Có hai người du khách đi dưới trời nắng, tìm kiếm một bóng cây to để nghỉ mát. Khi họ nằm nhìn lên tán cây mát rượi, họ mới nhìn ra đó là một cây Tiêu Huyền.

“Cây Tiêu Huyền chẳng có ích gì đâu!”, một người nói. “Nó đã chẳng có trái, lại còn lắm lá xả đầy xuống mặt đất”.

“Đồ vô ơn!”, từ trên cây có một tiếng kêu lớn. “Ngươi nằm ngay dưới bóng mát của ta, thế nhưng ngươi lại bảo ta vô ích! Vậy chẳng là vô ơn đó sao? Ô thần Jupiter, loài người có đáng được hưởng phúc không!”.

(Theo Truyện ngụ ngôn Aesop)

***

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đang hưởng phúc mà không biết. Ánh sáng mặt trời ấm áp, không khí trong lành sớm mai, tình yêu thương của cha mẹ, tình cảm trìu mến giữa bạn bè… đều là những điều ta quen thuộc đến mức quên đi sự hiện diện của chúng. Cũng như hai người lữ khách quên mất mình đang nằm dưới bóng mát của cây Tiêu Huyền.

Có người than vãn rằng cha mẹ già lẩm cẩm, hay đòi hỏi con cái thế này thế kia. Chỉ đến khi cha mẹ khuất núi rồi, họ mới thấu hiểu nỗi trống trải vô biên của hai chữ “mồ côi”.

Có người than phiền rằng con mình chẳng được giỏi giang như con nhà người ta. Chỉ có ai hiếm muộn cô đơn, mới hiểu niềm hạnh phúc vô bờ được làm cha mẹ.

Có người một đời phấn đấu, một đời thất vọng, mộng công danh không thành. Chỉ đến khi sắp lìa bỏ cõi đời, mới nhận ra được sống làm người đã là diễm phúc.

Vì sao nói: trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đang hưởng phúc mà không biết?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đang hưởng phúc mà không biết… (Ảnh: flickr.com)

Trong tiếng Hán, chữ “Dụ” 裕 (đầy đủ, dư dật) và “Dục” 欲 (tham muốn) là hai chữ đồng âm, nhưng ý nghĩa khác xa nhau. Chữ “Dụ” 裕 do chữ “Y” 衣 (y phục, quần áo) kết hợp với chữ “Cốc” 谷 (ngũ cốc, lúa gạo) mà thành. Hàm ý là chỉ cần có quần áo mặc và có lương thực để ăn thì đã là dư dật và sung túc rồi. Người xưa sống đạm bạc mà thư thái, ăn no mặc ấm thì liền cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ.

Còn chữ “Dục” 欲 là do chữ “Cốc” 谷 (ngũ cốc, lúa gạo) kết hợp với chữ “Khiếm” 欠 (thiếu, không đủ) tạo thành. Ngụ ý rằng, dù đã có đủ thực phẩm để ăn no rồi nhưng vẫn còn cảm thấy thiếu thốn, đó chính là không biết đủ, tham muốn nhiều hơn nữa.

Lão Tử nói: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, nghĩa là người biết đủ thì sẽ vĩnh viễn không thấy thiếu thứ gì. Quả thực là, dẫu ngồi trên núi vàng, nhưng không kiềm chế được dục vọng thì con người ta mãi mãi không thấy đủ đầy, hạnh phúc. Dục vọng là vực sâu không đáy, khiến con người mãi chẳng nhận ra mình đang có phúc phận nhường nào.

Kể từ hôm nay, bạn hãy thử tập quan sát xung quanh mình và kể tên ra những phúc lành mà bạn đang có. Tôi tin là, cuộc sống của bạn sẽ nhanh chóng lấp đầy bằng niềm vui và cảm ân.

Thanh Ngọc