công xây dựng nên những nhân vật vệ tinh xung quanh cũng không kém phần độc đáo.

Cô Tô Mộ Dung Phục hiện lên dưới hình ảnh một con rồng của giới võ lâm. Khi vừa bước chân vào Trung Nguyên, Mộ Dung công tử đã danh tiếng lẫy lừng, xứng danh anh hùng trong giới tuấn kiệt. Là một công tử văn võ toàn tài, Mộ Dung Phục được nhiều người ngưỡng mộ. Biểu muội của Mộ Dung là Vương Ngữ Yên với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đối với anh ta cũng trước sau ý nặng tình thâm. 

Đoàn Dự luôn tôn thờ Vương Ngữ Yên như một nàng tiên vô cùng tinh khiết, cao vời. Trong khi “Thần tiên tỷ tỷ” của anh ta lại chỉ một lòng dành tình cảm sâu sắc, chung thủy cho Mộ Dung Phục. Nàng ngày đêm dốc sức thuộc làu mọi kinh sách, bí quyết võ công trong thiên hạ với hy vọng giúp Mộ Dung Phục hoàn thiện kỹ năng của mình.

Đoàn Dự quan sát thấy nàng Ngữ Yên không rời mắt bởi một nam nhân tuấn tú, mình mặc áo bào, eo đeo trường kiếm, tướng người nho nhã, anh tuấn phi phàm, nhìn một lúc rồi cùng phải thốt lên rằng: “Mọi người nói Mộ Dung công tử là nhân trung long phượng, quả nhiên là danh bất hư truyền. Vương cô nương si mê anh ta như vậy cũng không có gì lấy làm lạ. Ta đời này kiếp này có lẽ trong mệnh đã định sẵn số khổ rồi”.

Theo lý mà nói, Mộ Dung Phục và Vương Ngữ Yên đúng là tiên đồng ngọc nữ, rất xứng lứa vừa đôi, là đôi uyên ương trời cao tác hợp, nhưng tại sao hai người lại hai người lại chẳng thể thành đôi để viết lên chuyện tình thiên cổ ngàn năm hiếm có để rồi có lúc thậm chí còn cố ý tránh xa nhau?

Tạo hình Mộ Dung Phục trong “Thiên Long bát bộ” năm 2003.

Tính cách hai người

Mộ Dung Phục bản thân là một người khôi ngô tuấn tú, bản lĩnh cao cường cho nên sống kiểu tính cách gia trưởng độc đoán. Loại tính cách này mang nhiều khuyết điểm lớn. Tính cách ấy một phần là do áp lực của gia tộc Mộ Dung, một phần là bởi chính anh ta mang trong lòng quá nhiều cao vọng (luôn muốn khôi phục lại nước Đại Yên). 

Mộ Dung Phục căn bản không biết cách quan tâm đến cảm xúc của một người con gái. Khi ở bên nhau, đều là Vương Ngữ Yên quan tâm chăm sóc anh. Ngược lại, Mộ Dung trước sau không hề làm được việc gì khiến Vương Ngữ Yên cảm động, thậm chí còn to tiếng, mắng chửi, làm cô nhiều phen phải buồn lòng. 

Mẹ của Vương Ngữ Yên

Tạo hình Vương Ngữ Yên trong “Thiên Long bát bộ” năm 2003. Ảnh: dramatictealeaves.wordpress.com

Từ nhỏ Mộ Dung Phục đã lớn lên dưới sự trách cứ của mẫu thân, dần dần hình thành lên một kiểu tính cách tự ti. Mẫu thân của Vương Ngữ Yên cũng lại luôn luôn xem thường Mộ Dung Phục. Đối với anh ta mà nói, đây là một sự đả kích vô cùng lớn. Trong mắt Mộ Dung Phục mà nói, mẫu thân của Vương Ngữ Yên cũng giống như mẫu thân của mình, là “kẻ thù tưởng tượng” trong lòng anh, là những người luôn khiến anh cảm thấy tự ti, mặc cảm. 

Vương Ngữ Yên trở thành “món đồ” trao đổi của Mộ Dung

Mộ Dung Phục là dòng dõi nước Đại Yên xưa, nay đã thất thế. Chàng nhận sứ mệnh của cha mình, hứa sẽ dùng mọi thủ đoạn để lập lại nước Đại Yên. Quyết tâm ấy của cha chàng là nguồn cơn của mọi bi kịch trong “Thiên Long bát bộ”. Mộ Dung Phục cũng không khác gì người cha của mình, dẹp tình riêng để lo phục quốc. Dù biết nàng Vương Ngữ Yên thầm yêu mình, và trong tâm thức cũng coi nàng là hồng nhan tri kỷ nhưng với Mộ Dung sự nghiệp lớn là trên hết. Chàng sẵn sàng dẹp bỏ mọi chuyện sang một bên vì một cái ảo ảnh phù hoa ấy.

Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trên vai trọng trách khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư tài mạo, cốt cách thanh kỳ nhưng không có tuổi thơ, sớm phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông. Quả là một điều đáng ân hận trong nhân gian.

Để rồi đến khi lớn lên, chàng lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được. Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến chàng phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của Mộ Dung, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” và “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẳn về hai chữ “đại nghiệp”.

Vì để phục quốc, Mộ Dung Phục bất chấp thủ đoạn, việc gì cũng dám làm. Để lấy lòng Đoàn Diên Khánh, Mộ Dung nhận ác nhân này làm cha nuôi, sẵn sàng ra tay sát hại gia thần trung thành của chính mình là Bao Bất Đồng. Cũng như vậy, vì để đạt được mục đích của mình, Mộ Dung Phục đem cả người phụ nữ của mình làm “món đồ” trao đổi. Khi biết Đoàn Dự là thế tử Đại Lý, Mộ Dung Phục thậm chí đã lấy Vương Ngữ Yên để lấy lòng Đoàn Dự, dùng nhan sắc của nàng làm con đường tắt để mình phục quốc. 

Mộ Dung Phục nuôi ý định khác

Mộ Dung Phục luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ phục quốc.

Không chỉ coi Ngữ Yên là món đồ trao đổi, Mộ Dung Phục còn muốn tìm cho mình một người vợ có thế, có quyền. Vậy nên khi nghe tin nước Tây Hạ kén phò mã, anh hùng Mộ Dung Phục lập tức đến tham gia, mong rằng có thể trở thành phò mã, để mượn binh lực Tây Hạ khôi phục Đại Yên.

Để đạt được điều đó, Mộ Dung nhẫn tâm phụ tình nàng Vương Ngữ Yên đã theo mình bấy lâu, từ chối tình yêu chân thành của nàng để đi tìm một ảo ảnh khác. Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, Mộ Dung lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ.

Mộ Dung lại cũng làm ngơ khi Vương Ngữ Yên lao mình xuống giếng trong cơn tuyệt vọng khi biết y đã quyết tâm đặt đại nghiệp lên trên tư tình. Sự việc này đã khiến cho Vương Ngữ Yên tan nát cõi lòng, bi thương tột độ, cũng may nhờ đó mà thay đổi vận mệnh của mình, bước lên một con đường mới tràn đầy may mắn. Chỉ có ở bên Đoàn Dự thì nàng mới có thể hạnh phúc vuông tròn.

Mộ Dung bề ngoài mạnh mẽ, tài hoa bên trong thực ra lại vô cùng yếu đuối, đầy khuyết điểm. Anh ta chỉ biết nhốt mình trong thế giới của ảo vọng để rồi cuối cùng thân bại danh liệt, sống đời điên dại. Mộ Dung đã trở thành “Hoàng đế” đúng như ý nguyện nhưng là Hoàng đế trong cơn hoang tưởng, trong thế giới hư ảo với y phục của phường tuồng. Quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa, cũng may là còn một a Bích bầu bạn. 

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Mộ Dung là một nhân vật đặc biệt. Y không phải kẻ ác, cũng không phải chính nhân quân tử anh hùng. Y không phải hạng kém cỏi, cũng không phải là dũng sĩ đệ nhất. Cái danh “Nam Mộ Dung” thực đã làm hại y. Trước một “Bắc Tiêu Phong”, Mộ Dung dường như lép vế hơn hẳn cả về khí khái lẫn tư chất võ công.

Nhưng điểm đáng nói nhất là, Mộ Dung phải chịu một cái kết đau đớn, thậm chí còn hơn cả những kẻ ác nhất trong “Thiên Long bát bộ”. Hãy so sánh với Đoàn Diên Khánh, đệ nhất ác nhân trong truyện. Diên Khánh tuy không thể đoạt lại ngôi Hoàng đế Đại Lý nhưng cuối đời đã có được hai chuyện tạm gọi là vui. Một là phát hiện ra mình có một đứa con trai thất lạc (Đoàn Dự), hai là rút chân mãi mãi khỏi chốn giang hồ gươm lửa. Cuộc đời ác nhân có thể nói là tạm có hậu.

Thế mà Mộ Dung Phục lại phải chịu cái kết đau đớn, đại nghiệp không thành, mất đi hồng nhan tri kỷ, xôi hỏng bỏng không, hóa điên hóa dại, mộng lớn tan như bọt nước, thực sự thống khổ. Đó cũng là một điều đáng tiếc vậy.

Minh Vũ

Exit mobile version