Đại Kỷ Nguyên

Xòe bàn tay đón “vị thơm” của Tết

Trong cái ồn ã náo nhiệt gấp gáp của những ngày cuối năm. Cái lạnh không ngăn được hương vị của tết đang nhẹ nhàng hạ xuống chạm vào mảnh đất con Lạc cháu Hồng.

Những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con, cháu… từ khắp nơi tổ quốc vội vã hoàn thành nốt những công việc cuối năm để kịp về đón tết cùng gia đình. Ngày tết là ngày đoàn tụ của mọi nhà. Những người không về đúng hẹn phải đón tết xa quê với nỗi niềm day dứt và cô đơn phút giao thừa… Cảm giác hạnh phúc rất giản dị ngồi canh nồi bánh trưng rừng rực bên bếp lửa hồng hai má đỏ hây hây, chốc chốc lại có người hàng xóm tíu tít qua hỏi rồi giúp nhau quét dọn sạch sẽ nhà cửa, lôi ra nào là xong nồi bát đĩa ấm chén để cọ rửa, cái nào cũng sáng loáng đẹp đẽ. Việc trang trí nhà cửa với nhiều đèn nhấp nháy, hoa tươi như: Mai, Đào, Quất… quện với mùi hương trầm phảng phất từ ban thờ gia tiên. Mỗi năm chỉ có một lần, những ngày tết mang đầy hương vị đặc sắc không giống với bất cứ dịp lễ nào.

Quét dọn nhà cửa đón năm mới. Ảnh: Internet

Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người. Do vậy việc “thay áo mới” cho căn nhà, mua sắm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình để mong năm mới cái xấu qua đi cái tốt sẽ đến. Đặc biệt trong những ngày tết họ kiêng cữ không nóng giận, cãi vã. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì xì bằng một phong bì đỏ thắm bên trong có chút tiền với ý nghĩa mang may mắn đến cho đứa trẻ, chúc cho chúng có thêm trí tuệ và học hành tấn tới trong năm mới.

Nét văn hóa truyền thống thuần Việt ngày tết Nguyên Đán mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Những cảm xúc bình dị ấy có lẽ đã bị mai một trong thời đại ngày nay. Bánh trưng không còn là đặc sản dành riêng cho ngày tết, cuộc sống no đủ, con trẻ được manh áo mới là lẽ thường tình… mọi thứ không thể như ngày xưa mãi. Sự xoay vần của lịch sử, nền kinh tế phát triển đi đôi với việc nét văn hóa truyền thống cũng bị nhạt phai chỉ còn là hình thức hay tồn tại trong ký ức xa xôi của thế hệ thời bao cấp.

Tết đã đến thềm nhưng giường như không mấy ai nhận ra, với suy nghĩ sắm tết chỉ mấy ngày là xong. Ảnh: Internet

Khái niệm “Tết” trở nên mơ hồ… bình thường tới nỗi giới công chức: Tết chính là được xả hơi mấy ngày sau một năm làm việc vất vả. Người Có điều kiện thì tết chính là nhữug chuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc thăm thú địa danh nổi tiếng… Giới sinh viên và học sinh: Tết là không phải chịu áp lực của học hành… Trẻ em thì đâu còn những niềm vui tuổi thơ, không còn háo hức mong ngóng những món ăn đặc sản chỉ có trong ngày tết, có lẽ điều còn đọng lại của hương vị tết là sự hấp dẫn của những phong bao lì xì.

Những người già, mùa tết cũng không còn hứng thú nữa vì sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ khiến thời tiết cuối năm trở nên nóng lạnh bất thường như là mùa ốm đau của người già… bệnh viện trở nên quá tải. Với những bà nội trợ, tết thời no đủ vất vả hơn với mâm cao cỗ đầy thủ tục đầy đủ với gia tiên… Với cánh mày râu, tết là nhậu liên miên với men nồng của rượu… Ngày đầu năm gặp nhau đôi khi họ quên đi lời chúc may mắn tốt đẹp, bởi ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng nhậu cùng nhau… Đối với người kinh doanh: Tết là không có ngày nghỉ, tranh thủ bán hàng từ chiều mùng một tết, lãi sẽ tăng lên gấp mấy lần… Tết đang mất đi những gì nó đáng được có…

Mùa Xuân bừng nở giữa đất trời, hạnh phúc giản dị đến từ mẹ thiên nhiên. Ảnh: Internet

Nhưng ở đâu đó mặc cho dòng soáy ồn ã của đô thị vẫn có những nhành mai trắng, đào phai mộc mạc vùng sơn cước tĩnh lặng nghiêng mình đón hơi ấm của mùa Xuân về. Mặc cho con người bội bạc đang phá hủy thiên nhiên và quên đi ý nghĩa đích thực của mùa lễ hội đón chào năm mới. Mẹ thiên nhiên vẫn lặng lẽ ban tặng cho con người hơi ấm của đất là các sản vật tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào… Là ánh sáng của Thiên bốn mùa tươi tốt Xuân, Hạ, Thu, Đông… là giá trị và ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống ngày tết, để con người của mỗi dân tộc mỗi quốc gia có thể vì thế mà trường tồn.

 “Về quê ăn tết” là câu nói thường nhật của những người làm ăn xa sứ rất ấm cúng thân thương. Nó vẫn thể hiện tâm nguyện đoàn tụ xum họp với người thân, giữ đúng nét đón tết truyền thống từ ngàn xưa để lại. Về đón tết cùng ông bà cha mẹ họ hàng anh em… về với quê hương, tổ tông nơi chôn rau cắt rốn, nhớ về cội nguồn là giá trị đạo đức cần được giữ gìn.

Tết đang đến gần, dù cho ai đó có thể lãng quên và không quan tâm đến nó… thì tết vẫn hiển hiện bằng “gia vị” lạnh ngọt và những cơn mưa bụi li ti bám trên mái tóc những người hối hả ngược xuôi. Bằng nỗ lực nhỏ bé những hạt mưa bay đang đánh thức cảm giác mùa xuân về trên những nhành cây ngọn cỏ… bừng lên sức sống sau một giấc ngủ dài.

Xòe bàn tay đón nhận hương thơm của tết, vị ngọt ngào của cái nắng nhẹ đầu xuân, cái the lạnh rơi rớt lại cuối đông hòa quện với mưa bụi đặc thù của năm mới. Hoa Đào hoa Mai bưng nở lung linh giăng giăng khắp phố phường. Dù bạn có thể mệt mỏi sau một năm dài vất vả… thử một lần gác lại tất cả ngồi nhâm nhi ly cà phê ngắm mùa Xuân đang trỗi dậy, thả hồn phiêu theo gió cảm thụ hương vị của tết đang đến gần bạn sẽ thấy nhiều cung bậc cảm súc mà bạn đã lãng quên…

Tuệ Chân

Xem thêm:

Exit mobile version