Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người xưa lấy việc hiếu thuận với song thân làm tiêu chuẩn lựa chọn nhân tài?

Lý Cao là người sống vào triều đại nhà Đường, tự là Tử Lan, thời trẻ nhậm chức Tào tham quan, về sau thăng nhậm chức Mật thư thiếu giám. Ông nổi tiếng là người hiếu thuận, phụng dưỡng mẹ già rất ân cần chu đáo.

Vào những năm đầu Thượng Nguyên, kinh thành xảy ra nạn hạn hán, giá gạo tăng cao, chết đói rất nhiều người. Lý Cao thấy lương bổng của mình không thể nuôi sống được gia đình nên xin được đảm nhiệm chức quan nào đó ở bên ngoài, nếu vậy bổng lộc có thể sẽ nhiều hơn một chút. Nhưng bởi sau này phạm một vài sai sót nhỏ nên bị giáng chức thành Trưởng sử Ôn Châu.

Những năm đó, mùa màng thu hoạch ở vùng Ôn Châu cũng không được khá lắm, nhưng do tích lũy từ vài năm trước nên kho cũng có vài trăm nghìn hộc. Lý Cao bèn muốn lấy chúng ra để cứu tế người dân nhưng quan lại dưới trướng lại khuyên ông hãy đợi hoàng thượng giáng chỉ rồi hẵng thực hiện.

Lý Cao nghe vậy liền đùng đùng nổi giận: “Con người ta nếu mấy ngày không ăn cơm thì sẽ phải chết đói mất, làm gì có thời gian để chờ đợi mệnh lệnh! Nếu như giết một mình ta mà có thể cứu được mạng sống của hàng mấy nghìn người, nếu được vậy thì không còn chuyện gì có ý nghĩa hơn nữa“. Thế là bèn tự mình mở kho lương cứu tế người dân, và sau đó ông lại dâng tấu vạch tội chính mình. Hoàng đế sau khi xem xong, không những không trách phạt mà còn khen ngợi ông thật biết yêu thương dân chúng, thăng cho làm Thiếu phủ giám.

Hiếu thuận cha mẹ (Ảnh minh họa: nguồn internet)

Một năm nọ, nhân trời tiết mát mẻ, Lý Cao dẫn theo vài tùy tùng đến những huyện chung quanh thị sát, thì bất ngờ bắt gặp một bà lão đầu tóc bạc phơ, đang đứng khóc lóc thảm thiết. Lý Cao cảm thấy bà lão rất tội nghiệp, liền bước tới hỏi nguyên do.

“Lão có hai người con trai là Lý Quân và Lý Ngạc. Hai người họ đã làm quan bên ngoài được hơn hai mươi năm nhưng đều chưa từng thấy trở về. Lão đã tuổi cao sức yếu, không thể tự nuôi sống mình được nữa nên khóc cho cái số phận khốn khổ của mình“, bà lão vừa nói vừa lấy tay gạt nước mắt.

Lý Cao nghe xong, tức giận nói: “Ở nhà cần phải hiếu thuận song thân, ở ngoài cần phải kính trọng trưởng bối thì mới có thể nên người. Phẩm hạnh giống như hai huynh đệ này, làm sao có thế đảm nhận những chức vụ quan trọng ở triều đình được?” Thế là bèn đem việc này tâu lên triều đình. Kết quả Lý Quân, Lý Ngạc đều bị bãi chức, đuổi về quê quán, không cho phép quay trở lại kinh thành.

Ngô Mãnh đời nhà Tấn, thản nhiên cởi áo cho muỗi đốt để cha mẹ được ngon giấc. (Ảnh: Wiki)

“Hiếu thuận cha mẹ” là một loại mĩ đức trong văn hóa truyền thống, cũng là một loại lý luận quy phạm. Người xưa vì sao lại coi trọng “đạo hiếu”, lại còn giảng “trăm thiện hiếu đứng nhất” như vậy? Bởi vì “hiếu” và “tu thân” có quan hệ mật thiết với nhau, một người con có hiếu tất sẽ có một trái tim thiện lương mà đây lại là tố chất cần phải có trong đối nhân xử thế bởi trong đó còn bao hàm rất nhiều phương diện mĩ đức khác như: cảm ân, báo ân, không quên nguồn cội, tôn kính bề trên, suy nghĩ cho người khác.

Thử nghĩ, nếu như đối đãi với cha mẹ của mình đều không thể lấy thiện tâm để đối đãi, thì làm sao có thể thật sự thiện đãi người khác đây? Làm sao có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được đây? Vậy nên bắt đầu từ thời nhà Hán, triều đình liền lấy “hiếu liêm” (hiếu thuận song thân, liêm khiết chính trực) làm phương diện khảo hạch quan trọng để tuyển chọn nhân tài. Lý Cao chính là bởi có một hiếu tâm thiện tâm chân thành, vậy nên ông mới có thể đối đãi với tất cả mọi người giống như đối đãi với cha mẹ mình vậy. Có lẽ đây chính là nguyên nhân ông có thể không tiếc hy sinh tính mệnh bản thân và gia đình mà kiên quyết cứu tế người dân chăng?

Bồi dưỡng một trái tim lương thiện, mở rộng tình cảm cá nhân thành lòng thương người, bắt đầu từ việc thiện đãi người thân bên cạnh, thiện đãi hết thảy mọi người xung quanh, lấy đây làm chuẩn tắc đối nhân xử thế, có thể đây chính là mục đích thật sự mà người xưa coi trọng “hiếu đạo” vậy.

Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version