Đại Kỷ Nguyên

Chuyên viên cao cấp Ngân hàng: Tu luyện cho tôi nhiều hơn chứ không lấy đi của tôi bất kì điều gì

Chị Lê Thị Hà Duyên, 36 tuổi, hiện là Chuyên viên cao cấp Phát triển sản phẩm tín dụng thuộc Ngân hàng PG Bank. Có một cuộc sống suôn sẻ, là mơ ước của nhiều người, công việc thuận lợi, gia đình ấm yên, vậy nhưng chị đã chọn bước vào tu luyện, vì từ đó, chị mới thấy ‘hiểu ra ý nghĩa của đời người’.

Ý nghĩa đời người là gì, và vì sao phải tu luyện? Câu trả lời của một chuyên viên cao cấp ngân hàng qua cuộc trò chuyện với DKN.

Vì sao chị đã có gia đình hạnh phúc, con cái đầy đủ, sức khỏe tốt, lại thành công trong sự nghiệp, công việc và các mối quan hệ xung quanh như chị nói, ‘đều vui vẻ hòa ái’, chẳng phải đối với đời một con người như vậy là đủ rồi sao? Vậy vì sao chị quyết định tu luyện?

Chị Hà Duyên: Thật ra thì ban đầu khi ai đó nói đến tu luyện thì tôi rất sợ, tôi thấy tu luyện là một điều viển vông, xa vời. Năm 2018, sau khi con gái tới học tại trường mầm non mới, ở đây có một số giáo viên và phụ huynh tu luyện Pháp Luân Công nên tôi có cơ hội tìm hiểu và đọc một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, nhưng tôi không hiểu tu luyện là gì? Tại sao phải tu luyện? Vì vậy, tôi thậm chí còn sợ tu luyện, tôi sợ phải chịu khổ, tôi sợ phải rời xa cuộc sống an nhàn hiện tại. Tôi chỉ dừng lại ở việc có thiện cảm với Pháp Luân Công vì các giáo viên mà tôi tiếp xúc họ rất chân thật, nhẫn nại, bao dung.

Cho đến năm 2020, có 2 người quen đến gặp và rủ tôi theo giáo hội nào đó mà tôi không nhớ rõ, họ thuyết giảng rất nhiều trong 3h đồng hồ, tôi chỉ nhớ tôi hỏi họ: “Thế giáo hội của các bạn dạy người ta làm gì? Dạy phải trở thành người như thế nào? Mục đích của các dự ngôn mà các bạn nói để làm gì? Để con người sợ và chạy trốn sao?” Họ bảo tôi, phải đọc sách và tham gia nhóm hội thì mới hiểu được. 

Trong tâm tôi bỗng nhiên hiện lên 3 chữ “Chân- Thiện- Nhẫn”, những nguyên lý đạo đức trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân mà tôi từng đọc 2 năm về trước. Vậy là tôi nói với họ: “Tôi đã từng đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết được Chân- Thiện- Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu, tu luyện là tu chính mình và nếu có lựa chọn một pháp môn nào đó để tu luyện thì tôi chỉ chọn Pháp Luân Đại Pháp thôi”. 

Kể từ đó, tôi bắt đầu trở thành học viên Pháp Luân Đại Pháp. Đọc sách nhiều hơn tôi mới hiểu ra ý nghĩa của tu luyện, ý nghĩa của kiếp nhân sinh.

Vậy tu luyện có phải là buông bỏ mọi thứ vật chất thế gian, việc tu luyện có ảnh hưởng gì đến cuộc sống vốn đủ đầy của chị không?

Chị Hà Duyên: Tu là sửa đổi chính bản thân mình theo Chân – Thiện – Nhẫn, luyện là luyện năm bài công pháp. Tôi hiểu ra, tu luyện không lấy đi của mình bất cứ điều gì tốt đẹp, ngược lại cuộc sống của tôi trở nên bình yên, tinh thần thăng hoa thoải mái. Trước đây, khi có thời gian rảnh cứ phải tìm niềm vui từ các cuộc gặp gỡ bạn bè, ăn uống, du lịch, đi chơi, đặc biệt lúc nào tôi cũng cầm điện thoại, lướt mạng xã hội hoặc chơi gì đó trên điện thoại thì nay ngay cả ở nhà một mình tôi vẫn cảm thấy bình an, tự tại.

Tu luyện không khiến công việc hay cuộc sống của tôi tổn hại gì mà còn khiến mọi thứ tốt đẹp hơn nhiều lần, vì trước đây, tôi nghĩ rằng mình đã làm mọi thứ đúng rồi, nhưng chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn tôi mới biết mình còn nhiều điều chưa đúng đắn mà nếu không sửa sai thì sẽ tổn hại về sau.

Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đối với công việc tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt, làm việc đến nơi đến chốn, không làm qua loa đại khái giống như trước, kể cả những việc nhỏ tôi đều cố gắng hoàn thiện và không nề hà, không phàn nàn khi sếp giao thêm việc.

Trước đây tôi có thói quen mang văn phòng phẩm ở cơ quan để về nhà sử dụng như kéo, bút chì, tẩy,… vì nghĩ rằng đây là đồ nhỏ, không đáng kể. Từ khi đọc sách tôi hiểu rằng đối với người tu luyện không có việc gì là nhỏ cả, vì “người đang làm, Thần đang nhìn”, cần lấy “Chân-Thiện-Nhẫn” để đối đãi và đo lường hành vi của chính mình. Tôi đã không cầm về nhà bất cứ thứ gì không phải là của mình kể cả đó là một cái ghim. Khi tu luyện, tôi luôn có năng lượng tích cực, không còn gặp tình trạng căng thẳng, áp lực trong công việc cũng như cuộc sống.

Điều đó có giúp ích gì cho chị trong việc dạy dỗ con cái?

Chị Hà Duyên: Đối với việc dạy dỗ con cái, từ khi tu luyện tôi hiểu rằng, mỗi sinh mệnh được sinh ra trên đời này là độc lập, mỗi người đều có số phận và sứ mệnh riêng. Tôi không áp lực điểm số, học thêm đối với con, thay vào đó từ những pháp lý tôi hiểu được trong sách Chuyển Pháp Luân, tôi hướng dẫn con cách trở thành một người tốt thông qua các việc cụ thể hàng ngày.

Từ đó, các con đều rất tự lập, tự giác trong học tập, biết phân biệt đúng sai, biết nhường nhịn, giúp đỡ mọi người, tôi cũng dành thời gian lắng nghe con, hỏi ý kiến và nhận định của con với các tình huống cụ thể đồng thời động viên, khích lệ con nhiều hơn. 

“Từ những pháp lý tôi hiểu được trong sách Chuyển Pháp Luân, tôi hướng dẫn con cách trở thành một người tốt thông qua các việc cụ thể hàng ngày.”

Ví như có lần, đi học về con gái đưa phiếu kiểm tra toán 7 điểm cho tôi ký, ánh mắt có vẻ lo lắng. Tôi nhẹ nhàng bảo: “Bài này con làm sai ở đâu? Con cần sửa lại như thế nào? Con có biết lý do tại sao mình làm sai không?”

Sau khi con trả lời, tôi nói: “Vậy lần sau con cố gắng tập trung nghe cô giảng và đọc kỹ đề bài nhé!” Con gái tôi hỏi: “Mẹ, sao mẹ không mắng con? Không hỏi con các bạn ở lớp được mấy điểm? Có cao hơn con không?”

Tôi nói với con rằng ai cũng có lúc sai sót, điều quan trọng con cần nắm được mình sai ở đâu, và sửa như thế nào để hoàn thiện hơn. Dần dần, tôi thấy con tập trung hơn, cần thận hơn. Không áp lực điểm số nhưng thành tích học tập của các con khá tốt và đặc biệt các con không phụ thuộc vào các thiết bị điện tử như điện thoại, game, tivi…

Còn trong mối quan hệ với chồng, tu luyện có ảnh hưởng gì đến hôn nhân của chị không?

Chị Hà Duyên: Trước đây tôi luôn nghĩ nam nữ bình đẳng, chồng làm gì thì tôi cũng sẽ như vậy. Ví như: anh đi chơi về muộn, tôi cũng sẽ đi chơi về muộn. Tôi làm việc nhà anh cũng phải làm việc nhà như vậy mới công bằng. Anh nói to tôi cũng sẽ nói to, vv… Những việc anh làm, đầu tiên tôi sẽ nghĩ theo hướng tiêu cực, nghĩ theo chiều hướng xấu dẫn đến thường xuyên trách móc, phàn nàn anh, những chuyện nhỏ nhặt cũng khiến vợ chồng căng thẳng, tranh cãi.

Sau khi đọc sách tôi hiểu rằng cần phải tu bỏ cái tôi của mình, làm gì cũng phải nghĩ cho người khác trước. Con người sinh ra có nam có nữ vì mỗi người đều có trách nhiệm riêng của mình. Phụ nữ nên dùng sự dịu dàng, mềm mại để dạy dỗ con cái, chăm sóc gia đình và hỗ trợ, đồng hành cùng chồng. Tôi học được cách hướng nội, tìm thiếu sót của mình và sửa đổi. Trong câu chuyện hàng ngày, kinh doanh của anh tôi đều dùng pháp lý tôi ngộ ra để trao đổi, nói chuyện, động viên và cho anh lời khuyên, cuộc sống gia đình trở nên vui vẻ bình an hơn.

Theo như chị kể thì Pháp Luân Công có nhiều lợi ích đối với sự để cao tâm tính, hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Vậy thì sao lại có thông tin rằng Pháp Luân Công là mê tín?

Chị Hà Duyên: Thật ra từ “mê tín” là từ Hán Việt, khi chúng ta say mê và có tín tâm, tin tưởng vào một điều gì đó thì đều được gọi là mê tín, chữ mê tín không phải là điều xấu. Nhưng nếu tin vào một điều gì đó trái với quy tắc đạo đức, làm hại người khác, gây hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, khiến con người quên đi bản tính lương thiện của mình thì là mới là điều xấu, điều không tốt. Chứ không phải những gì chúng ta chưa biết, chưa nhìn thấy thì liền gọi là mê tín.

Người tu luyện Pháp Luân Công luôn yêu cầu bản thân phải tu tâm tính và hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn, nếu ai ai cũng đều suy xét sự việc tìm lỗi sai từ bản thân mình trước, ai ai cũng nghĩ cho người khác trước thì xã hội sẽ rất ổn định, đạo đức sẽ tốt lên. Một điều tốt như vậy, chúng ta có nên tin theo hay không? Thế nào là Chính thế nào là Tà, chúng ta chỉ cần suy nghĩ một chút là có thể nhận ra.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện của Phật gia, hình thức tu luyện tại xã hội người thường, lấy mâu thuẫn, va chạm trong hoàn cảnh xã hội làm phương pháp đề cao tâm tính và không cần đi vào núi sâu rừng già hay vào chùa để tu luyện, vì vậy không có chuyện học viên Pháp Luân Công từ bỏ gia đình. Người tu luyện vẫn thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên thờ cúng không phải mục đích để cầu xin bình an, phát tài, tai qua nạn khỏi,… mà thờ cúng với tâm thành kính, nhớ ơn.

Tại các nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam đều có hoạt động giảng chân tướng, đây là hoạt động nhằm nói rõ vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp cũng như cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc. Một số người hiểu chưa sâu, và cho rằng đây là hoạt động chính trị. Tôi nghĩ rằng không phải, người tu luyện không màng đến danh lợi được mất nơi thế gian nhưng bằng biện pháp ôn hòa này, chúng ta cần phải cho nhiều người hơn nữa biết được cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc, vì khi cái ác bị phơi bày, bị lên án thì nó không còn cơ hội để thực hiện hành vi xấu ác nữa. Đồng thời, nếu có người nào đó có nhu cầu đến Trung Quốc để thay tạng thì hãy minh bạch rất có thể vì bản thân mình mà một người tốt tu luyện Phật Pháp sẽ bị giết hại.

Cuối cùng, chị hiểu ra điều gì về ý nghĩa của kiếp nhân sinh? Ý nghĩa của kiếp nhân sinh là gì nếu không phải là một cuộc sống đầy đủ, bình an, thành công viên mãn?

Chị Hà Duyên: Đời người giàu sang, nghèo khổ, bệnh tật được gì mất gì đều là phúc phận, đức và nghiệp tích từ đời trước, kiếp trước tạo thành. Tất cả khổ đau, khó nạn, va chạm đều là để chúng ta hoàn trả nợ nghiệp và thành tựu bản thân mình, để có thể quay trở về nơi mà sinh mệnh được sinh ra. Khi hiểu được điều đó, tôi thấy nội tâm mình trở nên mạnh mẽ, vững vàng hơn, thấy những xung đột, tranh đấu trở nên nhỏ bé và tự nhiên có được cảm giác bình an.

Chị Hà Duyên tập bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công

Nếu bạn mong muốn tìm hiểu ý nghĩa của đời người, mong muốn có được cảm giác bình yên tự tại từ trong tâm hồn thì hãy đọc bài viết “Vì sao có nhân loại” của Sư Phụ Lý Hồng Chí và tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp. Trong tâm giữ thiện niệm tín tâm vào Thần Phật để bình an vượt qua sóng gió cuộc đời.

Lam Thư

Exit mobile version