Tham nhũng ở Việt Nam ngày càng lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm, hoành hành khắp tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận rằng: “Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ” (TBT Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cử tri Hà Nội năm 2013).
Đã có nhiều lời hô hào chống tham nhũng, nhưng dường như không có được cải thiện , trái lại tham nhũng ngày càng gia tăng.
Lịch sử Việt Nam cũng đã chứng kiến những bậc Minh Quân trị quốc, từng bước xóa bỏ tham nhũng, tiêu biểu là vua Lê Thánh Tông.
Câu chuyện Quận Gió
Thuở ấy tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài “xuất quỷ nhập thần”. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến. Bởi hắn chuyên trộm của nhà giàu đem cho người nghèo.
Đã nhiều lần các quan Phủ-doãn cho dò bắt, nhưng hắn ẩn hiện tài tình, không cách nào tóm được, vì hành tung của hắn nhanh như gió chỗ nào cũng vào lọt nên người dân còn phong tuớc hiệu cho hắn là Quận Gió!
Hắn đi về, tới lui nhanh như gió. Thoắt ẩn, thoắt hiện. Ở những nơi không ai ngờ, hắn ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, hắn vẫn luồn qua được.
Tiếng đồn về Quận Gió lọt đến tai vua Lê Thánh Tông và nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật.
Đã cận giờ giao thừa. Có một thanh niên trạc 20 tuổi tìm đến nơi Quận Gió đang trú ngụ. Người này tự xưng là môn sinh trường Quốc Tử Giám, năm hết-tết đến, muốn về quê Thanh Hóa cúng giỗ ông bà, nhưng nhà nghèo không có tiền nên đến phiền Quận Gió giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói:
– Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?
– Trộm của phú ông ở cửa Tây – Người thanh niên nói.
– Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẩm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy – Quận Gió đáp.
– Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không? – Người thanh niên ướm lời.
– Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho anh vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn.
Vừa dứt lời, Quận Gió băng mình vào bầu trời đen mịt mùng như mực của đêm cuối năm. Chưa giập bã trầu đã thấy Quận Gió trở về với hai nén bạc trong tay. Quận Gió nói: “Với hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”.
Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của nhà nước.
Sáng mồng một Tết, nhà Vua thiết đại triều. Khi tất cả các quan tề tựu đông đủ, vua đem câu chuyện vi hành đêm 30 Tết kể lại cho mọi người nghe. Hai nén bạc được chuyền tay cho tất cả các quan xem tận mắt. Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị lột bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu. Hắn bị lưu đày đi ải xa.
Vua Lê Thánh Tông chống tham nhũng như thế nào?
Sau chuyến vi hành gặp Quận Gió, Vua Lê Thánh Tông suy nghĩ nhiều về vận nước, ông mới lên ngôi 2 năm, nhiều quan lại như một lũ sâu mọt đục khoét của dân, lòng dân oán thán, nhà Vua cho rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Rất nhiều quan chức được cất nhắc nhờ nịnh bợ và quà cáp hối lộ, những kẻ nịnh thần thăng quan nhờ quà cáp hối lộ chắc chắn là vì mình chứ chẳng vì dân, đó là nguyên nhân chính khiến lòng dân oán thán.
Vào tháng 3 năm 1463, trong một buổi thiết triều, nhà Vua nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy !”
Sau vài năm chống tham nhũng, nhà Vua thấy rằng cần phải có một bộ luật để rõ ràng để chống tham nhũng. Bộ Luật Hồng Đức được ra đời, định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng, từ đó, nạn tham nhũng dần dần bị đẩy lùi.
Vua Lê Thánh Tông cũng ra các sắc chỉ nhấn mạnh chống tham nhũng:
– Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.
– Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lệnh để định việc giáng chức.
– Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.
– Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua. Như vậy, Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch. Những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước phong kiến.
Chủ trương chống tham nhũng và chỉ trọng hiền thần được nhà vua ban được thực hiện từ trên xuống dưới khiến các quan lại vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ và hối lộ cũng dần không còn đất dụng võ nữa. Và nạn tham nhũng được dẹp bỏ.
Thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì cũng đánh dấu một thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử Việt Nam
Ngọn Hải Đăng
Xem thêm: