Vì bị thẩm tra, không được tín nhiệm, bị đả kích là “Hán gian” và hàng loạt trận đòn như bị người tình tuyệt giao, đã khiến Quan Lộ thân tâm kiệt quệ…
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Vào những năm 1930, ở Thượng Hải có một nhà văn nữ nổi tiếng, bút danh là Quan Lộ. Quan Lộ đã xuất bản hơn 200 bộ tác phẩm văn học, đặc biệt giỏi viết thơ mới, như ca khúc chủ đề “Xuân thiên lý” của bộ phim kinh điển “Góc phố chữ Thập”, lời bài hát là do chính bà thủ bút.
Quan Lục cũng có một thân phận đặc biệt: Từ năm 1939 đến năm 1945, bà phụng mệnh của ĐCSTQ, gia nhập chính quyền bù nhìn Nhật Bản và hoạt động như một gián điệp.
Nhưng sau khi hoàn thành công việc, bà trước sau đã năm lần bị ĐCSTQ chỉnh đốn, hai lần bị bỏ tù, bị mang tiếng là “Hán gian” trong suốt 43 năm, và vì điều này mà mất đi người yêu. Từ khi ĐCSTQ kiến chính năm 1949 cho đến khi bà qua đời năm 1982, trong suốt 33 năm, nhà văn đã từng viết rất nhiều tác phẩm này, chỉ xuất bản được duy nhất một cuốn tiểu thuyết “Vườn táo” vào năm 1951.
Hôm nay, chúng tôi sẽ kể với quý vị về cuộc đời bi thảm của Quan Lộ dựa trên “Tiểu sử Quan Lộ” do Đinh Ngôn Chiêu ghi chép và các tài liệu liên quan.
Phụng mệnh ĐCSTQ, bước vào nội bộ chính quyền ngụy Nhật suốt sáu năm
Quan Lộ, nguyên danh là Hồ Thọ Mi, sinh năm 1907 trong một gia đình cử nhân ở Sơn Tây. Năm 16 tuổi, bà chuyển đến Nam Kinh và thi đỗ vào Đại học Trung ương Nam Kinh, đầu tiên học khoa Triết học, sau đó chuyển sang khoa Trung văn. Trong thời gian học đại học, bà bắt đầu mê thích thơ mới, thường thử viết văn.
Vào mùa hè năm 1931, Quan Lộ rời Nam Kinh đến Thượng Hải để xông pha thế giới, vào mùa xuân năm 1932, bà bí mật gia nhập đảng ngầm của ĐCSTQ, sau đó, bà chủ yếu làm công tác văn nghệ ở Thượng Hải.
Vào cuối mùa thu năm 1939, bà nhận được một bức điện mật từ Lưu Thiếu Văn, bí thư trưởng của Văn phòng Thượng Hải của Binh đoàn 8, trong đó viết: “Nhanh đến Hồng Kông tìm tiểu Liệu để nhận nhiệm vụ.”
Sau khi nhận được lệnh, Quan Lộ nhanh chóng đến Hồng Kông và gặp Liệu Thừa Chí, lãnh đạo đảng ngầm của ĐCSTQ, và Phan Hán Niên, một đặc vụ cấp cao của ĐCSTQ và là phó bộ trưởng Bộ Xã hội Trung ương ĐCSTQ. Phan Hán Niên yêu cầu bà vào trụ sở cơ quan mật vụ của chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ ở Thượng Hải – Số 76 đường Jishi Feier, tiếp cận đầu sỏ gián điệp bù nhìn của Uông Tinh Vệ là Lý Sĩ Quần, lấy thông tin tình báo, và tìm cơ hội phản Lý Sĩ Quần.
Vào ngày thứ ba sau khi trở về Thượng Hải từ Hồng Kông, Ngô Thành Phương, một đảng viên ngầm của ĐCSTQ, đã liên lạc với Quan Lộ theo chỉ thị của cấp trên, thúc giục bà “công tác” với Lý Sĩ Quần càng sớm càng tốt.
Em gái của Quan Lộ từng cứu trợ Diệp Cát Khanh, vợ của Lý Sĩ Quần, vì vậy Quan Lộ đã lợi dụng mối quan hệ này, rất nhanh chóng trở thành khách tại số 76 trụ sở cơ quan mật vụ của Lý Sĩ Quần. Sau đó, bà thường xuyên đến số 76 để cùng vợ của Lý Sĩ Quần chơi bài, đi mua sắm, chăm sóc sắc đẹp và tham dự nhiều sự kiện khác nhau, thu được nhiều thông tin tình báo quan trọng, và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp giữa Phan Hán Niên và Lý Sĩ Quần. Lý Sĩ Quần sau đó đã đưa Phan Hán Niên đến gặp Uông Tinh Vệ.
Vào mùa xuân năm 1942, Ngô Thành Phương thông báo cho Quan Lộ rằng nhiệm vụ của bà đã hoàn thành, và không cần phải đến chỗ của Lý Sĩ Quần trong tương lai.
Quan Lộ đề xuất, bà hy vọng rời Thượng Hải càng sớm càng tốt, đến Diên An hoặc căn cứ của Quân đoàn 4 mới ở bắc Giang Tô. Nhưng Ngô Thành Phương nói rằng tổ chức đảng đã quyết định để bà ở lại Thượng Hải làm biên tập viên cho tờ nguyệt san “Nữ thanh” do Đại sứ quán Nhật Bản và Cục Báo cáo Hải quân hợp tác, để thu thập thông tin tình báo từ Nhật Bản.
Sau khi Quan Lộ vào bộ phận biên tập của tờ “Nữ thanh”, bà đã kiêm luôn vai trò người viết và biên tập, đồng thời xuất bản nhiều bài báo liên quan đến phụ nữ. Vào tháng 8/1943, “Hội nghị học giả văn học Đại Đông Á” lần thứ hai được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, Quan Lộ được chọn làm đại diện tham dự hội nghị ở Tokyo và có bài phát biểu về chủ đề “Giao lưu văn hóa phụ nữ Trung – Nhật”. Trong chuyến đi này, bà còn đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt mà Phan Hán Niên giao phó: giúp chuyển một bức thư cho người bạn Nhật Bản, giáo sư Akita.
Quan Lộ đương nhiên hoàn thành thuận lợi nhiệm vụ đảng giao phó. Nhưng bà không thể ngờ được rằng, khi làm việc này trong thời gian kháng chiến chống Nhật, tai tiếng là “Hán gian” của bà đã nhanh chóng lan truyền khắp Thượng Hải, thậm chí cả trong và ngoài nước.
Vào mùa thu năm 1943, Quan Lộ đã viết một lá thư cho em gái Hồ Tú Phượng ở Trùng Khánh, bày tỏ nguyện vọng được đến Diên An bằng ám ngữ. Hồ Tú Phượng ngay lập tức báo cáo những suy nghĩ của Quan Lộ với Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, người phụ trách Văn phòng Trùng Khánh của Quân đoàn 8. Ngay sau đó, Đặng Dĩnh Siêu trả lời: Diên An đã liên lạc với đảng ngầm Thượng Hải, và đảng ngầm Thượng Hải vẫn muốn Quan Lộ ở lại Thượng Hải công tác.
Sau thắng lợi của kháng chiến chống Nhật năm 1945, Quan Lộ được đưa vào danh sách “Hán gian” bị chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bắt giữ. Sau khi Quan Lộ phát hiện ra, bà lập tức tìm gặp cấp trên của mình là Ngô Thành Phương, với hy vọng được di chuyển nhanh chóng. Ngô Thành Phương không dám đưa ra quyết định, nên đã xin chỉ thị của cấp trên. Ngay sau đó, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu ở Trùng Khánh đã ra lệnh chuyển Quan Lộ đến căn cứ địa của Tập đoàn quân số 4 mới ở Hoài Âm, Giang Tô.
Bằng cách này, sự nghiệp gián điệp 6 năm của Quan Lộ mới kết thúc.
Đặng Dĩnh Siêu chia lìa cặp uyên ương
Khi Quan Lộ ở Thượng Hải, bà đã gặp và yêu Vương Bỉnh Nam, một đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Vương Bỉnh Nam đã viết ở mặt sau của một bức ảnh gửi cho Quan Lộ: “Em quan tâm tôi một lúc, tôi quan tâm em mãi mãi.”
Sau khi kết thúc những năm 1930, Vương Bỉnh Nam, người chủ trì công tác đối ngoại của Cục phía Nam của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, trước sau bị điều đến làm việc ở Vũ Hán và Trùng Khánh, ông đã mất cơ hội gặp lại Quan Lộ, nhưng họ không vì thế mà thôi nhớ nhung.
Vào mùa xuân năm 1946, Vương Bỉnh Nam đến Nam Kinh cùng với phái đoàn ĐCSTQ do Chu Ân Lai dẫn đầu, nhanh chóng liên lạc với Quan Lộ, hai người liên tục trao đổi thư từ. Sau đó, Vương Bỉnh Nam lên kế hoạch đến thăm Quan Lộ và đưa ra quyết định cầu hôn. Tuy nhiên, ngay trước khi lên máy bay, ông đã bị Đặng Dĩnh Siêu chặn lại.
Vương Bỉnh Nam sau này nhớ lại: “Lúc đó, tuần nào cũng có một chuyến bay đến Hoài Âm. Tôi muốn đáp máy bay đến gặp cô ấy. Lãnh đạo tạm thời quyết định không cho tôi đi, nói vì thanh danh bất hảo của cô ấy.”
Nhà lãnh đạo mà Vương Bỉnh Nam đề cập là Đặng Dĩnh Siêu; cái gọi là “thanh danh bất hảo” có nghĩa là Quan Lộ bị mang tiếng là “Hán gian” để phục vụ cho ĐCSTQ. ĐCSTQ lo lắng rằng nếu hai người kết hôn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và gây bất lợi cho công việc của Vương Bỉnh Nam.
Sau khi Đặng Dĩnh Siêu nói chuyện với Vương Bỉnh Nam, Vương Bỉnh Nam đã viết một lá thư tuyệt giao Quan Lộ. Quan Lộ, người nhận được bức thư, rất đau lòng, đã viết một câu thơ trong “Hồng Lâu Mộng” ở mặt sau bức ảnh của Vương Bỉnh Nam: “Nhất trường u mộng đồng thùy cận, Thiên cổ tình nhân độc ngã si.” (Nhất thời mộng mị được bên người, nhân tình thiên cổ mình ta si).
Lần chỉnh đốn đầu tiên năm 1945
Lại nói, Quan Lộ không lâu sau khi đến căn cứ địa của Quân đoàn 4 mới ở Hoài Âm, liền đụng phải vận động chỉnh phong ở Quân đoàn 4 mới. Bà lập tức trở thành đối tượng bị thẩm tra, nhiều lần được yêu cầu “thú nhận vấn đề”, tinh thần bị kích thích cường liệt và đổ bệnh nặng. Sau đó, em gái của Quan Lộ, Hồ Tú Phượng, đã tìm thấy cấp trên của Quan Lộ là Ngô Thành Phương, và cấp trên của Ngô Thành Phương là Trương Duy Nhất và Phan Hán Niên. Sau khi cấp trên viết ra các tài liệu chứng minh, Quan Lộ được trả tự do.
Vì bị thẩm tra, không được tín nhiệm, bị người khác đả kích là “Hán gian” và hàng loạt trận đòn như bị người tình tuyệt giao, đã khiến Quan Lộ thân tâm kiệt quệ. Ít nhất bảy tám năm kể từ đó, tinh thần của bà luôn ở trong trạng thái tâm thần phân liệt nhẹ, lúc tốt lúc xấu.
Bốn lần bị chỉnh đốn sau 1949
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, Quan Lộ lần lượt được phân công công tác tại Đại học Hoa Bắc, tổ sáng tác của Liên đoàn Đường sắt, năm 1951 được chuyển đến Viện sáng tác kịch bản của Cục Điện ảnh Trung ương.
Năm 1955, ĐCSTQ đã chế tạo ra một “vụ án tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”. Quan Lộ vì thế mà bị cách ly thẩm tra, vì bà có một số liên hệ với Hồ Phong khi đang học ở Nam Kinh và tham gia phong trào văn nghệ cánh tả ở Thượng Hải. Nhưng sau khi thẩm đi thẩm lại, không thẩm tra được vấn đề gì.
Năm 1955, ĐCSTQ lại chế tạo “Tập đoàn phản đảng Đinh Linh và Trần Xí Hà”. Do Quan Lộ đã viết một bài báo “Ấn tượng về một nhà văn nữ – Nữ chiến sĩ Đinh Linh”, một người nào đó đã điểm danh bà trong tấm áp phích chữ lớn, nói rằng bà có mối quan hệ đáng ngờ với thành viên phản đảng Đinh Linh, và Quan Lộ đã phải viết đi viết lại tài liệu “giao đãi”. Cuối cùng, bà được coi là không liên quan gì đến “Tập đoàn phản đảng Đinh Linh và Trần Xí Hà”.
Năm 1955, ĐCSTQ lại chế tạo ra “vụ án tập đoàn phản cách mạng Phan Hán Niên và Dương Phàm”. Quan Lộ lại bị bắt vì là thủ hạ công tác cho Phan Hán Niên, Dương Phàm, và bị giam trong nhà tù Công Đức Lâm ở Bắc Kinh. Có thời điểm, chứng tâm thần phân liệt của bà tái phát, thậm chí bác sĩ còn nói rằng bà “giả vờ điên và hành động ngu ngốc”. Hai năm sau bà ra tù, kết quả thẩm tra và ý kiến xử lý nhận được là:
“Thời gian Quan Lộ nhận nhiệm vụ của tổ chức và gia nhập tổ chức bù nhìn của địch, bà ta không tích cực hoạt động cho đảng mà công khai làm việc cho địch, khởi tác dụng một Hán gian. Nhưng do liên lạc của bà ta với tổ chức không đứt đoạn, cũng không phát hiện bà ta có tội hành khác, do đó cũng không thể luận xử như Hán gian”, “được giáo dục và trả tự do, trở lại công tác trong cơ quan ban đầu”.
Không lâu sau khi trở lại Cục Điện ảnh, lãnh đạo đã yêu cầu Quan Lộ nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 với lý do sức khỏe của bà không tốt và không viết được gì.
Nghỉ hưu có thể sống một cuộc sống yên bình? Không hề.
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Quan Lộ một lần nữa bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc vận động. Năm 1967, bà bị “Phòng 3 Chuyên án Trung ương” do Giang Thanh, tổ phó tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, ra lệnh bắt giữ, lý do là bà có liên quan đến “vụ án tập đoàn phản cách mạng Phan Hán Niên, Dương Phàm”. Lần này, bà bị tống vào Nhà tù Tần Thành trong 8 năm.
Vào tháng 5 năm 1975, Quan Lộ cuối cùng đã được trả tự do, với kết luận là: Định là Hán gian, không chụp mũ.
Tự sát vong thân năm 1982
Những năm cuối đời, sức khỏe của Quan Lộ rất kém, bà sống ở Hương Sơn, ngoại ô phía tây Bắc Kinh, việc lên thành phố khám bệnh rất bất tiện. Với sự giúp đỡ của người yêu cũ Vương Bỉnh Nam, khi đó là chủ tịch Hiệp hội hữu nghị đối ngoại của nhân dân Trung Quốc, Bộ Văn hóa, đã tặng cho bà một ngôi nhà rộng hơn mười mét vuông trong nội thành.
Vào ngày 23/3/1982, Ban Tổ chức của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã cử người đến giường bệnh của Quan Lộ để thông báo quyết định bình phản cho bà: lịch sử đã được điều tra, không tồn tại vấn đề Hán gian.
Vào ngày 5 tháng 12 cùng năm, sau khi hoàn thành hồi ký và các bài báo tưởng nhớ Phan Hán Niên, Quan Lộ đã uống thuốc ngủ tự sát trong ký túc xá của Bộ Văn hóa ở số 203 phố Triều Nội, Bắc Kinh.
Lý Đạo Xuyên, cháu gái của Quan Lộ, nhớ lại rằng vào ngày hôm đó, bà ăn mặc chỉnh tề, kiền kiền tịnh tịnh, hai tay khoanh trước ngực, như thể đang ngủ, sắc mặt trắng bệch và bình tĩnh. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường ngủ là một ly nước, hai lọ thuốc nhỏ và hai quả trứng luộc trong một cái bát.
Vì những mục đích riêng của nó, ĐCSTQ đã hủy hoại cuộc đời của Quan Lộ. Còn Quan Lộ, người đã phải chịu đựng quá nhiều, bà ấy có hối hận về quyết định đầu quân cho ĐCSTQ của mình không?
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch