Khái niệm “Tứ đại danh tác” này đề cập đến điều gì? Chính là bốn tác phẩm có tính tiêu biểu nhất của tiểu thuyết cổ điển dài tập Trung Quốc, đó là “Hồng Lâu Mộng”, “Tây Du Ký”, “Thủy Hử” và “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Cách gọi “tứ đại danh tác” này nguyên thoát thai từ cách nói “tứ đại kỳ thư” của Phùng Mộng Long, đương thời “tứ đại kỳ thư” là đã thay thế “Hồng Lâu Mộng” bằng “Kim Bình Mai”, và cả bốn bộ tiểu thuyết này đều là tác phẩm được viết vào thời nhà Minh. Sau này khi “Hồng Lâu Mộng” thời nhà Thanh xuất thế, có người cảm thấy nội dung của cuốn “Kim Bình Mai” quá tục tĩu, nên đã thay thế nó bằng tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, hình thành khái niệm tứ đại danh tác ngày nay.
Tên đầy đủ của tứ đại danh tác nên phải là: “Tứ đại danh tác của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”, và phạm vi tuyển chọn của nó là trong lĩnh vực tiểu thuyết trường thiên cổ điển. Nhìn nhận như vậy, thì vô luận là về thời gian sáng tác, giá trị văn học và tầm ảnh hưởng, thì các tác phẩm khác đơn giản là khó có thể vượt qua được.
Lại nói, thời xưa viết tiểu thuyết không được thịnh hành cho lắm, đồng dạng là đọc sách viết chữ, thứ mà mọi người tôn sùng chính là thi từ ca phú, viết tiểu thuyết là tiểu đạo, không phải là nghề nghiệp chính thống, các học giả và sĩ phu chính thống thời đó đều không hứng thú về điều này. Trong suốt một đoạn thời gian dài của lịch sử Trung Hoa vốn không có tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết trường thiên như vậy.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các truyện ngắn tư liệu, người xưa rất giỏi trong việc kết hợp các câu chuyện truyền thuyết và lịch sử với nhau, chẳng hạn như tác phẩm “Tả Truyện” và “Sử ký”,… đều đã được đăng đàn rất sớm, tuy nói là sách sử, nhưng rất nhiều ghi chép rõ ràng chính là câu chuyện, thậm chí là tiết mục ngắn, có thể coi là hình thức ban đầu của tiểu thuyết. Trong lịch sử cũng có rất nhiều bậc thầy kể chuyện, ví dụ như Đông Phương Sóc thời Hán Vũ Đế là bậc thầy có sở trường kể các câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, những câu chuyện ông kể đều có thể được coi là tiểu thuyết.
Đương nhiên, nếu nói về tiểu thuyết đúng nghĩa thật sự thì phải bắt đầu từ thời Nam Bắc Triều, tiêu biểu nhất là tác phẩm “Sưu Thần Ký” và “Thế Thuyết Tân Ngữ”, một bên thì kể rất nhiều các câu chuyện thần tiên quỷ quái kỳ dị, một bên thì kể các giai thoại về tầng lớp sĩ phu, có thể gọi là hai bộ tiểu thuyết đoản thiên đặc sắc.
Ngoài ra, còn có hai tác phẩm nổi tiếng, một là “Mộc Lan Từ” và một là “Khổng Tử Đông Nam Phi” (chim công bay về đông nam), hai tác phẩm này đều là những bài thơ kể chuyện dài. Hai tác phẩm này là hình thức thi ca nhạc phủ (quan đời Hán chuyên sưu tập thơ ca dân gian và âm nhạc, đời sau gọi những thể thơ và tác phẩm làm theo loại này cũng là nhạc phủ), ngôn ngữ sinh động, niêm luật chuẩn mực, cốt truyện rõ ràng, rất có trật tự, hình thức là thơ ca, nội dung là tiểu thuyết, có thể nói chúng đều là những kiệt tác hiếm có.
Tất cả các tác phẩm thời kỳ này đều có đặc điểm chính là ngắn, thơ tự sự dù được gọi là trường thi, thì cũng chỉ mang tính chất tương đối, so với tác phẩm đồ sộ lên đến hàng vạn câu thơ của “Sử thi của Homer” của phương tây thì quả thật cũng không được tính là dài. Những bộ sưu tập này thường cũng không phải là sáng tác nguyên gốc, thường tích hợp nhiều truyền thuyết và giai thoại khác nhau, làm một quy nạp đơn giản. Vì những tác phẩm như vậy không được phổ biến, không thể được chính quyền công nhận, vậy nên rất khó có người nguyện ý sáng tác độc lập, chứ đừng nói đến việc viết tiểu thuyết trường thiên gì đó nữa.
Song song với loại bài viết ngắn này, còn có một thể loại văn học khác cũng là kể chuyện, đó chính là hí khúc. Câu chuyện của hí khúc nói chung đều rất mạnh, còn có hình thức biểu diễn. Tuy nhiên, hí khúc rõ ràng bị các học giả chính thống coi thường, cách gọi con hát hạ cửu lưu gì đó có rất nhiều.
Thời đại huy hoàng của hí khúc là vào thời nhà Nguyên, bởi vì nhà Nguyên đàn áp các học giả truyền thống và cưỡng ép lập trường dân tộc của họ, rất nhiều học giả thuận theo thời thế, sáng tác ra một số lượng lớn các tác phẩm văn học phù hợp với thị trường, đó là cái gọi là tạp kịch Nguyên sau này, chẳng hạn như tác phẩm tiêu biểu như “Oan Đậu Nga”, “Tây Sương Ký”,… Các tác phẩm hí kịch này, cả về cấu trúc lẫn độ dài đều lớn hơn nhiều so với các truyện ngắn trước đây, đồng thời cả về giá trị văn học, hay là sức ảnh hưởng đều đạt đến đỉnh cao.
Rồi đến sau này, vào cuối thời Nguyên và đầu thời Minh, “Thủy Hử” đã ra đời, đây là tiểu thuyết trường thiên thể chương hồi đầu tiên ở Trung Quốc, “Thủy Hử” có nhiều nhân vật, cốt truyện phức tạp và đa dạng, có đầu mối và chủ trương tư tưởng hoàn chỉnh, có ảnh hưởng sâu rộng với tiểu thuyết đời sau. Đến thời nhà Minh, tiểu thuyết trường thiên đã đạt đến sự phát triển chưa từng có, với sự xuất hiện của một lượng lớn các tác phẩm xuất sắc như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Tây Du Ký”, “Phong Thần Diễn Nghĩa”, “Đông Chu Liệt Quốc”,v.v. Trong con mắt chính thống, tiểu thuyết vẫn là một tồn tại cấp thấp. Tuy nhiên, trong mắt công chúng, tiểu thuyết đã hòa nhập vào đời sống tinh thần, mang tính giải trí cao, dễ đọc dễ hiểu, khiến sức ảnh hưởng của nó ngày càng lớn.
Đến thời nhà Thanh, ngày càng có nhiều tiểu thuyết trường thiên xuất hiện, trong đó nổi tiếng nhất là “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần. Ngoài ra, cuối thời nhà Thanh còn xuất hiện bốn bộ tiểu thuyết lên án lớn, vạch trần hiện thực, xác định chính xác các vấn đề hiện tại, ngôn ngữ sinh động và hình tượng nhân vật toàn diện, tất cả đều có thể được coi là tiểu thuyết trường thiên chất lượng cao. Tuy nhiên, so với Tứ đại danh tác, thì các tác phẩm này về tầm ảnh hưởng hay giá trị văn học vẫn còn một khoảng cách lớn.
Văn học cổ điển có rất nhiều thể loại, ví như thi từ ca phú, v.v., đều có lịch sử mấy nghìn năm, nói riêng thi ca thì có các thể thơ tứ tuyệt, thơ Đường,… mỗi thể loại đều có lượng lớn các tác phẩm hay. Tiểu thuyết trường thiên tính ra vẫn còn là một loại hình khá non trẻ, tính ra chỉ mới có mấy trăm năm lịch sử, khái niệm Tứ đại danh tác đơn thuần là chỉ bốn danh tác lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết trường thiên, bốn tác phẩm này rất xứng đáng với danh xưng. Đều nói Tứ đại danh tác này không ảnh hưởng chút nào đến các tác phẩm văn học khác, có người thích đọc thơ, thế thì có thể ngâm các tác phẩm như “Ba trăm bài thơ Đường”, “Kinh Thi”, “Mười chín bài thơ cổ” , có người thích Tống Từ, thế có thể đọc các tác phẩm của Liễu Vĩnh, Tô Thức, Tân Khí Tật và những người khác. Việc nghiền ngẫm những tác phẩm này có thể đi đôi với việc đọc tiểu thuyết cổ điển, và danh hiệu “Tứ đại danh tác” hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc người ta đọc các tác phẩm văn học khác.
Nhưng phải nói rằng, trong lĩnh vực tiểu thuyết trường thiên, tên tuổi của tứ đại danh tác quả thực đã làm lu mờ nhiều tác phẩm khác, nếu làm một thống kê, số người đọc tứ đại danh tác nhiều hơn rất nhiều so với số người đã đọc các tiểu thuyết trường thiên kinh điển khác, đây cũng có thể là nguyên nhân có được sự cộng hưởng.
Theo Secret China
Vũ Dương biên dịch