Châu Âu có các nhân chủng, văn hoá khác nhau, nhưng trao đổi kinh tế lại rất nhiều. Họ không thể thống nhất văn tự nhưng có thể thống nhất tiền tệ để thuận giao lưu buôn bán.
Năm 2002, Liên minh châu Âu phát hành đồng tiền chung euro gồm tiền xu và tiền giấy. Nhưng trước đó 2200 năm, Tần Thuỷ Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc đã làm rất nhiều ‘thống nhất’, trong đó có thống nhất tiền tệ; cho nên có thể nói Tần Thuỷ Hoàng có tầm nhìn ‘đi trước thời đại’.
Giới nghiên cứu lịch sử còn cho rằng, Tần Thuỷ Hoàng là người khai sáng khái niệm về ‘tiêu chuẩn hoá’. Rốt cuộc ông đã ‘tiêu chuẩn hoá’ những thứ gì?
- Xem trọn bộ Tần Hoàng Hán Vũ
Xây dựng cao tốc
Lời bạch: Năm 221 TCN, Tần Vương Doanh Chính đã hoàn thành được sứ mệnh thống nhất thiên hạ, kiến lập một đế quốc đại thống nhất. Sau đó ông không bỏ lỡ thời cơ mà sáng lập chế độ Hoàng đế, và thi hành chế độ chính trị thích hợp cho đại quốc đó là: Trung ương tập quyền.
Vậy thì từ phương diện kinh tế, văn hoá và quân sự, ông đã đảm bảo chế độ chính trị trên như thế nào?
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng rằng, năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc. Vào năm thứ hai, ông bắt đầu xây dựng đường cao tốc, gồm cả việc gỡ bỏ quan ải và thành luỹ. Tần Thuỷ Hoàng lấy đô thành Hàm Dương làm trung tâm, xây dựng tổng cộng 3 con đường cao tốc vô cùng dài.
- Một đường từ đô thành đến địa khu Yên Tề, Tề là Sơn Đông, còn Yên là Hà Bắc.
- Một đường từ đô thành đến vùng nước Ngô, tức Giang Tô và Chiết Giang.
- Còn một đường nữa là đến nước Sở, hiện nay là Hồ Bắc.
Cũng tức là lấy Hàm Dương làm trung tâm, hướng về đông đến biển Bột Hải, hướng về đông nam đến Đông Hải, hướng về nam đến tỉnh Hồ Bắc. Đồng thời hướng về bắc xây dựng một con đường từ Hàm Dương đến Nội Mông Cổ.
Tần Thuỷ Hoàng xây dựng đường cao tốc có chất lượng công trình vô cùng cao. Theo ghi chép trong ‘Sử ký’, đường rộng 50 bộ. Chúng ta biết rằng 1 bộ bằng 6 xích (2m), cũng bằng với khoảng cách 2 bánh xe ngựa, đường rộng 50 bộ (100m) có nghĩa là cho phép 50 chiếc xe ngựa chạy ngang hàng cùng lúc.
Nhà Tần làm đường có chất lượng rất tốt. Nếu chúng ta đến xem binh mã đất nung ở Tây An có thể thấy được: đường dùng đất cứng đầm chặt nên rất phẳng.
Ở giữa có một đường chuyên dụng cho Hoàng đế đi gọi là ‘ngự đạo’, còn hai bên là đường dành cho bá quan hoặc quân đội. Cứ mỗi 3 trượng (10m) lại trồng một cây lớn, do đó đường cao tốc này không những quy mô vô cùng lớn, mà còn rất đẹp.
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng xây dựng đường cao tốc xong, ông bắt đầu tuần hành thiên hạ. Chúng ta biết rằng, ngoài 3 đường chính hướng về đông, về nam, về bắc, Tần Thuỷ Hoàng còn xây rất nhiều đường nhỏ ở địa khu dân tộc thiểu số như là: Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu… Những địa phương này có rất nhiều núi, Tứ Xuyên bốn mặt là núi, ở giữa là bồn địa, do đó mở đường qua núi là một công trình to lớn. Hơn nữa mở đường qua núi lại vô cùng nguy hiểm.
Khi ấy Tần Thuỷ Hoàng từ Nghi Tân ở Tứ Xuyên đến Điền Trì ở Vân Nam đã xây một con đường, phần hẹp nhất chỉ có 5 xích (hơn 1m6). Khoảng cách bánh xe thời Tần là 6 xích (2m), cho nên xe không thể qua được, chỉ có thể cho người qua; công trình khi đó quả thật vô cùng vất vả gian nan.
Khi xây những con đường lớn này, một số người cho rằng Tần Thuỷ Hoàng thích ‘việc lớn công to’, kỳ thực không phải như vậy.
Giáo sư Chương giải thích, điều này là yêu cầu cần thiết cho việc trung ương khống chế địa phương. Chúng ta biết rằng Trung Quốc có câu ‘Sơn cao Hoàng đế viễn’ (núi cao xa Hoàng đế). Nếu một địa phương giao thông không thuận tiện, chính phủ trung ương phái một người tới đó làm quan, phụ trách quản lý lão bách tính nơi đó.
Vị quan ấy không có bất cứ trao đổi với chính phủ trung ương, bởi vì một chuyến đi của ông ấy có thể mất vài tháng hoặc nửa năm mới đến được địa phương. Ông có sự việc gì muốn xin ý kiến của Hoàng đế, Hoàng đế phê chuẩn một năm mới tới, do đó địa phương này chỉ có thể tự trị.
Quá khứ vào thời nhà Chu bắt đầu thi hành chế độ phong kiến, kỳ thực là vì không còn biện pháp nào, những nơi quá xa Thiên tử căn bản không quản được, nên chỉ có thể phái người tín nhiệm đến đó quản lý. Như thế xuất hiện rất nhiều ‘phong quốc’ (quốc gia được Hoàng đế phong). Mà hiện nay Tần Thuỷ Hoàng ‘phế phân phong, trí quận huyện’, không còn phong quốc nữa, vậy thì làm thế nào đảm bảo được sự khống chế của trung ương đối với địa phương, làm thế nào đảm bảo chiếu chỉ của Hoàng đế truyền đạt nhanh nhất, quân đội điều động kịp thời nhất? Lúc này đường cao tốc trở thành công trình cần thiết tất yếu.
Vì thế khi năm ấy Tần Thuỷ Hoàng xây dựng đường cao tốc, ông đã suy nghĩ đến vấn đề này.
Thống nhất văn tự (Thư đồng văn – 書同文 )
Ngoài việc xây dựng đường cao tốc, Tần Thuỷ Hoàng còn làm một việc là ‘thư đồng văn’ (書同文: sách cùng văn tự), nói cách khác là thống nhất văn tự Trung Quốc.
Giáo sư Chương thấy rằng, đây là sự việc vô cùng trọng đại. Vì sao? Bởi vì Trung Quốc có rất nhiều địa khu, có rất nhiều ‘phương ngữ’ (tiếng địa phương), người Bắc Kinh nghe người Thượng Hải, Quảng Đông căn bản là nghe không hiểu. Nhưng có một văn tự thống nhất thì có thể giao lưu trao đổi với nhau.
Trước thời Tần, văn tự chủ yếu là chữ đại triện (thời nhà Chu), sau này đến thời Tần thay đổi thành tiểu triện. Tiểu triện rất đẹp, nét bút đa số là tròn. Khi đó tiểu triện có một bộ tiêu chuẩn về cách viết do Lý Tư chế định.
Sau này vào thời nhà Tần có một người là Trình Mạc, ông phạm tội nào đó bị giam trong ngục 10 năm. Trong ngục không có việc gì làm, ông đã đem văn tự đơn giản hoá thêm một bước trở thành Lệ thư. Chúng ta hiện nay xem chữ Lệ thư, kỳ thực là đã xuất hiện vào thời Tần. Bởi vì Lệ thư ‘cân bằng ngang dọc’, cách viết và cách nhận mặt chữ khá dễ dàng, cho nên sau này Lệ thư từng bước từng bước phát triển thành Hành thư, Khải thư, gồm cả Hán tự mà chúng ta thấy hiện nay. Trên cơ bản, hình dáng nguyên gốc của nó xuất hiện vào thời Tần.
Thống nhất văn tự làm cho dân tộc Trung Quốc có một cơ sở để tiếp diễn văn hoá. Sau này, cho dù Trung Quốc xảy ra chia cắt nhưng vì có văn tự thống nhất nên có thể giao lưu, dễ dàng hình thành một văn hoá thống nhất. Văn tự là tải thể của văn hoá, như thế sau khi Trung Quốc bị chia cắt vẫn có thể thống nhất, nói cách khác sự tiếp nối của văn hoá có quan hệ rất lớn với chính sách ‘thư đồng văn’ của Tần Thuỷ Hoàng.
Thống nhất tiền tệ (Tiền đồng tệ – 錢同幣)
Ngoài thống nhất văn tự, Tần Thuỷ Hoàng còn thống nhất tiền tệ. Vào thời Chiến Quốc, quốc gia khác nhau có tiền tệ khác nhau:
- Có loại ‘đao tệ’, tức hình dạng giống như cái đao.
- Có loại ‘bố tệ’, tức hình dạng giống tấm vải bố, trên đó còn ghi giá trị.
- Còn có ‘bối tệ’, tiền vỏ sò.
- …
Điều này thực sự không có lợi cho giao lưu trao đổi kinh tế. Sau này Tần Thuỷ Hoàng thống nhất việc đúc tiền, trở thành loại tiền tệ mà chúng ta thường thấy hiện nay với ‘ngoài tròn trong vuông’ mô phỏng theo ‘Trời tròn Đất vuông’. Hình dáng của loại tiền này là do Tần Thuỷ Hoàng chế định, tiền sau này trên cơ bản là ‘ngoài tròn trong vuông’.
Kỳ thực xã hội hiện nay rất coi trọng việc thống nhất tiền tệ. Ví như rất nhiều quốc gia châu Âu có nhân chủng, văn hoá, văn tự khác nhau, có người Anglo-Saxon, German, Slav v.v. Nhưng giữa các quốc gia châu Âu lại trao đổi kinh tế khá nhiều. Họ làm không được ‘thư đồng văn’ (thống nhất văn tự), thì họ thống nhất tiền tệ. Đến năm 2002, họ phát hành đồng euro với tiền xu và tiền giấy; mà khái niệm thống nhất tiền tệ này, thì cách đây 2200 năm Tần Thuỷ Hoàng đã nghĩ tới.
Thống nhất đo lường (Độ đồng chế – 度同制)
Ngoài việc thống nhất tiền tệ, Tần Thuỷ Hoàng còn thống nhất đơn vị đo lường, tức thống nhất Độ Lượng Hành (度量衡). Độ là chỉ độ dài, Lượng là chỉ dung tích, còn Hành là chỉ khối lượng.
Trước nhà Tần, quốc gia khác nhau có quy định về chiều dài khác nhau, một xích có quốc gia lấy 22,3cm, có nơi lại lấy 22,1cm… Điều này mang đến một vấn đề đó là: khi xây dựng công trình thì rất phiền phức vì không có ‘thước chuẩn’. Hiện nay có 2 tiêu chuẩn đo lường chủ yếu, một cái hiện nay Mỹ đang dùng là ‘Hệ đo lường Anh’, còn có một cái mà các nước khác dùng gọi là ‘Hệ mét’; hai hệ này đổi đơn vị qua lại khá phiền phức.
Hệ mét do một tổ chức quốc tế về ‘tiêu chuẩn hoá’ thành lập năm 1947, họ quy định 1m dài bao nhiêu, 1 giây là bao nhiêu thời gian… đều có một quy định thống nhất. Như thế khái niệm về Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hoá từ thời Tần Thuỷ Hoàng cũng đã có rồi.
***
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, đã kiến lập chế độ chính trị trung ương tập quyền; hơn nữa từ phương diện văn hoá đã thống nhất văn tự, từ phương diện kinh tế đã thống nhất tiền tệ và đo lường. Do đó có thể nói: Tần Thuỷ Hoàng là người bắt đầu khái niệm về ‘tiêu chuẩn hoá’.
Ngoài đó ra ông còn làm một đại sự có ảnh hưởng vô cùng sâu xa đối với hậu thế. Đó là sự kiện nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 2: Đế quốc hồng nghiệp.
(**) Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 2.