Đại Kỷ Nguyên

Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, không phải để đấu đá hay so tài cao thấp

Hạo Hòa tiên sinh chia sẻ: “Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, là nét đẹp văn hóa chứ không chỉ là đánh một bộ quyền cước để đấu đá hay để so tài cao thấp”.

Nền võ thuật truyền thống bác đại tinh thâm, như dòng chảy xuyên suốt lịch sử 5.000 văn hoá Á Đông, cho đến nay đã lưu giữ lại biết bao truyền thuyết sâu sắc.

Một võ thuật gia lão niên có biệt danh Hạo Hoà là người hồng dương và kế thừa nền võ thuật cổ truyền của các dân tộc Á Đông. Ông đã từng hai lần tham gia Cuộc thi Quốc tế về Võ thuật của người Hoa và rất nhiều lễ hội võ thuật quốc tế khác nhau. Chia sẻ với Thời báo Đại Kỷ Nguyên, ông đã kể về những lý niệm và sự hồng dương khắp thế giới của võ thuật truyền thống.

Từ nhỏ, Hạo Hoà đã luyện võ cùng cha, lớn lên ông lại được nhiều vị đại sư truyền thụ. Ông từng tới rất nhiều quốc gia, dạy rất nhiều môn võ khác nhau. Hiện nay ngoài trọng tâm bồi dưỡng nhân tài, ông còn chú trọng hơn tới việc truyền thụ “võ đức” và “nội hàm” trong võ thuật truyền thống. Ông hy vọng có thể giúp mọi người lĩnh ngộ được giá trị đích thực của võ thuật cổ truyền, giữ gìn các môn võ chính tông, khiến chúng không bị thất truyền.

Võ thuật gia lão niên có biệt danh Hạo Hoà là người hồng dương và kế thừa nền võ thuật cổ truyền của các dân tộc Á Đông. (Ảnh chụp võ sư Hạo Hòa khi còn trẻ, dẫn theo NTDTV)

Cổ nhân học võ là để bảo vệ mình và bảo vệ quốc gia

Nói tới võ thuật truyền thống, ông Hạo Hòa cho biết: “Cổ nhân học võ là để rèn luyện sức khỏe, phòng thân, tu tâm dưỡng tính và bảo vệ nước nhà”. Ông rất tỏ tường về đặc điểm của từng môn phái võ thuật và lịch sử phát triển của võ thuật Trung Hoa.

Ông nói rằng quê hương của võ thuật Trung Hoa là ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Ông nói: “Thương Châu cũng là nơi nổi tiếng nhất về luyện võ thuật Trung Quốc. Lâm Xung trong “Thủy Hử” là giáo đầu thống lãnh 80 vạn quân tại Biện Kinh vào thời Tống Huy Tông, đã bị hãm hại phải lưu đày tới Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Điều đó cũng khiến mảnh đất này càng thêm có tiếng tăm. Rất nhiều người cũng tới đây học võ, thậm chí còn có tiến sỹ võ thuật, cử nhân võ thuật và cao thủ thâm cung”.

Ông đã từng luyện “Thái Cực Quyền họ Hác” hơn 10 năm. Ông nói rằng cổ nhân học võ chủ yếu là để tu luyện tâm tính và nâng cao đạo đức.

Ông tiếp lời: “Ngày xưa những người luyện võ nhất định phải coi trọng tu tâm dưỡng tính, phải có khả năng chịu khổ, coi trọng đạo đức võ thuật (võ đức), chứ không phải dùng để kiếm tiền. Nhưng những cậu ấm cô chiêu là con một hiện nay lại rất ít người sẵn sàng chịu khổ. Điều này không thể tách rời khỏi việc giáo dục của cha mẹ chúng”.

Sự khác biệt giữa võ thuật hiện đại và võ thuật truyền thống

Vậy, võ thuật hiện đại và võ thuật truyền thống có gì khác biệt?

Ông Hạo Hòa nói:

“Võ thuật hiện nay đa phần chỉ là một bộ võ cạnh tranh. Họ tổ hợp những động tác này lại rồi cải biên, làm như vậy cho dễ chấm điểm, động tác cũng phải được tiêu chuẩn hóa. Đồng thời họ thêm vào một vài động tác lộn nhào trên không, lật người, lộn ngược, xoay người 360 độ, 720 độ, thêm vào một vài trình độ thưởng thức, miễn sao trông đẹp mắt là được rồi. Họ cộng điểm cho những động tác khó, làm được những động tác có độ khó cao thì được điểm cao, không làm được thì không được điểm.

Võ thuật truyền thống của chúng tôi được kế thừa qua biết bao nhiêu năm, thậm chí hàng mấy trăm năm. Sư phụ dạy thế nào thì chúng tôi học thế nấy. Bản thân tôi cũng không thể thay đổi nó, không được phép thay đổi, vì hễ thay đổi thì không còn là bộ võ đó nữa. Động tác của chúng tôi cũng không đẹp mắt, nhưng lại rất thực dụng. Trong nước có một vài người cảm thấy mười mấy động tác trông thật phiền phức, không ai có đủ nhẫn nại để học nên đã đơn giản hóa nó. Còn những điều chúng tôi dạy là truyền thống, có mang theo nội hàm văn hóa trong đó”.

Ông nói rằng: “Các ngành các nghề đều nói về chính tông, nhưng lại tự ý thay đổi loạn lung tung cả lên, biến chúng chẳng còn ra thứ gì. Làm như vậy cũng là có lỗi với sư phụ của mình, như vậy là không có võ đức. Những chiêu thức này đều đã bị thay đổi, nhưng bạn lại không có năng lực để thay đổi nội hàm của nó. Thế mới nói rằng thay đổi cũng chính là đánh mất đi sự chân thực vốn có của võ thuật. Là ủy viên thể dục thể thao, họ có thể chỉnh sửa, họ có quyền này. Họ có thể tìm một vài danh gia có tiếng tăm cùng nghiên cứu và biên soạn ra một bộ động tác mới.

Mục đích thay đổi là gì? Họ hy vọng khiến động tác trở nên đơn giản và dễ luyện, nên chỉ phát triển theo phương diện này. Họ chỉ cần dễ chấm điểm, nhiều người có thể tham gia thi đấu, họ nhất trí với nhau như vậy. Họ không giảng về những thứ mang nội hàm, văn hóa nội hàm và nội công, nội khí. Họ đã coi nhẹ những điều thâm sâu về phương diện này, chỉ cần biểu diễn trông đẹp mắt, dễ thưởng thức, dễ chấm điểm trong cuộc thi là được. Võ thuật hiện đại lại được thêm vào rất nhiều động tác, ví như nhào lộn, lộn vòng trên không, nhìn thì có vẻ vui mắt, nhưng nội hàm văn hóa thì không còn nữa”.

Võ thuật truyền thống coi trọng “võ đức”, coi trọng “nội hàm”. (Ảnh dẫn theo epochtimes.com)

Võ thuật truyền thống coi trọng “võ đức”, coi trọng “nội hàm”

Hạo Hòa đã từng hai lần tham dự “Cuộc thi Quốc tế về Võ thuật của người Hoa” trên Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Ông kể về lý do tham dự cuộc thi, rằng:

“Bởi vì đây là cuộc thi võ thuật truyền thống, nên chúng tôi có nghĩa vụ phải tham dự để quảng bá võ thuật và tinh thần văn hóa truyền thống Trung Hoa, trong đó gồm cả đạo đức của giới võ thuật. Toàn thế giới đều cần phải hồng dương võ thuật, hồng dương văn hóa truyền thống. Bởi điều này giúp mọi người trên thế giới không quên những giá trị trân quý trong truyền thống của các dân tộc Á Đông, nền văn hóa võ thuật truyền thống đã có từ 5000 năm trước. Đây không phải là thứ có thể dễ dàng đạt được chỉ trong một sớm một chiều, mà là truyền thống văn hóa mấy nghìn năm, phải dày công vun đắp và truyền thừa để nó có thể tiếp tục tồn tại. Đây chính là đạo lý của võ thuật”.

Hạo Hòa cho rằng điều quan trọng nhất của võ thuật truyền thống là phải có “võ đức”. Ông nói: “Võ thuật truyền thống coi trọng võ đức, chính là dạy con người hành thiện. Người luyện võ không được bắt nạt người khác, chỉ dùng để rèn luyện sức khỏe và phòng thân. Khi quốc gia bị xâm chiếm, thì những người luyện võ có thể bước ra đầu quân để bảo vệ đất nước”. Cho nên đối với các dân tộc Á Đông thì luyện võ là để bảo vệ sự bình yên cho dân tộc, cho quốc gia mình.

Ông nhắc nhở rằng võ thuật truyền thống có nội hàm văn hóa, nên không thể bỏ mất hai chữ “truyền thống”. Nếu chỉ dùng để thi thố tài năng, chỉ cần động tác đẹp mắt thì loại võ thuật đó sẽ vĩnh viễn đánh mất tinh thần chân chính của mình.

Việc kế thừa và hồng dương truyền thống văn hoá Á Đông

Về việc kế thừa và hồng dương truyền thống văn hóa Á Đông, ông cho rằng những chuyên gia võ thuật có một trách nhiệm không thể chối từ. Ông nói:

“Võ thuật truyền thống có nội hàm thâm sâu, là nét đẹp văn hóa chứ không chỉ là đánh một bộ quyền cước để đấu đá hay để so tài cao thấp. Ngày xưa con người nghèo khó nên mới phải đi mãi võ mua vui cho thiên hạ để kiếm kế sinh nhai. Lúc đó không gọi là đoàn xiếc, mà gọi là gánh xiếc mua vui. Ngày xưa biểu diễn võ thuật phải căng bạt, đây cũng là văn hóa của Trung Quốc. Trước kia ở Bắc Kinh có một chiếc cầu vượt, có rất nhiều người mãi võ, biểu diễn ở đó. Hiện giờ đã không còn nữa, không còn ai diễn, cũng chẳng còn ai luyện nữa”.

Kể về môn đấu vật của Trung Quốc, ông nói:

“Như kiểu đấu vật của Trung Quốc, thì từ những năm 60 đã bị xóa bỏ. Đây là một nét văn hóa truyền thống. Thời nhà Tống, nhà Thanh trước kia cũng có đấu vật. Những dân tộc thiểu số cũng thích đấu vật, người Hán cũng thích đấu vật. Vì sao Trung Quốc lại phế bỏ nó đây? Lúc đó nói là đấu vật kiểu Trung Quốc không thể vào được Á vận hội, nên có luyện cũng chẳng ích gì. Vậy là người ta đề xướng kiểu vật quốc tế, như thế mới được tham dự Á vận hội”.

Hạo Hòa cho rằng đấu vật Trung Quốc đại diện cho một nền văn hóa, là văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông nói rằng: “Hiện nay nước Pháp người ta mỗi năm tổ chức đấu vật Trung Quốc một lần. Thế là người Trung Quốc phải chạy sang tận Pháp để thi đấu. Thứ của dân tộc mình lại để người nước ngoài tổ chức thì chắc chắn sẽ có những vấn đề không toàn diện. Văn hóa của Á Đông không thể bị phế bỏ, mà cần phải bảo tồn. Hiện nay trong dân gian cũng bắt đầu tự tổ chức các cuộc thi đấu, nhưng lại không biết tổ chức một cách hoàn hảo”.

Ngày nay, thi thoảng trên truyền hình, đài báo hay mạng Internet, chúng ta lại nghe thấy những võ sỹ hiện đại gửi lời thách đấu tới chưởng môn các môn phái võ thuật truyền thống. Điều họ mong muốn phải chăng là để chứng minh rằng võ thuật hiện đại có thể hạ thủ được võ thuật truyền thống, rằng võ thuật truyền thống chỉ là những bông hoa đẹp để ngắm, tiếng tăm được lưu truyền chỉ là thứ huyễn hoặc, lừa người? Những thứ chúng ta nhìn không thấy thì không tin? Hay chỉ để gây dựng danh tiếng cho bản thân và môn phái của mình, để hưởng thụ một chút hư vinh trong kiếp người ngắn ngủi?

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, đã biết bao người diễn đi diễn lại cho chúng ta vở kịch về cuộc đời. Dù thắng hay thua, làm vua hay làm giặc, dù thành hay bại thì tới khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta cũng không thể mang theo tiếng tăm và cúp vàng ấy xuống cõi hoàng tuyền.

Nhìn lại những vĩ nhân trong lịch sử, điều khiến hàng triệu trái tim rung động sâu sắc chính là sự tu dưỡng đạo đức của bản thân họ, tự mình làm gương bảo tồn những giá trị truyền thống và đạo đức tốt đẹp của tiên tổ cho lớp lớp thế hệ con cháu mai sau.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hiểu Mai biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version