Vương Dương Minh là một nhà hiền triết vĩ đại của lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc đời mình, ông đã để lại những bài học đạo lý sâu sắc mà người đời sau đáng phải học hỏi. 

500 năm trước, trải qua kiếp nạn sinh tử tại Long Trường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, Vương Dương Minh đã chiêm nghiệm được đạo lý “Tâm tức lý”, tâm chính là lý, mà lý cũng xuất phát từ tâm. Khi lòng người ngay thẳng thì thế giới của họ cũng ngay thẳng; lòng người an nhiên tự tại thì cảnh vật xung quanh họ cũng hài hoà bình yên. Trong tâm bạn sáng tỏ thì thế giới sẽ không còn u ám, trong tâm bình hoà thì thế giới sẽ càng ấm áp như mùa xuân.

1. Tâm sáng là ngọn đèn chiếu rọi cõi nhân sinh

Một lần Vương Dương Minh cùng bạn bè đi dạo. Người bạn chỉ vào bông hoa mọc trong khe đá và hỏi “Hoa nở hoa rơi trên núi với tâm hồn ta có mối liên hệ gì không?” 

Vương Dương Minh nói: “Khi ông không chú ý đến bông hoa này, nó chỉ im lặng tỏa hương. Khi ông đến ngắm nhìn nó, dường như màu sắc của bông hoa trở nên rõ ràng hơn. Đó là khi bông hoa đã ‘nở’ trong tâm ông rồi”. 

Vạn sự vạn vật xung quanh đều là phản chiếu từ nội tâm của bạn.

Bạn thấy cuộc sống của mình rơi vào bế tắc cũng bởi tâm bạn đã bế tắc rồi. Bạn không cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống vì tâm bạn không biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ bé vẫn diễn ra hàng ngày. 

Tâm sáng thì vạn sự tự khắc tốt đẹp. Tâm tối thì mọi chuyện đều trở thành u ám cả. Tâm sáng chính là ngọn đèn chiếu rọi cõi nhân sinh, cho bạn trí huệ để giải thoát bản thân khỏi mọi ưu phiền. 

Ảnh minh họa: Pixabay.

Nhà tâm lý học Mã Tư Lạc từng nói: “Tâm bạn thay đổi thì thái độ của bạn thay đổi, thái độ thay đổi thì thói quen của bạn thay đổi, thói quen thay đổi thì tính cách của bạn thay đổi, tính cách thay đổi thì cuộc sống của bạn cũng thay đổi”. 

Vậy nên gốc rễ không phải từ người khác, bạn chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề của cuộc đời mình. Dù cho xảy ra sự việc gì hay người ngoài nói gì, nếu tâm bạn vẫn an nhiên bất động thì bạn chính là đang chủ động kiểm soát bản thân, có “tâm lực” vững vàng, không để những dèm pha thị phi khiến tâm mình xao động. Vậy nên cốt lõi vẫn là thay đổi tâm thái của mình. 

Hãy giữ cho mình một tâm hồn tươi sáng tích cực và cuộc sống của bạn cũng sẽ tươi sáng hơn. 

2. Tâm tính quyết định trạng thái

Phật gia giảng “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Nếu một người có tâm thái tích cực thì đối với những chuyện thường ngày, anh ta cũng sẽ cảm thấy tốt đẹp. Nếu một người mang tâm thái tiêu cực thì đối với sự việc gì, dù lớn dù nhỏ, cũng khiến anh ta lo lắng, thân tâm mệt mỏi. 

Xưa có một vị tú tài tất bật vào kinh dự thi. Vài ngày trước khi thi, anh có ba giấc mơ. Lần đầu tiên anh thấy mình đang trồng bắp cải trên tường; giấc mơ thứ hai lại thấy trời mưa, anh vừa đội nón lá vừa che ô; và giấc mơ thứ ba anh đang tựa lưng ngồi cạnh cô gái mình vẫn thầm thương trộm nhớ.

Vị tú tài khó hiểu, liền đến chỗ thầy bói coi giải đáp. Vị thầy bói nói: “Cậu hãy về nhà đi! Trồng bắp cải trên tường lãng phí cả tâm lẫn thân. Vừa đội nón vừa che ô, chẳng phải uổng công vô ích sao! Chi bằng hãy về nhà quay lại cùng với cô gái”.

Nghe thấy vậy, vị tú tài trong lòng chán nản chuẩn bị thu dọn hành lý về nhà.

Sau khi nghe câu chuyện, chủ quán trọ nói với vị tú tài: “Vậy tôi cũng xin được giải thích những giấc mơ này. Tôi nghĩ anh sẽ thành công trong kỳ thi. Anh muốn trồng bắp cải trên tường, vậy nghĩa là anh có thể thực hiện một việc vô cùng khó khăn, anh có thể vượt qua những người bình thường. Vừa đội nón vừa che ô, chẳng phải anh đã chuẩn bị rất cẩn thận cho kỳ thi này sao? Lưng tựa lưng, vậy không phải anh chỉ cần xoay mình lại là mọi chuyện đều biến đổi?”

Vị tú tài nghe vậy thấy có lý, khởi tinh thần lên, cuối cùng quyết định tham dự kỳ thi và đã đỗ đạt.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Khi bạn tích cực, cuộc sống của bạn và hoàn cảnh xung quanh cũng trở nên tích cực. Hạnh phúc hay không không phải từ những thứ được mất mà quyết định bởi tâm thái của bạn. 

Mọi thứ trên thế giới đều có ưu và nhược điểm, nếu chỉ chằm chằm nhìn vào những điều tiêu cực, thiếu sót của người khác và khiếm khuyết trong cuộc sống của chính mình, bạn sẽ không có được sự cân bằng của nội tâm và những thứ tiêu cực cũng sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đây cũng chính là chiếc gương phản chiếu nội tâm của bạn. 

Hãy giữ một tâm thái lạc quan, cho dù đối với chuyện gì cũng bình tâm đối đãi. Sự hài hòa trong cuộc sống, sức khỏe, hạnh phúc gia đình… đều bắt nguồn từ một tâm thái lạc quan. 

3. Hãy giữ cho mình một trái tim thuần khiết, trong sáng

Người ta sống cả cuộc đời mấy ai có thể nói mình luôn thuận buồm xuôi gió, lúc nào cũng hạnh phúc? Đời người 10 phần thì đến 8-9 phần là không vừa ý. Bạn có hạnh phúc hay không chủ yếu do bản thân có thể duy trì thái độ tích cực và lạc quan hay không.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Vương Dương Minh trải qua một đời lận đận, từng bị đánh đập, giam cầm, cách chức; tài cao nên bị người đời đố kỵ, bị vu làm phản, có thể nói là đã trải qua rất nhiều đại nạn. Tuy nhiên, ông luôn duy trì tâm thái tích cực và lạc quan trong cuộc sống. Dù cho rơi vào hoàn cảnh nào, ông vẫn có thể thản nhiên đối mặt. Đó là thể hiện của quá trình liên tục tu dưỡng nội tâm, không phải tự nhiên mà có thể đạt được. 

Vào giữa thời nhà Minh, vì khẳng khái dâng tấu trách tội hoàng đế tin dùng hoạn quan, bắt tội bề tôi trung nghĩa, Vương Dương Minh bị kẻ xấu hãm hại tìm cách tống giam vào ngục, bị đánh cuối cùng bị đày tới Long Trường, tỉnh Quý Châu.  

Khi bị đày tới Long Trường, người dân ở đây tính tình hung bạo, Vương Dương Minh không những không tức giận còn dạy họ học hành, trồng trọt. Theo thời gian, những người dân ở đây dần chấp nhận ông và tôn ông làm thầy. Khi ở Long Xương, dù trong hoạn nạn, ông  vẫn đọc lại kỹ càng những cuốn sách mang theo bên mình, những vấn đề còn chưa tỏ tường thì ông tiếp tục suy ngẫm.

Cuối cùng tại đây ông đã chiêm nghiệm được đạo lý “Tâm tức lý”, tâm chính là lý, mà lý cũng xuất phát từ tâm. 

Vương Dương Minh được người đời suy tôn là bậc Thánh nhân (Ảnh: Wikimedia Commons).

Vương Dương Minh đối với danh lợi cũng coi rất nhẹ. Ông từng nói rằng để tồn tại, mọi người khó tránh khỏi sẽ theo đuổi những thứ có thể khiến họ cảm thấy an toàn, như tiền bạc, danh tiếng và địa vị. Tuy nhiên, dù là theo đuổi danh vị hay tiền bạc cũng cần được “lương tâm” dẫn dắt. Đánh mất đi lương tâm của mình cũng giống như đập nước kiên cố mà bị thủng một lỗ, dễ dàng gây ra thảm họa lớn. 

Có nội tâm trong sáng, chân thành, lương thiện, trí huệ sẽ được khai mở, tâm rộng lượng có thể bao dung người khác, không bị “tình” dày vò, vì vướng vào vật chất, danh lợi mà khổ não.

Hy vọng mỗi người chúng ta có thể giữ cho bản thân một nội tâm thanh tĩnh. Trải qua sóng gió nên khiến tâm mỗi người được rèn luyện thành thục hơn chứ không phải rối trí vì những vấn đề liên tục xảy ra trong cuộc sống.

Những mâu thuẫn, rắc rối trong đời, nếu chúng ta nhìn bằng thái độ tích cực, kỳ thực đó lại chính là “bước đệm”, là cơ hội tu tâm, rèn luyện cho mình nội tâm mạnh mẽ, ổn định, có thể chống lại sự hỗn loạn từ thế giới bên ngoài. Cũng giống viên ngọc thô kia phải trải qua mài giũa mới biến thành viên ngọc sáng bóng, có giá trị, được người khác trân quý. 

Ngọc Mai
Theo Secret China

Video xem thêm: Dung mạo xinh đẹp có thể tu dưỡng mà thành, nào cần phẫu thuật thẩm mỹ

videoinfo__video3.dkn.tv||fd586319a__