Trong thần thoại, quả bầu hồ lô là bảo vật mang đến tài lộc và may mắn, được rất nhiều vị Tiên đem theo như một thứ pháp khí diệu kỳ.
Hồ lô là một trong những biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong phong thủy, giúp mang lại sức khỏe, bình an, bảo vệ con người khỏi bệnh tật. Nhờ cấu tạo đặc biệt: “miệng nhỏ, bụng to, bên trong rỗng”, quả bầu hồ lô được dùng làm bình giữ thuốc, chứa linh đan, hoặc đựng nước và rượu. Ngoài ra, hồ lô còn được coi là biểu tượng của sức khỏe và sự trường thọ.
Hình dáng đặc biệt của hồ lô tượng trưng cho sự hợp nhất của Trời và Đất: nửa trên là Trời, nửa dưới là Đất. Khi phục vụ cho con người, hồ lô sẽ phát huy thế mạnh của tam tài: Thiên – Địa – Nhân.
Hồ lô – pháp khí thần diệu của các vị Tiên
Lễ ký – Hôn nghĩa có ghi chép về lễ hợp cẩn, một trong những nghi thức hôn lễ quan trọng nhất thời cổ đại. Trong hôn lễ, mọi người mở nắp hồ lô rót đầy rượu ngon, được gọi là “Cẩn”. Sau đó cô dâu chú rể sẽ dùng một đôi cẩn để dâng rượu. Cho đến nay, người Trung Hoa vẫn duy trì lễ “hợp cẩn giao bôi” giữa các cặp tân lang, tân nương. Trong phong thủy, hồ lô là một vật dụng có tác dụng tiêu trừ sát khí, xu cát tị hung. Vào thời cổ đại, hồ lô là biểu tượng cho tình cảm vợ chồng hài hòa và là chiếc bình chứa linh đan trị mọi tật bệnh.
Hồ lô miệng thì nhỏ còn phần bụng thì to, trên thì bé mà dưới thì rộng rãi, người có công năng có thể dùng nó để hút khí bệnh. Trong thần thoại Trung Quốc, các vị Tiên, Thánh như Lý Thiết Quải, Tế Công hoà thượng, hay Nữ Oa đều cầm trong tay pháp khí hồ lô.
Một số đạo sĩ dùng hồ lô để bắt giữ linh hồn xấu, vì vậy người ta cho rằng quả bầu khô có thể hấp thu tà khí. Thời xưa, người già thường mang theo bên mình trái hồ lô như chiếc bùa hộ mệnh, giúp sống lâu và xua đuổi quỷ dữ.
Một số vị Thần như Thọ Tinh hay Lý Thiết Quải đều mang theo hồ lô, có khả năng chữa bệnh nan y cứu người.
Lý Thiết Quải là một trong tám vị Tiên bất tử (Bát Tiên), thường được minh họa như một ông già xấu xí, râu ria xồm xoàm, tay cầm chiếc nạng sắt và đeo trên vai một quả bầu. Ông là người nóng giận, hay gắt gỏng, nhưng lại vô cùng nhân từ với người nghèo khổ ốm đau, ông thường dùng tiên dược trong quả bầu hồ lô của mình để chữa bệnh cho con người.
Lý Thiết Quải vốn tên là Lý Huyền, từng thu nhận một đồ đệ tên là Dương Tử. Một ngày nọ, trước khi nguyên thần rời khỏi thân thể để thần du khắp nơi, ông đã dặn dò đệ tử rằng nếu bảy ngày sau mà nguyên thần của sư phụ không về nhập xác thì cậu có thể mang xác ấy đi thiêu. Chưa đến bảy ngày, Dương Tử nhận được tin mẹ mất, cậu thần trí bấn loạn đã vội thiêu xác sư phụ của mình.
Đến ngày thứ bảy, Lý Huyền quay về thì thể xác không còn, phải tìm kiếm một nhục thân khác để trú ngụ, may thay trong vùng có một người ăn mày khập khiễng vừa mới qua đời. Từ đó trở đi, Lý Huyền mang dáng hình xấu xí, chân phải chống nạng sắt (thiết trượng), được dân gian gọi là Lý Thiết Quải. Ông biết được lòng hiếu thảo của Dương Tử, ông không hề trách mắng đệ tử mà còn dùng một viên linh đơn trong chiếc hồ lô để cứu sống mẹ Dương Tử.
Trong truyền thuyết, Phật Dược Sư cầm chiếc bình hồ lô đựng đầy linh đơn diệu dược, cứu tất cả các bệnh khổ cho chúng sinh. Vậy nên dân gian tin rằng hồ lô là một vật dụng dùng để chữa bệnh.
Ông Thọ trong Tam Đa (Phúc – Lộc – Thọ) là vị thần bất tử, râu tóc bạc phơ, thường mang theo mình trái đào tiên, nấm bất tử Linh Chi và bình hồ lô chứa nước trường sinh.
Cuốn Nguyên Hoa Ký có câu chuyện kể rằng: Vào một ngày nọ khi cơn giông bão vừa ngưng, trước cổng Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn có một ông lão chống gậy, đứng gõ cửa xin vào tá túc. Các tăng nhân trong chùa lấy lý do cửa chính đã khóa không thể mở được, nên bảo ông hãy ra gian nhà trống ở bên ngoài chùa mà nghỉ qua đêm.
Sau canh hai, các tăng nhân bị tỉnh giấc bởi ánh sáng chói lọi phát ra từ bên ngoài cổng chùa. Họ rất lấy làm tò mò, bèn bước ra xem đó là gì. Thì ra đó là gian phòng nơi ông lão đang ở, trong đó có đủ giường, nệm, chăn, gối vô cùng đẹp đẽ sang trọng. Bên cạnh đó còn thấy một bàn thức ăn thịnh soạn, ngon lành. Ông lão ở đó thưởng thức mọi đồ ăn thức uống thơm ngon, ăn uống no say rồi lên giường đi ngủ. Các tăng nhân ngạc nhiên tới mức không nói nên lời, cũng không dám mở cửa để nhìn kỹ hơn, họ cứ đứng yên như vậy để quan sát.
Sau canh năm ông lão tỉnh giấc, lấy trong túi ra một quả bầu hồ lô rồi cho tất cả những đồ dùng như giường, chiếu, chăn, màn… cất vào trong đó. Bầu hồ lô tuy nhỏ nhưng không gì không chứa được. Xong việc, ông lại để quả bầu vào trong túi ở trước ngực và trả lại vẻ trống vắng cho gian nhà trống. Các tiểu hòa thượng lấy làm kinh ngạc, cùng nhau mở cửa tới bái kiến ông lão và hỏi thăm quý danh. Ông nói mình họ Phan, đến từ Nam Nhạc, nay tới Thái Nguyên du ngoạn, nói rồi thong thả rời đi.
Các bảo bối trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tây Du Ký có thể nói là vô cùng diệu kỳ, đầy đủ tất cả mọi thần thông biến hoá, không gì là không thể. Tử Kim hồng hồ lô của Thái Thượng Lão Quân và bình tịnh thủy của Quán Âm Bồ Tát chính là những bảo bối như vậy. Trong hồi thứ 34 của Tây Du Ký có câu chuyện về nguồn gốc và sự thần diệu của Tử Kim hồng hồ lô như sau: Chuyện rằng, trong thời kỳ hỗn độn mới phân, dưới chân núi Côn Luân có một tiên đằng, trên đó kết thành Tử Kim hồng hồ lô. Thái Thượng Lão Quân đã hái trái hồ lô xuống đem về đựng linh đơn. Nó có uy lực tuyệt luân, có thể hút chư thiên thần pháp, hễ bị nó hút vào thì cho dù là mình đồng da sắt cũng sẽ bị hóa thành nước trong nháy mắt.
Ngân Giác đại vương cầm Tử Kim hồng hồ lô, đáy chổng lên trời, miệng hướng xuống đất và gọi tên Tôn Ngộ Không. Ngộ Không “ơi” một tiếng liền bị thu vào hồ lô. Có thể thấy bảo bối trong tay yêu quái chính là vu thuật hỏi tên của hồ lô.
Tình tiết trên cũng tương đồng với một câu chuyện trong Sưu Thần Hậu Ký của Ngũ Liễu tiên sinh Đào Tiềm. Chuyện kể rằng vào thời xưa có một người tên Chu Tử Văn, tên tục là A Thử. Một ngày nọ, Chu Tử Văn lên núi đi săn thì bất ngờ gặp phải một người khổng lồ cao lớn từ trong núi đi ra, tay cầm cung khảm sừng và một mũi tên dài. Chu Tử Văn đang tự hỏi đây là ai thì người khổng lồ kia đột nhiên kêu lên: “A Thử!”. Chu Tử Văn bất giác đáp lại: “Ơi!“, sau đó người khổng lồ giương cung bắn tên, Chu Tử Văn liền “mất hồn” đứng im chịu trận.
Đây chính là hắc vu thuật – một loại tà thuật sử dụng tên tục, tên chữ, tên tự… để hại người khác. Do đó các bộ lạc nguyên thủy và người xưa luôn giữ kín họ tên của mình, nguyên nhân chính là vì danh tính có một ma lực đặc thù, có thể liên hệ chặt chẽ với linh hồn và sinh mệnh của mỗi người.
Hình tượng hồ lô trong tín ngưỡng, tôn giáo
Có thể nhận định chung rằng hình tượng đặc trưng cùng với các tính năng của hồ lô đã khiến hồ lô trở thành vật linh thiêng, được thờ cúng trong các tín ngưỡng có từ thời viễn cổ.
Đầu tiên, đối với một vài dân tộc thiểu số, hồ lô là vật tổ, được coi là biểu tượng của sự sống và linh vật tạo ra dòng giống.
Thứ hai, hồ lô là biểu tượng nữ tính gắn với sự sinh sôi trong tín ngưỡng phồn thực. Người tiền Hán gọi mẹ là “tôn đường”. Còn trong Liêu Trai Chí Dị và Nho Lâm Ngoại Sử, “tôn” lại là tên gọi khác của hồ lô. Có thể thấy người tiền Hán và các dân tộc lân cận vốn có tín ngưỡng thờ hồ lô mẫu. Trong suy nghĩ của họ, mẫu cũng chính là hồ lô, mẫu sinh ra con, hồ lô sinh nhân loại. Thờ hồ lô chính là thờ mẫu, thờ sự sinh sôi.
Thứ ba, hồ lô là biểu trưng của nguồn cội, là nơi trú ngụ của tổ tiên, và cũng là nơi mà mọi “tiểu ngã” phải quay về sau cái chết. Chính vì thế, hồ lô gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một số dân tộc đặt hồ lô lên bàn thờ tổ tiên, tượng trưng cho nơi linh hồn trú ngụ, ngoài ra còn có nghi lễ rước linh hồn người chết vào trú ngụ trong hồ lô.
Thứ tư, không gian bên trong hồ lô được thần bí hóa thành không gian siêu phàm, đặc biệt là trong tín ngưỡng thờ Thần. Mỗi khi gặp phải hoạn nạn, người ta làm nghi lễ tế hồ lô với mong ước Thần linh ngự trong không gian vũ trụ linh thiêng của hồ lô sẽ giúp họ toại nguyện.
Giống như trong tín ngưỡng, hình tượng hồ lô trong tôn giáo cũng mang đầy đủ các đặc trưng của nó. Trong đó, Đạo giáo đặc biệt coi trọng hình ảnh cùng ý nghĩa biểu trưng của chiếc hồ lô. Đạo gia và Đạo giáo khởi nguồn từ Lão Tử. Sư bối của Lão Tử là Hồ Tử, người nước Trịnh thời Xuân Thu, lấy biệt danh là “Hồ Lô”, còn Lão Tử thì gọi hồ lô là “Huyền Tẫn” và “Thiên Địa Căn”, nghĩa là ‘gốc của đất trời’. Trang Tử cũng hết lời ca tụng công năng của chiếc hồ lô.
Bên cạnh Đạo giáo, Phật giáo cũng mượn hình ảnh hồ lô với vai trò của bình linh thủy (nước tạo sự sống), linh vật trừ tà (thu nhận và lưu giữ yêu nghiệt), v.v. Trong Tây Du Ký, không ít lần các sư đồng đã phải sử dụng đến hồ lô để thu phục yêu nghiệt hoặc làm công cụ vượt sông.
Những câu chuyện về hồ lô thường mang sắc màu thần bí, đó cũng chính là một loại thần thông. Người bình thường chúng ta coi đó chỉ là chuyện thần thoại, nhưng với người tu luyện đó lại là điều hết sức xác thực và minh tỏ rõ ràng. Khoa học hiện đại đã giới hạn tư duy của chúng ta trong không gian vật chất nhỏ bé, những điều con người ‘nhìn không thấy, sờ không được’ đều bị coi là viển vông tưởng tượng. Nhưng khoa học đích thực lại nằm trong tay Thần Phật, kiến thức của con người quá nông cạn nên không thể lý giải mà thôi.
Kiên Định
Theo Secretchina
Bạn đang đọc bài viết: “Vì sao quả hồ lô được coi là pháp khí kỳ diệu của bậc Thần tiên?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |