Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, vụ thảm sát Thiên An Môn do Đặng Tiểu Bình ra lệnh đã gây chấn động toàn thế giới. Hàng nghìn thị dân và học sinh “chống quan tham, chống tham nhũng, đòi dân chủ, đòi tự do” đã ngã xuống trong làn mưa đạn của ĐCSTQ.
Sau khi biết tin, dịch giả nổi tiếng thế giới Dương Hiến Ích vô cùng đau buồn và phẫn nộ, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, ông đã lên án vụ thảm sát bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, tuyên bố không chút do dự rằng ông sẽ thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Hôm nay, dựa trên cuốn tự truyện “Bạch hổ tinh chiếu mệnh” của Dương Hiến Ích và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể với các bạn câu chuyện về dịch giả lớn Dương Hiến Ích thoái xuất khỏi ĐCSTQ sau sự kiện Lục Tứ – cuộc thảm sát Thiên An Môn như thế nào.
Công khai lên án vụ thảm sát Thiên An Môn của ĐCSTQ
Sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989, Dương Hiến Ích, 75 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của Tập đoàn Phát thanh BBC của Anh:
“Đây là điều đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại! Trong quá khứ chưa từng có chính phủ phản động nào thực hiện một vụ thảm sát đẫm máu như vậy. Quân phiệt Bắc Dương, chính phủ Quốc dân đảng đều chưa từng giết nhiều người dân vô tội tay không tấc sắt như vậy, thậm chí ngay cả khi quân xâm lược Nhật Bản chiếm lĩnh Bắc Kinh cũng chưa từng làm loại chuyện này. Rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến vụ thảm sát này. Các nhân chứng nhìn thấy một bé gái 7 tuổi bị bắn chết bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân; Họ cũng nhìn thấy một nữ sinh bị đạn bắn xuyên qua mắt; Có người bị bắn đứt nửa khuôn mặt; Những sinh viên không hề chống cự, họ chỉ nắm tay nhau để chặn bước tiến của quân đội, nhưng binh sĩ đã dùng súng bắn loạn xạ. Khi các sinh viên chạy đi, quân đội còn đuổi theo họ từ phía sau và bắn vào lưng họ.”
“Tôi lên án tội ác bộ đội thiết quân luật sát hại công dân Bắc Kinh! Nhân dân Trung Quốc chết cũng không sợ! Họ có thể thêm tôi vào danh sách những người bị giết, nhưng họ không thể giết tất cả chúng ta! Họ không thể tiêu diệt cả một quốc gia!”
Phẫn nộ thoái xuất khỏi ĐCSTQ
Vào tháng 9 năm 1989, ĐCSTQ tuyên bố tất cả các đảng viên phải đăng ký lại, đồng thời mỗi đảng viên phải viết bản tự tổng kết về “Sự cố Thiên An Môn”.
Dương Hiến Ích không thừa nhận ngôn hành của bản thân thời kỳ Lục Tứ có bất cứ điều gì sai trái, quyết định không tham gia “đăng ký lại đảng viên”. Ông đã viết một bức thư gửi cho bí thư tổ chức đảng của mình: “Nhận thức của tôi trước sau như một, do đó tôi yêu cầu thoái đảng.”
Vì Dương Hiến Ích là một học giả nổi tiếng quốc tế, ĐCSTQ không muốn việc ông tự nguyện thoái đảng làm tổn hại đến hình ảnh “vĩ đại quang minh chính xác” mà nó tự xưng, nên đã cử thứ trưởng Bộ Văn hóa Anh Nhược Thành đến đàm thoại với ông ba lần.
Vào tháng 10 năm 1989, Anh Nhược Thành đã đến gặp hai lần, kêu gọi Dương Hiến Ích xem xét lại đơn xin thoái xuất khỏi đảng của ông, lần nữa chỉ ra, chỉ cần ông công khai thừa nhận sai lầm, đảng sẽ khoan dung đại lượng, không truy xét ngôn luận của ông nữa. Tuy nhiên, Dương Hiến Ích kiên trì nói, ngôn luận của bản thân không sai, sai sót duy nhất là vi phạm kỷ luật đảng, nói lên điều mà một đảng viên ĐCSTQ không nên nói, vì vậy, ông sẵn sàng “nhận lỗi về mình”, chủ động thoái đảng.
Ngày 5 tháng 12 năm 1989, Ứng Nhược Thành đến thăm ông lần thứ ba, thuyết phục ông đổi ý. Cuối cùng, Ứng Nhược Thành nói: “Tôi có lẽ đã ba lần đến nhà tranh” (đề cập đến điển cố Lưu Bị kiên trì ba lần đến nhà tranh mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư giúp mình). Dương Hiến Ích trả lời: Dù cậu có “bảy lần bắt Mãnh Hoạch” cũng không được. (“Bảy lần bắt Mãnh Hoạch’ đề cập đến điển cố thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đem quân tiến về phía nam, bảy lần bắt được Mãnh Hoạch, bảy lần thả ra, lần thứ bảy bắt được Mãnh Hoạch ở thành Mãnh Hoạch, khiến ông ta thực sự thừa nhận thất bại, không còn làm địch nữa. Đó là một phép ẩn dụ cho việc sử dụng các chiến lược để thuyết phục đối phương.)
Vào tháng 3 năm 1990, Dương Hiến Ích bị “khai trừ đảng”.
Nhà phiên dịch kết nối văn hóa phương Đông và phương Tây
Dương Hiến Ích sinh ngày 10 tháng 1 năm 1915 tại tỉnh An Huy, trong một hào môn vọng tộc ở Thiên Tân, cha ông từng là chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc tại Thiên Tân.
Khi còn trẻ, ông học ở trường gia thục và trường giáo hội. Năm 1934 vào Đại học Yến Kinh, sau đó chuyển đến Anh để học với một giáo viên người Anh. Vào mùa thu năm 1936, ông vào Cao đẳng Merton, Đại học Oxford, nơi ông nghiên cứu văn học Hy Lạp và La Mã cổ đại, văn học Pháp thời trung cổ và văn học Anh.
Tại Đại học Oxford, ông kết hôn với cô gái xinh đẹp người Anh Gladys. Sau khi học xong, năm 1940, ông từ bỏ cơ hội học cao học tại Đại học Harvard ở Mỹ, đưa Gladys trở về tổ quốc đang trong chiến loạn. Ông giảng dạy tại Đại học Trung ương Trùng Khánh, Đại học Sư phạm Quý Dương và Đại học Quang Hoa. Từ năm 1943, ông giữ chức vụ tổng biên tập tại Quán Biên dịch Quốc lập.
Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, công việc chính của vợ chồng Dương Hiến Ích là dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm văn học Trung Quốc tới độc giả phương Tây; đồng thời, họ cũng dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học cổ điển phương Tây đến độc giả Trung Quốc.
Hai người đã hợp tác cả đời để dịch hơn một trăm loại tác phẩm văn học Trung Quốc với hàng chục triệu từ, trong đó có “Lệ Tao”, “Tư trị thông giám”, “Những bài thơ chọn lọc của triều đại nhà Đường và nhà Tống”, “Hồng lâu mộng” và các tác phẩm văn học cổ điển khác, cũng như “Thị trấn biên giới và những nơi khác” của Thẩm Tòng Văn và các tác phẩm văn học hiện đại khác. Phiên bản ba tập của “Hồng lâu mộng” do hai vợ chồng hợp dịch là bản dịch hoàn chỉnh duy nhất của “Hồng lâu mộng” do người Trung Quốc dịch cho đến nay.
Các tác phẩm kinh điển nước ngoài mà họ dịch và giới thiệu tới độc giả Trung Quốc bao gồm các vở hài kịch từ Hy Lạp và La Mã cổ đại, “Odyssey” của Homer và “Cô gái bán hoa” (Pygmalion) của nhà viết kịch người Anh Bernard Shaw, v.v.
Các tác phẩm phiên dịch của họ bao trùm gần như toàn bộ lịch sử văn học Trung Quốc, xây dựng một cầu nối bất diệt cho giao lưu văn hóa Đông Tây.
Tâm đầy ảo tưởng, gia nhập ĐCSTQ
Từ khi trở về Trung Quốc những năm 1940 cho đến gia nhập ĐCSTQ năm 1985, Dương Hiến Ích từ lâu đã là người có cảm tình, ủng hộ và đi theo ĐCSTQ. Dù phải chịu đựng 4 năm tù trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, ông vẫn không thay đổi “si tâm” của mình đối với ĐCSTQ.
Trước khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, tuy không được biết đến với tư cách là đảng viên ngầm của ĐCSTQ, nhưng ông đã tích cực tham gia vào hoạt động ngầm của ĐCSTQ.
Khi Chính phủ Quốc dân đảng chuyển đến Đài Loan, bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc Hàng Lập Võ đã đặc biệt gửi vé máy bay cho gia đình Dương Hiến Ích đến Đài Loan, nhưng ông đã lịch sự từ chối. Ông chọn ở lại “chào đón quân giải phóng”.
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, ông được bầu làm ủy viên Chính hiệp Nam Kinh, giữ chức phó tổng thư ký Chính hiệp Nam Kinh, tại Bắc Kinh, ông được các lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tiếp đón nhiều lần.
Từ năm 1958 đến năm 1960, “người bí ẩn” trong ĐCSTQ (có thể là quan chức của cơ quan công an) yêu cầu Dương Hiến Ích cung cấp thông tin về những người nước ngoài mà ông đã tiếp xúc cho ĐCSTQ, và ông đã làm như được bảo.
Ông viết trong “tự truyện” của mình: “Trong suốt ba năm đó, tôi đã thành thật báo cáo công tác của mình với người liên lạc bí ẩn đó, nhưng họ dường như không mấy hứng thú đến báo cáo của tôi. Chắc hẳn họ đã rất thất vọng.”
Năm 1960, trong một lần trò chuyện, “người bí ẩn” bất ngờ hỏi: Có phải ông đang công tác ba mặt cho Quốc dân đảng, chủ nghĩa đế quốc nước ngoài và ĐCSTQ cùng lúc không?
Khi đó, Dương Hiến Ích bị sốc đến mức không nói nên lời. Sáng hôm sau, “người bí ẩn” sai người mang cho ông một xấp giấy viết lớn để ông viết lời khai.
Ông viết mười chữ trên trang đầu tiên và trả lại chồng giấy. Mười chữ đó là: “Đường dài biết sức ngựa, ngày lâu thấu nhân tâm”.
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, ĐCSTQ phát động chiến dịch “bắt gián điệp” trên phạm vi toàn quốc. Nhiều trí thức cao cấp từ nước ngoài trở về bị nghi ngờ là gián điệp.
Tối ngày 27 tháng 4 năm 1968, Dương Hiến Ích bị bắt vì tội “gián điệp tình nghi”. Một thời gian sau, vợ ông là Gladys cũng bị dán nhãn “gián điệp tình nghi” và bị bắt đi. Họ bị giam trong cùng một nhà tù, nhưng không thể gặp nhau.
Sau 4 năm xem xét, ĐCSTQ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy vợ chồng ông là “gián điệp tình nghi”. Vào tháng 4 năm 1972, Dương Hiến Ích được phóng thích về nhà. Một tuần sau, Gladys cũng được ra tù.
Vào những năm 1980, khi Hồ Diệu Bang giữ chức tổng bí thư ĐCSTQ và Triệu Tử Dương giữ chức thủ tướng Quốc vụ viện, Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ tương đối tự do và thư thái về chính trị.
Trong khi tiếp tục làm công việc phiên dịch, vợ chồng Dương Hiến Ích đã tham gia nhiều cuộc giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài, thường xuyên gặp gỡ các tác giả, phóng viên và khách nước ngoài, có một thời gian họ được cả trong nước và quốc tế rất kính trọng. Tháng 4 năm 1985, ông được bầu làm ủy viên Chính hiệp Toàn quốc. Vì vậy khi đó, ông tin rằng ĐCSTQ, thông qua cải cách thể chế chính trị, có thể hướng tới tự do dân chủ.
Chính trong bối cảnh đó, tổ chức đảng đã giao cho ông một tin nhắn, hy vọng ông sẽ viết đơn gia nhập đảng, nên ông vui vẻ viết và được phê chuẩn gia nhập ĐCSTQ.
Cái chết uất ức của con trai
Năm 1979, Dương Diệp, con trai duy nhất của Dương Hiến Ích và Gladys, đã khóa cửa nhà dì Hilda ở ngoại ô London, Anh, rồi tự tay châm xăng tự thiêu.
Cái chết bi thảm của con trai là một đòn nặng nề đối với vợ chồng Dương Hiến Ích. Theo lời tác giả tiểu sử của ông, nữ sĩ Lôi Âm: Đây là nỗi đau thấu tâm can không bao giờ có thể chữa khỏi, nỗi đau này là “bản án chung thân” đối với họ.
Dương Diệp sinh vào tháng 8 năm 1942. Năm 1963, lựa chọn thứ nhất và thứ hai của anh là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, do xuất thân gia đình, nên anh đã không được vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, cuối cùng chỉ được nhận vào Đại học Công nghệ Bắc Kinh mới thành lập.
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Dương Diệp tốt nghiệp đại học và được phân công làm việc trong xưởng đúc máy rèn công cụ ở Ngạc Thành, tỉnh Hồ Bắc. Anh viết thư cho em gái, nhờ em gái gửi cho mình một số cuốn sách, em gái đã đóng gói tất cả sách của anh và gửi cho anh. Người lãnh đạo mở ra kiểm tra, phát hiện có một cuốn sách mật mã Morse mà anh đã giữ lại khi học cách phát điện tín. Mà chính lúc đó, cha mẹ anh đang bị giam giữ vì tội “gián điệp”, và cuốn sách Mật mã Morse nghiễm nhiên trở thành “bằng chứng” cho thấy Dương Diệp là một “gián điệp tình nghi”, vì thế mà phải chịu thẩm tra, phê đấu. Từ đó trở đi, anh biến trở nên khép kín, hoài nghi tất cả.
Sau khi Dương Hiến Ích và vợ được ra tù năm 1972, Dương Diệp bị điều trở lại Bắc Kinh. Sau khi trở về Bắc Kinh, trạng thái tinh thần của anh ngày càng trở nên bất thường. Bắt đầu từ tháng 7 năm 1974, anh đột nhiên thay đổi bình thường, cho rằng mình là người Anh, ba lần xông vào Đại sứ quán Anh ở Trung Quốc, yêu cầu quay về nước Anh, nhưng không thành công.
Dương Diệp càng trở nên khép kín bản thân hơn sau khi trở về nhà, từ chối nói chuyện. Vợ chồng Dương Hiến Ích lúc đó đang gặp khó khăn chồng chất, vô kế khả thi. Cuối cùng, Dương Diệp cũng được phép đến Anh.
Sau khi đến Anh, Dương Diệp muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ của mình. Anh không muốn thừa nhận mình là người Trung Quốc, mối quan hệ của anh với cha gần như tan vỡ. Dương Diệp không thừa nhận mình là con trai của Dương Hiến Ích, mà nhận một cha đỡ đầu người Anh, tự đặt cho mình một cái tên tiếng Anh: David Greene, sử dụng họ của cha đỡ đầu. Anh đã mang cái tên này cho đến khi qua đời.
Dương Hiến Ích ban đầu đặt tên con trai mình là “Diệp” (燁). Trong “Từ nguyên”, “Diệp” có nghĩa là rực rỡ huy hoàng, tươi sáng và thịnh vượng. Điều này cho thấy ông đặt nhiều hy vọng vào tương lai của con trai mình như thế nào. Trong mắt mẹ Gladys, Dương Diệp là người bà yêu quý và kỳ vọng nhất trong ba đứa con.
Cái chết của Dương Diệp là nỗi đau vĩnh viễn trong lòng vợ chồng Dương Ích Hiến.
Theo ký ức của những người bạn cùng lớp đại học của Dương Diệp, Dương Diệp là một thiên tài với chỉ số IQ rất cao, nếu không phải vì sự bóp méo của thời đại và sự đảo điên của xã hội, anh có lẽ đã trở thành một nhà toán học, một chuyên gia máy tính xuất sắc hoặc một nhà toán học kiệt xuất, hoặc cũng có thể trở thành dịch giả, nhà văn và nhà thơ như cha mình.
Vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi quân nhân của ĐCSTQ chĩa súng vào các sinh viên đại học ở Bắc Kinh, Dương Hiến Ích có lẽ đã nghĩ đến cái chết của chính con trai mình. Dương Hiến Ích đã thức tỉnh sau cơn mê về ĐCSTQ, ông không còn ảo tưởng nào về ĐCSTQ nữa.
Mặc dù con trai ông chết do tự thiêu, nhưng cũng là nạn nhân của những cuộc vận động chính trị đẫm máu và tàn bạo của ĐCSTQ.
Vì vậy, ông đã đưa ra lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời mình, đó là thoái xuất khỏi ĐCSTQ!
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch