Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ khi mới 39 tuổi, nhưng sau đó ông không nghỉ ngơi mà bắt đầu thống nhất văn tự, do lường, tiền tệ, ‘nam chinh Bách Việt, bắc kích Hung Nô’, mở rộng diện tích đến những nơi có thể ở được v.v.
‘Thiên hạ hợp lâu tất phân’, nhưng sau khi bị chia cắt thì vẫn có thể hợp lại. Điều này có liên quan chặt chẽ đến những việc Tần Thuỷ Hoàng đã làm, cho nên người nghiên cứu lịch sử cho rằng: Tần Thuỷ Hoàng là người đặt định khái niệm ‘đại thống nhất’ cho dân tộc Trung Hoa.
- Loạt bài Tần Hoàng Hán Vũ
Lời bạch: Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, đã kiến lập chế độ chính trị trung ương tập quyền; hơn nữa từ phương diện văn hoá đã thống nhất văn tự, từ phương diện kinh tế đã thống nhất tiền tệ và đo lường. Do đó có thể nói: Tần Thuỷ Hoàng là người bắt đầu khái niệm về ‘tiêu chuẩn hoá’.
Ngoài đó ra ông còn làm một đại sự có ảnh hưởng vô cùng sâu xa đối với hậu thế. Đây là sự kiện gì?
Kiến lập quốc gia ‘đa dân tộc thống nhất’
Nam chinh Bách Việt
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng, sự việc này chính là kiến lập một quốc gia ‘đa dân tộc thống nhất’. Tần Thuỷ Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc, chiểu theo đạo lý mà nói thì ông đã thành Hoàng đế rồi, có thể nghỉ ngơi một chút, nhưng Tần Thuỷ Hoàng không làm vậy. Ông vẫn tiếp tục dụng binh, mở rộng cương thổ.
Hai hướng dụng binh chủ yếu của ông là nam bắc, bởi vì đánh phía đông thì ra tới biển, đánh phía tây thì đến sa mạc, chỉ còn hai hướng nam bắc là vẫn có thể mở rộng được.
Vào năm thứ hai sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu ‘nam chinh Bách Việt’. Bách Việt là khái niệm gì? Việt là một quốc gia, nhưng nó không phải là một dân tộc. Ví như vùng Chiết Giang gọi là Âu Việt, vùng Phúc Kiến gọi là Mân Việt, tức là có nhiều tộc Việt. Dân tộc Việt rất nhiều, cho nên gọi là Bách Việt.
Khi ấy Tần Thuỷ Hoàng phái đại tướng Đồ Tuy (屠睢, có bản dịch là Đồ Thư) và một tướng nữa là Triệu Đà, hai tướng này lãnh 50 vạn binh vào năm 219 TCN bắt đầu ‘nam chinh Bách Việt’.
Chúng ta biết rằng Bách Việt không chỉ là Chiết Giang và Phúc Kiến. Phúc Kiến đi xuống nữa là Quảng Đông, Quảng Đông đi xuống nữa là Quảng Tây. Đây đều là những nơi cư trú của tộc Việt. Khi đó quân Tần từ Hàm Dương đánh xuống Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây; những địa phương này nhiệt độ không khí rất cao, đặc biệt là Quảng Tây có rừng mưa nhiệt đới, mà quân Tần là người phương bắc (như Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Tây) tác chiến không quen ở phương nam; cho nên trong quân đội dịch bệnh hoành hành.
Vì sức chiến đấu của quân Tần rất mạnh, ban đầu đạt được một số thắng lợi, nhưng sau này quân sĩ bệnh nhiều; thêm vào đó Bách Việt từ núi cao rừng rậm phản công, tác chiến ở Quảng Tây không đảm bảo hậu cần, cho nên lần đầu ‘nam chinh Bách Việt’ thất bại.
Sau khi thất bại, đến năm 214 TCN, Tần Thuỷ Hoàng lần thứ hai chinh phạt Bách Việt. Vì sao mãi tận 5 năm sau mới tấn công lần hai? Bởi vì trong thời gian 5 năm đó, Tần Thuỷ Hoàng lệnh cho một người là Sử Lộc đào kênh Linh Cừ. Kênh Linh Cừ này câu thông với Tương Giang là Ly Giang, như thế lương thực có thể từ thuỷ lộ (đường thuỷ) từ Trường Giang đến Tương Giang, từ Tương Giang đến Ly Giang mà vận chuyến đến được Quảng Đông, Quảng Tây, giải quyết được vấn đề hậu cần. Cho nên đến năm 214 TCN Tần Thuỷ Hoàng mới phát động chinh phạt Bách Việt lần hai.
Lần chinh phạt này, quân Tần đã chiếm được Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang. Sau đó vào năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng lại phát động chinh phạt Bách Việt lần ba, lần này là đánh xuống phía nam đến Việt Nam.
Thông qua ‘nam chinh Bách Việt’, Tần Thuỷ Hoàng đã đem vùng Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và một phần bắc Việt Nam nhập vào bản đồ Trung Quốc.
Bắc kích Hung Nô
Ngoài chinh phạt xuống phía nam, Tần Thuỷ Hoàng còn đánh lên phía bắc, từ đô thành Hàm Dương tấn công lên. Phía bắc đánh ai? Chính là đánh Hung Nô.
Trận chiến này bắt đầu vào năm 215 TCN, bởi vì năm đó có một người là Lư Sinh thay Tần Thuỷ Hoàng đi cầu Tiên, tìm được ở bên ngoài một ‘đồ thư’ (tức một tấm bản đồ có chữ) trong đó dự ngôn: Vong Tần giả, Hồ dã (Người làm vong Tần, là Hồ).
Tần Thuỷ Hoàng không hiểu ý nghĩa, ông cho rằng là do người Hồ tác loạn, mà người Hồ khi đó chỉ Hung Nô. Thế là Tần Thuỷ Hoàng phái đại tướng Mông Điềm lãnh 30 vạn đại binh ‘bắc kích Hung Nô’.
Giáo sư Chương đánh giá sức chiến đấu của quân Tần là không thể nghĩ bàn. Chúng ta biết rằng người Hung Nô là ‘sống trên lưng ngựa’, cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi, nhưng khi quân Tần tấn công, thì trong ‘Sử ký’ miêu tả: Giống như một bầy chim ưng truy đuổi chim sẻ, làm quân Hung Nô tháo chạy tứ tán. Rất nhanh sau đó, quân Tần thu phục được vùng ‘Hà nam’.
‘Hà nam’ ở đây không phải là vùng Hà Nam mà là vùng đất ‘phía nam Hoàng Hà’, hiện nay là địa khu Hà Sáo. Địa khu này có đồng cỏ và nguồn nước vô cùng tươi tốt. Mông Điềm lại tiếp vượt qua Hoàng Hà tiếp tục truy kích quân Hung Nô đến tận chân núi Âm Sơn.
Tần Thuỷ Hoàng hướng về nam đánh tới Việt Nam, hướng lên bắc đánh tới núi Âm Sơn, lên nữa cũng không được bởi vì núi này đã chặn hết đường. Khi ấy Tần Thuỷ Hoàng hầu như đã đem những địa khu thích hợp cho người sinh sống tiếp nạp vào bản đồ nước Tần.
Khai thông vùng Tây Nam Di
Ngoài ‘nam chinh Bách Việt, bắc kích Hung Nô’, Tần Thuỷ Hoàng còn khai thông vùng Tây Nam Di, chính là địa khu Tây Nam Trung Quốc có nhiều núi cao với 3 tỉnh là: Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu.
Tần Thuỷ Hoàng phái người làm rất nhiều đường ở Quảng Tây cộng với 3 tỉnh trên. Sau đó Tần Thuỷ Hoàng đã thúc đẩy giao lưu buôn bán giữa địa khu Tây Nam và Trung Nguyên.
Nếu nhìn vào bản đồ Trung Quốc, tương đương với lên phía bắc tới núi Âm Sơn, xuống phía nam đến Việt Nam, qua tây nam đến Vân Nam và vùng Quý Châu, qua đông thì đến đại hải, điều này nghĩa là toàn bộ vùng đất có dấu tích của người (hoặc người có thể ở) đều được Tần Thuỷ Hoàng thu về.
Khi ấy bản đồ Trung Quốc khuếch trương rất lớn, hơn nữa Tần Thuỷ Hoàng đã kiến lập quốc gia ‘đa dân tộc thống nhất’, bởi vì trong bản đồ có rất nhiều dân tộc sinh sống; thông qua thống nhất văn tự, kinh tế… đã khiến Trung Quốc đặt định được cơ sở thống nhất và khái niệm ‘đại thống nhất’ vô cùng kiên cố.
Sau này dù Trung Quốc bị chia cắt vẫn có thể thống nhất, những việc đó đều có mối quan hệ với những việc Tần Thuỷ Hoàng đã làm.
Khi Giáo sư Chương đọc lịch sử, cảm thấy Tần Thuỷ Hoàng thật sự là ‘hùng tài đại lược’, ‘phế phân phong, trí quận huyện’, gồm cả việc kiến lập phương thức quản lý quốc gia ‘Tam công cửu khanh’ vô cùng thành thục…
Giáo sư Chương giải thích, ‘Tam công cửu khanh’ chính là quốc gia có 3 quan viên tương đương với cấp Chính phủ Tổng lý (Thủ tướng Chính phủ):
- Thái uý: quan chức nắm quân đội cao nhất của quốc gia.
- Thừa tướng: Chính phủ Tổng lý.
- Ngự sử Đại phu: tương đương với giám sát Bộ trưởng.
Phía dưới còn thiết lập 9 Bộ trưởng. Tần Thuỷ Hoàng đã thiết lập một chế độ quan chức hoàn chỉnh. Chế độ quan lại này kỳ thực vào thế kỷ 16 ở châu Âu mới bắt đầu xuất hiện, do đó chế độ quan lại của nhà Tần sớm hơn ở châu Âu 1800 năm.
Sau đó Tần Thuỷ Hoàng còn làm:
- Thống nhất văn tự (Thư đồng văn – 書同文).
- Thống nhất khoảng cách 2 bánh xe (Xa đồng quỹ – 車同軌).
- Thống nhất Độ Lượng Hành (Độ đồng chế – 度同制).
- Thống nhất tiền tệ (Tiền đồng tệ – 錢同幣).
- Quy phạm hành vi luân lý (Hành đồng luân – 行同倫).
- …
Đối với dân tộc Trung Hoa, những việc này đã lưu lại một di sản chính trị và văn hoá vô cùng quý báu.
Đối với hành vi của Tần Thuỷ Hoàng có nhiều người vẫn đang tranh luận, ví như: nghị luận đế hiệu.
Giáo sư Chương chia sẻ, khi chúng ta xem lịch sử sẽ biết rằng: Trung Quốc chỉ cần có thời kỳ chia cắt mới nhấn mạnh quốc gia. Ví dụ: thời Xuân Thu, Chiến Quốc, Tam quốc… Khi quốc gia chia cắt thì nhấn mạnh mối quan hệ giữa quốc gia và quốc gia. Nếu không có chia cắt, thiên hạ thống nhất, lúc này sẽ nhấn mạnh thiên hạ, vương triều. Khi không có quốc gia, đương nhiên cũng không có quốc vương, cho nên Tần Thuỷ Hoàng mới xưng Hoàng đế.
Sự thật về ‘đốt sách chôn Nho’
Lời bạch: Tần Thuỷ Hoàng là người khai sáng quốc gia ‘đa dân tộc thống nhất’, và là người đặt định chế độ chính trị trung ương tập quyền. Trong sử sách lưu lại những ghi chép sáng ngời thiên cổ, nhưng vào năm 213 và 212 TCN đã xảy ra sự kiện ‘phần thư khanh Nho’ (đốt sách chôn Nho) lại mang đến cho Tần Thuỷ Hoàng rất nhiều bình giá lịch sử mang tính huỷ hoại danh dự. Rốt cuộc sự thật lịch sử như thế nào?
Về sự kiện ‘đốt sách’, khi ấy Tần Thuỷ Hoàng đang dùng cơm với các quan ở Hàm Dương, có một ‘bác sĩ’ (博士: quan cố vấn thời đó) tên là Thuần Vu Việt đã chủ trương khôi phục chế độ ‘phân phong’ thời nhà Chu.
Sau này Lý Tư cho rằng, chúng ta thực hành chế độ quận huyện đã là hợp lý nhất, không quay lại cục diện đại loạn thời Chiến Quốc, nên đã nói với Tần Thuỷ Hoàng: ‘Sở dĩ ông ấy còn nghĩ đến phân phong, bởi vì đọc cổ thư quá nhiều. Ông ấy thích dùng sự việc cổ đại để đo lường tình huống hiện tại’. Lý Tư kiến nghị không cho họ đọc nhiều cổ thư. Vậy phải làm thế nào? Đốt.
Việc ‘đốt sách’, ngoài sách sử nước Tần, thì sách sử nước khác như lịch sử nước Triệu, Hàn, hay sách trong dân gian như: Thi Kinh, Thượng thư… toàn bộ đốt hết. Những sách nào không đốt? Đó là sách trồng cây, sách nông nghiệp, bốc phệ (bói toán) và y dược.
Rất nhiều người cho rằng, đây là hạo kiếp của văn hoá Trung Quốc, kỳ thực không phải. Bởi vì sách bị đốt khi đó là sách trong dân gian, còn tất cả các sách vở đều lưu lại một bộ hoặc nhiều bộ ở trong Thư viện Hoàng gia nước Tần. Thật sự tạo thành đứt gãy văn hoá Trung Quốc là khi Hạng Vũ tiến nhập Hàm Dương (đô thành nước Tần) đã ‘Hoả thiêu cung A Phòng’. Một ngọn lửa đốt trong 3 tháng đã thiêu rụi toàn bộ Thư viện Hoàng gia của nước Tần.
Còn sự kiện ‘chôn Nho’ xảy ra năm 212 TCN, khi đó có 2 người, nhưng một cách nghiêm khắc thì họ không phải là Nho sinh (儒生), vì thứ họ đọc không phải là sách của Khổng Tử; mà họ đọc sách của bọn ‘phương thuật’ (方術) – những người đi khắp ‘giang hà hồ hải’ để lừa người.
Khi đó Tần Thuỷ Hoàng để bọn họ luyện Tiên dược, với hy vọng sau khi ăn sẽ sống lâu, trường sinh bất tử. 2 người này luyện không ra vì vốn dĩ họ không có công phu thật sự. Sau khi luyện không ra, họ thương lượng với nhau rằng, Tần Thuỷ Hoàng không là cái gì hết, ông ấy không nên trường sinh bất tử, họ còn nói những lời phỉ báng Tần Thuỷ Hoàng.
Tần Thuỷ Hoàng rất tức giận, phái người đi điều tra, nói rằng: ‘Còn có ai bất mãn với Hoàng đế?’. Kết quả 2 người này bắt đầu đi ‘cắn’ người khác, khi hỏi họ trả lời rằng: ‘Tôi nghe ai đó nói’. Cuối cùng họ đã ‘cắn’ được hơn 400 người, những người đó bị chôn sống ở Hàm Dương.
Sự việc chôn sống này trong ‘Sử ký’ không gọi là ‘chôn Nho’ mà gọi là ‘chôn thuật sĩ’ (Khanh thuật sĩ – 坑術士), bởi vì những người này không phải là Nho sinh mà là bọn phương sĩ. Do đó trong ‘Nho lâm liệt truyện’ nói là: “Phần thi thư, khanh thuật sĩ” (焚詩書,坑術士: đốt sách Thi, chôn thuật sĩ).
Hơn nữa địa vị của Nho sinh thời Tần không phải thấp. Chúng ta xem kỹ lịch sử sẽ biết rằng, sau khi Đại Hán khai quốc, trong thủ hạ của Lưu Bang có một Nho sinh tên là Thúc Tôn Thông – người chế định lễ nghĩa cho Đại Hán.
Thúc Tôn Thông vốn dĩ là Nho sinh làm quan cố vấn cho nước Tần. Trước khi Tần Thuỷ Hoàng băng hà, ít nhất trong hoàng cung nhà Tần có 70 Nho sinh làm cố vấn cho Tần Thuỷ Hoàng. Nước Tần khi đó rất tôn kính Nho sinh, Tần Thuỷ Hoàng cũng tự mình nói rằng: “Ta đối với Nho sinh là ‘tôn chi thậm hậu’ (tôn kính sâu sắc)”, ông để họ làm quan cố vấn, nắm giữ sách vở, chế định Lễ Nhạc v.v.
Do đó nói một cách nghiêm khắc, sự kiện ‘chôn Nho’ là không chuẩn xác.
***
Sau khi Tần thống nhất thiên hạ, vì dùng phương thức rất tốn sức để đặt định cơ sở chính trị cho 2000 năm sau. Lao dịch khối lượng lớn sẽ không thể kéo dài, bởi vì xây dựng và đánh trận cần tiêu tốn nhiều tiền, lão bách tính cũng rất vất vả… Đối với tình huống này, Tần Thuỷ Hoàng cũng có nhận thức sâu sắc.
Cá nhân Giáo sư Chương cho rằng, khi Tần Thuỷ Hoàng lâm chung đã đưa ra một quyết định sẽ khiến quốc gia từ nay về sau sẽ đi trên con đường ‘nghỉ ngơi dưỡng sức’ (Tu dưỡng sinh tức – 休養生息), nhưng đáng tiếc con đường này lại bị một hoạn quan là Triệu Cao làm đứt đoạn. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Sa Khâu âm mưu.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 2: Đế quốc hồng nghiệp.
(**) Trừ ảnh đầu bài và 2 ảnh cuối, các ảnh còn lại chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 2.
(***) Ở bài trước, tôi có nói trên kênh Youtube Tiếu đàm phong vân, Giáo sư Chương có trích ra 2 tập miễn phí của phần 2: Tần Hoàng Hán Vũ. Nhưng trên trang mạng thành viên ‘Hy vọng chi thành’ (希望之城: Thành trì hy vọng, landofhope.tv) có trích 4 tập, do đó chúng ta còn xem miễn phí 2 tập nữa. Vì vậy chúng ta cùng gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Chương, chúc Giáo sư Chương có những sản phẩm văn hoá chất lượng hơn nữa.