Đại Kỷ Nguyên

Vì sao nhà Trần có thể chiến thắng cả triệu quân Nguyên Mông? (P.3): Cao nhân tử vi tiết lộ thiên cơ giúp Trần Hưng Đạo lưu danh thiên cổ

Vì sao nhà Trần có thể chiến thắng cả triệu quân Nguyên Mông? (P.3): Cao nhân tử vi tiết lộ thiên cơ giúp Trần Hưng Đạo lưu danh thiên cổ

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, dân tộc ta ghi dấu vào lịch sử thế giới với những chiến công nổi tiếng chống lại các kẻ thù mạnh nhất thế giới. Trong đó, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh Đại Việt, tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Một quốc gia bé như cái nắm tay, dân số chưa đến 10 triệu mà đập tan ba cuộc xâm lược của đế quốc mạnh nhất thế giới mọi thời đại. Điều này làm dấy lên rất nhiều hứng thú trong giới sử học, với rất nhiều công trình nghiên cứu về lý do làm nên chiến thắng này. Hôm nay, người viết mạo muội chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chiến thắng oanh liệt kia, ngõ hầu làm phong phú thêm nhận thức của độc giả.

Phần 3: Cao nhân tử vi tiết lộ thiên cơ giúp Trần Hưng Đạo lưu danh thiên cổ

Nhà Trần may mắn có nhiều thần nhân đầu thai vào nên có thể lập nên chiến công oanh liệt cổ kim. Nhưng cũng như bao triều đại đế vương khác, nội bộ triều Trần khi lập quốc luôn có những mâu thuẫn giữa những người trong hoàng tộc.

Nghiêm trọng nhất chính là mâu thuẫn của An Sinh Vương Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn) với vua Trần Thái Tông, do Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ mình đang mang thai cho Thái Tông vì lúc này Thái Tông đã lớn tuổi mà chưa có con.

Dù Trần Liễu dấy binh nổi loạn may không bị giết vì Thái Tông nể tình cốt nhục, nhưng mối hận vẫn được Trần Liễu gửi lại cho Quốc Tuấn: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Dẫu rằng Quốc Tuấn là người đạo đức cao, ông không để những lời này trong tâm, nhưng Hoàng đế và cả triều đình sao tránh khỏi nghi ngờ ông được? Nếu không hóa giải mối nguy này thì chúng ta sẽ không có được vị thống soái tài ba Hưng Đạo Đại Vương và cũng sẽ không có 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông vậy.

Vì việc Hưng Đạo Vương “sát Thát cầm Nguyên tướng” là việc thiên định rồi, nên lẽ dĩ nhiên sẽ có an bài một người đủ năng lực để hóa giải mối hiềm nghi, giúp ông thuận lợi mà trở thành thống soái của quân đội nhà Trần. Người đó chính là Huệ Túc phu nhân, một cao thủ hiếm thấy về lý số tử vi đã có những dự đoán kinh ngạc giúp triều đình nhà Trần đưa ra những quyết định đúng đắn về nhân sự.

Tranh vẽ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thời Nguyễn (ảnh: Wikipedia).

Câu chuyện bắt đầu từ nước Tống láng giềng, lúc ấy có một vị quan đậu đến tiến sĩ, rất thông tỏ thiên văn, tử vi tên là Hoàng Bính. Khi quân Nguyên Mông sang đánh Tống, ông hiểu rằng nhà Tống đã hết thời, tử vi nhiều quốc thích dòng tộc nhà Tống rất xấu, lại chết cùng năm. Hoàng Bính nhìn về phương nam thấy nơi ấy vượng khí sáng tỏ tất có thể cư ngụ.

Tháng giêng năm 1257, Hoàng Bính đưa toàn bộ gia tộc khoảng 2.000 người đến Đại Việt xin được lập nghiệp. Vua Thái Tông được tin liền cho đưa về kinh. Cảm nhận thấy vua cùng các đại thần vẫn còn nghi ngại về mình, Hoàng Bính lấy tay chỉ lên trời mà rằng:

“Trời Nam… linh khí ngùn ngụt, thánh nhân giáng trần, cầm gươm đuổi ác quỷ, đó là nơi có thể an thân. Vì vậy thần mới đem tông tộc sang xin bệ hạ cho núp bóng hoàng long”.

Lại nói Hoàng Bính có cô con gái út mới 16 tuổi tên là Hoàng Chu Linh hết sức tài giỏi, thông hiểu tử vi, học một hiểu mười. Trở về kinh thành, được biết Hoàng Bính rất giỏi tử vi, nhiều người muốn ông xem, nhưng Hoàng Bính lại để con gái của mình là Chu Linh xem cho mọi người.

Hoàng Chu Linh được cha dâng cho vua Trần làm thiếp, được gọi là Huệ Túc phu nhân, nghĩa là vị phu nhân có trí huệ sáng suốt. Điều này cũng nói lên phần nào năng lực của bà, tử vi mệnh lý học.

Năm 1285, khi 50 vạn quân Nguyên Mông chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, nhiều người lo lắng, một số tôn thất bàn nên hàng giặc như Trần Nhật Hạo, Trần Di Ái. Huệ Túc Phu Nhân lúc này thấy lá số của nhiều tôn thất trong hoàng tộc đều rất vẻ vang, nhiều người là anh hùng, bèn khuyên nhà vua nên quyết tâm chống giặc.

Bà cũng thấy rõ Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ lưu lại thiên thu, nên dù cho mâu thuẫn gia tộc bà cũng khuyên nhà vua nên giao chức Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn.

Huệ Túc phu nhân tâu với vua rằng: “Thiếp xem tử vi cho các thiếu niên trong hoàng tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của Trần Ích Tắc, tuy thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi…”

Huệ Túc phu nhân cũng thấy rõ lá số của Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, tấm lòng sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, tuyệt đối không thể làm phản, nên hết lòng tiến cử Quốc Tuấn, và nhà vua đã tin tưởng nghe theo lời bà mặc cho có lời bàn tán.

Nhờ đó, Trần Quốc Tuấn được cất nhắc thành Quốc Công Tiết Chế, tổng chỉ huy quân đội. Khi 50 vạn quân Nguyên tiến sang, phía nam Toa Đô dẫn 20 vạn quân đánh ngược lên, người giữ thành Nghệ An là Trần Kiện cùng toàn bộ gia quyến đã đưa toàn quân đầu hàng giặc. Quân giặc từ hai hướng bắc nam như hai gọng kìm siết chặt, Đại Việt rối bời. Lúc này, nhiều người nói với Trần Quốc Tuấn rằng đây là cơ hội tốt nhất để trả thù cho cha. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn bỏ ngoài tai hết, kể cả những lời nhắc nhở của con trai và người thân khác về thù nhà.

Ngay cả những lúc khó khăn nhất, tấm lòng trong sáng thành tâm của ông đã chinh phục cả triều đình, trong sử còn chép:

“Lúc ấy, xa giá nhà vua đang phiêu giạt, lại còn mối hiềm cũ của Trần Liễu, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, bởi vậy hai vua Trần và mọi người khỏi nghi ngại”.

Hay như lúc quân xâm lược vào Thăng Long rồi tiến xuống Thiên Trường (vùng Nam Định) đuổi theo vua Trần. Thượng hoàng Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi ông xem có nên hàng không. Ông khẳng khái trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”.

Lời bàn: 

Từ con cá bơi dưới nước, đến con chim lưng trời, từ dòng sông cho đến ngọn núi, thảy đều phải tuân theo quy luật tự nhiên mà sinh mà diệt. Đó chẳng phải ý Trời thì là gì? Vậy nên trong khoảng không vũ trụ bao la kia, chính là tồn tại một lực lượng siêu nhiên ngoài sự hiểu biết hạn hẹp của con người, quyết định mọi sự từ nhỏ như vi sinh vật cho đến to lớn như toàn vũ trụ này. Lực lượng đó vô hình mà vĩ đại vô kể, chính là Đạo mà Lão Tử giảng, hay Pháp mà Thích Ca Mâu Ni giảng, cũng thể hiện trong cái gọi là mệnh lý hay thiên định, thiên mệnh của những khoa học siêu hình như Tử Vi, Bát Tự, Chu Dịch, Thái Ất Thần Kinh v.v. 

Dù cho cái khoa học hạn chế ngày nay có tìm cách phủ định sự tồn tại của mệnh Trời, số phận thì nó cũng không tài nào lý giải nổi khả năng tiên tri hay thấu thị của một số những cá nhân phi thường có thật trong lịch sử. Huệ Túc phu nhân tuy không phải Thần nhân, nhưng sứ mệnh của bà ngoài việc giúp nhà Trần hóa giải ân oán thì chắc hẳn là lưu lại những thiên cơ mà ông Trời muốn người thế gian biết để bớt ngạo mạn hay phóng túng đi chăng? 

Video: Trung Quốc: Chính quyền tàn bạo, vì sao dân phải chịu quả báo?

Exit mobile version