Đại Kỷ Nguyên

Vì sao ngày Tết người ta có tục trồng cây Nêu?

Trong văn hóa truyền thống, mỗi dịp lễ Tết người ta lại trồng cây Nêu để xua đuổi quỷ dữ. Cây Nêu được coi là biểu tượng ngăn cách giữa thiện và ác, là sự bảo hộ của Thần Phật dành cho con người. Vậy cây Nêu ra đời từ khi nào?

Sự tích kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa, khi xã hội còn mông muội hoang sơ, cuộc sống của con người vô cùng khó khăn thiếu thốn. Người chỉ lo cái ăn cái mặc còn chưa đủ, ấy vậy lại còn bị quỷ thường xuyên quấy nhiễu. Và không rõ bằng cách nào, quỷ chiếm đoạt tất cả mọi của cải, bắt người phải làm việc trên ruộng đất rồi nộp hoa màu thu hoạch được cho quỷ.

Một năm nọ, quỷ bắt người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt: “Ăn ngọn cho gốc”. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, quỷ cướp hết thóc gạo, cả cánh đồng chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Tình cảnh xương bọc da thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Quỷ thấy vậy reo cười đắc ý, còn người thì phải ăn rau dại sống qua ngày.

Từ phương Tây, Phật Đà nhìn thấy nỗi khổ của người, Ngài đã nghĩ cách giúp người thoát khỏi sự bóc lột tàn nhẫn của quỷ. Sau mùa đó, Phật dặn người không nên trồng lúa mà hãy cào đất thành luống trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng như Phật dặn. Quỷ không ngờ người đã trồng khoai lang nên cứ nêu đúng thể lệ như mùa trước: “Ăn ngọn cho gốc”.

Mùa thu hoạch ấy, quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lúc lỉu chạy về nhà của người rồi lại đổ thành từng đống lù lù trong sân, còn nhà của quỷ chỉ toàn những dây và lá khoai già cỗi. Nhưng khốn nỗi, thể lệ đã quy định, chúng đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.

Sang mùa khác, quỷ thay thể lệ mới là: “Ăn gốc cho ngọn”. Phật lại dặn người chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo người về nhà, còn rạ phó mặc cho quỷ. Quỷ tức anh ách nên mùa sau chúng tuyên bố: “Ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này quỷ nghĩ: “Cho chúng muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không tuột khỏi tay chúng ta”. Nhưng lần này Phật lại trao cho người hạt giống cây ngô để gieo trồng.

Lần này người lại có hạt giống cây ngô để gieo trồng. (Ảnh minh họa: appshopper.com)

Năm ấy, lại một lần nữa người sung sướng khi thấy công lao của mình không uổng phí. Trong nhà người thóc ăn chưa hết, từng gánh ngô đã gánh về chứa từng cót đầy ắp. Về phần mình, quỷ lại bị một vố cay chua, ức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho trồng trọt nữa. Chúng thầm nghĩ: “Thà không được gì cả còn hơn là để người ăn một mình”.

Phật bảo người điều đình với quỷ để người được sở hữu một miếng đất vừa bằng bóng chiếc áo cà sa. Nghĩa là, người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì đất ấy thuộc sở hữu của người. Quỷ nghĩ: “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu?” nên bèn nhận lời. Thế là, hai bên làm tờ giao ước: Ngoài bóng che là đất của quỷ, trong bóng che là đất của người.

Khi người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút lên mãi, lên mãi đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u bởi vì bóng của áo cà sa đã dần dần che kín khắp mặt đất. Mỗi lần bóng chiếc áo lấn dần vào đất quỷ, chúng phải dắt nhau lùi mãi, lùi mãi. Cuối cùng quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông. Vì thế người ta mới gọi là Quỷ Đông.

Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút lên mãi. (Ảnh minh hoạ: apptweak.com)

Thấy đất đai hoa màu đều thuộc về tay người, quỷ rất hậm hực, chúng bèn chiêu tập binh mã vào cướp phá. Lần này người phải chiến đấu với quân đội của quỷ với đầy đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó ngao, bạch xà, hắc hổ, v.v… rất hung dữ. Phật Đà trên không nhìn thấy, bèn cầm gậy tầm xích ngăn chặn, làm cho quân của quỷ không tiến lên được.

Sau mấy lần thất bại tơi bời, quỷ dò xét xem Phật sợ gì. Chúng nghĩ là Phật sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc, còn Phật thì biết rõ quân của quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật. Phật bảo người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vẩy khắp mọi nơi. Quân của quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của quỷ lại đem oản chuối vào ném Phật. Phật bảo người nhặt làm lương ăn rồi giã tỏi phun vào quân địch. Quân của quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần thứ ba, quân của quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném Phật, người lại tha hồ ăn. Và theo lời Phật dặn, họ dùng vôi bột vung vào quỷ, rồi lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông. Nào là quỷ già, quỷ trẻ, nào là quỷ đực, quỷ cái lũ lượt cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng dập đầu sát đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thương hại, hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết là quỷ lại vào thăm đất liền. Người bèn theo tục cũ, trồng Nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên Nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc quỷ nghe mà tránh.

Cũng trên cây Nêu có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để khiến quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm quỷ bước vào nhà.

Người theo tục cũ, trồng Nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. (Ảnh minh họa: vatgia.com)

Vì thế, trong dân gian có bài ca rằng:

Cành đa lá dứa treo cao,
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỷ vào thì quỷ lại ra,
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.

(Theo Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam)
Tâm Minh biên tập

Exit mobile version