Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người xưa gọi hoa mẫu đơn là ‘quốc sắc thiên hương’?

Hoa mẫu đơn đóa lớn rực rỡ lạ thường, hương thơm áp đảo mọi loài hoa khác. Vì vậy người ta còn gọi là “bách hoa vương”.

Mẫu đơn là loài hoa cảnh có lịch sử phát triển lâu đời, có nhiều chủng loại. Trong “Hoa kính” có ghi lại 131 loài, trong “Quần phương phả” ghi có hơn 180 loài, còn trong cuốn “Bặc Châu mẫu đơn biểu” của Bạch Phụng Tường người đời Minh đã liệt kê ra 269 loại, chia thành 6 loại lớn là: thần phẩm, danh phẩm, linh phẩm, dật phẩm, năng phẩm, cụ phẩm. Người xưa cho rằng loài mẫu đơn có vị trí cao nhất là hai loài có màu vàng và tím, gọi là “diêu hàng ngụy tử”. Hoa mẫu đơn nở rất lâu khoảng 20 ngày mới tàn, từ đầu tháng 4 đến thượng tuần tháng 5.

Hoa mẫu đơn. Ảnh theo (caycanhthanglong.vn)

Một danh xưng khác của mẫu đơn là “hoa phú quý”, bắt nguồn từ câu “mẫu đơn, hoa phú quý” trong cuốn “Ái liên thuyết” của Chi Đôn Di đời Tống. “Lạc Dương mẫu đơn giáp thiên hạ” (hoa mẫu đơn ở Lạc Dương đứng đầu trong thiên hạ), dường như đó đã là câu nói mọi cửa miệng của mọi người. Vì vậy mẫu đơn còn được gọi là hoa Lạc Dương.

Lạc Dương là thủ phủ ở thời Tống, rất trù phú giàu có. Lạc Dương ở thời đó, cứ mỗi khi mùa hoa tới, người trong khắp cả nước lại kéo tới ngắm mẫu đơn, làm thơ về mẫu đơn, cảnh tượng vô cùng sôi động. Cho nên cứ mỗi mùa mẫu đơn nở, cả thành phố Lạc Dương dường như đắm chìm trong bộ áo rực rỡ khiến cho ai bước chân qua đây đều say đắm ngây ngất.

Vậy tại sao cổ nhân lại gọi mẫu đơn là “quốc sắc thiên hương”?

Theo ghi chép trong ‘Tùng Song tạp lục’ của Lý Tuấn đời Đường, Trình Tu Kỷ người Kỷ Châu thời nhà Đường là một họa sĩ nổi tiếng được vua Đường Văn Tông trọng dụng. Ông theo học vẽ của họa sĩ nổi tiếng Chu Phưởng Tập rất nhiều năm, và đã học được những bí quyết tinh xảo về hội họa. Trình Tu Kỷ đặc biệt có tài vẽ tranh sơn thủy, trúc, đá và hoa cỏ chim muông, nhân vật… nên được mời vào cung làm họa sĩ trong cung đình.

Họa sĩ vẽ hoa mẫu đơn. (Ảnh theo baomoi.com)

Có một lần vào cuối mùa xuân, khi vua Đường Văn Tông cùng Dương Phi đang thưởng hoa. Văn Tông liền hỏi Tu Kỷ: “Hiện nay trong kinh thành bài thơ vịnh mẫu đơn nào là hay nhất, đó là bài thơ của ai?”. Trình Tu Kỷ tâu rằng câu thơ “Quốc sắc triêu hàm tửu, thiên hương dạ nhiễm y” (sắc nước thấm rượu sáng, hương trời nhuốm áo đêm), của Lý Chính Phong là nổi tiếng nhất. Từ đó, mẫu đơn đã có một danh xưng rất hay là “quốc sắc thiên hương”.

Hai câu thơ này miêu tả một cách tinh tế và sinh động về tư chất của hoa. Dùng “thiên hương” để nói về hương thơm như hương khí từ trên tiên giới truyền xuống nhân gian của mẫu đơn. Dùng “quốc sắc” để ví sự mềm mại, hấp dẫn, đáng yêu của hoa cũng giống như gò má ửng hồng e lệ của người con gái khi uống rượu say. Quả thật tư chất hương thơm và hình dáng mềm mại của mẫu đơn đúng là toát lên những điều đó. Đây cũng là lý do sau này mẫu đơn được mệnh danh bằng danh xưng tao nhã “quốc sắc thiên hương”. 

Theo “Thần nông bản thảo kinh“, từ thời kỳ Tần Hán nhờ những đặc tính y học tuyệt vời, mẫu đơn được xem như một loại dược thảo chữa bệnh và mang ý nghĩa “sự e lệ” .

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những khả năng kỳ diệu lạ thường của cây hoa mà người ta đã lưu truyền trong dân gian. Dược tính của mẫu đơn chủ yếu ở rễ và hạt. Rễ cây có tính kháng sinh, giúp giảm đau, trị bỏng, làm giảm huyết áp, giúp trẻ mọc răng, chữa bệnh vàng da, dị ứng, thận…Hạt hoa từng được xem như một loại gia vị thông dụng.

Tập tục một số nơi còn tin rằng nếu đeo một vòng cổ kết bằng hạt mẫu đơn, bạn sẽ tránh được các bệnh như hủi, động kinh, mất trí và nó còn xua tan những cơn ác mộng, như một lá bùa hộ mạng bảo vệ người ta chống lại ma quỷ hay những thế lực của bóng đêm.

Vào thời Nam Bắc triều, họa sĩ nổi tiếng thời Bắc Tề có tên Dương Tử Hoa bắt đầu đưa mẫu đơn vào tác phẩm của mình, cũng từ đó mẫu đơn chính thức xuất hiện trong các tác phẩm hội họa nghệ thuật. Đến thời đại nhà Tùy, Tùy Dưỡng Đế đã cho trồng mẫu đơn trong Tây uyển của mình ở thành Lạc Dương, cũng từ đó mẫu đơn bước vào vườn thượng uyển của hoàng gia, nâng cao giá trị chiêm ngưỡng vốn có của mình.

Bách tính triều đại nhà Đường rất yêu thích hoa mẫu đơn. Mẫu đơn không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm hội họa, người dân coi hoa là biểu tượng của sự hưng thịnh nên ai cũng yêu thích trồng và chăm sóc mẫu đơn trong vườn nhà. Trong bài thơ “Thưởng mẫu đơn”, Lưu Vũ Tích nhà thơ đời Đường có viết: “Duy hữu mẫu đan chân quốc sắc. Hoa khai thì tiết động kinh thành“, tạm dịch: Duy chỉ có hoa mẫu đơn thật sự là quốc sắc, thời gian khi hoa nở kinh động tới khắp cả kinh thành.

Trong bài thơ “Mẫu đan phương”, Bạch Cư Dị viết: “Hoa khai hoa lạc nhị thập nhật. Nhất thành chi nhân giai nhược cuồng“. Tạm dịch: Thời gian mẫu đơn nở rồi tàn chỉ trong hai mươi ngày, dường như người dân trong thành thưởng hoa ngưỡng mộ tới mê hoặc.

Đến triều đại nhà Tống ngoài xuất hiện trong các tác phẩm thơ ca và hội họa, còn bắt đầu xuất hiện những loại sách chuyên viết nghiên cứu và ghi chép về hoa mẫu đơn. Ví dụ như cuốn “Lạc Dương mẫu đơn ký” của Âu Dương Tu, “Thiên bành mẫu đơn phổ” của Long Du…

Tranh vẽ hoa mẫu đơn. (Ảnh theo emdep.vn)

Đến đời nhà Minh, mặc dù đã dời kinh đô về Bắc Kinh, mẫu đơn vẫn đặc biệt được trồng trong “Kỳ dược tự“, và cũng được lựa chọn nghiên cứu trong các cuốn sách “Mẫu đơn hoa phổ“, “Bặc Châu mẫu đơn sử“. Lúc này An Huy là địa phương trồng mẫu đơn nổi tiếng trong nước.

Mẫu đơn chính thức trở thành quốc hoa vào thời nhà Thanh, và cũng xuất hiện trong các tác phẩm nổi tiếng chuyên nghiên cứu viết về mẫu đơn như “Tào Châu mẫu đơn phổ” và “Quảng quần phương phổ”.

Mẫu đơn đã hấp dẫn mọi người bởi tư chất đặc biệt của mình, cũng dần dần đi sâu vào quan niệm của mọi người, trở thành biểu tượng của may mắn. Nếu danh xưng “quốc sắc thiên hương” của mẫu đơn xuất phát từ vẻ đẹp đặc biệt của nó, thì ngụ ý trong cách gọi “hoa vương”, “phú quý hoa” đã vượt khỏi giới hạn thẩm mỹ. Các nhân văn nho sĩ thường lấy mẫu đơn đặt tên cho vường hoa, thư phòng của mình, như Chu Tất Đại thời Tống có “Thiên Hương Đường”, Chu Vương thời Minh có “Quốc Sắc Viên”. Phụ nữ đời Đường thường  cài mẫu đơn lên tóc để làm đẹp.

Theo soundofhope.org
Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version