Biết bao người mải miết, khắc khoải đi tìm hạnh phúc nơi mái ấm gia đình. Biết bao người thất vọng và bàng hoàng lo sợ cho gia đình bé nhỏ của mình trước làn sóng ngoại tình và những chuyện vợ chồng sát hại lẫn nhau ngoài xã hội.
Phải chăng chúng ta đang đi lệch khỏi đạo lý giữa vợ chồng mà ông cha đã đặt định xưa kia nên tổ ấm mới trở thành những “tổ nóng” như ngày nay? Có hình ảnh ví von rằng vợ chồng như hai cánh cửa, đạo vợ chồng cũng như cách kết hợp hai cánh cửa ấy mà thôi.
Kinh dịch viết rằng: “Nhất âm nhất dương kết hợp lại thì gọi là Đạo” (Nhất âm nhất dương chi vị đạo). Âm dương tượng trưng cho người nam và người nữ. Âm dương cũng tượng trưng cho Trời và đất. Dương là trời, Âm là đất. Trong trời đất của gia đình thì mối quan hệ luân thường được gọi là âm dương thiên địa. Mặt trời (Nhật) tượng trưng cho Dương, Mặt trăng (Nguyệt) tượng trưng cho âm. Mặt trăng và mặt trời hay Nhật 日 và nguyệt 月sóng đôi thì thành chữ Minh明. Nếu âm dương bất hợp thì trời đất sẽ bất minh. Cho nên giữa vợ chồng giữ được âm dương hòa hợp mới có thể sáng trong. Đây chính là đạo vợ chồng.
Hai cánh cửa ghép lại một cái cửa; hai người nam nữ kết hợp lại thành một gia đình.
Trong Kinh dịch có câu: “Có trời đất sau đó mới có vạn vật, có vạn vật sau đó mới có nam nữ, có nam nữ sau đó mới có vợ chồng, có vợ chồng sau đó mới có cha con”. (Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật, hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ, hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ, hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử).
Trong một gia đình, người nam là trời, trời mạnh mẽ, tự cường nỗ lực không ngừng. Cho nên đàn ông phải cương cường, phải dám gánh vác. Phụ nữ là đất, đất nằm ở cung Khôn, mang hậu đức mà chở vạn vật. Cho nên người nữ phải bao dung, phải dịu dàng. Phụ nữ càng hành thiện tích đức thì con cái càng ưu tú, người chồng càng thành công. Trong một gia đình người nam và người nữ đều có vị trí của riêng mình. Âm dương hòa hợp, gia đình mới hài hòa ấm áp, con cái mới khỏe mạnh trưởng thành.
Hai cánh cửa kích cỡ như nhau, hai vợ chồng bình đẳng như nhau. Hai cánh cửa đều có bản lề của riêng mình, hai vợ chồng mỗi người một quan điểm.
Đàn ông như núi, phụ nữ như nước. Núi kế thừa tính cương nghị, nước hút linh khí của đất.
Từ xưa đến nay non nước kề nhau mới có thể trở thành một bức tranh mỹ lệ. Non xanh nước biếc, nước chảy quanh co men theo chân núi, non và nước nương tựa, nâng đỡ nhau. Non mà không có nước thì không linh diệu, nước mà chẳng có non thì không thể tung bọt trắng xóa mênh mang. Thế giới vốn luôn kỳ diệu như vậy, chỉ khi âm dương hài hòa thì vạn sự vạn vật mới có thể trường tồn cùng trời đất.
Hai cánh cửa chỉ dùng một chiếc khóa mới có thể khóa chặt. Chỉ khi hai vợ chồng đồng lòng thì tâm hồn mới gắn kết.
Kinh dịch có câu rằng: “Người trong nhà, nữ chủ nội, nam chủ ngoại. Nam nữ chính là đại nghĩa của trời đất vậy” (Gia nhân, nữ chính vị vu nội, nam chính vị vu ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã).
Đàn ông là Càn (Trời), chủ ngoại, phải dẵn dắt vợ chứ không được quản thúc vợ mình. Phụ nữ là Khôn (Đất), chủ nội, phải trợ giúp chồng mà không khiến chồng mệt mỏi. Đàn ông dẫn dắt vợ hành theo đạo, phụ nữ trợ giúp chồng thành tựu đức. Nếu thực sự có thể đạt được điểm này tức là âm dương đã được cân bằng.
Hai cánh cửa sơn chung một màu nhìn mới đẹp. Hai người phải có chung một khuôn mặt mới không khiến nhau mất thể diện.
Đàn ông cần lấy mình làm gương chứ không phải cai quản vợ mình. Đây chính là làm việc của Trời (vi thiên). Trời có quản đất không? Trời không quản, chỉ làm gương là chính. Người nam gánh vác rường cột của gia đình, là ánh mặt trời tỏa sáng sau cơn mưa, phải vĩnh viễn phó xuất vì gia đình. Người phụ nữ phải biết an phận thủ thường, giàu nghèo cùng hưởng, sang hèn cùng chịu, như nước có thể dưỡng dục vạn vật, mà không tranh với vạn vật.
Khi hai cánh cửa mở ra, sẽ phát ra tiếng kêu lách cách. Hai vợ chồng ở lâu với nhau suốt một thời gian dài khó có thể tránh khỏi xô xát, mâu thuẫn.
Một người đàn ông ở nhà thường tươi vui lạc quan, chứng tỏ người đó rất có hàm dưỡng. Điều này gọi là trời trong. Người phụ nữ ở nhà rất ôn hòa, không tức giận, thì gọi là đất yên. Đất yên ổn thì trời mới có thể trong. Tính khí của người đàn ông là do vợ ép mà thành. Trước tiên người phụ nữ phải làm được giống như Đất thì người đàn ông mới có thể làm được giống như Trời. Trời không trong thì sẽ có sấm sét và mưa đá mà thôi, đất không yên thì đất sẽ động. Cho nên trời không trong đối với một gia đình là sự tổn hại, đất không yên đối với gia đình lại là một tai nạn.
Hai cánh cửa phơi mưa phơi nắng sẽ bị cong vênh, lúc này sẽ phải xử lý cho chúng khít lại với nhau. Hai vợ chồng khi trải qua gian khó cũng sẽ có sự ngăn cách, lúc này phải thấu hiểu nhau mới có thể đón ánh mặt trời sau cơn mưa.
Cổ nhân có câu: “Mỗi người tự trách mình thì trời trong đất lành, ai nấy đều trách nhau thì trời đất đảo lộn”. Vợ chồng ở lâu với nhau sẽ bộc lộ ra một vài nhược điểm của bản thân. Mỗi người đều tự trách mình, dung hòa lẫn nhau mới là chính đạo. Oán trách, chỉ trích lẫn nhau chỉ khiến hai người ngày càng xa cách, thậm chí còn tranh cãi đến mức trời đất quay cuồng.
Khi gặp mưa gió bão bùng, hai cánh cửa phải cùng khép lại. Khi gặp khó khăn, gian khổ hai vợ chồng phải chung lưng đấu cật.
Kinh dịch có câu: “Hai người đồng lòng, sức mạnh sắc bén có thể xẻ vàng” (Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim). Người đàn ông cần yêu thương người phụ nữ, người phụ nữ phải tôn kính chồng mình. Vợ chồng là duyên, tu 10 năm mới được chung thuyền, tu trăm năm mới được chung chăn gối. Phải nhắc nhở bản thân luôn giữ một trái tim cảm ơn và trân quý mối nhân duyên này, mới có thể mang lại niềm vui vô bờ cho mình và người thân.
Nghênh tiếp khách quý hai cánh cửa đều phải mở ra. Khi xảy ra chuyện đại sự, hai vợ chồng phải bộc bạch cõi lòng, cùng nhau thương thảo.
Vợ chồng là khảo nghiệm tu hành sâu sắc nhất, gia đình là nơi tu đạo tốt nhất. Giữa hai vợ chồng cần coi trọng chữ Tình, càng coi trọng chữ Tình thì tình cảm càng nồng đượm. Vợ chồng không nên coi trọng chữ Lý, càng coi trọng chữ Lý thì càng dễ chia xa. Tình cảm giữa vợ chồng cần được nuôi dưỡng không ngừng. Hãy thấu hiểu hơn một chút, bao dung hơn một chút, quan tâm hơn một chút, chia sẻ nhiều hơn một chút mới có thể hạnh phúc bên nhau trọn đời. Vợ chồng cần chia sẻ với nhau hàng ngày. Vợ chồng tương kính như tân, dẫu quá quen thuộc cũng phải chú ý đến cung cách nói chuyện. Hãy nói một cách chân thành và nhiệt tình và cùng nhau thương lượng khi có chuyện xảy ra.
Đàn ông mở cánh cửa bên trái ra ngoài kiếm tiền. Phụ nữ dựa cánh cửa bên phải, ở nhà ngóng trông.
Hai chữ Hôn nhân 婚姻 đều có bộ Nữ 女 (phụ nữ) đứng phía trước. Bởi lẽ phụ nữ là phong thủy của gia đình. Phụ nữ lắm lời thì đàn ông im tiếng. Phụ nữ không dịu dàng thì gia đình chẳng hưng vượng. Vợ là phúc tinh tiền tài của chồng. Nếu người phụ nữ có thể khiến chồng mình cảm thấy được tôn trọng, vui vẻ và được sùng kính thì sự nghiệp tài vận của chồng ắt sẽ lên như diều gặp gió. Ngược lại phụ nữ lấn lướt chồng, chỉ biết buông lời than vãn, trách móc hay coi thường chồng chỉ khiến gia đình ngày càng khánh kiệt. Điều này gọi là “thê tài”, hay vợ là người quyết định tiền tài trong gia đình.
Câu đối bên trên cánh cửa là chồng, bên dưới cánh cửa là vợ, hoành phi là con.
Vợ chồng là cội nguồn trong luân lý của con người, là khởi đầu của vạn sự biến hóa. Âm dương hòa hợp, trời đất thuận hòa thì vợ chồng và cháu con ắt sẽ hưng vượng.
Nước bẩn sinh ra nhiều cá chạch, nước đục sinh ra cá rô phi, duy chỉ có những dòng sông trong vắt mới có thể sinh ra cá chép vàng.
Con người chẳng thể thay đổi bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình. Vậy nên trước khi mong muốn thay đổi vợ hay chồng của mình thì chúng ta cần tự quy chính bản thân mình trước. Sống thuận theo đạo thì gia đình mới thực sự trở thành bến đỗ bình yên và mái nhà tràn ngập yêu thương và hạnh phúc.
Theo Soundofhope
Đào Viên biên dịch