Một trong những nguyên nhân tôi chấp bút viết về mệnh lý chính là để cho bạn đọc có lý giải sơ bộ chính xác về tri thức mệnh lý chân chính, không cả tin, mù quáng nghe theo những lời lừa bịp hại người.
(Bài viết của Thái Nguyên tiên sinh – bậc thầy toán mệnh Đài Loan. Đại Kỷ Nguyên biên dịch, chỉnh lý)
Hôn nhân có thể nói là một chủ đề vĩnh hằng của nhân loại. Có người hôn nhân cả đời hạnh phúc, bạch đầu giai lão. Có người hôn nhân quanh năm suốt tháng cãi nhau không ngừng chỉ vì những chuyện vặt vãnh. Có người hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, ảnh hưởng không nhỏ đến con cái đời sau. Các em ở tuổi ấu thơ chịu ảnh hưởng lớn từ việc cha mẹ ly hôn, khiến chúng sau này trở nên không tin tưởng vào tình cảm, từ đó nảy sinh ý tưởng cả đời không kết hôn, không muốn có con.
Thực ra, thế hệ trước hôn nhân không hạnh phúc không có nghĩa là thế hệ sau hôn nhân cũng không hạnh phúc như thế. Không có ảnh hưởng di truyền trực tiếp trong việc này, cũng không có quan hệ tất nhiên.
Nói cho cùng thì vẫn là con người ai có mệnh riêng của mình, là đức đã tích và nghiệp đã tạo từ đời trước, từ nhiều đời trước hình thành. Người xưa nói: “Tu mười năm mới được đi chung một thuyền, tu trăm năm mới được ngủ chung một gối”. Có người là đến trả nợ báo ân, loại người này hôn nhân do kết duyên thiện. Có người là đến đòi nợ báo thù, loại người này hôn nhân là do kết duyên nghiệt ác.
Câu chuyện duyên nghiệt ác của Tất Nguyên – quan viên, trạng nguyên đời Thanh (Trung Quốc)
Viên quan Tất Nguyên xuất thân là trạng nguyên đời Thanh. Năm Càn Long thứ 25 (năm 1760) ông đỗ tiến sỹ, đứng thứ nhất thi đình, là trạng nguyên, được ban chức biên tu của Hàn lâm viện. Năm Càn Long thứ 50 (năm 1785), qua nhiều lần thăng quan, ông được bổ nhiệm chức tuần phủ Hà Nam. Năm sau lại thăng làm tổng đốc Hồ Quảng.
Năm Tất Nguyên 20 tuổi đã là tú tài, chưa đỗ trạng nguyên. Một đêm, ông mộng thấy hai viên sai dịch cầm thiếp mời khấu đầu trước giường.
Viên sai dịch nói: “Diêm vương mời ngài”.
Tất Nguyên nói: “Thọ mệnh của ta lẽ nào đến đây là hết rồi sao?”.
Người đó nói: “Không phải, là có một vụ án cần phải đối chất mà thôi”.
Thế là Tất Nguyên đi theo họ đến một cung điện. Diêm Vương bước xuống thềm chắp tay chào đón. Sau khi phân chủ khách an vị, Diêm Vương nói cho ông biết một chuyện đời trước của ông.
Diêm Vương nói: “Ngài có nỗi oan xưa, ắt phải có báo ứng. Báo ứng có 2 loại: Đời trước ngài làm cho người ta chết thì đời này phải đền mạng. Đây là trực báo (báo ứng thẳng, trực tiếp). Hoặc người bị hại thác sinh vào nhà ngài, phá tài sản của ngài, làm bại hoại gia đình ngài, cho đến khi oán khí tiêu tan hết thì thôi. Đây là khúc báo (báo ứng vòng, gián tiếp). Ngại dự tính chọn loại nào?”.
Tất Nguyên trầm ngâm một lúc rồi nói: “Tôi muốn được khúc báo”.
Diêm Vương lúc này mới truyền gọi oan chủ lên điện. Chỉ thấy một phụ nữ toàn thân là máu quỳ trước thềm.
Diêm Vương chỉ cô ta và nói với Tất Nguyên rằng: “Hãy nhìn kỹ mặt mũi cô ta, sau này gặp nhau, không được trái lại”.
Mộng đến đây thì Tất Nguyên tỉnh dậy. Không lâu sau, Tất Nguyên thi đỗ đứng đầu thiên hạ. Xuất thân từ quan văn, dần dần được phó thác trọng trách, đảm nhiệm chức vụ tuần phủ, tổng đốc hơn 20 năm.
Khi Tất Nguyên làm tuần phủ Thiểm Tây, Tất phu nhân dẫn theo một tỳ nữ tên là Nguyệt Nhi đến. Tất Nguyên vừa nhìn liền nhận ra chính là cô gái trong mộng trước đây, bèn nạp làm thiếp, sủng ái lập phòng riêng, tất cả đều theo những gì cô ta muốn.
Đương thời, trong các quan lại mưu sỹ dưới trướng có không ít danh sỹ trong nước; Nguyệt Nhi thường thân mật với họ, Tất Nguyên cũng không hỏi. Sau này, Nguyệt Nhi lại theo một cử nhân cùng nhau bỏ trốn đi, Tất Nguyên đem tất cả y phục trang sức và của cải tích lũy riêng của cô ta ra để cô đem đi. Mọi người xung quanh đều cảm phục Tất Nguyên bao dung đại lượng, họ đâu có biết nguyên do tình cảnh trong đó.
(Theo “Diệu hương thất tùng thoại”)
Chênh lệch 6 tuổi có tốt không?
Nếu vận mệnh đã được an bài theo nghiệp lực luân báo như vậy thì giờ sinh có thể xem hôn nhân tốt hay xấu không? Hôn nhân là vấn đề liên quan đến nam nữ 2 bên. Về chuyện nam nữ hợp hôn có đủ các môn các phái, đủ các thuyết khác nhau nên cũng khiến mọi người khó bề lựa chọn. Trong dân gian lưu truyền một thuyết là nam nữ kết hôn không được chênh nhau 6 tuổi.
Ví dụ: Một người nam sinh năm 1950 tìm người yêu sinh năm 1956, người nam và người nữ chênh nhau 6 tuổi (lớn tuổi hơn hay nhỏ tuổi hơn 6 tuổi cũng như thế). Nếu cha mẹ anh biết chuyện thì đa số sẽ phản đối, nói là nam nữ cách nhau 6 tuổi sẽ tương xung, không nên kết hôn. Thuyết này có từ đâu? Có đạo lý không?
Thực ra, cách nói này có nguồn gốc từ đạo lý 12 địa chi, cứ cách 6 năm thì tất sẽ tương xung. Nếu sinh năm 1950 thì địa chi là năm Dần, Dần là hổ, ngũ hành thuộc mộc. Còn sinh năm 1956 thì địa chi là năm Thân, Thân là khỉ, ngũ hành thuộc kim. Kim mộc gặp nhau ắt sẽ tương khắc (lý ngũ hành, kim khắc mộc). Tính ngược về trước 6 năm, tức năm 1944 thì địa chi cũng là Thân – kim, do đó cũng kim mộc tương khắc như thế. Đây là từ quy luật trật tự của 12 địa chi mà ra (1).
Nếu chúng ta tính giờ sinh, xem sự phối hợp toàn diện của ngày giờ tháng năm sinh thì mới có thể luận được tương sinh tương khắc của họ. Sao có thể chỉ dựa vào mỗi năm sinh tương xung là có thể khinh suất nói hung cát được?
Điều này hiển nhiên là không đủ căn cứ. Nhưng tại sao nó lại có thể lưu truyền trong thời gian dài như vậy? Thứ nhất là nó bao quát rộng tất cả, và không thể nghiên cứu sâu cái lý biện chứng ngũ hành tương sinh tương khắc của giờ sinh. Nói cách khác, không phải ai cũng hiểu được toán mệnh.
Thứ hai là có bộ phận cực nhỏ giờ sinh, sau khi trải qua xem xét biện chứng ngũ hành tương sinh tương khắc của giờ sinh, nếu năm sinh vừa đẹp là một dụng thần duy nhất của nhật chủ, thì dụng thần chính là mệnh căn của nhật chủ. Do đó, mệnh căn này không thể xung, gặp xung tất sẽ thương. Do đó, chỉ có tình huống đặc thù này thì cặp đôi cách nhau tuổi mới xung khắc, có nghĩa là xung khắc mệnh căn. Điều này thực sự là bất lợi.
Do đó, luận thuật tổng hợp về 2 tình huống, người bình thường là phòng ‘bất trắc’, nên hễ có nhân tố lục xung thì đều bài trừ, nên lưu truyền cách nói nam nữ cách nhau 6 tuổi thì không được kết hôn này. Thực tế, hợp hôn chân chính là việc khá phức tạp và tỉ mỉ. Những cách nói trong sách mệnh cũng rất nhiều và phức tạp, không phải là một vài nguyên tắc giản đơn là có thể giải quyết được.
Tuy nhiên, người dân bình thường thiếu tri thức về mệnh lý sẽ bị những ‘thầy tướng mệnh’ học hành lõm bõm loại này dọa cho sợ hết hồn, nên phải ‘ngoan ngoãn’ nghe theo, xin tùy theo ‘thầy tướng mệnh’ sắp đặt giải quyết giùm. ‘Thầy tướng mệnh’ đó sẽ nói giúp bạn cải vận, chọn ngày, hóa giải thế nào thế nào, và hét cái giá trên trời, thi triển mánh khóe lừa tiền bịp tình ra.
Hơn nữa, các thầy tướng mệnh thời xưa cũng dùng Thần sát để luận hôn nhân, như Vọng môn quả, Cốt tủy phá, Thiết phụ trửu, Lục hại, Bát bại, Đào hoa, Hồng diễm, Lang tịch, Phi thiên, Đại bại, Cô quả… Những điều này hoàn toàn là quan hệ của năm sinh, tháng sinh trong giờ sinh. Ví như xem năm sinh và tháng sinh của một người chứ chưa xem được hết toàn bộ phối hợp hành vận được mất. Đây chỉ là lấy một phần để nói trăm phần, lấy một bộ phận để nói toàn bộ, không hợp logic, cũng không đáng tin, vô cùng hoang đường, chỉ nhìn một cái là biết liền.
Tôi có một lần đi qua một quầy toán mệnh bên đường phố. Có 2 cô gái dáng vẻ người nông thôn đang ngồi xổm trước mặt thầy toán mệnh, nét mặt xem có vẻ rất kinh hoàng, đang nghe thầy toán mệnh thao thao bất tuyệt những lời đao to búa lớn. Tôi cũng lại gần nghe, hoàn toàn không nói về chế hóa ngũ hành tương sinh tương khắc trong giờ sinh và hỷ gì, kỵ gì, hoàn toàn là nói về phạm sát gì, xung gì. Thế rồi ông ta bảo hai cô gái làm thế nào để cải vận và hóa giải, sau đó đưa ra cái giá trên trời. Chẳng trách thanh danh của tướng mệnh càng ngày càng đi xuống, dường như đã trở thành công cụ để lừa tiền bịp tình rồi.
Một trong những nguyên nhân tôi chấp bút viết về mệnh lý chính là để cho bạn đọc có lý giải sơ bộ chính xác về tri thức mệnh lý chân chính, không cả tin, mù quáng nghe theo những lời lừa bịp hại người. Trên thực tế, dùng ngày giờ tháng năm sinh và ngũ hành tương sinh tương khắc luận hung cát thì vẫn còn chưa đủ, chỉ dùng mỗi năm sinh thì sao có thể đoán định họa phúc hung cát được?
Từ giờ sinh xem hợp hôn tốt xấu
Vậy làm thế nào để từ giờ sinh xem hôn nhân một cách khách quan và chính xác? Đó chính là: dùng cái lý ngũ hành tương sinh tương khắc của cả mệnh cục, lấy những điều có thể điều tiết là thích hợp.
Ví dụ như trong mệnh người nam, ngũ hành mộc thịnh kim ít, là hỷ thổ kim, phối hợp với mệnh người nữ ngũ hành là kim thổ thịnh, là hỷ mộc; hoặc mệnh người nữ ngũ hành thổ thịnh thủy ít, là hỷ kim thủy, phối hợp với mệnh người nam ngũ hành là kim thủy thịnh, thì có thể dung hòa với nhau, điều tiết lẫn nhau, ắt sẽ phu thê hòa mỹ, phú quý cát thọ.
Nếu mệnh người nam ngũ hành là kim nhược thủy nhiều, là hỷ kim thủy, phối hợp với mệnh người nữ ngũ hành là hỏa vượng kim ít; hoặc mệnh người nữ ngũ hành là thổ nhược mộc cường, là hỷ thổ kim, phối hợp với mệnh người nam ngũ hành là mộc thịnh thổ vi, thì điều tiết không tác dụng, trợ hung ra họa, ắt gia đình nhiều biến cố, trắc trở khốn cùng.
Cũng có một loại phương pháp hợp hôn như nữ mệnh thân vượng, có thương quan, mệnh ngạnh, trong mệnh phu tinh bại tuyệt, có khuynh hướng khắc phu, phối hợp mệnh người nam cũng thân vượng, kiếp tài nhiều, có khuynh hướng khắc thê. Như vậy hai người kết hợp, ngạnh đối với ngạnh, trái lại lại vô cùng bình an vô sự.
Có thể thấy nam nữ hợp hôn cần phải xem phối hợp toàn bộ ngũ hành mệnh cục, xem xét tường tận chi tiết, thế thì vận mệnh một đời họ có thể ứng nghiệm đúng không sai chút nào.
Nam Phương
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Chú thích của Ban biên tập:
(1) Đây là cách tính xung khắc theo địa chi dùng trong Bát Tự, không phải là cách tính Ngũ Hành Nạp Âm như tại Việt Nam hay dùng. Ngũ Hành Nạp Âm là vòng ngũ hành sinh ra khi Thiên Can và Địa Chi kết hợp với nhau theo thanh luật cổ đại Trung Hoa, chia âm nhạc thành 5 âm và 12 luật. 5 âm là Cung Thương Giốc Chủy Vũ, 12 luật là Hoàng Chung, Đại Lữ, Thái Thốc, Hiệp Chung…, từ đó phối thành 60 âm luật và định ra 30 cặp Ngũ Hành Nạp Âm.
Ứng dụng của Nạp Âm không đơn giản như chúng ta thấy tại Việt Nam. Ví dụ như hiện nay, các nhà phong thủy nước ta vẫn đang xem ngũ hành khiếm khuyết cho các gia chủ dựa theo những tên gọi Nạp Âm này. Hoặc phổ biến hơn, những người không nghiên cứu phong thủy cũng thường căn cứ vào tên gọi Nạp Âm năm sinh này để tìm công việc, màu sắc phù hợp với mình. Chẳng hạn người mạng Kim nên trang trí màu trắng, bán vàng hoặc đầu tư đất đai vì Thổ sinh Kim… Điều này là hoàn toàn sai và làm người ta đánh giá thấp các môn mệnh lý học chân chính.
Bạn đang đọc bài viết: “Xem hôn nhân qua giờ sinh: Nam nữ cách nhau 6 tuổi kết hôn có tốt không?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |