Chỉ vài năm ngắn ngủi sau khi bình định “An Sử chi loạn” (755-763), vùng đất Trung Quốc dưới thời nhà Đường lại lâm vào cảnh chiến tranh.
Bộc Cố Hoài Ân, thuộc hạ của viên tướng tài ba Quách Tử Nghi đã từng lập được chiến công trong thời loạn An Sử, tuy nhiên do bất mãn với chế độ đãi ngộ của triều đình nên đã dấy binh tạo phản. Y cử người liên lạc với 2 viên tướng là Hồi Hột và Thổ Phiên và nói dối rằng: “Quách Tử Nghi đã bị hoạn quan Ngư Triều Ân sát hại” cho nên chúng ta cần tiến quân vào kinh đô, lật đổ triều Đường.
Nói là làm, năm 765, Bộc Cố Hoài Ân đã dẫn theo mấy chục vạn đại quân Hồi Hột và Thổ Phiên tiến đánh vào Trường An, tuy nhiên mới đi được nửa đường đã phát bệnh nặng mà chết. Hai toán quân do Hồi Hột và Thổ Phiên tiếp tục tiến công. Quân nhà Đường chống cự không nổi, rút chạy về tận Kinh Dương, phía bắc của Trường An.
Nhận được tin báo thua trận, vua Đường Đại Tông và trên dưới triều đình đều vô cùng hoảng loạn. Hoạn quan Ngư Triều Ân thấy vậy liền khuyên can vua Đại Tông nên trốn chạy khỏi kinh thành, tuy nhiên do sự phản đối của các đại thần nên vua đành thôi. Họ kiến nghị rằng, muốn đánh lui nhóm phiến quân này chỉ có cách là gọi Quách Tử Nghi tới.
Quách Tử Nghi. (Ảnh minh hoạ: internet)
Quách Tử Nghi khi đó mặc dù đang đóng quân ở Kinh Dương nhưng dưới tay không có bao nhiêu binh lực cả (bởi đã bị gian thần áp chế) nên ngày đêm suy nghĩ. Sau khi điều tra ra rằng hai đại quân Hồi Hột và Thổ Phiên tuy nói là liên quân, nhưng cũng không đoàn kết với nhau bởi sau khi Bộc Cố Hoài Ân mất, cả 2 đều không nguyện ý nghe theo chỉ huy của đối phương.
Quách Tử Nghi sau khi biết được tình huống này rồi liền áp dụng kế ly gian. Vì ngày xưa tướng lĩnh của Hồi Hột đã cùng sát cánh bên Quách Tử Nghi bình loạn phản quân An Sử nên giữa 2 bên có chút thâm tình, thế nên ông quyết định trước tiên lôi kéo tướng lĩnh của Hồi Hột về lại phía mình.
Buổi tối hôm đó, Quách Tử Nghi sai bộ tướng của ông là Lý Quang Tán len lén đến đại doanh của Hồi Hột, đi gặp quan đô đốc Hồi Hột Dược Cát La. Lý Quang Tán nói với Dược Cát La: “Quách lệnh công sai tôi đến hỏi ông, Hồi Hột vốn hữu hảo với Đại Đường, cớ sao lại nghe lời của kẻ gian mà tiến đánh chúng tôi?”.
Dược Cát La nói: “Quách lệnh công vẫn còn sống ư? Nghe nói Quách lệnh công đã bị sát hại từ lâu nên mới tiến đánh, ông đừng có gạt tôi”.
Lý Quang Tán liền trở về bẩm báo lại với Quách Tử Nghi. Nghe xong Quách Tử Nghi liền dẫn theo một ít binh lính, đích thân đến doanh trại của Hồi Hột.
Các tướng lĩnh của Hồi Hột vừa nhìn thấy bóng dáng của Quách Tử Nghi liền vui mừng hô lớn: “A! Thật đúng là lệnh công lão nhân gia rồi!” rồi kéo nhau tới vây quanh ngựa của Tử Nghi hành lễ.
Dược Cát La áy náy tâu: “Chúng tôi đã bị Bộc Cố Hoài Ân dối gạt, tưởng rằng hoàng đế và lệnh công đều đã chết rồi, Trung Nguyên không có người làm chủ nên mới theo ông ta đến đây. Hiện tại biết lệnh công vẫn còn, sao dám giao chiến với lệnh công?“.
Quách Tử Nghi rất lấy làm hài lòng liền nói: “Thổ Phiên và Đại Đường vốn có quan hệ thân thích nhưng họ hiện nay cũng đã đến xâm phạm chúng tôi, cướp đoạt tài vật người dân chúng tôi, thật sự là không nên! Chúng tôi quyết tâm sẽ đánh trả lại họ. Nếu như các ông có thể giúp chúng tôi đánh lui Thổ Phiên, đối với các ông cũng có chỗ tốt”.
Dược Cát La nghe Quách Tử Nghi nói vậy, gật đầu liên hồi: “Chúng tôi nhất định góp sức cho lệnh công để lấy công chuộc tội”, nói xong liền cùng Quách Tử Nghi tế rượu, lập lời thề, ký kết liên minh.
Tin quân Đại Đường và Hồi Hồi sẽ liên minh với nhau khiến quân lính trong doanh trại của Thổ Phiên run bắn người, liền ngay trong đêm len lén tháo chạy về nước.
Đó chỉ là câu chuyện về mặt “võ” của Quách Tử Nghi, phần dưới đây sẽ nói về “văn”
Giữa cuối những năm triều đại nhà Đường, vua tôi nghi kỵ lẫn nhau, văn thần võ tướng đều tự cảm thấy bất an, thậm chí ngay đến cả giao du qua lại với nhau cũng đều cảm thấy sợ hãi sâu sắc, sợ bị đâm lén sau lưng. Tuy nhiên, trong số các quan lại, duy chỉ có Phần Dương Vương Quách Tử Nghi là khác với mọi người. Quách phủ không những mỗi ngày cửa lớn rộng mở, mặc người ra vào mà bản thân Quách Tử Nghi cũng luôn tỏ ra thẳng thắn, vô tư không chỉ là trước mặt con cái, người hầu mà cả trước mặt các quan lại.
Thậm chí một lần, một vị tướng dưới trướng của ông rời kinh nhậm chức, khi đi đến để cáo từ Tử Nghi liền nhìn thấy ông có những hành động tùy tiện ngay trước mặt vợ và con cái giống như người hầu vậy, cảm thấy rất đỗi kinh ngạc. Các con của Quách Tử Nghi cũng cảm thấy cha mình làm vậy thật là quá đáng, liền khuyên ông rằng: “Phụ thân công nghiệp hiển hách, nhưng sao lại không tôn trọng bản thân, không kể tôn ti sang hèn đều có thể tùy tiện đi vào phòng ngủ của cha. Thánh nhân và quyền thần thời xưa nào có cho phép hành xử như thế”.
Mọi hành động của ông thoạt nhìn thì là tuỳ tiện, nhưng thực chất đã là suy sâu tính kỹ rồi. (Ảnh minh hoạ: internet)
Quách Tử Nghi cười ha hả, nói với các con rằng: “Các con làm sao biết được dụng ý của ta? Ta có năm trăm con ngựa, thuộc hạ tôi tớ nghìn người. Nếu như ta xây tường cao, đóng chặt cửa nhà, không qua lại với ai trong ngoài triều đình, nếu như kết oán với người ta, lại có những kẻ ganh ghét người tài, khích bác xúi bẩy, thế thì đại họa giáng xuống cả nhà chúng ta cũng không còn là chuyện xa vời nữa. Hiện tại, ta trong sáng vô tư, mở rộng bốn cửa, dù có người nói lời gièm pha bêu xấu, cũng không tìm được cái cớ để hại gia đình chúng ta”.
Có một lần, Ngư Triều Ân mời ông cùng du ngoạn. Có người nói với Quách Tử Nghi rằng Ngư Triều Ân tính âm mưu hãm hại ông nên hơn 300 tướng sĩ đều xin tranh nhau đi theo bảo hộ. Tuy vậy Quách Tử Nghi chẳng chút dao động, khi đi vào rừng chỉ dẫn theo mấy gia đồng (người hầu nhỏ tuổi trong nhà). Ngư Triều Ân cảm thấy rất kỳ lạ nên Quách Tử Nghi bèn thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ngư Triều Ân nghe xong xoa ngực chảy nước mắt, quỳ sụp xuống nói: “Bậc bề trên giống như Quách công vậy, ai còn có thể nghi ngờ được đây!”.
Có một câu chuyện khác là những năm cuối đời của mình, Quách Tử Nghi lấy việc đàn hát, uống rượu để giải sầu. Có một lần, thừa tướng Lư Khởi trong “Gian thần truyện” (lúc đó vẫn chưa thành danh) xin đến bái kiến ông. Sau khi nghe người hầu bẩm báo, Tử Nghi liền lệnh cho toàn bộ nữ quyến bao gồm cả ca kỹ, tất cả lui vào phía sau tấm bình phong nơi phòng khách, không cho phép bất cứ người nào đi ra cho đến khi ông tiếp khách xong.
Lư Khởi đã cùng ông trò chuyện rất lâu. Đợi cho đến khi khách về hẳn rồi, nhóm ca kỹ trong nhà liền mới chạy ra hỏi ông: “Chủ nhân thường ngày tiếp đãi khách khứa đều không cấm kỵ chúng tôi có mặt tại tiền đường, thoải mái cười cười nói nói. Tại sao hôm nay tiếp kiến một vị thư sinh, lại phải thận trọng đến như vậy?”
Quách Tử Nghi liền nói: “Các ngươi không biết đấy thôi, Lư Khởi con người này rất có tài cán, nhưng gã lòng dạ hẹp hòi, có thù tất báo. Tướng mạo lại rất khó coi, một bên mặt là màu xanh, giống như quỷ quái trong đền miếu. Đàn bà các ngươi thích cười đùa nhất, dù không có chuyện gì cũng cười mấy cái. Nếu như các ngươi nhìn thấy nửa bên mặt màu xanh của Lư Khởi, nhất định sẽ lấy đó mà giễu cợt, gã sẽ ghi hận trong lòng, sau này một khi đắc chí, các ngươi và con cháu của ta sẽ không còn một người sống sót!”.
Lư Khởi, cuối cùng sau này lên làm Thừa tướng, đó mới thấy tầm nhìn xa trông rộng của Quách Tử Nghi như thế nào. (Ảnh minh hoạ: internet)
Đúng như dự đoán của Quách Tử Nghi, Lư khởi quả nhiên sau này đã làm đến chức Thừa tướng. Phàm là những người ngày trước đã từng xem thường, đắc tội với y, tất cả đều không tránh khỏi báo oán sát thân, xét nhà. Chỉ riêng cả nhà của Quách Tử Nghi là may mắn tránh được, bởi y cho rằng Quách lệnh công vô cùng coi trọng y, rất có ý cảm ân tri ngộ.
Quách Tử Nghi là một người vô cùng tài giỏi. Ông đã nhiều lần cứu vương triều Lý Đường thoát khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng, nhưng mỗi lần sau khi đánh trận xong, lập tức rút khỏi quân đội, về lại nhà của mình “co đầu rụt cổ”, cũng không qua lại với các tướng lĩnh, quan lại trong Triều nữa. Vậy nên hoàng thất Lý Đường vô cùng tín nhiệm ông.
Tuy có công lao to lớn giống như Hàn Tín, Văn Chủng, sau cùng ông lại có được kết cục tốt đẹp như vậy là nhờ Quách Tử Nghi tuyệt không phải là hạng võ phu tầm thường, ông cũng rất có trí huệ giống như Trương Lương về phương diện bảo vệ bản thân mình vậy. Cũng chính là nói, ông có năng lực vận dụng tùy ý cái nguyên lý căng trùng của Thái Cực, thật sự đã làm được “đạt” thì thâu tóm cả thiên hạ, “lui” thì chỉ lo thân mình (chỉ lo giữ mình đức tốt, mặc kệ kẻ khác tốt xấu).
***
Cái đạo trong văn võ, khi nắm, khi buông, tiến lùi như ý. Rất nhiều những nhân vật lớn chính vì không giỏi tự cúi mình, cuối cùng không chỉ tính mệnh không bảo toàn được mà còn vướng vào tiếng xấu “nghịch tặc”. Tuy nhiên trong lịch sử, những ví dụ điển hình không cậy công lao, hành xử cẩn trọng, không oán trời trách người giống như Quách Tử Nghi thật sự là quá ít. Phương cách hành xử của Quách Tử Nghi, đâu đâu cũng hợp với cái đạo khiêm cung của Lão Tử, có thể nói là đạo sáng suốt để bảo vệ mình, giống như một câu nói của người xưa: “Công lao to lớn nhưng dã tâm nhỏ, khi sống yên ổn mà lo nghĩ đến lúc nguy nan”.
Video: Người trí tuệ khi bị hiểu lầm vì sao lại không giải thích?