Cuối năm 1996, Khâu Thiêm Hỉ, một giáo viên tại trường Công Nông Vụ Phong ở Đài Trung, nhận được một phiên bản giản thể của cuốn “Pháp Luân Công Trung Quốc” từ người bạn học khí công. Khâu Thiêm Hỉ, một người thích đọc tiểu thuyết võ hiệp, đã mở trang đính kèm tiểu sử của Sư phụ Lý Hồng Chí, và đọc với sự thích thú…
- Tiếp theo Phần 9
- Xem trọn bộ Hạt giống vàng
Trong tiểu sử có đề cập rằng Sư phụ Lý từ nhỏ đã được một Sư phụ Phật gia truyền thụ Đạo từ năm lên bốn tuổi, tám tuổi đã đắc Đại Pháp Thượng Thừa, thần thông cự đại. Sau đó, ở mỗi giai đoạn, đều có các Sư phụ khác nhau đến truyền thụ các bài công pháp và công lý cho ông.
Đọc tiểu sử thần kỳ của Sư phụ Lý, Khâu Thiêm Hỉ bị cuốn hút kỳ lạ, anh nghĩ: “Có cơ hội nhất định phải học!”
Công việc khó khăn bỗng trở nên nhẹ nhàng
Trước khi nhập môn, người bạn ấy đã hẹn Khâu Thiêm Hỉ tham gia hội giao lưu Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục trong kỳ nghỉ đông. Vào tháng 2 năm 1997, anh vui vẻ đến Bắc Kinh cùng với các học viên Pháp Luân Công khác ở Đài Loan. Đêm trước khi khởi hành, người bạn này mới dạy anh luyện công. Sau chuyến đi Bắc Kinh mười ngày, Khâu Thiêm Hỉ cảm thụ rằng Pháp Luân Công thực sự là một môn khí công tốt.
Khâu Thiêm Hỉ luyện khí công vì mong muốn chữa khỏi bệnh viêm loét dạ dày tá tràng; lúc đó anh đã bái sư, tập khí công với một người thầy được vài năm, nhưng cảm thấy đình trệ, thân thể không chuyển biến đáng kể. Sau khi chuyển sang luyện Pháp Luân Công, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng của anh liền được chữa lành, thân thể gầy gò ngày xưa giờ ngày càng trở nên cường tráng.
Khi đó, Khâu Thiêm Hỉ đảm nhiệm chức vụ tổ trưởng giáo học của trường, đây là một chức vụ mà các giáo viên coi là “vác tù và hàng tổng”. Sau khi học Pháp Luân Công, anh tự nghĩ, Sư phụ Lý đã dạy chúng ta “tiên tha hậu ngã”, luôn nghĩ đến người khác trước, vậy chúng ta nên làm gì? Sau khi suy nghĩ, anh quyết định trước hết tìm hiểu nhu cầu của từng giáo viên.
Trong học kỳ mới, bất luận là khoảng thời gian trống trên giảng đường hay lúc họp hành, Khâu Thiêm Hỉ đều nỗ lực đi tìm hiểu nhu cầu của mỗi giáo viên; dù là trò chuyện trực tiếp, hay thảo luận qua điện thoại, hao tốn rất nhiều thời gian, anh đã viết ra những suy nghĩ và kỳ vọng khác nhau của các giáo viên.
Việc sắp xếp thời khóa biểu hàng năm là một việc quan trọng đối với các giáo viên. Khâu Thiêm Hỉ nhìn vào lượng thông tin mà anh ghi chép lại, anh không ngừng sắp xếp, quy nạp, suy nghĩ xem thế nào mới là an bài tốt nhất cho mỗi giáo viên. Cuối cùng anh phát hiện: đại bộ phận những vị sống gần trường thích bố trí lớp vào buổi sáng và buổi tối, trong khi những giáo viên sống ở khu vực thành thị không thích bố trí lớp vào buổi tối. Vì vậy, anh đã cố gắng hết sức để điều chỉnh theo những nhu cầu này, đồng thời trao đổi và xác nhận với các giáo viên từng điểm một. Quá trình nỗ lực của anh khiến các thầy cô cảm động.
Khâu Thiêm Hỉ cho biết, trước đây, áp lực lớn nhất khi làm tổ trưởng nhóm giảng dạy là phải xử lý điều khóa giáo viên lâm thời, vì việc lập thời khóa biểu giáo viên vô cùng khó khăn, “Tôi đã từng bực mình khi nhận được một cuộc điện thoại yêu cầu thay đổi thời khóa biểu”, nhưng sau khi học Pháp luyện công, khi tôi tiếp nhận cuộc điện thoại như vậy, tôi cảm thấy đồng cảm, an ủi đối phương.
Vì thiện tâm của Khâu Thiêm Hỉ, các giáo viên trong trường trở nên nguyện ý phối hợp hơn với thời khóa biểu lâm thời. Một điều ban đầu gây phiền hà cho mọi người nay đã trở nên thoải mái, và không khí làm việc trở nên hài hòa dung hiệp hơn. “Trước đây mọi người đều nói làm tổ trưởng giáo học rất khó, mọi người đều không nguyện ý làm”. Vậy mà Khâu Thiêm Hỉ đã trở thành tổ trưởng giáo học lâu nhất trong trường của họ.
Khi học viên Đài Loan đến Bắc Kinh để tham gia Hội Giao lưu Quốc tế lần thứ 2, Khâu Thiêm Hỉ là học viên duy nhất sống ở miền trung Đài Loan, vì vậy, sau Hội Giao lưu, các học viên khác ở miền Trung Đài Loan sẽ tự nhiên liên lạc với anh ấy nếu cần bất cứ điều gì. Ví dụ, nếu ai đó ở miền Trung muốn học công, liền thông báo với anh; ai đó cần địa điểm tổ chức hoạt động, cũng bảo anh lưu ý; ngoài ra, một số cựu học viên thường khuyến khích anh tổ chức các hoạt động “học Pháp nhóm” ở miền Trung.
Sau đó, vì không tiện đi lại dạy công, Khâu Thiêm Hỉ đã kiến lập một điểm luyện công ở Công viên Nhi đồng Đài Trung để tạo điều kiện cho mọi người đến học luyện.
Điểm luyện công đầu tiên ở Đài Trung được kiến lập
Vào ngày 6 tháng 4, Khâu Thiêm Hỉ nhận được một cuộc gọi lạ từ Tống Minh Dung, và sau đó anh đã kiến lập điểm luyện công đầu tiên ở Đài Trung.
Một ngày nọ, khi Tống Minh Dung mở báo và đọc như thường lệ, anh ngay lập tức trông thấy một thông báo kín đáo ở một góc nhỏ, với dòng chữ ngắn gọn: “Pháp Luân Công Trung Quốc, dạy công miễn phí”. Anh không khỏi reo lên trong tâm: “Pháp Luân Công! Đây chẳng phải là Pháp Luân Công mà tôi đã tìm kiếm gần nửa năm rồi sao?”
Đặt tờ báo xuống, Tống Minh Dung nóng lòng bấm số điện thoại trên bản tin, và sau đó nhận được thông tin liên lạc của Khâu Thiêm Hỉ.
Khâu Thiêm Hỉ đã hẹn họ đến cơ sở Cao Thương ở Phong Nguyên để dạy công; đến hiện trường, ngoài Tống Minh Dung, còn có bốn hoặc năm học viên khí công khác.
Vào thời điểm đó, Tống Minh Dung đã từng bị hành hạ bởi chứng rối loạn khủng hoảng hiếm gặp trong vài năm, dù đã được điều trị bằng phương pháp Tây y, nhưng bệnh này chỉ có thể khống chế bằng thuốc, chứ không thể trị triệt để từ gốc được.
Chứng “rối loạn khủng hoảng” phát lần đầu vào năm 1992. Khi Tống Minh Dung đưa con trai tham gia chuyến du lịch mùa xuân của công ty. Khi đang khám phá những hang động thâm u và hiểm trở của thắng cảnh, anh chợt cảm thấy khó thở như sắp chết ngạt, vội vàng bế con lên và chen ra khỏi đám đông… Về sau, cùng theo áp lực công việc càng lớn, và khi người cha qua đời, những cơn hoảng loạn càng phát tác thường xuyên hơn. Một lần khi đi tàu, đang đứng trong một toa chật chội và đông đúc, ngay lập tức anh cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp và khó thở, như sắp đứt hơi đến nơi, lúc đó anh chỉ nghĩ làm sao thoát khỏi toa tàu thật nhanh, suýt nữa thì anh đã nhảy khỏi tàu… sau đó anh chỉ dám bắt tắc-xi để có thể dừng lại theo ý muốn.
Lúc đó Tống Minh Dung không biết mình bị bệnh gì, đến bệnh viện cũng kiểm tra không ra, sau này có người giới thiệu đến “Chương Cơ” chẩn bệnh và lấy thuốc, bệnh tình mới được tạm thời được khống chế. Có một lần khi đang xếp hàng chờ đến lượt khám, anh nghe thấy người trước mặt nói: “Tôi đã lấy thuốc uống mười năm rồi”. Tống Minh Dung bị sốc vì nghĩ có thể bệnh tình này không cách nào chữa khỏi. “Mình không muốn sống một cuộc sống như thế này!” – Anh tự nghĩ. Thế là Tống Minh Dung bắt đầu tìm phương pháp trị liệu ngoài bệnh viện: ra công viên luyện khí công, ngoài ra anh còn cùng vợ vào chùa cầu Phật, niệm kinh.
Một ngày nọ, Tống Minh Dung nhìn thấy một tạp chí giới thiệu “Pháp Luân Công” được lưu hành chính thức ở Trung Quốc đại lục, tạp chí này giới thiệu rằng luyện Pháp Luân Công không chú trọng đến thời gian và địa điểm tập. Anh nghĩ, luyện công mà không hạn chế về thời gian và địa điểm, phù hợp với công việc làm theo ca của mình.
Anh lập tức chạy đến hiệu sách để tìm cuốn “Chuyển Pháp Luân”, nhưng cuốn sách này chưa được xuất bản ở Đài Loan vào thời điểm đó; tuy nhiên, tại hiệu sách đó, anh tìm thấy một cuốn sách do những người đam mê khí công đại lục viết, chuyên giới thiệu về Pháp Luân Công, trong sách còn giới thiệu động tác 5 bài công pháp của Pháp Luân Công. Anh nóng lòng mua nó về nhà, chiểu theo các động tác trong sách và bắt đầu luyện tập.
Thật đáng kinh ngạc, mặc dù động tác của anh lúc đó không hoàn toàn chuẩn xác, nhưng cứ luyện đi luyện lại, sức khỏe của Tống Minh Dung càng ngày càng tốt hơn, không còn uống thuốc, mà cơn hoảng loạn không còn phát tác, các bệnh viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày và các bệnh khó chữa khác do áp lực công việc, cũng đều biến mất.
Vì vậy, khi nhìn thấy thông báo của Khâu Thiêm Hỉ trên báo vào tháng 4 năm 1997, Tống Minh Dung đã rất phấn khích.
Sau khi Tống Minh Dung học công một thời gian, Khâu Thiêm Hỉ cảm thấy các động tác luyện công của anh ấy đã đạt tiêu chuẩn, anh quyết định cùng Tống Minh Dung đến khu Phong Nguyên để dạy công.
Một ngày nọ, khi Tống Minh Dung đang luyện công trong khuôn viên trường, một người đàn ông đi đến và mời anh đến công viên Trung Chính ở Phong Nguyên để dạy mọi người luyện công. Nguyên lai, người này tình cờ gặp lại một người bạn già, ông sửng sốt kinh ngạc trước sự thay đổi sinh khí quá lớn của vị lão tiên sinh này, sau đó lại biết được rằng lão tiên sinh này vì nhờ tu luyện Pháp Luân Công mà phong độ mới tốt như vậy, nên ông đến tìm Tống Minh Dung, mời anh đến công viên Phong Nguyên để dạy công.
Sau đó, mọi người thành lập điểm luyện công đầu tiên ở công viên Trung Chính; điểm luyện công này còn được thành lập sớm hơn điểm luyện công ở công viên Nhi Đồng ở Đài Trung. Vài tháng sau, điểm luyện công tập thể được dời đến quảng trường trước tòa thị chính ngay trung tâm thành phố. Sau một vài tháng, một số người ở điểm luyện công này đã tiếp tục thành lập những điểm luyện công mới gần nhà của họ.
(Còn tiếp…)
Quý vị muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, hãy bấm vào link: https://vi.falundafa.org (tiếng Việt); và: www.falundafa.org (tiếng Anh)
Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” như một trang sử sống động, ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo ‘hạt giống’ Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có cho người dân của quốc gia này.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.
Theo Epoch Times
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm.
Hương Thảo biên dịch