Đại Kỷ Nguyên

Vì sao người xưa luôn giữ lời hứa, đã nói là làm bất kể nguy hiểm tính mạng?

Chữ Tín là một trong những nguyên tắc làm người của người xưa, muốn đứng thẳng được ở trên đời, tất phải trọng chữ Tín, dẫu có mất mạng cũng phải giữ lời. Đó xem ra là một điều khó khăn đối với người thời nay, nhưng lại là điều làm nên giá trị một con người ở thời xa xưa.

Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép, thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương có hai gia tướng thân cận là Yết Kiêu và Dã Tượng rất trung thành và luôn giữ lời hứa. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên năm 1288, trước thế giặc mạnh phải rút lui, Hưng Đạo Vương đã dẫn quân đi qua Bái Tân và từ đó định lui thật nhanh về Vạn Kiếp khi địch đang ồ ạt truy kích sát sau lưng.

Trong lúc nguy cấp, Dã Tượng bẩm rằng, Vương đã dặn Yết Kiêu đợi ở Bái Tân thì cứ vào đó để đi đường thủy an toàn hơn. Trần Hưng Đạo ngần ngại không biết liệu Yết Kiêu còn đợi không vì các tướng khác đã rút hết rồi, Dã Tượng khẳng định: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền”.

Hưng Đạo Vương tới Bái Tân, quả nhiên thấy chỉ còn một mình thuyền Yết Kiêu vẫn neo đợi ở đó, liền vui mừng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”. Ý nói rằng, người tướng tài giỏi, lập được công trạng lớn, làm thành đại sự ở trên đời, cũng là phải nhờ có bề tôi ra sức phò tá, nếu chỉ có một mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn được.

Lòng trung và chữ Tín nặng tựa Thái Sơn của Yết Kiêu phải thuyết phục thế nào thì Dã Tượng mới kiên quyết khẳng định được trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc như vậy. Đây là việc liên quan tới thành bại, sống chết, hơn nữa lại là tính mạng của bậc quân chủ, nhưng Dã Tượng vẫn một mực khuyên vua tin Yết Kiêu, cho thấy sự đáng tin cậy của vị tướng này. Trong hoàn cảnh quân giặc thế mạnh, các tướng đều đã rút quân, nhưng chỉ vì một lời hứa, Yết Kiêu vẫn neo thuyền đợi vua bất chấp nguy hiểm. Đó chẳng phải chữ Tín còn quan trọng hơn cả tính mạng bản thân sao?

Yết Kiêu yết kiến vua Trần Nhân Tông (ảnh: Baiviet).

Chẳng vậy mà Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là người mà không giữ chữ tín thì không biết có thể thành người được không? 

Trong các bộ truyện nổi tiếng Trung Hoa như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử… cũng có nói về nghĩa khí của người xưa. Dù ở thời đại nào, tất cả đều chung một nội dung: luôn giữ lời hứa, đã nói là làm.

Khi Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi kết nghĩa vườn đào đã thề rằng, kết nghĩa huynh đệ để báo quốc, an dân, dù không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày. Sau đó ba người đã cùng sống với nhau như anh em ruột.

Khi xét việc ba quân, Lưu Bị ngồi giữa, Quan Vũ và Trương Phi ngồi hai bên, luôn đồng lòng cùng nhau. Khi Quan Vũ bị hại, Lưu Bị đã dốc quân báo thù Đông Ngô, kết quả thất bại và mất cả tính mạng. Tình nghĩa anh em đã thực hiện đúng như lời hứa hôm nào.

Quan Vũ đồng ý đi theo Tào Tháo, nhưng vẫn một lòng hướng về Lưu Bị. Tào Tháo khi biết tin Quan Vũ trốn đi để về với Lưu Bị không những không tức giận mà còn ngăn quân lính để cho Quan Vũ đi bởi nể trọng tình nghĩa của Quan Vũ. Trong khi ở với Tào Tháo, Quan Vũ đã được đối đãi rất tốt, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, ban cho rất nhiều vàng bạc, mỹ nữ. Quan Vũ đưa những người đẹp này đến phục vụ các chị, vàng bạc thì để vào kho. Mặc dù điều kiện tốt như vậy, nhưng khi nghe tin Lưu Bị, Quan Vũ lập tức treo ấn, phong tỏa ngân khố, đưa hai chị đi tìm Lưu Bị. Nếu không nhờ có Tào Tháo lệnh cho quân lính nhường đường, thì Quan Vũ khó có thể thoát ra ngoài và lưu lại muôn đời danh tiếng “Nghĩa bạc vân thiên” (Nghĩa che mờ cả mây trời).

Quan Vũ (ảnh: Lovepik).

Lưu Bị ba lần tới nhà tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi để phụ tá ông. Gia Cát Lượng sau đó đã dốc toàn tâm toàn ý, trung thành với Lưu Bị. Cũng biết thiên hạ do Trời định, nước Thục không thể diệt được Tào Tháo, nhưng Gia Cát Lượng vẫn xuống núi cùng Lưu Bị để không phụ lòng ông ba lần tới tận nơi để chiêu mộ người tài. Gia Cát Lượng đã giữ được trọn chữ “Nghĩa”.

Thời Nam Tống có Nhạc Phi đã xăm lên lưng bốn chữ “Tận trung báo quốc”, mặc dù Nhạc Phi bị Tần Cối sát hại, trước khi chết hai ngày, ông đã viết 8 chữ “Đạo Trời sáng tỏ, đạo Trời sáng tỏ”. Lời nói của ông như tiếng nói của chính nghĩa còn vang vọng mãi, một đời trọng Nghĩa và thực hiện lời hứa “tận trung báo quốc” không có gì phải hổ thẹn, dù có phải chết thì Nhạc Phi vẫn tin rằng Trời đất thấu hiểu chữ Tín – Nghĩa mà mình đã bảo hộ suốt đời. 

Truyện Thủy Hử thể hiện nghĩa khí của các anh hùng hảo hán trong giang hồ, nhưng cũng đã diễn tả được tinh thần trượng nghĩa của con người thời xưa, tất cả họ đều là những người biết giữ lời hứa, đã nói là làm. Là những con người tài ba bị xã hội chèn ép, họ phải lưu bạt nơi giang hồ. Nhưng trên hết họ đều là những con người tốt bụng, giúp đỡ dân nghèo và không chống lại triều đình. Tống Giang một mực chờ đợi Triều đình chiêu an để lập lại danh phận. Cả 108 vị hảo hán đã phong Tống Giang làm người thủ lĩnh, đều nghe theo lời của ông. Một con người biết giữ chữ tín đã quy tụ được 108 vị hảo hán dưới chân mình, họ là những con người không tham quyền cao chức trọng, chỉ cần được lưu danh sử sách về nghĩa khí của mình.

Ngày nay, chúng ta mỗi khi gặp vấn đề cần phải lựa chọn đều có thể học theo những tấm gương anh hùng khi xưa. Lý giải  hàm nghĩa của Tín Nghĩa và hành vi của người xưa, phải dựa trên văn hóa khiêm cung nghìn năm, chứ không phải bằng việc xem xét cân nhắc lợi hại của bản thân. Bởi người xưa tin rằng mọi việc mình làm, nếu lệch với đạo Trời sẽ phải nhận hậu quả và không xứng làm người trên cõi đời. Đạo của Trời Đất là hy sinh, cống hiến cho muôn loài không cần báo đáp. Thiên Địa cũng lại có quy luật nhân quả báo ứng công bằng không chừa một ai. Thế nên làm người thì phải đường đường chính chính, một việc nhỏ cũng không thể để cho phải hổ thẹn. Bởi “Đạo Trời sáng tỏ, đạo Trời sáng tỏ” cả thôi!

Quỳnh Chi

Exit mobile version