Đại Kỷ Nguyên

Võ Trường Toản, chuyện chưa kể về người thầy khai sáng đạo học cho sĩ phu Nam Bộ

Nam Bộ, vùng đất trù phú với những con người phóng khoáng, chân chất, hiền lành suốt 300 năm qua đã ghi lại biết bao câu chuyện đẹp về đạo đức, văn hóa và nếp sống. Đất Nam Bộ còn sản sinh cho lịch sử nước Việt rất nhiều danh nhân nổi tiếng làm rạng danh quê nhà. Một trong số đó là tiên sinh Võ Trường Toản, một kẻ sĩ chân chính, người thầy của giới sĩ phu Nam Bộ. 

Lương sư hưng quốc – Người kế tục xuất chúng của Khổng Nho

Thân thế và sự nghiệp của Võ Trường Toản đã được đại thần Phan Thanh Giản tóm tắt trong một bài văn bia bằng chữ Hán soạn năm Đinh Mão (1867), tạm dịch ra như sau:

Tiên sinh họ Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có thuật nghiệp thâm uyên thông đạt. Hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm.

Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết được… Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn…

Lúc ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng đế hằng triệu tiên sinh tới đối ứng… Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau“.

Tượng Võ Trường Toản trong Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa. (Ảnh dẫn theo wiki)

Vùng đất Nam Bộ mới chỉ được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam kể từ thời chúa Nguyễn hồi thế kỷ 18 sau cuộc kinh lược của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và chiến lược “Tàm Thực” (tằm ăn dâu) của Nguyễn Cư Trinh. Đó là một vùng đất mới, thành phần cư dân khá phức tạp, bao gồm lưu dân người Việt, Hoa, dân Chân Lạp bản địa và cả người Chăm Pa. 

Vì thế nhu cầu tạo ra một lượng trí thức đủ trình độ để làm quan và quản trị xã hội cũng như định hình văn hóa, hướng lòng dân về một mối là rất cấp thiết. Nếu không thực hiện được điều này thì thực sự rất khó giữ được mảnh đất này lâu dài. 

Nho giáo với thực tiễn hiệu quả về quản lý đất nước, cũng như quy chuẩn đạo đức để ước thúc con người chính là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm bấy giờ. Đó là lúc mà tiên sinh Võ Trường Toản đến định cư ở đất Gia Định, cũng là lúc nhà Tây Sơn khởi binh. Đây đúng là một thử thách nghiệt ngã của thời thế cho các thế lực cai trị và cả giới sĩ phu trí thức nhưng cũng là lúc “thời thế tạo anh hùng”, hào kiệt thi nhau xuất hiện. 

Trong cảnh binh đao khói lửa khi mạng sống còn khó giữ và đạo đức không còn ước thúc, Võ Trường Toản vẫn thầm lặng mở trường, đào tạo nhân tài. Phan Thanh Giản đề văn bia trên mộ cụ Võ Trường Toản như sau: Tiên sinh học sâu, biết rộng, gặp đời loạn Tây Sơn, ở ẩn, dạy học trò hàng mấy trăm người”. Việc này chắc cũng không khác gì Đức Khổng Tử khi xưa làm trong thời loạn lạc vẫn chu du khắp nơi, truyền bá đạo học chân chính của mình. 

Lúc ngự vào Gia Định, Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế thường triệu tiên sinh đến ứng đối. Lại nghe tiên sinh học rộng hết các kinh, sở trường nhất một bộ Tứ Thư… từng thấy tiên sinh đề trong sách vở lời này: Sách Đại Học một nghìn bảy trăm chữ tan ra thành vô số sự vật, tóm lại còn hai trăm chữ, lại tóm nữa thì một chữ cũng không” (trích văn bia của Phan Thanh Giản)

Vô cực sinh Thái Cực, biến hóa khôn lường mà thành ra càn khôn thế giới, cũng là từ Không mà thành Có. Nay Võ tiên sinh sở học đầy đủ, thực đã đến mức “phản bổn quy chân”. Đại Học và Tứ Thư vốn nghìn vạn chữ, bao nhiêu tinh hoa đã thấm vào máu thịt, hòa tan vào trí huệ của tiên sinh, chẳng phải Có mà tựa như Không đó sao? Chẳng phải tiên sinh chính là bậc chân nhân đắc đạo nơi Khổng môn đó sao?

Cũng không lạ khi Võ tiên sinh có thể đào tạo ra nhiều nhân tài đến thế. Đạo học của tiên sinh đã gây ảnh hưởng đến cả một thời đại, tạo ra một phong khí Nho học cho cả miền Nam Bộ vốn chưa thấm nhuần vương hóa của Đại Việt vậy. 

(Ảnh minh họa, dẫn theo vninfographic.blogspot.sg)

Học trò là trụ cột của quốc gia 

Học trò chính là phản ánh thành tựu một đời của người thầy. Không có những học trò trở thành Hoàng đế như cụ Trương Văn Hiến, không lưu danh hơn nghìn năm như Đức Khổng Phu Tử nhưng Võ Trường Toản tiên sinh vẫn là người thầy muôn đời đáng kính của vùng đất Nam Bộ. Nói không ngoa là tất cả những văn tài kiệt xuất nhất đất Nam Bộ thế kỷ 18 đều xuất thân là học trò của ông hoặc chịu ảnh hưởng của ông rất lớn.

Có thể điểm ra nơi đây một số nhân vật như sau:

Ngô Tùng Châu là công thần thờ vua Gia Long thưở còn là chúa, thầy dạy Đông Cung Cảnh, là môn đệ giỏi nhất của Võ Trường Toản tiên sinh. Ông đã tuẫn tiết khi tử thủ thành Bình Định, cầm chân quân Tây Sơn cho chúa Nguyễn đánh chiếm thành công Phú Xuân.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết về Ngô Tùng Châu như sau:

Sự thực, Ngô Tùng Châu cũng là tay văn học kiệt xuất, tiếc rằng chết sớm, nên đời sau ít nói tới. Là học trò đầu hạng của Võ Trường Toản, ông rất được Nguyễn Phúc Ánh phục tài và tin dùng. Bởi vậy, sau khi được thăng chức Tham tri bộ Lễ, ông còn được cử làm phụ đạo dạy Đông cung Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) mà lâu nay do thầy Bá Đa Lộc kèm dạy, Ngô Tùng Châu đã nhận lấy và làm tròn một việc khó khăn tế nhị. Ngô Tùng Châu học hành thuần chánh, “hết lòng can răn, Đông cung lễ trọng lắm“. 

Ngoài ra, học trò xuất sắc của Võ tiên sinh còn có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Bá Phẩm, Lê Quang Định… Trong đó 3 ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định còn được gọi là “Gia Định tam gia”, cũng chính là 3 quan văn đại thần hết sức đắc lực của vua Gia Long.

Học giả Vương Hồng Sển viết: Trong nhóm người Minh Hương, có ba ông: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san”. 

Dân Lục tỉnh thấm nhuần văn đạo, vì nghĩa lớn quên mình

Từ khi tiên sinh đem cái học nghĩa lý ra dạy người, chẳng những đương thời nung đúc được nhiều nhân tài mà do sự truyền thuật giảng dụ mài dũa, đến giờ dân lục tỉnh trung nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình. Tuy vì thâm nhận hậu trạch của triều đình cố kết lòng người, nhưng cũng há chẳng do công khai đạo của tiên sinh từ xưa để lại mới được như thế này ư” (Trích văn bia do Phan Thanh Giản viết trên mộ Võ tiên sinh). 

Lục tỉnh Nam Kỳ chính là vùng đất khẩn hoang của lưu dân tứ xứ vào lập nghiệp. Cái ăn cái mặc luôn là mối bận tâm hàng đầu của dân chúng thì quả thật nói chuyện Nhân, Lễ, Nghĩa là việc khó vậy. Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian không dài, Võ tiên sinh cùng những học trò của mình, bằng đức độ và tài năng lại có thể khai thông đạo học, giáo hóa dân chúng, chấn hưng văn khí, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó với quốc gia, trung nghĩa liều mình khi nước mất nhà tan.

Họ chính là những nông dân chân lấm tay bùn:

Nhớ linh xưa: Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó. Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ. Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó. Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ“. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu). 

Người ta nói nước loạn biết tôi trung, nhà khó biết con hiếu. Một miền đất non trẻ vỏn vẹn chỉ có vài trăm năm lịch sử mà người dân cũng biết sống theo đạo lý Trung Nghĩa, còn nghĩa khí hơn vạn lần những quan binh chịu đầu hàng giặc kia. Thế mới biết giáo hóa dân chúng là khó đến nhường nào mà cũng biết là công cuộc khai đạo mà Võ tiên sinh làm vất vả, vĩ đại bao nhiêu. 

Tượng Võ Trường Toản và Khu mộ Võ Trường Toản ở huyện Ba Tri, Bến Tre. (Ảnh: Wikipedia)

Văn đạo sáng ngời dẫu nước mất nhà tan

Nho giáo sau thời Võ tiên sinh cũng đã bước sang giai đoạn suy tàn, dẫu có hồi quang phản chiếu được một chốc trong thời Minh Mạng. Đất nước bị xâm lăng cũng là một giai đoạn thử lửa cho Nam Bộ, là lúc để các sĩ phu chứng tỏ tài năng và đạo đức của mình. Những nhà Nho chân chính vốn chịu ảnh hưởng của tiên sinh đã không làm hổ thẹn danh tiếng sĩ phu Nam Bộ. 

Họ chính là Nguyễn Đình Chiểu mắt mù nhưng vẫn không hàng giặc, chính là Phan Thanh Giản tự tận cho vẹn lòng trung, chính là Phan Văn Trị  dùng thơ văn mà thể hiện khí tiết bản thân… Họ chính là những ngọn lửa sau cùng phản ánh sự ảnh hưởng to lớn của tinh thần của Võ Trường Toản đến hậu thế. 

Người đời ai mà không chết, một tấm lòng son sáng sử xanh

Ý nghĩa của đời người là gì? Là quan cao lộc hậu, tiền hô hậu ủng lúc sinh tiền hay uy chấn tứ hải bình định thiên hạ? Trong quan niệm của các nhà Nho chân chính, chắc chắn câu trả lời không phải như trên. Thay cho lời kết, chúng ta hãy cùng đọc lại 2 câu đối điếu mà đích thân vua nhà Nguyễn đề ban cho Võ tiên sinh:

“Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà phần cựu học
Đẩu Nam Phong giáo, tề khâm Nhạc Lộc dư uy”

Dịch nghĩa:

Công nghiệp trong triều, nửa thuộc Hà Phần cựu học
Phương Nam giáo hóa, sánh bằng Nhạc Lộc danh thơm

(Hà Phần là nơi dạy học của Đại Nho Vương Thông đời Tùy. Nhạc Lộc là nơi dạy học của Đại Nho Chu Hy đời Tống. Nhà Vua dùng điển tích hai nơi này để ví von công nghiệp Võ Trường Toản có công giáo dục, đào tạo anh tài như Vương Thông và Chu Hy, những đại danh nho trong lịch sử).

Trên mộ của cụ, học trò cũng đề đôi câu đối này:

“Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử như hữu tử
Một hậu thinh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”

Dịch nghĩa:

Sinh thời giáo dục nên người tốt, không con mà đâu cũng như con hết
Khuất rồi mà danh vẫn còn đó, chết mà như không chết

Một đời dạy người, khai phát đạo học cho quốc gia, đào tạo nhân tài cho hậu thế, đến nhắm mắt xuôi tay không lưu lại chút gì cho bản thân, con cái cũng không có. Điều Võ tiên sinh để lại cho đời không phải bạc vàng dinh thự mà là chữ Nhân, chữ Nghĩa cho con dân và sĩ phu miền Nam. Tiên sinh đã dùng cuộc đời của mình để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống theo cách tốt nhất mà một môn đệ Khổng Nho có thể thực hiện được.

Tĩnh Thủy

Xem thêm:

 

Exit mobile version