Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người Mỹ không coi ông Donald Trump là ‘ông già 70 tuổi’?

Nhớ lại đợt tranh cử tổng thống của Hoa Kỳ, chúng ta không nhắc tới phương diện chính trị, mà nhìn ở một góc độ khác. Xét về độ tuổi, khi nhìn thấy 2 người già 70 tuổi là ông Trump và bà Hillary tranh cử tổng thống, hẳn là có gợi ý gì cho chúng ta?

Dưới đây là một góc nhìn rất độc đáo, hợp tình hợp lý, đáng để tất cả những người già đọc thật cẩn thận!

Vì sao người Mỹ phải chọn ra một người già 70 tuổi làm tổng thống?

Cuộc vận động tranh cử của hai người già 70 tuổi của Mỹ khiến mọi người không biết nên phân xử thế nào. Điều này cũng đã thu hút được sự chú ý của người dân các nước trên toàn thế giới. Trong cuộc tranh cử tổng thống này, mọi người nói rằng ông Trump miệng rộng cuối cùng đã ôm trọn con át chủ bài. Nhưng cuộc tranh cãi biết bao nhiêu tháng ngày ròng rã này đã thu hút mọi người về trạng thái sinh hoạt của người già tại Mỹ.

Phải biết rằng trong ấn tượng của hầu hết mọi người thì một người già 70 tuổi sẽ lê bước chậm chạp, ánh mắt đùng đục. Nhưng người ta lại không nhìn thấy điều này ở ông Trump và bà Hillary. Ngược lại họ vẫn tràn trề sinh lực, lập luận lô-gic rõ ràng, tư duy nhanh nhạy, đầu óc sáng suốt. Họ đã khiến vô số người trẻ phải nghiêng mình thán phục. Điều này đã khiến vô số người một cách tự nhiên đã không còn để ý đến tuổi tác của họ.

Tràn trề sinh lực, lập luận lô-gic rõ ràng, tư duy nhanh nhạy, đầu óc sáng suốt, đã khiến không ai nghĩ ông trump là một người 70 tuổi. Ảnh dẫn theo edition.cnn.com

Vì sao người Mỹ không coi họ là những người già?

Kỳ thực điều này có liên quan tới phong thái của người Mỹ. Ở Mỹ, bất cứ nơi nào cũng có thể bắt gặp những người già rất tự tin. Điều này bắt nguồn từ việc cả xã hội đối đãi rất bình đẳng với người già. Ở Mỹ nhiều đơn vị tuyển dụng cảm thấy người già thành thật, có kinh nghiệm, cảm thấy yên tâm và đáng tin cậy. Vậy nên, yêu cầu độ tuổi tuyển dụng của Mỹ chỉ có giới hạn dưới là tròn 18 tuổi, nhưng lại không có giới hạn trên. Dẫu bạn là người già 80 tuổi, chỉ cần bạn có nguyện vọng và làm việc tốt thì đơn vị tuyển dụng cũng vẫn vui vẻ để bạn trúng tuyển.

Trong nhiều thị trường, siêu thị ở Mỹ, những người già 70, 80 tuổi thường sánh vai cùng với những người trẻ. Họ cũng có thể làm thu ngân như nhau. Một cụ bà 90 tuổi tại thị trấn Dawell, bang New Jersey hàng ngày lái xe đi làm đều đặn ở công ty của con trai. Quan điểm của bà là:

“Chỉ cần trong tâm bạn không có nếp nhăn, thì tâm thái cũng sẽ giống người trẻ mà thôi!”

Trong những chuyến bay nội địa của Mỹ, phục vụ viên trên máy bay không giống với những nơi khác là những “nữ tiếp viên hàng không” mảnh mai, trẻ trung, xinh đẹp. Họ là những “chị tiếp viên hàng không”, “thím tiếp viên hàng không”, “chị cả tiếp viên hàng không ” cao lớn, mạnh khỏe!

Người dẫn chương trình trong đài truyền hình và trong các tiết mục truyền hình của Mỹ rất ít người trẻ tuổi. Người dẫn chương trình của đài truyền hình thuộc thành phố Norwalk, bang Connecticut đã hơn 80 tuổi. Nhưng khán giả rất hào hứng với tiết mục của ông. Họ nói rằng ông ấy lão luyện, giàu kinh nghiệm, nói chuyện rất tự tin, khiến người ta không khỏi tín phục.

Tiếp viên hàng không Mỹ. Ảnh dẫn theo dy.163.com

Nhận thức phổ biến của người Mỹ là hơn 70 tuổi mới được xếp vào hàng ngũ những người già

Trong tâm lý của quá nửa những người Mỹ ở độ tuổi 80 vẫn không cho rằng mình đã già. Dẫu cho họ ốm phải nằm liệt giường, họ cũng không cho rằng vì tuổi già sức yếu nên họ mới mắc bệnh.

Ở Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác, rất nhiều người khi còn trẻ thì dốc sức làm việc với mục đích là sau này có thể hưởng thụ tuổi già thanh nhàn. Rất nhiều người ở độ tuổi 50 đã chớm tiến vào trạng thái nghỉ hưu. 

Khi còn trẻ thì nỗ lực cả một đời dưỡng dục con cái trưởng thành, nhưng tới khi về già lại bận rộn vì chăm bẵm cháu chắt. Có không ít những người làm cha mẹ vẫn loanh quanh trong vòng luẩn quẩn đó mà không thể nào thoát ra được. Nhiều người đã coi con cái là điều quan tâm duy nhất trong cuộc đời, vì vậy mà khép lại cánh cửa giao tiếp với xã hội, cũng bỏ lỡ niềm đam mê sở thích của chính bản thân mình.

Nhưng ở những nước Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, người già không có nghĩa vụ phải giúp con cái trông con. Họ quan niệm rằng: “Con mình mình nuôi, và người già có công việc và cuộc sống của người già”.

Người già có công việc và cuộc sống của người già. Ảnh dẫn theo bgu.benefitgeek.com

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng thái độ sống của người già Trung Quốc, Việt Nam và người già Âu, Mỹ, Nhật, Hàn hoàn toàn khác nhau, trạng thái tinh thần cũng khác nhau. Trong những ngôi nhà cô quạnh vắng bóng con cái ở Trung Quốc, người già rất dễ mắc bệnh tinh thần. Nhưng ở Âu, Mỹ, Nhật, Hàn thì tỷ lệ này nhỏ hơn rất nhiều. Cũng là bởi phương thức sống, quan niệm và tư tưởng ở mỗi nơi là khác nhau.

Có rất nhiều người già, họ không thiếu một chế độ dưỡng lão đầy đủ mà là thiếu một nhân sinh quan tích cực, yêu đời. Vậy nên, điều cần thay đổi ở đây, chính là nhận thức của mỗi từng người về ‘tuổi già’, và nhận thức của cả một xã hội.

Nếu một xã hội đều có thể đối đãi công bằng, đều thừa nhận, tôn trọng và quan tâm tới người già thì các ông bà, cha mẹ của chúng ta sẽ luôn tràn trề thanh xuân và sức sống.

Theo NTDTV
Hiểu Liên

Exit mobile version