Đại Kỷ Nguyên

Vị Thánh tử vì Đạo nhưng vẫn giúp người La Mã thoát khỏi ôn dịch

Ảnh: Wikimedia Commons.

Ông đã tử vì Đạo trong cuộc đàn áp Cơ Đốc giáo ở La Mã. Nhưng cũng chính ông lại được hậu thế tôn vinh là có công bảo hộ dân chúng khỏi ôn dịch. Ông được gọi là “Người bảo vệ trong ôn dịch” – Thánh Sebastian.

Truyền bá phúc âm, giúp đỡ giáo đồ bị bức hại

Từ “Sebastian” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người cao thượng kiệt xuất”. Sebastian sinh ra ở Narbonne vào năm 256 sau Công nguyên và lớn lên ở Milan. Cha mẹ ông tin vào Chúa Trời, vì vậy ngay từ nhỏ ông cũng một lòng tin tưởng vào Cơ Đốc. Nhưng thời điểm đó, Cơ Đốc bị coi là tà giáo ở Rome. 

Sebastian không muốn trở thành lính cận vệ, nhưng ông tin rằng làm lính sẽ có thêm cơ hội để giúp đỡ các giáo đồ bị cầm tù. Năm 283, khi mới 27 tuổi, ông đến Rome để gia nhập quân đội.

Sebastian rất dũng cảm và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, được Hoàng đế Diocletian khen ngợi và phong làm đội trưởng của đội cận vệ La Mã. Tất nhiên, Diocletian không hề biết rằng ông là một tín đồ Cơ Đốc giáo. 

Trong thời gian làm thượng úy, ông thường mạo hiểm mạng sống tham gia các cuộc cầu nguyện, đồng thời truyền bá phúc âm và giúp người La Mã quy y theo Cơ Đốc giáo. Không chỉ vậy, ông còn tận dụng thời gian để tìm cơ hội giúp đỡ tín đồ chịu bức hại. Bởi vì lúc ấy Cơ Đốc giáo bị nghiêm cấm ở Rome, những ai bị phát hiện sẽ phải lãnh án tử hình. 

Lúc ấy có hai anh em sinh đôi là Marcelino Anus và Marcus bị kết án tử hình. Sebastian hay tin liền vào ngục thăm họ, và nhờ sự khích lệ của ông, hai anh em lại càng thêm kiên định vào Chúa và không còn hoang mang, lo sợ. 

Rất nhiều phạm nhân và cai ngục cũng nghe thấy những lời khuyên nhủ của Sebastian, họ vô cùng cảm động xin được rửa tội rồi quy y theo Cơ Đốc giáo. Cha của hai anh em sinh đôi cũng có mặt, ông lão mặc dù đang bị bệnh, nhưng sau khi được rửa tội và xức nước thánh, căn bệnh của ông đột nhiên biến mất. Từ đó, rất nhiều người tin theo và cũng trở thành môn đồ Cơ Đốc.

Thị trưởng thành Rome cũng mắc phải căn bệnh tương tự, nhưng khi nghe Sebastian truyền Đạo, bệnh của ngài thị trưởng đã dần dần thuyên giảm. Thị trưởng lập tức xin được rửa tội và hạ lệnh thả tất cả tín đồ Cơ Đốc khỏi nhà tù, giải phóng nô lệ và cho phép họ tự do. Cuối cùng, đứng trước sự lựa chọn giữa quyền lực và tín ngưỡng, ông lựa chọn tín ngưỡng, không chút do dự từ bỏ chức thị trưởng. 

Trở về từ cõi chết, tiếp tục truyền bá phúc âm 

Khi biết Sebastian cũng là một tín đồ, Hoàng đế Diocletian đã triệu kiến và khiển trách ông vì ‘làm tổn hại tới lợi ích quốc gia’, không trung thành với vua. Sebastian nói: “Mỗi ngày tôi đều cầu xin Chúa bảo hộ cho đất nước được hưng vượng. Ai có thể trung thành làm hết trách nhiệm với dân chúng hơn tôi?”. 

Vì không đồng ý từ bỏ đức tin của mình, Sebastian bị tố cáo là “chống lại chính quyền”, là “phản bội tòa thánh” và phải chịu xét xử. Sebastian bị trói vào cây để các cung thủ hành hình. Các cung thủ tôn trọng ông là người thiện lương, nên không ai muốn bắn mũi tên chí mạng hại tới sinh mệnh. Sebastian không chết, nhưng thân thể bị đâm bởi rất nhiều mũi tên và bị bỏ mặc nơi hoang dã.

Thánh Sebastian chịu hành hình – Tranh vẽ của họa sĩ Peter Paul Rubens (ảnh: Wikipedia).

Một góa phụ sống ở Castell Rome là Eileen rất kính trọng Sebastian, bà đã bí mật tìm xác ông để chôn cất. Khi phát hiện ông vẫn còn sống, bà lặng lẽ đưa ông về nhà và chữa lành vết thương cho ông. 

Hàng xóm của bà Eileen là một phụ nữ khiếm thị cũng thường lui tới chăm sóc Sebastian. Một hôm, ông hỏi: “Bà có tin vào Cơ Đốc giáo không?”. Bà trả lời: “Tôi tin”. Sebastian cười và nói: “Vậy bà có thể nhìn thấy ánh sáng”. Nói rồi ông vẽ một hình chữ thập lên đầu người phụ nữ, bà lập tức mở mắt và hồi phục thị lực. 

Sau khi bình phục, Sebastian không bỏ trốn, ông vẫn tiếp tục truyền bá phúc âm cho người dân La Mã.

Gặp nạn và tử vì Đạo

Sau đó, Sebastian một mình đến cung điện tìm gặp Hoàng đế Diocletian, khuyên vua không nên sát hại các tín đồ. Ông nói: “Nếu bệ hạ muốn quốc thái dân an, xin hãy chấm dứt đàn áp các giáo đồ”.

Thấy Sebastian cải tử hoàn sinh, hoàng đế vô cùng hoảng sợ nên đã yêu cầu vệ binh bắt giữ và đánh ông đến chết, sau đó ném xác ra cống nước. Đó là năm 288, Thánh Sebastian mới 32 tuổi. Một nữ tín đồ Cơ Đốc tên là Luzina nhận được khải thị trong mơ, chỉ dẫn bà tìm xác ông và an táng trong hầm mộ Via Apia.  

Trong cuốn Truyền Kỳ Hoàng Kim, tu sĩ người Ý đã mô tả những điều xảy ra sau đó như sau: 

Sau khi Sebastian tử vì Đạo, Thiên sứ xuất hiện và phái đi một hắc thần cầm thanh giáo tấn công vào những ngôi nhà nơi bệnh dịch xâm nhập. Trên đường phố, các bệnh nhân nằm la liệt. Họ đã từng làm ngơ trước tội ác hay đã từng tiếp tay bức hại Thánh đồ, và giờ đây họ đang trả giá trong đau khổ. Những người giúp vua Diocletian bức hại chính tín đều phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Thánh Thần. 

Nhiều người có lẽ cảm thấy khó lý giải: Thiên sứ vốn là đấng thiện lương, nên cứu vớt người đang gặp khổ nạn, sao có thể cử hắc thần phát tán dịch bệnh cho con người? Điều này nói với chúng ta rằng: Nguyên nhân thực sự đằng sau bệnh dịch là để trừng phạt những kẻ hãm hại chính tín, bức hại tín đồ. Thiên tai hay dịch bệnh đều là do con người tự mình chuốc lấy, trong đó tội ác không thể dung thứ chính là bức hại chính tín, bức hại thiện lương. Chỉ khi thành tâm hối cải, biết hồi tâm hướng thiện, bỏ tà theo chính, thì mới có thể hóa giải tai ương. 

Tác phẩm “Đại dịch ở thành Rome” của Jules Elie Delaunay (ảnh: Wikipedia).

Bức tranh “Đại dịch ở Rome” miêu tả những sự tình tiếp theo sau khi Sebastian bị hại: Vị thiên sứ đã chỉ huy một ác thần cầm giáo, đâm vào cổng của những nhà có người đã trợ giúp kẻ ác hại chết Sebastian. Trên cổng bị đâm bao nhiêu nhát thì trong nhà sẽ có bấy nhiêu người chết. Từ đó, bệnh dịch bắt đầu lan tràn…

Trong những năm chấp chính của mình, hoàng đế Diocletian luôn sùng bái dị giáo, phát động cuộc đàn áp Cơ Đốc lớn nhất trong lịch sử. Hoàng đế hạ lệnh phá hủy nhà thờ, đốt và tiêu hủy lượng lớn Thánh Kinh. Tín đồ Cơ Đốc bị bắt, bị tra tấn, những người không chịu từ bỏ đức tin của mình sẽ bị xử tử. 

Trong những năm cuối đời, tinh thần của Diocletian trở nên suy sụp và cuối cùng chết một cách thảm thương. Cuộc bức hại Cơ Đốc không những không lay động ý chí của tín đồ, mà ngược lại còn làm nhiều người thay đổi tín ngưỡng và đi theo Cơ Đốc giáo.

Thần bảo hộ trong ôn dịch

Sau này khi Giáo hội Cơ Đốc được hợp pháp hóa, Sebastian cũng được tôn thờ, tên của Ngài được viết thêm từ “Thánh” và gọi là Thánh Sebastian. Tín đồ Cơ Đốc tưởng nhớ Thánh Sebastian vào ngày ông tử vì Đạo, gọi là “ngày Sebastian”. Trong tầng hầm của Vương cung Thánh đường, đền thờ chính của Thánh Sebastian vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Sebastian được tôn sùng như một vị Thánh bảo vệ tín đồ, cũng là vị Thánh bảo vệ mọi người khỏi bệnh dịch, và được coi là “Thần bảo hộ trong ôn dịch”.

Thánh Sebastian bị tên đâm khắp người, nhưng vẫn cầu xin Thượng Đế cứu vớt chúng sinh trong dịch bệnh – Tranh vẽ của họa sĩ Josse Lieferinxe (ảnh: Wikipedia).

Khi bệnh dịch hoành hành năm 680 sau Công nguyên, người dân La Mã đã mang xương sọ của Thánh Sebastian đi diễu hành, vừa tỏ lòng tôn kính, vừa bày tỏ sự ăn năn hối cải, sau đó ôn dịch ở thành Rome cũng hoàn toàn biến mất.

Tất cả các quốc gia hay tin đã đến Rome xin xương cốt của Ngài. Giáo hoàng Eugenius II trao xương cốt của Sebastian cho các nước Ý, Pháp, Đức và những nơi khác. Từ đó khi bệnh dịch xảy ra, người dân châu Âu thường diễu hành và bày tỏ lòng thành kính để mong được bình an.  

Trong suốt thời Phục Hưng, các tín đồ Cơ đốc cũng thường tìm kiếm sự bảo trợ của Thánh Sebastian trước bệnh dịch. Dân chúng tin rằng Thánh Sebastian đã bảo vệ họ khỏi trận ôn dịch ở Milan năm 1575 và ở Lisbon năm 1599. Tương tự, những năm 1620, cư dân Rome đã cầu nguyện và sám hối trước Thánh Sebastian vì một đợt đại dịch lớn khiến 10.000 người chết ở Florence.

Tất nhiên, thần tích ấy không đến từ các nghi thức diễu hành bề mặt, mà là vì Chúa Trời nghe thấy lời sám hối thành khẩn phát ra từ nội tâm nên đã cho con người cơ hội chuộc tội, từ đó khiến ôn dịch chấm dứt. 

Mặc dù Thánh Sebastian bị bức hại đến chết, ông vẫn cầu phúc cho chúng sinh đang trong bệnh dịch. Nhưng có thể được cứu vớt hay không, lại nằm ở sự giác ngộ của bản thân mỗi người. 

“Trời không tuyệt đường của chúng sinh”, Trời vẫn thương xót con người, đợi con người tỉnh ngộ, nhưng thời gian còn bao lâu? Dẫu sao đi nữa, xin hãy nhớ bài học quan trọng nhất trong câu chuyện của Thánh Sebastian: Khi đại dịch ập xuống, chỉ có cầu nguyện, ăn năn, bảo vệ chính nghĩa, và chỉ có đức tin mới có thể cứu rỗi nhân loại.

Theo Tần Thuận Thiên, NTDTV
Kiên Định biên dịch

Video: Trong dịch bệnh đi tìm phương cách, nhiều người muốn hiểu hơn về Pháp Luân Công?

Exit mobile version