Lúc còn nhỏ, tôi hay khinh thường chuyện xem bói chữ, nghĩ họ nói chung đều là những kẻ giang hồ lừa người. Sau này, tôi mới phát hiện ra trong lịch sử cũng có rất nhiều cao nhân, ví như Gia Cát Lượng mưu kế như Thần, Kỷ Hiểu Lam học vấn uyên thâm là bậc thầy của xem bói chữ.
Hán tự không chỉ là một loại ngôn ngữ, mà mỗi một chữ đều ẩn chứa những thông tin ứng với những thời không khác nhau. Nếu như họa phúc của đời người đã được định sẵn, thì đoán chữ có thể nhìn thấy trước được an bài của Thiên thượng.
Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Lưu Đình Ky, Án sát sứ phụ trách quản lý tư pháp ở tỉnh Giang Tây, đã ghi lại vài câu chuyện của một thầy bói chữ dân gian thời đó. Chỉ cần tùy ý viết cho ông ấy một chữ, thì sẽ biết được tiền đồ hung cát của bạn là như thế nào.
Có một người bị mất con ngựa, viết chữ 奇 (Kỳ – kỳ lạ), hỏi còn có thể tìm thấy nó không?
Thầy bói nói: “Không tìm thấy nữa đâu”.
“Tại sao?”
Thầy bói nói: “Chữ Kỵ (騎 – cưỡi ngựa) mất đi chữ Mã (馬) thành chữ Kỳ (奇), nghĩa là ngựa khó tìm thấy; chữ Kỳ (奇) ở trên của nó là chữ Lập (立 – đứng), ở dưới của nó là chữ Khả (可- có thể), ý là có thể phải đi bộ rồi.
Một đêm nọ có người vội vàng đến coi bói, mà không kịp viết chữ, lúc đó đã qua giờ tuất, người đến xem mở miệng nói từ Tuất (戌) để bốc quẻ.
Thầy bói hỏi: “Muốn bói chuyện gì?”
Người xem bói: “Một cuộc đàm phán”.
Thầy bói nói: “Loại đàm phán này không nên nói trực tiếp, nên vòng vo một chút, chuyện đó mới có thể đàm phán thành công”.
Người nọ hỏi vì sao, thầy bói nói: chữ Tuất (戌) bên trong có một nét ngang nhỏ, chuyển thành nét cong chính là chữ Thành (成).
Một vị thư sinh tham gia khoa thi hương viết chữ 花 (Hoa – bông hoa), đến xem có thi đỗ hay không.
Thầy bói nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúc mừng cậu đã đỗ hạng thứ 27, có người đã đến nơi của cậu để thông báo rồi”.
Thư sinh quay về nơi ở, quả nhiên đúng như vậy.
Thầy bói lấy chữ Hoa (花) tách ra thành chữ Nhân (人 – người), bên cạnh là chữ “nhị thập thất” (二十七) nghĩa là 27, theo đó mà biết thư sinh đứng thứ 27.
Lại có người viết chữ 一 (Nhất), hỏi về tiền đồ.
Thầy bói nói: “Trong vòng 20 năm làm quan ngũ phẩm. Có 3 đứa con, thọ ngoài bảy mươi dưới tám mươi tuổi”.
Người này hỏi chi tiết.
Thầy bói đáp: “Viết 3 lần chữ Nhất (一) chính là chữ Tam (三), ý là có 3 con; sau đó vẽ thêm 2 nét sổ nữa là thành Ngũ (五), tức là làm quan ngũ phẩm trong 20 năm; từ một (一) đến bảy (七) trong đó đều có nét chữ Nhất (一), nhưng chữ Bát (八) lại không có, cho nên thọ trong khoảng bảy tám mươi tuổi.
Có người đến bói một chữ 字 (Tự)
Sau khi xem qua một chút, thầy bói chữ chắp tay hướng đến người coi bói mà rằng: “Người xem bói hiện đang làm quan lại, không phải là Đô sát viện thì cũng là Án sát sử. Chữ Tự (字) cùng với chữ Hiến (憲) đều bộ miên là đầu chữ Bảo (寶), dưới chữ Tự (字) là chữ Tử, Tý (子), tý là khởi đầu trong mười hai chi, có nghĩa là các hạ phải đến nơi khác để nhậm chức, chúc mừng!”
Người đến coi hỏi: “Đến nơi nào để nhậm chức?”
Thầy bói đáp: “Nói chung là một nơi tốt, vì chữ Tử (子) là ở phía bên của chữ Hảo (好)”.
Trước khi rời đi, người xem bói còn hỏi: “Có chuyện gì không may hay không?”
Thầy bói đáp: “Chữ Tử (子) là “nhất liễu” (一了), nghĩa là chỉ một là hết, thế nên chỉ sợ không thể thăng quan cao thêm nữa”.
Sau này kiểm chứng quả đúng như vậy.
Có một người viết một chữ 文 (Văn), bói một vụ kiện.
Thầy bói nói: “Nói Lận (吝 – keo kiệt) không phải chữ Lận, nói Hung (凶 – dữ, xấu) cũng không phải chữ Hung, vụ kiện này phải rút lui thì mới vô sự được.
Người xem bói hỏi: “Khi nào thì rút lui?”
Thầy bói nói: “Hôm nay là ngày bao nhiêu?”
Người xem bói đáp: “Ngày 15”.
Thầy bói nói: “Sáu ngày sau vụ kiện sẽ được rút”.
Sáu ngày sau, vụ kiện quả nhiên đã được dỡ bỏ.
Ông làm sao đoán biết được? Thầy bói nói: Chữ Tán (散) là chữ Tích (昔) hợp cùng với chữ Văn (文), chữ Tích (昔) nghĩa là “nhị thập nhất nhật” (二十一日) ý là ngày 21, hôm nay là ngày 15, nên chính là sau 6 ngày là vụ án sẽ được rút lại.
Một quan Thái thú viết chữ 識 (Thức) để bói
Thầy bói viết: “Đầu văn chân võ, ông không phải là một quan chức chuyên xử lý các vụ kiện và hình phạt, mà là một quan giám sát địa phương”.
Đối phương nói: “Là tri phủ, trưởng quan hành chính tối cao ở địa phương”.
Vì chữ Thức (識) với chữ Chức (職) là tương tự nhau, cho nên nhìn ra chức nghiệp.
Chữ Ngôn (言) được viết đầu tiên, vì vậy thấy được công việc là một quan chức dân sự. Quả nhiên đúng như vậy.
Thầy bói hỏi: “Ông nhậm chức bao nhiêu năm rồi?”
Đối phương nói: “5 năm rồi”.
Thầy bói nói: “Hết 6 năm, phụ thân của ông sẽ mất”.
Nhìn kết cấu ở giữa của chữ Thức (識), có chữ Lục (六) nhỏ, là 6 năm, chữ Nhất (一) là nét đầu tiên của chữ Đinh (丁- nhân đinh, chỉ người), chữ Nhật (日) tượng trưng cho cha, vì vậy có một đám tang của cha.
Chữ Qua (戈 – giáo mác) thuộc về võ, sau khi mãn tang 3 năm, không bổ nhiệm chức quan văn, có thể bổ nhiệm chức quan võ.
Quả nhiên sự việc sau đó y như lời thầy bói: sau khi quan thái thú mãn tang, quay lại nhậm chức, vừa vặn triều đình có một chỗ trống, đó là chức quan võ Đô úy.
Chính xác một cách kì lạ!
Nếu như bói một chữ, là chữ mà nảy lên trong suy nghĩ đầu tiên, thì sẽ dễ dàng bói ra chuẩn xác bởi vì nó mang theo bản năng tiên thiên. Nếu như bạn hơi suy nghĩ để ra chữ, thì sẽ không chuẩn xác.
“Lịch đại danh họa ký” có ghi chép rằng Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết đã tiết lộ thiên cơ, và ông Trời liền cho cơn mưa thóc. Ma quái không cách nào ẩn hình được nên ban đêm quỷ khóc.
Cũng có một câu nói dân gian rằng, bói chữ toán mệnh có rất nhiều là người mù hoặc người què, và đó là quả báo của việc đoán mệnh tiết lộ thiên cơ.
Việc bói toán đoán mệnh từ xưa đến nay đều mang ý nghĩa rằng, con người chúng ta từ lúc sinh ra một đời người đã được định sẵn, nên thầy bói mới có thể bói ra được. Nhưng ai tiết lộ thiên cơ cũng phải chịu trách nhiệm về lời nói của họ, ví như xem bói cho người có điềm xấu trong tương lai sẽ tạo gánh nặng cho tâm lý của họ. Dù là thấy được sự việc gì cũng nên hiểu rằng có những điều nên nói và những điều không nên nói. Nếu không, khó tránh gặp họa hoặc mất đi khả năng bói toán này.
Người bói mệnh, bói chữ chân chính thì không dựa vào bản sự của họ để kiếm tiền, mà là tùy duyên khuyến thiện, như thế họ không những không bị quả báo xấu mà còn là hành thiện tích đức, đắc được phúc báo và để lại phúc đức cho con cháu đời sau.
Tham khảo:
– “Tại viên tạp chí” của Thanh Lưu Đình Ky
– “Lịch sử của các triều đại” của Đường Trương Ngạn Viễn
Theo Tông Gia Tú (epochtimes.com)
Yên Tử biên dịch