Đại Kỷ Nguyên

Xin chữ đầu năm (P.1): Phúc – Lộc – Thọ có ý nghĩa thế nào?

Tập tục xin chữ đầu năm gửi gắm ước vọng năm mới bình an, thành đạt, may mắn đã có từ lâu đời. Thời xưa, những ông đồ hay bậc túc nho đức độ, văn hay chữ tốt thường được mọi người tìm đến xin chữ đầu năm, cầu mong năm mới đem đến vận hội mới. Đặc biệt, những người đi học hoặc gia đình các con em đang học chữ Thánh hiền thì càng coi trọng xin chữ về treo, để noi gương tiền nhân dùi mài kinh sử, tu dưỡng đạo đức phẩm hạnh, đỗ đạt rạng rỡ tổ tiên.

Người xưa tin rằng, xin chữ đầu năm sẽ đem lại vận khí tương ứng với chữ đó cho bản thân và gia đình trong cả năm. Niềm tin này đã được các nhà khoa học ngày nay kiểm chứng. Tiến sĩ Masaru Emoto đã làm thí nghiệm dán những chữ tích cực như ‘tình yêu’, ‘cảm ơn’ ngoài khay nước rồi cho kết tinh, sau đó soi lên kính hiển vi thì thấy tinh thể nước kết tinh hình những bông hoa rất đẹp. Ngược lại, với những chữ tiêu cực như ‘thù hận’ thì tinh thể nước biến dạng xấu xí.

Những năm gần đây, trào lưu khôi phục những nét đẹp truyền thống đang được lan toả, cả trong nước lẫn quốc tế. Mọi người đều mong muốn lưu giữ những nét tươi đẹp, chất phác, thanh khiết trong văn hóa truyền thống để cân bằng lại những hối hả, xô bồ, cạnh tranh, áp lực của cuộc sống hiện đại. Thế là, nhiều đô thị lớn trong nước lại xuất hiện những “ông đồ” vào dịp năm mới. Để thuận tiện cho độc giả xin chữ đầu năm, chuyên mục Văn hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên hân hạnh giới thiệu ý nghĩa một số chữ Nho thường được xin mỗi dịp Tết đến xuân về.

Phần 1: Phúc Lộc Thọ

1. Chữ Phúc: 福

Theo ‘Thuyết văn giải tự’: “Phúc, hựu dã”, tức chữ Phúc nghĩa là Thần giúp đỡ, Thần phù hộ.

Chữ Phúc gồm: bộ Kỳ 礻, nghĩa là Thần đất, bày tỏ tế Thần; chữ Nhất 一 biểu thị quẻ Càn, nghĩa là Dương, là Trời; chữ Khẩu 口 biểu thị nhân khẩu, người; chữ Điền 田 biểu thị ruộng đất, đất đai.

Bởi vậy, ‘Phúc’ nghĩa là được Thần, Trời phù hộ cho có người, có tài sản đất đai. Do đó, người có Phúc là người luôn gặp may mắn về tài sản và con người. ‘Thuyết văn giải tự’ cũng chú giải rằng: “Phúc nghĩa là đầy đủ, đầy đủ nghĩa là mọi việc đều thuận lợi”. Thế nên, những người luôn may mắn, làm gì, đi đâu cũng gặp may thì được gọi là có nhiều phúc báo.

Chữ Phúc cổ xưa nhất được tìm thấy trên xương động vật, cách đây khoảng 3500 năm, được gọi là thể chữ Giáp cốt, được viết như sau:

 

Nhìn chữ Phúc thể Giáp cốt văn này, chúng ta thấy vẽ hình một người hai tay dâng bình rượu lên ban thờ để tế lễ Trời Đất, Thần linh, xin Thần phù hộ ban phúc.

Sau này đến thời kỳ đồ đồng, chữ Phúc viết trên di vật đồ đồng tìm thấy được gọi là thể Kim văn, thì đã được đơn giản hoá là hình vẽ ban thờ và vò rượu:

Lão Tử nói: “Thiên Đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là “Đạo Trời không phân biệt thiên vị người nào mà thường ban phúc cho người thiện lương”.

Người xưa cũng nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, cũng nói lên đạo lý tương tự. Vậy nên, người có lòng tôn kính Thần Phật, kính sợ Trời Đất, thì mới ước chế cái tâm mình, gìn giữ thiện lương, nên mới có thiện báo.

Tuy nhiên cũng có người không hiểu rõ đạo lý này, lại cho rằng chỉ cần kính lễ Thần Phật, tế lễ Trời Đất là được phúc báo, nên họ đi cầu phúc hết chùa này chùa nọ, làm lễ lớn lễ nhỏ, khấn vái dập đầu rất thành kính. Đó lại là một cách hiểu sai cực đoan. Thần Phật nhìn nhân tâm chứ không nhìn hình thức, lễ nghi, lễ vật. Nếu quanh năm thờ cúng Thần Phật, tế lễ Trời Đất, thờ ông bà tổ tiên mà lại không ước thúc cái tâm mình, tranh quyền đoạt lợi, ác khẩu lộng ngôn, vu oan giá họa, thủ đoạn lừa lọc thì Thần Phật ắt chẳng thể bảo hộ, chẳng thể ban phúc cho những người này. Trái lại, họ đang tích họa cho bản thân và gia đình mà không hề hay biết. Bởi vì “thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, mà chưa tới lúc thôi”.

2. Chữ Lộc: 祿

Theo ‘Thuyết văn giải tự’: “Lộc, phúc dã”, nghĩa là: “Lộc chính là Phúc vậy”.

Tại sao Lộc lại là Phúc? Có phúc tức là có phúc khí; khi phúc báo đến, phúc khí triển hiện ra thì làm gì cũng thuận lợi: người làm ăn, sản xuất kinh doanh sẽ báo ứng ra của cải vật chất; người ăn lương, quan chức sẽ báo ứng ra công thành danh toại, thăng quan tiến chức.

Phúc giống như nguồn nước, lộc giống như đồ chứa nước. Chúng ta ra suối lấy nước dùng đồ chứa gì thì sẽ được nước hình như thế: dùng thùng, vò, vại, bình lấy nước sẽ được thùng nước, vò nước, vại nước, bình nước… Đó chính là lý do tại sao người xưa nói “lộc chính là phúc”. Phúc là cái gốc, mà lộc chính là những cành lá hoa quả mọc ra từ cái gốc đó.

Chiết tự chữ Lộc (祿) gồm: bộ Kỳ 礻, nghĩa là Thần đất, bày tỏ tế Thần; bộ Ký (彑 hoặc 彐) nghĩa là đầu lợn; và chữ Thủy (水) nghĩa là nước. Như vậy chữ Lộc cũng có nghĩa tế lễ Trời Đất, Thần linh để công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, phát tài phát lộc.

Theo thuật phong thủy phương Đông “Sơn chủ nhân đinh, thủy chủ tài”, nghĩa là “Núi chủ về nhân đinh (con người), còn nước (sông) chủ về tài vận”. Thế nên trong chữ Lộc có bộ Ký chỉ tài sản vật nuôi, và chữ Thủy chỉ tài vận.

Tài lộc có từ nguồn phúc, vậy nên người am hiểu tài vận ắt sẽ chăm lo vun trồng cây phúc, thì tài lộc bất tận. Ngược lại, không chăm lo đến cây phúc, chỉ biết hái quả hưởng thụ thì cây phúc cũng tàn lụi dần, quả ít dần rồi sẽ hết.

Người xưa cũng nói “Thực lộc tận tắc mệnh tận”, nghĩa là “Ăn hết lộc thì vận mệnh cũng hết”. Vận mệnh hết ở đây không phải là hết mệnh lìa đời ngay, mà là không thể làm nên trò trống gì nữa, vận may cũng đã hết, giống như cây đèn dầu đã hết dầu, chỉ còn leo lắt kéo dài thêm chút ánh lửa tàn trước khi tắt ngấm mà thôi.

Chính vì hiểu rõ đạo lý này mà những phú hộ xưa, hay những tỷ phú phương Tây ngày nay đều vun trồng cây phúc, thường đem của cải ra cứu tế giúp đỡ người nghèo. Trong kinh doanh họ cũng không giở thủ đoạn tàn độc; khi đối thủ thất bại, họ vẫn để đối thủ một con đường sống. Vậy nên nhiều gia đình thế tộc trải qua hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm con cháu vẫn đời đời hưởng phúc thụ lộc.

Chúng ta cũng thấy trong xã hội ngày nay, có người dùng mọi thủ đoạn để tranh quyền đoạt lợi, bất chấp đạo đức, lương tâm, gây oan tác họa cho nhiều người. Thường người như thế, cái gốc phúc không có, nên cái lộc do cướp đoạt được kia cũng chẳng tồn tại lâu, khi vận mệnh hết thì trở thành tội đồ muôn người nguyền rủa. Lúc đó, họ muốn làm một người dân bình thường cũng đã không làm được nữa rồi.

Lộc Tinh tương truyền là Văn Xương Đế Quân, là vị Thần cai quản công danh, tài lộc. (Ảnh: wikipedia.org)

3. Chữ Thọ: 壽

Theo ‘Thuyết văn giải tự’: “Thọ, cửu dã”, nghĩa là: “Thọ chính là lâu dài vậy”. Thế nên khi nói con người thọ nghĩa là sinh mệnh được kéo dài, cũng gọi là trường thọ.

Bí quyết để đạt được trường thọ nằm ở ngay cách viết chữ Thọ này. Chiết tự chữ Thọ (壽) là: Sỹ Nhất Công Nhất Thốn Khẩu (士一工一寸口), nghĩa là kẻ sỹ (士) có trí tuệ, tri thức lý trí hiểu đạo lý quy luật tự nhiên, một mặt (一) làm việc (工), cống hiến cho nhân quần cho xã hội, một mặt (一) tu tốt cái miệng của mình (口), ăn uống, nói năng có chừng mực (寸), bởi vì “Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”.

Khổng Tử cũng nói: “Trí giả lạc, nhân giả thọ”, nghĩa là: người có trí tuệ thì vui vẻ, người có lòng nhân thì trường thọ.

Sau khi Trương Tam Phong, ông tổ phái Võ Đang đắc Đạo thành Tiên, cả 2 hoàng đế nhà Minh là Chu Nguyên Chương và sau đó là Chu Đệ đều tìm ông cầu phép trường sinh nhưng không gặp, ông chỉ để lại bài thơ có 2 câu cuối như sau:

“Dám đem lời mọn phiền Thánh đế,

Thanh tâm quả dục phép trường sinh”.

Thế nên với người thường, chỉ cần giảm bớt dục vọng, nhân ái bao dung với mọi người thì cũng đã có thể kéo dài tuổi thọ rồi.

Còn để đạt tới mức ‘thọ cùng trời đất’ thì một người ắt phải tu luyện. Trong Hán thư có viết: “Nếu đại vương thành tâm chú ý như thế, thì tâm đại vương sẽ có chí của vua Nghiêu Thuấn, thân thể của đại vương sẽ có tuổi thọ của Chân nhân Tùng Kiều”. Tùng Kiều ở đây là Xích Tùng Tử và Vương Tử Kiều, là hai người tu Đạo đắc Đạo thành Tiên. Bản thân vua Nghiêu cũng bái Doãn Thọ làm thầy, sau này nhường ngôi cho vua Thuấn để vào núi tu Đạo.

Tranh vẽ Nam Cực Tiên Ông, vị thần cai quản thọ mệnh. (Ảnh: wikipedia.org)

4. Tam Đa: Phúc Lộc Thọ – 福祿壽

Phúc Lộc Thọ cũng là tên gọi 3 vị Tinh Quân là Phúc Tinh, Lộc Tinh và Thọ Tinh, thế nên còn gọi là Tam Tiên, tức 3 vị Tiên cai quản vận may, tài lộc, và thọ mệnh. Trong dân gian cũng gọi là ông Tam Đa, tức đa phúc, đa lộc, đa thọ.

Phúc Tinh tương truyền là Thái Ất Thiên Tôn, còn gọi là Thái Ất Phúc Thần, là vị Thần cai quản việc ban phúc giải nạn.

Lộc Tinh tương truyền là Văn Xương Đế Quân, là vị Thần cai quản công danh, tài lộc.

Thọ Tinh tương truyền là Nam Cực Tiên Ông, còn gọi là Trường Sinh Đại Đế, là vị Thần cai quản thọ mệnh.

Thuận Thiên mệnh, thuận theo Đạo thì phúc lộc thọ dồi dào, bền lâu. Ngược lại, người trái Thiên mệnh, trái Đạo, vô đức thì nhất thời giành được tài lộc, quyền thế tước vị, nhưng cái chờ đợi họ là tai nạn, yểu mệnh, thậm chí bất đắc kỳ tử. Mọi việc xảy ra trên đời đều không phải ngẫu nhiên, mà đều có quy luật, có nguyên nhân cả.

Thế nên, các trí thức xưa đều là những người hiểu rõ đạo lý đối nhân xử thế và quy luật tự nhiên. Khổng Tử nói: “Bất tri Thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử”, nghĩa là: “Không hiểu Thiên mệnh thì không thể nào làm người quân tử được”. Lão Tử cũng nói: “Con người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Nam Phương

Exit mobile version