Trong Thủy Hử, Lỗ Trí Thâm được miêu tả là thân cao 8 thước, lưng rộng 10 vi, mặt tròn tai to, mũi thẳng miệng vuông, bên má râu quai nón, tính tình nóng như lửa. Nhắc đến Lỗ Trí Thâm là nhắc đến bậc hảo hán có sức mạnh hơn người, nhưng công phu thâm hậu đến đâu lại là điều không mấy ai thấu tỏ.
Vậy rốt cuộc, võ công của Lỗ Trí Thâm mạnh mẽ đến nhường nào?
Từ anh hùng nghĩa hiệp đến thiền sư đắc Đạo
Lỗ Trí Thâm là một trong những nhân vật kinh điển trong Thủy Hử truyện. Ông tên là Lỗ Đạt, biệt hiệu “Hoa Hòa Thượng”, pháp danh Trí Thâm, là người Vị Châu, bởi đã từng làm Đề hạt, nên còn gọi là Lỗ Đề hạt.
Lỗ Trí Thâm thân cao 8 thước, mặt lớn tai to, mũi thẳng miệng vuông, là người khảng khái phóng khoáng, căm ghét cái ác như kẻ thù. Ông thô lỗ, nhưng trong cái thô có sự tinh tế, với Sử Tiến, Lâm Xung, Võ Tòng và Dương Chí đều kết giao thân thiết.
Vì thấy Trịnh Đồ ức hiếp cha con Kim Thúy Liên nên Trí Thâm đã 3 quyền đánh chết Trấn Quan Tây, sau khi bị quan phủ truy lùng ông buộc phải xuất gia làm hòa thượng. Về sau, Lỗ Trí Thâm lại cùng Dương Chí và Võ Tòng chiếm núi Nhị Long làm đại đầu lĩnh.
Lỗ Trí Thâm đã để lại các sự tích ‘đại náo Ngũ Đài Sơn’, ‘nhổ cây dương liễu’, ‘đại náo Dã Trư Lâm’… Trong 108 tướng Lương Sơn Bạc, Lỗ Trí Thâm xếp vị trí thứ 13, ứng với sao Thiên Cô Tinh, là chức Bộ quân tổng Đại tướng của Lương Sơn thượng ty.
Lỗ Trí Thâm cùng Tống Giang xuống phía nam chinh thảo Phương Lạp. Sau khi công lớn hoàn thành, Võ Tòng và Lỗ Trí Thâm vì không muốn tiếp nhận chức quan mà triều đình phong cho, nên đã xuất gia ở chùa Lục Hòa Tự tại Hàng Châu. Sau khi viên tịch, Lỗ Trí Thâm được truy phong làm Nghĩa Liệt Chiếu Kế Thiền Sư.
Nửa đêm nọ khi đang ngủ ở chùa Lục Hòa, Lỗ Trí Thâm bỗng nghe có tiếng ầm ầm như trống trận. Lỗ Trí Thâm choàng dậy, tay cầm thiền trượng, miệng thét lớn rằng hãy mau mau ra đánh giặc. Các tăng nhân cười, nói đó là sóng sông Tiền Đường, gọi là “Tín triều”. Nghe tiếng sóng “Tín triều” trên sông, Lỗ Trí Thâm bỗng đại ngộ, ngồi đả tọa viên tịch, để lại bài kệ rằng:
“Bình sinh chẳng tu thiện quả,
Chỉ thích giết người phóng hỏa.
Chợt tỉnh tháo tung thừng vàng,
Tới đây giật phăng khóa ngọc.
Tiền Đường nghe sóng triều vang dội,
Mới tỉnh ra rằng ta là ta”.
Võ Công của Lỗ Trí Thâm rốt cuộc ghê gớm như thế nào?
Nhiều người đọc Thuỷ Hử chỉ chú ý đến sức mạnh, nghĩa hiệp và thiện tâm của Lỗ Trí Thâm, nhưng lại thường xem nhẹ hoặc bỏ qua công phu võ thuật và sức chiến đấu của ông.
Vậy Lỗ Trí Thâm võ công ghê gớm nhường nào? Trước tiên chúng ta phải xét đến điều kiện thiên bẩm. Trong Thủy Hử, Lỗ Trí Thâm được miêu tả là thân cao 8 thước, lưng rộng 10 vi, mặt tròn tai to, mũi thẳng miệng vuông, bên má râu quai nón, tính tình nóng như lửa.
Từ miêu tả này, không khó để nhận thấy rằng Lỗ Trí Thâm cao lớn hơn người, vai hùm lưng gấu. Điều này đối với người luyện võ công ngoại gia mà nói thì là ưu thế tuyệt đối. Nếu người thân thể nhỏ bé, sức trói gà không chặt, thì ắt không thể luyện thành cao thủ võ lâm được, chỉ có thể giống như Thời Thiên leo cây trèo tường, làm những việc như trộm gà bắt chó mà thôi.
Trong truyện, Lỗ Trí Thâm xuất hiện như một anh hùng hảo hán có sức mạnh phi thường. Đầu tiên là nhổ cây dương liễu. Câu chuyện này đối với người ngày nay mà nói thì là điều không tưởng, hoàn toàn không phù hợp với cơ học, thậm chí ngay cả máy ủi cũng khó mà thực hiện nổi. Vậy mà cây dương liễu vẫn bị Lỗ Trí Thâm nhổ bật khá nhẹ nhàng. Điều quan trọng nhất là ông không đẩy đổ, cũng không chặt đứt, mà là nhổ bật cả rễ lên. Trong truyện kể rằng:
Đám du thủ du thực phục lắm, mời Lỗ Trí Thâm uống rượu. Rượu vừa ngà ngà, thì thấy tiếng quạ kêu náo loạn ở cây dương liễu kế bên. Đám du thủ du thực muốn mượn một chiếc thang leo lên cây lấy tổ chim xuống, ai ngờ Lỗ Trí Thâm đang trong cơn say “hăm hăm đi đến gốc cây, cởi phăng áo ra, tay phải hướng xuống nắm lấy gốc cây, tay trái hướng lên trên nắm lấy thân cây, rồi xoay lưng vặn một cái, cây dương liễu tươi tốt cứ như vậy bị nhổ lên”. Đám lâu la thất kinh, cho rằng ông là La Hán tái thế, có ngàn vạn sức mạnh, tất cả quỳ sụp xuống lạy ông.
Sau này một mình Trí Thâm khiêu chiến với núi Nhị Long. Lúc đó băng nhóm Nhị Long Sơn có mấy trăm người, tuy đều là những tiểu lâu la, nhưng mấy trăm người xuất quân hỗn chiến, chúng có thể công phu không cao nhưng đủ can đảm. Nhưng gặp Lỗ Trí Thâm, bọn chúng hoàn toàn như một đàn cáo, bị Lỗ Trí Thâm dùng thiền trượng đánh như đánh dưa hấu vậy, cả bọn thua tan tác.
Trước khi lên núi Nhị Long, Lỗ Trí Thâm đã từng chạm trán với cao thủ Đại nội Dương Chí, kết quả cũng không kém thế. Do đó có thể thấy, Lỗ Trí Thâm không chỉ có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh mà còn có võ nghệ cao cường.
Nhưng Lỗ Trí Thâm thể hiện rõ tài năng võ nghệ nhất chính là khi đánh Phương Lạp. Nhiều người nói, Phương Lạp bị Võ Tòng bắt, mà lại bắt bằng một tay. Thực tế Phương Lạp trong quá trình chạy trốn bị Lỗ Trí Thâm bắt, ông dùng thiền trượng đánh, chỉ trong giây lát đã đánh gục Phương Lạp ngã nhào xuống đất.
Tuy Thủy Hử không nói Phương Lạp ghê gớm như thế nào, nhưng với địa vị của Phương Lạp, thì công lao của Lỗ Trí Thâm là xác thực xuất sắc.
Một lần khác, khi đọ sức với Đặng Nguyên Giác Đại hòa thượng, Lỗ Trí Thâm cũng chứng tỏ bản lĩnh võ công của mình.
Mặc dù tài nghệ vô song là vậy, nhưng trong Thuỷ Hử truyện, Lỗ Trí Thâm chỉ xếp thứ 13, đứng sau Quan Thắng, Lâm Xung, và sau những tên tuổi không mấy nổi bật khác như Tần Minh, Hô Diên Chước, Hoa Vinh, Sài Tiến, Lý Ứng, và Chu Đồng. Điều này khiến không ít người đọc tự hỏi rằng: Phải chăng tác giả Thi Nại Am đã đánh giá quá thấp năng lực của Trí Thâm?
Như vậy có thể thấy, Lỗ Trí Thâm dù không phải là hình mẫu của tướng tiên phong, nhưng lại có võ công cao cường, sức mạnh vô song, cùng một trái tim hào hiệp trượng nghĩa. Và đó là điều làm nên sức sống mãnh liệt của vị anh hùng thứ 13 Lương Sơn Bạc này…
Nam Phương