Đại Kỷ Nguyên

Vì sao nhà Trần có thể chiến thắng cả triệu quân Nguyên Mông? (P.1): Đại Việt được Thần Phật bảo hộ

Ảnh minh hoạ: Đại Kỷ Nguyên.

Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, dân tộc ta ghi dấu vào lịch sử thế giới với những chiến công nổi tiếng chống lại các kẻ thù mạnh nhất thế giới. Trong đó, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh Đại Việt, tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Một quốc gia bé như cái nắm tay, dân số chưa đến 10 triệu mà đập tan ba cuộc xâm lược của đế quốc mạnh nhất thế giới mọi thời đại. Điều này làm dấy lên rất nhiều hứng thú trong giới sử học, với rất nhiều công trình nghiên cứu về lý do làm nên chiến thắng này. Hôm nay, người viết mạo muội chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chiến thắng oanh liệt kia, ngõ hầu làm phong phú thêm nhận thức của độc giả.

Phần 1: Đại Việt – nơi được Thần Phật lựa chọn để bảo tồn Chính Pháp

“Đoạt sáo Chương Dương Độ

Cầm Hồ Hàm Tử Quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san”.

Dịch nghĩa:

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy ngàn thu”.

(Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải).

Bài thơ vỏn vẹn bốn câu, nhưng chứa đầy tự hào của Thái Sư Trần Quang Khải khi ca khúc khải hoàn về kinh đô sau chiến thắng hào hùng rực rỡ nhất mà đến ngày nay hậu thế vẫn lưu truyền.

Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, dân tộc ta ghi dấu vào lịch sử thế giới với những chiến công nổi tiếng chống lại các kẻ thù mạnh nhất thế giới.

Trong đó, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh Đại Việt, tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Một quốc gia bé như cái nắm tay, dân số chưa đến 10 triệu mà đập tan ba cuộc xâm lược của đế quốc mạnh nhất thế giới mọi thời đại. Điều này làm dấy lên rất nhiều hứng thú trong giới sử học, với rất nhiều công trình nghiên cứu về lý do làm nên chiến thắng này. Hôm nay, người viết mạo muội chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chiến thắng oanh liệt kia, ngõ hầu làm phong phú thêm nhận thức của độc giả.

Cái nôi bảo tồn văn hoá truyền thống

Có thể quý vị đã biết, nước Nam ta ngay từ thời còn Bắc thuộc đã là điểm dừng chân của nhiều nhà tu hành đắc Đạo để truyền bá Phật Pháp. Từ đó đã hình thành trung tâm Phật giáo lớn và lâu đời nhất, trước cả các trung tâm Phật giáo đầu tiên của Trung Quốc vào thời cuối nhà Hán.

Theo Thiền uyển tập anh:

“Luy Lâu (chữ Hán: 羸婁) hay Liên Lâu, là lỵ sở địa phương của quận Giao Chỉ, và cũng là thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 trước Công nguyên đến 106 trước Công nguyên. Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế – thương mại, trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chính nơi đây đã thành hình một trung tâm Phật giáo vào thời điểm đầu Công nguyên. Luy Lâu ngày nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

Di tích Thành cổ Luy Lâu. Ảnh: Wikipedia.

Người đầu tiên đến Luy Lâu và dựng trung tâm Phật giáo ở đây là tu sĩ Ấn Độ Khâu Đà La (Kaudinya). Các bộ kinh Bát thiên tung bát nhã, Pháp Hoa tam muội… là những bộ kinh xưa nhất trong hệ bát nhã đã được các tăng sĩ nghiên cứu và biên dịch tại Luy Lâu. (…) Chính quốc sư Thông Biện triều Lý, trong lúc đàm đạo Phật pháp với Nguyên Phi Ỷ Lan đã dẫn lời pháp sư Đàm Thiên cho biết:

“Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”.

Chúng ta có thể thấy rằng, vùng đất này đã tiếp nhận sự truyền thừa của Chính Pháp hơn 1000 năm từ thuộc Hán cho đến thời nhà Đinh, Lê và nhà Lý cũng là một quốc gia Phật giáo thuần thành.

Nhà Trần kế thừa nhà Lý cũng lại cổ xúy đạo Phật, các vua nhà Trần rất nhiều người đi tu và còn có người đắc Đạo, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng.

Chưa hết, với sự bình yên đắc địa của mình trong thời loạn thế, không chỉ Phật pháp mà các tinh hoa văn hóa cổ xưa khác của Hán tộc cũng thi nhau chảy về phương Nam tìm nơi trú chân mà bảo toàn sở học của mình.

Thời gian trôi qua, vùng đất Luy Lâu ngày càng phồn vinh hòa bình với những người dân ngoan đạo hiền hòa cùng sự cai trị vô cùng sáng suốt của Thái thú Sỹ Nhiếp – một bậc đại Nho chân chính, mà Nho giáo cũng như Phật giáo đã đồng tại, dung hợp với tín ngưỡng Thần truyền vùng sở tại mà phát triển rất mạnh mẽ.

Kết quả tất yếu là, các tinh hoa khác của Hán tộc như phong thủy, luyện đan, địa lý, quân sự đã tìm được một nơi yên lành để bảo tồn lưu lại cho đời sau, do lúc này Trung Quốc loạn lạc liên miên.

Lời tựa sách Mâu Tử viết: “Sau khi Hán Linh Đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là khá yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc xuống đây phần lớn tin theo thuật thần tiên, luyện phép tịch cốc trường sinh…”

Lời bàn:

Văn hóa chính là gốc rễ của một dân tộc hùng mạnh và là nội lực đem lại sức mạnh chiến đấu bảo vệ nó thoát khỏi mọi nguy cơ. Với bề dày nhiều nghìn năm văn hóa Việt Cổ từ Văn Lang trước đây, dù bị đô hộ nghìn năm nhưng dân Việt ta đã dung nạp thành công những tinh hoa tốt nhất của văn hóa Hán và Phật giáo, đem lại sức sống mãnh liệt cho một cường quốc đang lên của khu vực thời bấy giờ trong xu thế đi xuống của Trung Hoa láng giềng. Đây là nền tảng sẽ đảm bảo cho chiến thắng của nhà Trần trước quân Nguyên Mông.

Nơi được Thần Phật lựa chọn để bảo tồn Chính Pháp

Với sự tín phụng Phật pháp của cả nước, từ vua đến dân suốt 2 triều đại đều thi nhau hành Thiện tích Đức, Đại Việt nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh đầy ảm đạm của các quốc gia trên thế giới thời bấy giờ. Nhà Tống bước vào suy thoái với sự nổi lên đầy mạnh mẽ của các nước Liêu Hạ Kim và sau đó là Nguyên Mông hung hãn bậc nhất thế giới. Các quốc gia khác từ Âu đến Á cũng loạn lạc chiến tranh liên miên. Khó còn nơi nào mà từ vua đến dân tín phụng Phật pháp và sống theo Đạo. Đó cũng là lúc, mà theo an bài của Thiên thượng, phải xảy ra chiến tranh loạn lạc để nhân loại trả nghiệp, thanh lý cõi trần đầy ô trọc này. Và Nguyên Mông chính là quân bài mạnh mẽ nhất để thực hiện điều này.

Nhưng dù thanh lý thế nào đi nữa, vẫn phải còn những nơi lưu lại để bảo tồn Phật pháp và làm mẫu cho người trần biết rằng hành Thiện tích Đức, tín phụng Chính Pháp chính là cách tốt nhất bảo đảm sự trường cửu của quốc gia và an lạc của nhân dân.

Thế nên, Đại Việt đã được Thiên thượng lựa chọn và bảo hộ an toàn qua suốt 2 triều Lý Trần cũng như suốt 3 cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông. Chính Tỳ Sa Môn Thiên Vương, một trong những Hộ Pháp của Phật, đã được Trời phái xuống bảo hộ nước Nam ngay từ thời nhà Đinh (Nhà Đinh cũng là triều đại tín phụng Phật pháp, rất nhiều quan lại đều là sư).

Theo sách Thiền uyển tập anh, Khuông Việt (933-1011), tên tục Ngô Chân Lưu, là người truyền thừa đời thứ IV của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Khuông Việt học và đắc đạo với Vân Phong. Năm ngoài bốn mươi tuổi, Khuông Việt được Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979) mời vào triều hội kiến. Nhà vua kính trọng ông và phong cho ông chức Tăng thống. Sau đó còn ban cho danh hiệu Khuông Việt Thái sư. Nhà Đinh suy tàn, nhà (Tiền) Lê nối tiếp. Dưới thời Lê Đại Hành (trị vì 980-1005), Khuông Việt vẫn tiếp tục giữ những chức vụ cũ, hơn nữa ông còn được Lê Đại Hành mời tham dự vào tất cả các vấn đề quân sự và triều chính. Sách chép: “Khuông Việt thường ngao du núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây am và trụ trì ở đó. Một đêm sư nằm mơ thấy có một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn mười tùy tùng trạng mạo dữ tợn. Thần nhân bước tới nói: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ xoa (yaksa). Thiên đế ra lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương, khiến cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến đây để ủy thác cho ông”.

Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, Sư đi vào trong núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá xum xuê, lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc thành tượng thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. Vào năm Thiên Phúc thứ nhất (981) quân Tống xâm nhập đánh phá. (Lê Đại Hành) Hoàng đế có nghe câu chuyện kia, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuộn, sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã.

Lời bàn:

Nhiều điều có thực trong lịch sử do thời gian quá lâu dài mà bị xem là điều huyền hoặc. Những thần tích mà Thượng đế triển hiện cho nhân gian có khi bị coi là mê tín. Nhưng dù tin hay không thì luật của vũ trụ, tuần hoàn và nhân quả báo ứng là có thật, niềm tin hướng Thiện và sự tuân thủ giữ gìn đạo đức sẽ là điểm tựa vững chắc cho nền thái bình của một quốc gia. Nước Nam nhỏ bé Trần triều có lẽ chính là một thần tích vô cùng đẹp mà Thượng đế muốn để cho người đời mãi xem và ca tụng.

Video: Dự ngôn bí ẩn: Con chim lông trắng báo hiệu vận mệnh Trung Quốc và Tập Cận Bình

Exit mobile version