Bạn có nhận ra khi ta càng lớn lên, cha mẹ lại càng cẩn thận từng li từng tí trước mặt mình? Và đã bao giờ bạn tự hỏi rằng, vì sao cha mẹ mình lại thay đổi đến thế? Đó cũng là câu hỏi của tôi và của rất nhiều người con khi còn cha còn mẹ.
Khi ta còn thơ bé, cha mẹ luôn ép chúng ta phải ăn hết những món ăn mà ta không hề thích. Nào rau nào hoa quả, nào tôm nào cá, nào sữa hộp nào nước ép trái cây, cha mẹ cứ muốn ta phải nhét cho đầy cái bụng thì mới chịu yên lòng. Chẳng phải rất nhiều người chúng ta đều ghét món cà rốt, nhưng luôn bị ép ăn là gì? Có lần ta lén bỏ nó ra khỏi bát cơm thì bị mắng: “Con mà không chịu ăn thì đừng mong đi ngủ!”. Ấy thế mà những viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ, thơm thơm ngòn ngọt, thì dù ta khóc quấy thế nào cha mẹ cũng chẳng bao giờ chiều.
Rồi ta lớn lên, đã biết tự lập và biết lo cho mình, thì lúc này mẹ lại là người cưng chiều ta nhất. Mẹ luôn nấu những món ta thích và luôn làm những việc mà ta yêu cầu. Cha mẹ luôn ăn uống tạm bợ, những ngày chỉ có hai ông bà là trên bàn ăn không bao giờ có nhiều hơn 2 món.
Nhưng mỗi khi ta về nhà, mâm cơm bỗng ăm ắp các món cao lương mỹ vị như khách sạn 5 sao. Và cha mẹ lại cưng nựng chúng ta như công tử, vương tôn: “Cà rốt thì cứ để đấy mẹ ăn cho, còn sườn xào chua ngọt và gà rán này con ăn nhiều nhiều vào nhé!”. Mẹ vừa nói vừa đổi đĩa sườn xào chua ngọt đến trước mặt ta, còn cà rốt thì đẩy về phía mình.
Vậy mà chưa cầm đũa lên ta đã làm ra vẻ phụng phịu: “Mẹ, con đang giảm cân mà, con không ăn thịt đâu!“. Và ngay ngày hôm sau, trên bàn ăn chỉ toàn một màu xanh…
Bất giác ta ngỡ ngàng tự hỏi: Mẹ, mẹ đã thay đổi như vậy tự bao giờ?
Và có lẽ bạn không phát hiện ra rằng, tự khi nào cha mẹ bỗng rất ‘nghe lời’ ta, giống như khi còn nhỏ ta nghe lời cha mẹ vậy.
Chúng ta lớn lên, từ một binh sĩ ta trở thành tướng quân, còn cha mẹ thì biến thành người bảo mẫu lớn tuổi. Khi cha mẹ bất ngờ vào phòng mà không báo trước, chúng ta sẽ tỏ ra khó chịu: “Mẹ, sao mẹ không gõ cửa trước khi vào?”
Trời nổi cơn giông bão, cha mẹ sốt ruột cứ 5 phút lại gọi điện hỏi khi nào con về, chúng ta sẽ bực mình mà buông lời nặng nhẹ: “Mẹ, mẹ đã gọi cho con 5 lần rồi. Con có còn là trẻ con nữa đâu, con tự biết phải làm gì mà!”
Và từ đây, dù hữu ý hay vô ý, ta không còn kiên nhẫn mỗi khi cha mẹ tỏ ra quá quan tâm săn sóc. Ta vì những chuyện “chẳng đâu đâu” mà về nhà giận dỗi. Ta bực mình vì áp lực công việc, bực mình vì một chuyện bất bình nơi cơ quan, thậm chí bực mình vì cha mẹ quá ân cần.
Lúc nhỏ, chúng ta là những cô bé, cậu bé ngoan ngoãn biết vâng lời, biết e dè sợ sệt mỗi khi làm gì sai bị cha mẹ quở phạt. Nhưng lúc ta trưởng thành rồi, cha mẹ lại phải ‘cẩn thận từng li từng tí’ trước mặt ta.
Cha mẹ về già từ “nghe lời” thành “lấy lòng” chúng ta. Chỉ những ai đi đến cuối cuộc đời mới hiểu hết được nỗi lòng cha mẹ: Khi còn trẻ thì chăm chỉ làm việc vì gia đình vì con cái, khi con trưởng thành thì bản thân chưa được hưởng những tháng ngày yên bình đã phải đối mặt với sức yếu tuổi già. Nỗ lực cả một đời, yêu thương cả một đời cũng là mong được hạnh phúc quây quần bên con cái. Vậy nên khi chúng ta càng rời xa vòng tay ấy, thì trong tâm cha mẹ càng trở nên lo lắng bất an.
Vì sợ hãi cô độc nên họ xem trọng tình thân, họ bắt đầu lo sợ bản thân không đúng chỗ nào sẽ khiến con cái càng xa rời mình. Họ bắt đầu sợ mất đi chúng ta, càng về những năm cuối đời thì cảm giác cô đơn càng trở nên đáng sợ vô cùng.Thế là đôi khi họ xem lời nói của chúng ta thành mệnh lệnh, từ bàn bạc hoặc trưng cầu ý kiến ta, cha mẹ lại trở nên có phần nịnh nọt.
Họ sợ phải cô đơn, sợ con cái sẽ bỏ rơi, sợ bị đối xử lạnh nhạt. Đối với cha mẹ lúc này, của cải vật chất không còn ý nghĩa gì nữa. Tất cả những gì họ cần chỉ là một cảm giác ấm áp của gia đình. Vậy nên chỉ cần nhìn thấy bóng dáng con cái trong nhà, thì dù chúng ta không giúp được gì cho cha mẹ nhưng tâm họ cũng thấy bình an, vậy là đủ rồi!
Và nếu để ý kỹ, bạn sẽ phát hiện ra rằng…
Bỗng dưng đến một ngày, cha mẹ thích bàn bạc mọi chuyện với chúng ta.
Bỗng dưng đến một ngày, cha mẹ làm những việc chúng ta muốn, đáp ứng những gì chúng ta yêu cầu.
Bỗng dưng đến một ngày, dường như cha mẹ đã bắt đầu “sợ” chúng ta…
Đúng vậy, phải thừa nhận rằng khi chúng ta dần dần lớn lên, cha mẹ thật sự cẩn thận từng li từng tí khi ở trước mặt ta.
Kỳ thực họ vẫn yêu thương ta như cũ, cũng chính vì yêu thương nên mới cẩn thận từng li từng tí như vậy. Thế nhưng ta lại vô ý nói những lời, làm những việc khiến cha mẹ tổn thương trong lòng.
Chúng ta không biết rằng cuối cùng sẽ đến lúc cha mẹ càng ngày càng già, càng ngày càng yếu hơn. Tâm trạng của họ lúc này thật giống với bốn câu thơ:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn bên con.
Cho dù cả thế giới có bỏ mặc con
Nhưng với mẹ con vẫn là cả thế giới”
Cho nên ai ơi, xin đừng vô ý nữa, đừng để cha mẹ phải cẩn thận từng li từng tí trước mặt mình…
Bình Nhi
Xem thêm: