Trong lịch sử lập quốc của Mỹ, có một vị tướng quân dù đại bại nhưng vẫn được ngưỡng mộ và tôn kính. 

Hành trạng đời ông đã góp phần hàn gắn nước Mỹ vốn chia rẽ nặng nề sau cuộc Nội chiến Nam Bắc. Đó là tướng quân Robert Edward Lee, vị tướng quân bại trận được người Mỹ yêu mến.

1. Dòng dõi danh tướng, tài năng quân sự tốt nghiệp từ Westpoint

Robert Edward Lee (19/1/1807 – 12/10/1870) là Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). 

Robert E. Lee được công nhận như một trong những tướng quân tài năng nhất của nước Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi danh tướng thực thụ và có truyền thống về quân sự. 

Cha ông là cựu Thống đốc bang Virginia, Thiếu tướng Henry Lee đệ tam (1756–1818), biệt hiệu “khinh kỵ Harry”, là một trong những danh tướng hàng đầu của nước Mỹ thời lập quốc. Lữ đoàn khinh kỵ binh do chính cha ông thành lập và chỉ huy là một binh đoàn xuất sắc với nhiều chiến công. Cha ông đã chiến đấu trong rất nhiều trận đánh với người Anh, Pháp cho đến bình định các cuộc tạo phản và sau này trở thành thống đốc bang Virginia.

Là con của danh tướng, đương nhiên Robert Lee đã gia nhập con đường binh nghiệp từ trẻ. Ông là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Trường Võ bị West Point và tốt nghiệp Á khoa vào năm 1829 với không một môn nào bị điểm xấu. Lee đã bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình ngay sau khi rời West Point, tham gia vào chiến tranh Mỹ – Mexico và sau đó trở thành hiệu trưởng trường West Point năm 1852.

2. Nội chiến Nam Bắc: Đại tướng Liên quân miền Nam

Nội chiến Hoa Kỳ, hay còn gọi là cuộc “Chiến tranh giữa các Tiểu bang” (War between the States) tuy chỉ kéo dài 4 năm (1861 – 1865) nhưng là cuộc chiến lớn nhất từng xảy ra trên lục địa Bắc Mỹ và cũng là cuộc chiến thương vong nhiều nhất sau ngày lập quốc. Chỉ trong vòng 4 năm ấy, đã có hơn 600.000 binh lính tử trận, chưa kể tới thường dân – một con số khủng khiếp cho một thời đại mà súng máy và bom chưa ra đời.

Điều thú vị là tướng Lee vốn không phải được phe miền Nam chọn làm Đại tướng thống lĩnh ngay từ đầu, mà chính Tổng thống Lincoln là người đã mời Lee làm chủ tướng cho miền Bắc. Đầu năm 1861, Lee phản đối Virginia ly khai chính phủ, nhưng đồng thời khước từ lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln thống lĩnh quân đội Liên bang miền Bắc. Sau đó, Lee quyết định theo ủng hộ quân nhà, ban đầu chỉ làm cố vấn quân sự cho Tổng thống miền Nam Jefferson Davis. Tháng 6 năm 1862, Lee nhận chỉ huy các đội quân Liên minh miền Nam tại mặt trận miền Đông, kết hợp các đơn vị và trực tiếp chỉ huy binh đoàn Bắc Virginia tinh nhuệ.

Tranh vẽ tướng Lee cùng đội quân của mình. (ảnh: cellcode.us)

3. Chiến công liên tiếp, tung hoành chiến trường miền Bắc

Chuỗi trận 7 ngày, bảo vệ thủ đô miền Nam

Đây là chuỗi trận đánh gồm 6 trận kịch liệt diễn ra trong 7 ngày từ 25/6 đến 1/7 năm 1862 ở gần Richmond, Virginia trong Nội chiến Hoa Kỳ.

Tướng Robert E. Lee chỉ huy 92.000 binh sĩ quân miền Nam tiến ra chặn đánh binh đoàn Potomac danh tiếng gồm 104.000 quân của tướng miền Bắc George B. McClellan đang tiến chiếm thủ phủ Liên minh miền Nam. Sau 6 trận đánh trong 7 ngày, tướng Lee chiến thắng. Quân miền Bắc bị đánh bật ra khỏi vùng Richmond và phải rút khỏi bán đảo Virginia. 

Sau 7 ngày chiến đấu, tướng McClellan kéo quân miền Bắc chạy thoát an toàn về sông James, tổn thất gần 16.000 binh sĩ. Bên kia, tướng Lee phá được chiến dịch tấn công của McClellan nhưng mất hơn 20.000 quân. Ông tin rằng McClellan sẽ không thể đe dọa Richmond được nữa, nên đã quyết định kéo quân đánh lên miền Bắc trong 2 chiến dịch Bắc Virginia (Bull Run thứ 2) và Maryland.

Chiến dịch Bull Run thứ 2, lừng danh binh đoàn Bắc Virginia

Binh đoàn Bắc Virginia có thể coi là đoàn quân quan trọng nhất của Liên quân miền Nam thời Nội chiến Nam Bắc Mỹ. 

Robert Edward Lee là người chỉ huy cuối cùng của binh đoàn này, ông đã đưa binh đoàn thực hiện thành công chiến dịch Bull Run thứ 2, có thể coi là chiến thắng vinh quang nhất của Lee cũng như của binh đoàn Bắc Virginia.

(Ảnh: flickr.com)

Trận Bull Run thứ 2 diễn ra từ ngày 28 đến 30 tháng 8 năm 1862. Tướng Robert E. Lee dẫn 50.000 quân của binh đoàn Bắc Virginia của Liên minh miền Nam tấn công binh đoàn Virginia đông hơn 62.000 quân của Liên bang miền Bắc do tướng John Pope chỉ huy tại Bull Run. Quân Liên minh trong trận này đã làm nên một trong những chiến thắng lớn nhất của cuộc nội chiến, bảo vệ được nền độc lập của Liên minh miền Nam.

Ngay sau khi đợt tấn công đầu tiên của quân đoàn V do tướng Fitz John Porter chỉ huy bị pháo binh miền Nam dập tắt, 5 sư đoàn bộ binh gồm 25.000 quân do tướng Longstreet chỉ huy đánh tràn sang đội ngũ quân miền Bắc. Đây là cuộc tấn công biển người lớn nhất của Nội chiến Hoa Kỳ. Sườn trái của quân miền Bắc bị đánh tan tác, cả binh đoàn phải bỏ chạy về sông Bull Run. Tướng Pope phải khó nhọc lắm mới kéo quân rút được về đến Centreville. 

Chiến thắng tuyệt vời này đã đưa Lee trở thành một danh tướng với chiến thuật xuất sắc. Trước tài cầm quân của ông, phe Liên bang cảm thấy nghi ngờ về khả năng của các tướng lĩnh của mình cũng như cơ hội tận diệt phe Liên minh.

4. Hào quang chiến thắng tàn phai

Đại bại Antietam

Thừa thế cuộc đại thắng Bull Run lần 2, Lee mang quân Bắc tiến nhưng lại phải hứng chịu thất bại lớn đầu tiên trong trận Antietam. Chiến bại này là bước ngoặt chiến tranh; cùng một số chiến bại lớn khác, nó đã dẫn đến sự đầu hàng của miền Nam sau này.

Trận Antietam hay còn gọi là Antietam Creek là một trận đánh quan trọng trong chiến dịch Maryland vào ngày 17/9/1862 tại con rạch Antietam gần Sharpsburg, Maryland. 

Đây là trận đánh lớn đầu tiên diễn ra trong lãnh thổ thuộc Liên bang miền Bắc Hoa Kỳ và mức độ khốc liệt của nó cũng rất nổi tiếng vì chỉ trong một ngày mà gần 23.000 binh sĩ (trong đó có hơn 1 vạn người ở mỗi bên) đã bị thiệt mạng hay tàn phế. Mặc dù trận đánh này xếp thứ 4 trong danh sách 10 trận chiến khốc liệt nhất của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nhưng mức độ kinh hoàng của nó lại vượt hơn tất cả. Ngày 17/9/1862 là ngày đẫm máu nhất trong cuộc Nội chiến và cũng đẫm máu nhất trong toàn lịch sử quân sự Hoa Kỳ và cả Bắc Mỹ cho đến tận ngày nay (thậm chí còn kinh hoàng hơn cả trận đổ bộ Normandie vào năm 1944 trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Trận Antietam trong chiến dịch Maryland. (Ảnh: thoughtco.com)

Đại bại Gettysburg

1/7/1863, Thiếu tướng Meade đem quân ngăn chặn quân của tướng Lee từ miền Nam lên. Hai bên dàn trận tại Gettysburg. 

3/7, ngày thứ ba của trận đánh, trong khi kỵ binh hai bên đánh xáp lá cà tại một số nơi ở phía đông và nam, tướng Lee quyết định xua 12.500 quân bộ binh miền Nam mở cuộc tấn công của Pickett vào trung tâm của đội hình quân miền Bắc. Nhưng cả đoàn quân bị miền Bắc đem súng và đại bác ra bắn tan tành. Lee phải rút quân chạy về Virginia.

Trận đánh tại Gettysburg là trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tổng cộng thương vong của hai bên lên đến khoảng 45-50 ngàn binh lính.

(Để biết kết cục của tướng Lee và lý do vì sao ông được người Mỹ tôn kính, xin mời quý vị đón đọc phần 2).

Tĩnh Thuỷ

Bạn đang đọc bài viết: “Vì sao người Mỹ lại tôn kính vị bại tướng này (P.1)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||f868b7394__