Người xưa có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Tình nghĩa vợ chồng đi qua nhiều kiếp mới đến được với nhau. Vậy phải làm thế nào để trọn đạo vợ chồng và trân quý mối nhân duyên ấy?
Hôn nhân là việc đại sự lớn trong đời mỗi con người. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay thái độ và hành vi của chúng ta đối với hôn nhân đã gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội. Ví dụ như bạo lực gia đình, chiến tranh lạnh, ngoại tình, sống thử… Tất cả những điều đó dẫn tới đạo đức xã hội bại hoại, tạo càng nhiều nghiệp từ đó dẫn tới xuất hiện các loại bệnh ác tính kỳ lạ…
Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi thái độ của con người ngày nay với hôn nhân có lẽ là bởi chúng ta quá đề cao cái tôi cá nhân, phóng túng dục vọng, và không tin vào luật nhân quả. Nếu muốn giải quyết chúng ta phải bắt đầu từ gốc. Hãy cùng nhìn lại và tìm hiểu xem người xưa nhìn nhận và đối đãi với vấn đề hôn nhân như thế nào.
Bàn về hôn nhân, ngoài chữ “tình” vợ chồng sống với nhau còn vì hai chữ “ân nghĩa”. Người xưa nói “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai con người xa lạ không quen biết có thể được đi chung đường với nhau, đó đều là nhân duyên.
Trong thời cổ đại, những nghi thức lễ giáo hoàn thiện và luân lý đạo đức thường cao hơn và chế ước quan hệ tình cảm nam nữ. Họ đều cho rằng “tình yêu” được xây dựng trên cơ sở hôn nhân, như vậy mới theo đúng trật tự, mới được củng cố vững chắc, hợp tình hợp lý và cũng mới được xã hội công nhận và tôn trọng. Tất cả các loại “tình yêu” không dựa trên cơ sở hôn nhân đều không được cho phép, và đều là vi phạm đạo lý lễ giáo.
Hôn nhân là việc lớn trong đời mỗi người chứ không phải trò đùa con trẻ, nên từ thời nhà Chu đã đặt định ra những lễ pháp chính trước khi tiến đến một đám cưới:
Lễ nạp thái: Sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.
Lễ vấn danh: Là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.
Lễ nạp cát: Lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.
Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): Là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.
Lễ thỉnh kỳ: Là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới.
Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): Đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.
Người xưa rất kính Thần tín Phật, coi trọng chữ hiếu. Vì vậy khi kết hôn thường phải bái trời đất để trời đất chấp nhận, bái cha mẹ để cha mẹ thừa nhận.
Cũng từ quan niệm đó nên thái độ của người xưa đối với vấn đề hôn nhân là nhân nghĩa đặt lên đầu, duyên phận đặt lên trước, lễ giáo đặt lên trước, và tình dục là cuối cùng. Thái độ của con người ngày nay là ngược lại hoàn toàn, đầu đuôi lẫn lộn.
Hãy cùng đọc hai câu chuyện nhỏ dưới đây để xem người xưa đã đối đãi ra sao với hôn nhân
Nghĩa tình vợ chồng thấm đượm
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, ở nước Tề có một vị hiền tướng nổi tiếng tài giỏi tên là Yến Anh. Tề Cảnh Công là vua nước Tề muốn gả con gái yêu cho Yến Anh, bèn đến nhà ông uống rượu. Trong lúc nghe rượu thưởng nhạc, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Anh, liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”.
Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”. Cảnh Công nói: “Cô ta vừa già vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh”.
Yến Tử lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Vợ của tôi nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay chúa công muốn ban con gái của ngài cho tôi, nhưng làm sao tôi có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?”. Yến Tử bái mấy bái xin tạ ơn và từ chối.
Có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Tử ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Tử, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”
Yến Tử trả lời: “Là thê tử của ta”.
Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.
Yến Tử trả lời, “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là xa rời đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”.
Một lần khác, có một thợ khéo là nữ nhân xin làm tôi tớ cho nhà Yến Tử, nói rằng: “Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà Ngài, xin được làm hầu thiếp”.
Yến Tử nói: “Đến hôm nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức! Thời xưa kẻ chấp chưởng việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính”. Vì thế không tiếp nạp nữ nhân này.
Câu chuyện vợ chồng “tương kính như tân”
Vào thời Hán gia đình họ Mạnh sinh được một cô con gái tên là Mạnh Quang. Cô gái từ khi sinh ra đã có tướng mạo xấu xí nhưng lại khỏe mạnh, hiền thục, thông minh và hiểu biết lễ nghĩa.
Gia cảnh nhà Mạnh gia cực kỳ giàu có, số người đến xin cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng mỗi lần có người đến cầu hôn, cô đều không ưng ý. Dung mạo của Mạnh Quang mặc dù xấu xí nhưng cô cũng không vì thế mà cảm thấy tự ti và cũng không vì giàu có mà kiêu căng. Cô không muốn truy cầu một cuộc sống danh lợi phú quý. Trong nội tâm của cô chỉ coi trọng việc tu dưỡng đạo đức. Mặc dù tuổi đã lớn mà vẫn chưa thành thân nhưng cô cũng không vì thế mà lo lắng, hàng ngày đều hiếu kính cha mẹ, an phận với cuộc sống.
Mạnh Quang có tín niệm kiên định như vậy nên cha mẹ cô rất lo lắng, thấy con gái mỗi năm một nhiều tuổi hơn, cha mẹ sốt ruột mà hỏi cô: “Đã nhiều năm như vậy, cũng có nhiều người đến cầu hôn như thế, trong đó người giàu cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, người có địa vị cũng có, người tài hoa cũng có. Nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn một người như thế nào?”. Mạnh Quang liền trả lời: “Con hy vọng người đó có tính nết như Lương Hồng!”
Lương Hồng là một vị thư sinh hiếu học, gia cảnh bần hàn, cha mẹ sớm đã qua đời. Lúc ấy, Lương Hồng tuy tuổi còn trẻ nhưng rất kiên nghị, chăm chỉ học hành và còn được đưa đến trường cao nhất thời đó để học tập. Bởi vì ông thông minh hiếu học, tinh thông kinh sử lại có đức hạnh khiến cho ai trong thời đó cũng đều kính nể.
Sau này, Lương Hồng trở về quê quán, tiếp tục học tập để tự nâng cao bản thân mình. Ở quê nhiều người gặp Lương Hồng tuấn tú lịch sự, khí chất nho nhã, lại có học vấn cao nên rất ngưỡng mộ thậm chí đều muốn gả con gái cho ông. Người đến xin thành thân cũng rất nhiều, trong đó không thiếu những cô gái con nhà cao quý, giàu có và xinh đẹp, nhưng đều bị Lương Hồng từ chối một cách khéo léo. Trong lòng Lương Hồng, từ trước đến nay chỉ tôn sùng đạo đức chứ không ham danh lợi tài sắc. Ông hy vọng có thể tìm được một người cùng chung chí hướng với mình.
Sau khi Lương Hồng được biết Mạnh Quang là người phẩm đức hiền lương, ông có chút ngạc nhiên nhưng cũng cảm thấy bội phục trong lòng liền mời người đến cầu hôn. Mạnh Quang cũng ưng ý mà chấp thuận.
Đến ngày kết hôn, Mạnh Quang ăn mặc và trang điểm vô cùng xinh đẹp, ai nấy đều vô cùng bất ngờ và vui vẻ, duy chỉ có Lương Hồng là không thèm nhìn ngắm vợ. Nguyên do là vì điều Lương Hồng kỳ vọng chính là một người vợ có thể cùng ông sống một cuộc sống “áo vải” đơn giản. Hôm nay, Mạnh Quang ăn mặc diêm dúa, tô son đánh phấn vẽ lông mày khiến Lương Hồng có chút hồ nghi thất vọng.
Hiểu ý chồng, Mạnh Quang quay trở lại phòng thay một bộ trang phục vải thô bước ra, Lương Hồng biết rõ vợ có cùng chí hướng với mình nên vui mừng nói: “Đây mới thực sự là vợ của Lương Hồng chứ!”. Cũng từ đó ông đặt cho vợ một tên chữ là Đức Diệu.
Về sau, hai người cùng nhau đến núi Bá Lăng sinh sống ẩn cư, sống một cuộc sống đồng ruộng. Lương Hồng hàng ngày ra ruộng cày cấy còn Mạnh Quang ở nhà dệt vải, làm nội trợ, rất chăm chỉ. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại cùng nhau đọc sách, đánh đàn, học tập đạo đức. Cuộc sống của họ tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc.
Mỗi lần Lương Hồng trở về nhà thì Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Hơn nữa mỗi lần đưa cơm canh cho chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi người và cung kính nhận lấy, hai vợ chồng họ tương kính như tân, dùng lễ mà đối đãi với nhau.
Có một lần Cao Bá nhìn thấy cảnh này, ông cảm thấy vô cùng ngạc nhiên nói: “Vị này thật biết “đào tạo” người, có thể khiến cho vợ của mình tôn trọng mình như vậy, nhất định không phải là một người bình thường. Đây nhất định là hai vị quân tử ẩn cư rồi!”
Qua hai câu chuyện trên mới thấy rằng, bậc trượng phu không chỉ thể hiện qua tài cao chí lớn, mà còn ở tấm lòng thủy chung, son sắt và cách cư xử có đạo với hiền thê, cho dù vợ mình có già nua theo năm tháng, họ vẫn một mực giữ trọn tình phu thê mà chối bỏ nữ sắc trẻ trung hấp dẫn hơn. Bởi họ hiểu và tôn trọng lời thề nguyền giao bôi trước Trời Đất khi kết hôn, trân trọng những hi sinh của người bạn đời cho mình.
Vợ chồng đến được với nhau là nhờ nhân duyên tiền định, cho dù đó là thiện duyên hay ác duyên. Nếu là thiện duyên bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nếu là ác duyên thì đấy là cơ hội để bạn thiện giải và bồi hoàn lại những món nợ cũ.
Vậy nên khi phải đối diện với những mâu thuẫn trong cuốc sống vợ chồng đừng rơi vào cảm giác đau khổ bất hạnh, hãy hiểu rằng chịu khổ không phải là điều bất hạnh, thực ra đó là lúc nợ vay phải trả, hãy đối diện với những khó khăn đó bằng thiện tâm và thái độ bình tĩnh. Một khi bạn thấy lòng mình không dậy sóng nữa, bạn sẽ thấy những sự việc tiếp theo sẽ có kết quả tốt hơn.
Kiên Định