Trong lịch sử Việt Nam, có một vị vua lên ngôi vô cùng kỳ lạ: nhờ một giấc mơ. Cuộc đời ông đã chứng minh rằng ông chính là “chân mệnh Thiên tử” ứng với giấc mộng Trời ban ấy.
Trong cảnh nước sôi lửa bỏng, lên ngôi vua nhờ một giấc mơ
Thời Lê Trung hưng, nhà Lê mất hết quyền hành, triều chính do các chúa Trịnh thao túng. Việc lập vua, thậm chí lập hoàng hậu và thái tử đều có sự can thiệp của họ Trịnh.
Đến thời chúa Trịnh Giang, phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài nổi lên khắp nơi dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Cùng khởi binh chống họ Trịnh có các hoàng thân Lê Duy Mật, Lê Duy Quy cùng Lê Duy Chúc. Hoàng tử Lê Duy Diêu vì thế mà bị chúa Trịnh Giang bắt giam.
Trước tình hình biến loạn, triều đình và gia tộc họ Trịnh buộc phải ép Trịnh Giang thoái vị, đưa em là Trịnh Doanh lên ngôi vào tháng 1 năm 1740. Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử Duy Diêu đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận.
Đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy Thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc cho là ứng vào giấc mộng của mình bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn, bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Nhờ giấc mơ của Vũ Tất Thận mà Lê Hiển Tông lên ngôi vua, có người cho đó là “may mắn”. Thế nhưng Lê Hiển Tông trở thành vị vua ở ngôi lâu nhất triều Hậu Lê, thiên hạ hưởng thái bình, thì có lẽ không chỉ là “may mắn” nữa.
Một ông vua “nhu nhược”?
Một số nhà sử học đánh giá Lê Hiển Tông là một vị vua “nhu nhược”. Nói “nhu nhược” là vì cả cuộc đời ông nhẫn nhục chịu đựng, khoanh tay rủ áo để được yên vị. Họ cho rằng tấm gương bị phế truất và bị sát hại của các vua trước khiến Hiển Tông sợ hãi thu mình, không còn ý định phản kháng.
Bản thân vua Lê Hiển Tông cũng phải chịu nỗi đau mất con. Năm 1764, ông lập con trưởng là Lê Duy Vĩ làm thái tử. Năm 1767, chúa Trịnh Doanh chết, con là Trịnh Sâm lên thay. Trịnh Sâm từ nhỏ đã có hiềm khích sâu nặng với thái tử Duy Vĩ, nên nuôi ý định trả thù.
Tháng Ba năm 1769, Trịnh Sâm vu tội cho thái tử Duy Vĩ tư thông với cung tần của Trịnh Doanh, ép nhà vua phế thái tử và giam vào ngục. Đến đó, quân Trịnh đã ở ngoài cửa Đông cung, thái tử chạy sang cung vua. Phạm Huy Đĩnh vào thẳng nội điện, đòi nhà vua giao thái tử ra. Nhà vua ôm mãi lấy thái tử, không nỡ ly biệt.
Huy Đĩnh cứ quỳ mãi ở dưới sân. Thái tử biết thế không thoát khỏi, đành phải bước ra. Trịnh Sâm sau đó giả mệnh nhà vua, phế thái tử làm thứ nhân, giam vào ngục. Các con của Duy Vĩ, cháu của Hiển Tông là Duy Khiêm (sau này là Lê Chiêu Thống), Duy Trù và Duy Chi cũng bị bắt giam.
Tháng 12 năm 1771, Trịnh Sâm giết Duy Vĩ. Vua Lê Hiển Tông không thể làm gì để cứu con.
Nếu là người bình thường, trước cảnh con trai bị giết như vậy sẽ nuôi hận báo thù. Thế nhưng vua Lê Hiển Tông lại giữ một thái độ điềm đạm, tuỳ kỳ tự nhiên trong suốt cuộc đời. Khi Đoan Nam vương Trịnh Khải (Trịnh Tông) mới lên làm chúa, quân kiêu binh có lần đã nghĩ đến cái mưu tôn phù nhà Lê lấy lại quyền bính và lén đến xin ý kiến Lê Hiển Tông. Những người xung quanh cũng đã khuyên nhà vua nên nghe theo mưu ấy, nhưng ông nói:
Ta vì thành thật nghe theo Trời nên mới được như thế này. Những chuyện do ở mưu người xếp đặt, ta quyết không làm. Nếu kẻ nào còn dám nói đến chuyện đó, trẫm sẽ lôi sang cho chúa, để theo phép mà làm tội.
… Hay thiên cổ anh hùng?
Nước Trung Hoa cổ đại có một vị tướng quân uy chấn thiên hạ tên là Hàn Tín. Thuở hàn vi, Hàn Tín rất giỏi võ và thường mang theo gươm bên mình. Một ngày, có một kẻ vô lại chặn đường ông trên phố và bảo ông: “Trông ngươi giống một tên hèn nhát. Nếu không sợ chết, hãy lấy gươm của ngươi giết ta. Nếu sợ, thì hãy chui háng ta”. Hàn Tín biết mình có thể hạ gục tên vô lại nhưng cũng biết mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống nếu giết hắn. Vì vậy, thay vì chứng tỏ tài nghệ của mình, ông quyết định chui háng tên vô lại bất chấp mọi người xung quanh cười nhạo.
Sức nhẫn nhục của Hàn Tín thật to lớn, vì thế ông mới có thể thành tựu đại nghiệp. Chịu nhục chui háng không phải là “nhu nhược”, mà là biểu hiện của ý chí kiên cường. Vậy thì vua Hiển Tông chịu nhục mất con, bảo toàn ngôi đại thống nhà Lê có phải là “nhu nhược” hay không?
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:
“Nhà vua là người nhân từ, trầm tĩnh. Lúc về già, gặp Trịnh Sâm áp bức, cũng chỉ ngậm miệng mà nhịn. Đến nay Tây Sơn tôn phò, nhà vua ngoài mặt tuy mừng mà trong bụng vẫn lấy làm lo”.
Cương mục cũng chép lại lời bình của vua Tự Đức về thái độ của nhà vua trước cuộc hành quân Bắc tiến của Tây Sơn năm 1786:
“Hiển Tông sau khi bị giam cầm, vào nối nghiệp lớn, biết kín đáo giữ mình, thuận lựa theo chiều biến cố, ung dung lặng lẽ, không thi thố gì, làm cho Trịnh Sâm dẫu ngạo nghễ, càn bậy rông rỡ, lấn ép đến đâu cũng không dám giở hết mọi ngón độc ác, nên Hiển Tông mới ở ngôi được hơn 40 năm”.
Kinh Dịch là một kinh điển bác đại tinh thâm của phương Đông về đạo đối nhân xử thế, nhiều lần thể hiện tư tưởng “minh triết bảo thân”, nghĩa là sáng suốt, khôn ngoan (thì) bảo toàn được tính mệnh và danh dự. Ví như Hào thượng cửu, quẻ Càn viết: “Kháng long hữu hối” – Rồng lên quá cao tất sẽ có hối hận. Hào cửu tứ, quẻ Đỉnh cũng viết: “Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà mưu lớn, sức nhỏ mà trách nhiệm nặng, thì khó tránh khỏi tai ương”. Vua Lê Hiển Tông dường như vô cùng thấu hiểu đạo lý ấy.
Trong Kinh Dịch, quẻ Khiêm (khiêm cung) là quẻ duy nhất mà cả 6 Hào đều tốt. Hình dung của quẻ là một Hào Dương mà chịu khuất lấp dưới Hào Âm, siêu việt như núi non mà chịu ẩn mình trong lòng đất, quán thế hiền tài mà sống thầm lặng trong lòng dân, giúp ích cho đời mà không khoe khoang nửa lời, nửa tiếng. Điều này làm ta liên tưởng tới vua Lê Hiển Tông chịu khuất mình sau chúa Trịnh.
Vua Lê Hiển Tông lấy đức nhẫn nhịn bình thiên hạ, kết quả là thời ông trị vì, nước nhà loạn lạc về sau trở nên yên ổn, người dân an cư lạc nghiệp. Ông là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê (69 tuổi), ở ngôi lâu nhất thời Lê Trung hưng (46 năm), có niên hiệu được sử dụng lâu nhất (niên hiệu Cảnh Hưng được sử dụng tổng cộng trong 62 năm, đặc biệt nó còn được dùng cả một thời gian dài sau khi vua đã mất), và cho mở nhiều khoa thi nhất trong lịch sử (16 khoa thi, lấy đỗ 131 Tiến sĩ, trong đó có Bảng nhãn Lê Quý Đôn). Hà Nội “36 phố phường” nổi tiếng cũng được đặt ra từ thời vua Lê Hiển Tông với mục đích là thuận tiện hơn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự.
Trong “Vũ trung tuỳ bút”, Phạm Đình Hổ, danh sĩ nổi tiếng sống vào thời Cảnh Hưng, cho biết, khi ông còn nhỏ, đương về thời thịnh “phong tục hãy còn chuộng về trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau vẫn có ý dễ dàng, giữ thói khiêm nhượng; ai làm điều gì xằng bậy chỉ sợ người ta biết mà chê cười”. Phạm Đình Hổ cũng nói rằng, những kẻ hoạn quan quý thích và những kẻ con em vô lại, cũng chưa dám công nhiên làm càn; có kẻ nào không theo lễ pháp mà làm càn thì những bậc phụ lão nhà lương gia ngầm đem những chuyện ấy răn con cháu.
Đặc biệt, nhờ đức khiêm cung và nhẫn nhịn hiếm có, vua Lê Hiển Tông được chúa Trịnh Doanh tin tưởng và tôn kính. Tháng Sáu năm 1754, Trịnh Doanh mời nhà vua ra sông Nhị duyệt binh; đây là việc chưa từng có tiền lệ.
Tuy rằng nhà Lê diệt vong dưới thời Lê Chiêu Thống – cháu nội của vua Lê Hiển Tông, nhưng Hiển Tông lại là vị vua có nhiều… con rể làm vua nhất. Công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung), công chúa út là Ngọc Bình gả cho Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh), về sau lại trở thành phi của vua Gia Long Nguyễn Ánh.
Tạm kết
Hoàng tử Lê Duy Diêu được tôn làm vua nhờ vào một giấc mộng, là “may mắn” hay là ý Trời? Nhà vua “thành thật nghe theo Trời” nên có thể giữ yên ngôi báu, khoanh tay rủ áo mà thiên hạ thái bình, đó là đến gần cảnh giới vô vi của Đạo. “Nhiều lần gặp tai họa bất trắc xảy ra, chỉ vì không vướng vít với thất tình (1), mà được trọn đời an toàn” (2), phải chăng là cái dũng của Thánh nhân?
Khiêm Từ
(Tổng hợp và biên soạn)
(Tham khảo: Hoàng Lê nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tục biên)
Chú thích:
(1) Thất tình: 7 thứ tình cảm của con người. Theo Kinh Lễ của Nho giáo, thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn). Người bình thường đều bị thất tình chi phối, chỉ có người tu luyện và các bậc giác ngộ (Phật, Đạo, Thần) là có thể thoát khỏi lưới ràng buộc của thất tình.
(2) Trích lời bình của vua Tự Đức.