Khi tra từ điển tiếng Anh, từ CHINA có nghĩa là gốm sứ. Nhưng trong một nghiên cứu khác, thì từ CHINA liên quan đến cách phát âm của chữ Tần (秦). Giải thích việc này như thế nào?

Trong loạt bài giảng sử ‘Tiếu đàm phong vân’, Giáo sư Chương Thiên Lượng có trích ra những tập miễn phí cho người xem, thì trong phần 2 có tên ‘Tần Hoàng Hán Vũ’, có 2 tập miễn phí, trong đó tập 1: ‘ Thụ mệnh ư Thiên’ đã giải đáp vấn đề trên cộng với những kiến thức có tính tham khảo như sau. 

Vương triều Tần – Hán đặt định ‘quốc hiệu’ và ‘tộc hiệu’ cho Trung Quốc

Lời bạchTrong ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 1: ‘Đông Chu liệt quốc’, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng về biến cục (cục diện hỗn loạn) đầu tiên trong lịch sử 5000 năm Trung Quốc là Xuân Thu – Chiến Quốc. Từ ‘Bình Vương đông thiên’ (Chu Bình Vương dời đô về đông) đến Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, giai đoạn này khoảng 500 năm. Đoạn lịch sử này đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ sau của Trung Quốc về các mặt như: Triết học, Văn học, Chính trị, Kinh tế, Pháp luật, Quân sự, phương thức quản lý xã hội v.v. 

500 năm ‘Chư hầu tranh bá, Bách gia tranh minh’ (Chư hầu tranh bá, trăm nhà đua tiếng), đến năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng quét sạch 6 nước, thống nhất thiên hạ, kết thúc thế cục ‘chư hầu cát cứ’ kéo dài 500 năm, mở ra cục diện ‘quốc gia đa dân tộc thống nhất’. 

Giáo sư Chương cho rằng, hai triều đại Tần – Hán này có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến Trung Quốc, có thể nói về chế độ chính trị: hơn 2000 năm sau cơ bản đặt trên thể chế của nhà Tần; còn triều Hán đặt định văn hoá hơn 2000 năm sau. Rốt cuộc hai triều đại này có gì đặc sắc mà ảnh hưởng to lớn đến đoạn sau của lịch sử như vậy? Thỉnh quý độc giả xem Giáo sư Chương giảng ‘Tần Hoàng Hán Vũ’ của ‘Tiếu đàm phong vân’. 

Giáo sư Chương giảng rằng, hai vương triều Tần – Hán có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến lịch sử Trung Quốc. Muốn liễu giải lịch sử Trung Quốc, thì không thể không liễu giải Tần – Hán. Vương triều nhà Tần đặt định chế độ chính trị kéo dài 2000 năm của Trung Quốc, còn vương triều nhà Hán đặt định văn hoá kéo dài 2000 năm trên mảnh đất Thần Châu. Do đó hai vương triều này có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến lịch sử Trung Quốc.

Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, kiến lập nên quốc gia trung ương tập quyền to lớn. Sự trỗi dậy của đế quốc như vậy, trong lịch sử Trung Quốc hoặc trong lịch sử thế giới đều là ‘trước nay chưa từng có’. Chỉ có một vương triều có thể so sánh với Đại Tần đó là Đế quốc La Mã cổ đại cách Tần 200 năm sau. Nhưng Đế quốc La Mã này, từ phạm vi cương vực, hoặc về khả năng khống chế của trung ương đối với địa phương mà nói, đều không đạt được trình độ giống như Đại Tần.

Khi nước Tần kiến quốc đã chiếm cứ được vùng Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam của Trung Quốc, hiện nay là lưu vực của sông Hoàng Hà, Trường Giang và Chu Giang, cũng tức là địa khu có dân số đông đúc ở Trung Quốc hiện nay. Khi ấy diện tích của nước Tần khoảng 3 triệu km2 (gần gấp 10 lần diện tích nước Việt Nam bây giờ). Phàm là sau này Trung Quốc muốn xưng một vương triều thống nhất, thì trên cơ bản đều phải chiếm cứ được cương thổ của nước Tần, vậy mới được tính. 

Diện tích nước Tần trên bản đồ khoảng 3 triệu km2. Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.

Vì thế vương triều nhà Tần đã đặt định ý nghĩa của Trung Quốc về mặt địa lý. Rất nhiều học giả khi khảo chứng (khảo cứu), họ nói văn tự tiếng Anh của từ Trung Quốc là CHINA không phải là gốm sứ, mà là từ Pinyin của chữ Tần (秦 CHIN), thêm hậu tố A, biến thành CHINA. Từ ý nghĩa này mà giảng, thì Tần đặt định quốc hiệu Trung Quốc. Đương nhiên đế quốc này có thời gian tồn tại tương đối ngắn, trước sau khoảng 15 năm, sau đó Trung Quốc tiến vào thời kỳ nhà Hán. 

Chữ CHINA là lấy phiên âm của chữ Tần (秦 CHIN) cộng với hậu tố A. Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.

Vương triều Đại Hán này là vương triều huy hoàng thịnh thế. Chúng ta biết rằng triều Hán của Trung Quốc do Lưu Bang kiến lập, thời vương triều này đã xuất hiện hình thức ban đầu của Tam giáo Nho – Thích – Đạo. Thời Hán Vũ Đế đã ‘bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật’, đặt định địa vị của Nho gia trong ‘quan học’ (tức lấy học vấn Nho gia để tuyển quan). Còn Phật giáo từ Ấn Độ tiến nhập vào Trung Quốc ở thời Đông Hán, tức năm 67 SCN với ‘Vĩnh Bình cầu pháp’ (Vĩnh Bình là niên hiệu của Hán Minh Đế Lưu Trang, ông sai sử thần sang Tây Thiên cầu pháp), khi ấy đã đem Phật giáo vào Trung Quốc. 

Sau khi Phật giáo tiến nhập vào Trung Quốc đã dẫn đến sự hưng khởi của tôn giáo bản địa, tức Đạo giáo. Trung kỳ và hậu kỳ của Đông Hán đã xuất hiện Đạo giáo. Chúng ta biết rằng văn hoá Trung Quốc lấy Nho – Thích – Đạo làm hạch tâm (核心: trung tâm), mà 3 tôn giáo này vào thời Hán đã đặt định cơ sở, cho nên từ ý nghĩa này mà giảng, thì nhà Hán đã đặt định văn hoá Trung Quốc sau này.

Đối với một dân tộc mà nói, điều quan trọng nhất không phải là huyết thống và địa lý mà là văn hoá. Chúng ta thấy rằng rất nhiều dân tộc thiểu số, nhân chủng của họ vẫn còn, quan hệ huyết thống của họ vẫn có thể tiếp tục truyền, nhưng do mất đi văn hoá, nên chúng ta khó thấy năm xưa dân tộc ấy như thế nào. 

Nhưng cũng có dân tộc không có cương thổ, nhưng họ bảo tồn được văn hoá, ví như dân tộc Do Thái, sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá, dân tộc Do Thái bị La Mã cổ đại bức hại, trải qua hơn 1000 năm lưu tán khắp thiên hạ vạn quốc, không có lãnh thổ, không có chính phủ; nhưng vì họ bảo tồn được tín ngưỡng và văn hoá, cho nên họ vẫn là một dân tộc tiếp tục truyền thừa. Đến năm 1948, nhà nước Do Thái Israel được thành lập. Từ đó chúng ta thấy rằng văn hoá có tính chất vô cùng quan trọng đối với một dân tộc. 

Từ ý nghĩa này mà giảng, có thể nói: nếu ai phục hưng văn hoá dân tộc, chính là phục hưng dân tộc đó. Nếu ai đó đang huỷ diệt văn hoá dân tộc Trung Quốc, họ chính là đang thi hành chính sách diệt tuyệt dân tộc. Từ đó chúng ta thấy được triều Hán có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với dân tộc Trung Hoa. Vì thế có thể nói:

  • Tần đặt định ý nghĩa Trung Quốc về mặt địa lý, cho nên trở thành ‘quốc hiệu’.
  • Hán đặt định ý nghĩa Trung Quốc về mặt văn hoá, cho nên trở thành ‘tộc hiệu’. Người Trung Quốc tự gọi mình là Hán nhân (người Hán), họ nói Hán ngữ, viết Hán tự, mặc Hán phục. Điều này hiển lộ ảnh hưởng của vương triều Đại Hán đối với Trung Quốc.

Tần Thuỷ Hoàng bình sinh

Lời bạchTần Thuỷ Hoàng là Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử, 13 tuổi đăng cơ làm Tần vương, 39 tuổi bình định 6 nước thống nhất thiên hạ. Cả đời Tần Thuỷ Hoàng đã làm rất nhiều đại sự có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đối với hậu thế, ông được xưng tán là ‘Thiên cổ nhất đế’ (千古一帝). Nhưng tuổi thơ của Tần Thuỷ Hoàng lại giống như tù nhân, sống cuộc sống của một con tin. Rốt cuộc đây là chuyện gì?

Tần Thuỷ Hoàng xuất sinh (出生: sinh ra) không phải ở nước Tần mà là ở nước Triệu. Năm 279 TCN, ở địa phương là Miễn Trì, nước Tần và nước Triệu đã diễn ra ‘Miễn Trì hội’, những người quen thuộc lịch sử đều biết. Khi đó Lạn Tương Như và Triệu Huệ Văn Vương, cùng với quốc quân nước Tần bấy giờ là Tần Chiêu Tương Vương tại Miễn Trì tương hội. Khi ấy vì ở Miễn Trì hội, Lạn Tương Như đã thể hiện được dũng khí và trí huệ; thêm vào đó ở biên giới nước Triệu, Liêm Pha bố trí quân đội khiến quân Tần không dám manh động.

Sau này nước Tần muốn tấn công nước Sở (nước Sở ở phía nam nước Tần, nước Triệu ở phía bắc nước Tần), vì không muốn tấn công trên 2 chiến trường, nên trước khi tấn công nước Sở, nước Tần đã ký kết hiệp ước hoà bình với nước Triệu. Nội dung là: đem cháu của Tần Chiêu Tương Vương là Dị Nhân đưa đến nước Triệu làm con tin. Dị Nhân vẫn luôn ở tại nước Triệu, sau này hai nước Tần Triệu còn phát sinh một số chiến dịch nhỏ nhưng quy mô không lớn. 

Gần 20 năm sau, tức năm 262 TCN giữa hai nước Tần Triệu xảy ra một trận quyết chiến mang tính chiến lược, đây là ‘Trường Bình chi chiến’ (trận chiến Trường Bình) vô cùng nổi tiếng trong lịch sử. Trong trận chiến này, nước Triệu thảm bại, 40 vạn quân nước Triệu bị Tần ‘khanh sát’ (坑殺: giết rồi chôn). Đây là tổn thất không thể vãn hồi đối với nước Triệu. Cho nên khi ấy người dân nước Triệu hận nước Tần đến tận xương tuỷ, mà Dị Nhân lại là cháu của Tần Chiêu Tương Vương, do đó hoàn cảnh của ông vô cùng nguy hiểm.

Sau này một đại thương nhân là Lã Bất Vi cưới cho Dị Nhân một mỹ nữ để làm vợ, người này sinh cho Dị Nhân một người con trai. Đứa trẻ này xuất sinh vào năm 259 TCN ở đô thành Hàm Đan của nước Triệu, sau này chính là Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ. 2 năm sau, dưới sự giúp đỡ của Lã Bất Vi, Dị Nhân đã về lại nước Tần, kế vị làm Tần Vương. Khi đó Triệu Chính (tức Tần Thuỷ Hoàng) vẫn lưu lại ở Hàm Đan nước Triệu.

Đến năm 251 TCN, Tần Chiêu Tương Vương băng hà, Triệu Chính trở về nước Tần đổi tên thành Doanh Chính, do đó thời thơ ấu của Tần Thuỷ Hoàng đã trải qua 8 năm sống như con tin ở nước Triệu, hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Năm 13 tuổi, Doanh Chính đăng cơ; năm 22 tuổi thì tự mình chấp chính, dùng 17 năm để thống nhất thiên hạ, lúc này ông mới 39 tuổi. 

Các mốc thời gian quan trọng của Tần Thuỷ Hoàng, trong đó vào năm 221 TCN, ông đã thống nhất thiên hạ khi mới 39 tuổi. Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2, tập 1: Thụ mệnh ư Thiên.

Nghị luận đế hiệu

Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ hầu như thế quân như chẻ tre, tốc độ vô cùng nhanh chóng. Sau khi thống nhất, Tần Thuỷ Hoàng nhớ lại cuộc sống thời ấu thơ làm con tin của mình, ông nói: “Quả nhân vốn dĩ thân phận nhỏ bé, hưng binh trừ loạn, là dựa vào bảo hộ của tổ tiên, cuối cùng thống nhất lục quốc”. Vì để biểu đạt phong công vĩ nghiệp, kỷ niệm thắng lợi huy hoàng, nếu không thay đổi ‘danh hiệu’ (名號: tên hiệu), dường như là không xứng với công lao ấy; cho nên Tần Thuỷ Hoàng để người dưới nghị luận về đế hiệu.

Chúng ta biết rằng thời kỳ Chiến Quốc, quốc quân các nước đều xưng là quốc vương, đương nhiên trước đó Tần Thuỷ Hoàng cũng xưng là Tần Vương. Hiện nay đã thống nhất 6 nước, Tần Vương cho rằng nếu vẫn tiếp tục xưng vương thì miêu tả không chuẩn xác địa vị của mình, do đó ông mới để người dưới nghị luận về đế hiệu. 

Giáo sư Chương cho rằng, kỳ thực hành vi này cũng có đạo lý. Vì sao? Bởi vì khái niệm quốc gia chủ yếu bao hàm 3 tầng ý nghĩa/yếu tố:

  • Lãnh thổ: bạn phải có một phạm vi cương vực mà mình quản lý.
  • Chủ quyền: bạn phải có ‘chủ quyền’ (quyền làm chủ).
  • Nhân dân: cuối cùng phải có lão bách tính do bạn quản lý.

Khi quốc gia ở trạng thái chia tách, vì để biểu đạt sự khác nhau giữa quốc gia này với quốc gia khác, thì mỗi lãnh địa xưng là một quốc gia. Nhưng hiện nay thiên hạ đã thống nhất, lúc này không cần khái niệm lãnh thổ để phân biệt các quốc gia, do đó vì không có khái niệm quốc gia nên cũng không có khái niệm quốc vương. Vì thế Tần Thuỷ Hoàng quyết định đem danh hiệu của mình thay đổi thành ‘Đế hiệu’ (帝號).

Khi đó có 3 người cũng thảo luận, nên đưa tôn hiệu nào cho Tần Thuỷ Hoàng. 3 người này giữ 3 chức gọi là Tam công.

  • Một người là Thừa tướng (tương đương với ‘Chính phủ Tổng lý’, Thủ tướng Chính phủ) là Vương Oản.
  • Người thứ hai là Ngự sử Đại phu (tương đương với cấp Phó Thủ tướng, thực hiện chức năng Giám sát Bộ trưởng) là Phùng Kiếp.
  • Người thứ ba là Đình uý (tương đương với Bộ trưởng Tư pháp) là Lý Tư.

3 vị này đưa cho Tần Thuỷ Hoàng tôn hiệu là: Thái Hoàng (泰皇). Họ cho rằng tất cả các danh hiệu thời cổ đại thì Thái Hoàng là tôn quý nhất. Tần Thuỷ Hoàng nói: ‘Bỏ chữ Thái, giữ chữ Hoàng, lấy Tam Hoàng – Ngũ Đế thời cổ đại làm xưng hiệu’. Tam Hoàng gồm: Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa (cũng có một số cách nhìn khác về Tam Hoàng khác); Ngũ Đế gồm: Hiên Viên Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Lấy danh hiệu Tam Hoàng – Ngũ Đế này bỏ đi Tam và Ngũ, còn lại là Hoàng đế. Tần Thuỷ Hoàng trở thành Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, cho nên gọi là Thuỷ Hoàng Đế (Thuỷ – 始: bắt đầu, khởi điểm).

Tần Thuỷ Hoàng lấy Tam Hoàng – Ngũ Đế bỏ đi Tam và Ngũ để trở thành Hoàng đế. Ảnh minh hoạ từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.

Phế thuỵ pháp

Sau khi xưng đế, Tần Thuỷ Hoàng còn làm một việc nữa là ‘phế thuỵ pháp’ (廢諡法: phế bỏ cách đặt tên thuỵ, tức tên được đặt sau khi mất dựa vào cống hiến của người ấy). Trong quá khứ, quốc quân hoặc quý tộc sau khi mất, thông thường căn cứ theo hành vi của cả một đời mà làm một tổng kết. 

Ví như nói một quốc quân ‘Kinh vĩ thiên địa, từ huệ ái dân’ (Dọc ngang trời đất, từ ái thương dân), thì trong thuỵ hiệu của ông ấy khả năng sẽ có chữ Văn (文), ví dụ Hán Văn Đế, thì Văn chính là thuỵ hiệu. Một người võ công cao cường, bình định phản loạn, thì trong thuỵ hiệu có thể có chữ Vũ (武), ví dụ Hán Vũ Đế, thì Vũ chính là thuỵ hiệu.

Tần Thuỷ Hoàng cho rằng, thuỵ hiệu là ‘tử nghị kỳ phụ, thần nghị kỳ quân’, ý tứ là con cái nghị luận hoặc tổng kết về cha mẹ, đại thần nghị luận hoặc tổng kết về quân vương, Tần Thuỷ Hoàng cho rằng ông không thích điều này, không thích hậu nhân nghị luận về hành vi của ông, cho nên Tần Thuỷ Hoàng đã ‘phế thuỵ pháp’.

Trong quá khứ, danh hiệu của Hoàng đế dựa vào thuỵ hiệu để phân biệt, ví như Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, dựa vào thuỵ hiệu ở giữa để phân biệt Hoàng đế. Nếu ‘phế thuỵ pháp’ thì xuất hiện một vấn đề: làm thế nào để phân biệt Hoàng đế? Tần Thuỷ Hoàng nói: ‘Vậy thì đếm số, ta là Thuỷ Hoàng đế (tức số 1, number one), con trai ta sẽ là Nhị Thế, cháu ta sẽ là Tam Thế… cứ thế mà tiếp tục truyền’. Đây là cách nghĩ của Tần Thuỷ Hoàng, cho nên ông tự xưng mình là Thuỷ Hoàng đế.

***

Trong cuốn ‘Tam tự kinh‘, khi nói về ngũ hành thì có một đoạn đại ý như thế này:

Trâu Diễn thuộc Âm Dương Gia (một trong Bách gia) đã đề xướng lý luận ngũ hành. Ông cho rằng làm Thiên tử ắt phải có ‘đức’ trong ngũ hành thì mới có thể lên làm Hoàng đế. Nếu đức hạnh của họ suy yếu thì sẽ bị người khác hoặc một nhóm người khác trong ngũ hành thay thế.

Mối tương quan trong Ngũ Hành (ảnh Wikipedia tiếng Trung).

Hiên Viên Hoàng Đế có ‘thổ đức’ (đức của thổ) nên ông làm vua. Sau này ‘thổ đức’ suy yếu, người có ‘mộc đức’ là Đại Vũ (quân vương đầu tiên của nhà Hạ) lên làm vua. Đến khi ‘mộc đức’ suy yếu, người có ‘kim đức’ là Thành Thang (quân vương đầu tiên của nhà Thương) lên làm vua. Tiếp đó, khi ‘kim đức’ suy yếu, thì người có ‘hoả đức’ là Chu Vũ Vương lên làm vua’. 

Ở đây còn có một chi tiết rất thú vị. Chúng ta biết rằng trong chính sử (kể cả Phong Thần diễn nghĩa) có ghi lại một chi tiết đó là: khi Chu Vũ Vương qua sông thì có một con cá trắng bạc nhảy lên thuyền. Mà màu trắng bạc tượng trưng cho Kim, cho nên ở đây có thể hiểu là: Nhà Thương (hệ Kim, con cá bạc) đã nằm trong tay Chu Vũ Vương.

Sau này cũng như vậy, trong truyện và phim ‘Đông Chu liệt quốc’ có hình ảnh đứa bé mặc áo đỏ hát một bài đồng dao báo hiệu sự diệt vong của nhà Tây Chu. 

Đứa bé ‘mặc đồ đỏ’ hát bài đồng dao chụp từ phim Đông Chu liệt quốc – Phần Xuân Thu.

Tiếp đó, khi ‘hoả đức’ suy yếu, thì người có ‘thuỷ đức’ là Tần Thuỷ Hoàng lên làm vua. Vậy thì Tần Thuỷ Hoàng đã dựa vào ‘thuỷ đức’ để chứng minh tính hợp pháp của mình như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ