Đại Kỷ Nguyên

Hạt giống vàng (P19): Hiệu ứng của Sự kiện ‘Thỉnh nguyện ngày 25/4’ ở Đài Loan

Hạt giống vàng (P19): Hiệu ứng của Sự kiện ‘Thỉnh nguyện ngày 25/4’ ở Đài Loan

Bìa cuốn "Hạt giống vàng" (Ảnh trong bài do NXB Bác Đại cung cấp).

Nhiều người nghĩ rằng trái ngược với cuộc đàn áp phi nhân đạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công ở đại lục, những năm 1998 – 1999 lại là năm hạnh phúc nhất đối với các học viên Đài Loan...

Tiếng chuông gọi cửa gấp gáp

Ngày 26 tháng 4 năm 1999, cái nóng mùa hè chưa đến, nhiệt độ gần 30 độ cũng không khó chịu. Vào buổi chiều, Hoàng Xuân Mai và con gái ngồi trong phòng khách, giống như hầu hết các bà mẹ, cô “quan tâm” đến con mình từng li từng tí… Một lúc sau, cô con gái đang học đại học năm thứ 5 mỉm cười và hỏi: “Hôm qua mọi người không giao lưu học Pháp hả mẹ? Có chuyện gì đặc biệt không mẹ?”

Hoàng Xuân Mai sửng sốt trong giây lát, nhớ lại quá trình lắng nghe các học viên khác thể ngộ ra các Pháp lý và đề cao tâm tính của họ trong buổi học giao lưu, cô đã cảm động không nguôi. Đặc biệt là từ khi tu chí tu luyện với chồng từ năm 1995, những tranh chấp giữa hai vợ chồng luôn có thể được loại bỏ nhờ “hướng nội tìm”, nhưng vì quá để mắt đến con cái nên giữa cha mẹ và con cái dễ xảy ra xích mích, xung đột nhỏ. Hôm qua, nghe một đồng tu chia sẻ về cách cô ấy đối đãi hòa hợp với mối quan hệ mẫu tử, làm cô khá xúc động, và cảm thấy rằng mình thực sự nên đề cao tâm tính trong mối quan hệ mẫu tử. Cô bắt đầu chia sẻ một số tâm đắc có ấn tượng sâu sắc với con gái của cô.

“Di-di-di…” chuông cửa đột ngột vang lên, làm gián đoạn cuộc trò chuyện. “Ai lại đến bây giờ?” Con gái hỏi, Hoàng Xuân Mai cũng đứng dậy với vẻ bối rối, đi dọc theo bàn qua phòng ăn đến cửa, nhấc máy liên lạc: “Vâng, xin hỏi tìm ai?

“Cô Hoàng Xuân Mai có ở đây không?” Một giọng nam hỏi.

“Tôi đây, xin hỏi cậu là ai?”

“Xin chào cô Hoàng, chúng tôi là phóng viên của Đài truyền hình Hoa Thị. Chúng tôi muốn làm phỏng vấn về sự kiện Pháp Luân Công ở đại lục…”

“Phóng viên á?” Hoàng Xuân Mai sửng sốt, cô ấy chỉ là một bà nội trợ bình thường, đột nhiên truyền thông đến bất ngờ bấm chuông và nói rằng muốn phỏng vấn – lúc đó trong đầu cô ấy như trống rỗng.

“Tại sao giới truyền thông lại tới tìm tôi tận cửa? Phỏng vấn chuyện ở đại lục á? Tôi không rõ lắm, tôi phải nói gì đây? Tại sao một phóng viên lại gọi cho tôi? Làm sao anh ta biết được nơi tôi sống?” Sự kinh ngạc khiến trong đầu Hoàng Xuân Mai xuất hiện một loạt nghi hoặc.

Ngay sau đó cô đã lấy lại được sự điềm tĩnh trong suy nghĩ của mình: “Muốn phỏng vấn về Pháp Luân Công ư? Tôi phải nói gì đây? Đây có phải là phát ngôn đại biểu cho Pháp Luân Công không? Điều này có thích hợp không? Hoàng Xuân Mai với tâm thế bình tĩnh quyết định trước hết cần tìm người để bàn bạc trước khi trả lời, nên đã yêu cầu phóng viên đợi.

Điều đầu tiên cô nghĩ đến là Nhiếp Thục Văn. Nhiếp Thục Văn, nguyên là phó trưởng trạm phụ đạo Thượng Hải, rất ngạc nhiên khi biết chuyện này, bà cho rằng không thích hợp để trả lời phỏng vấn, nhưng để thận trọng, bà sẽ hỏi ý kiến ​​các học viên đại lục.

Quá trình chờ đợi dường như hơi lâu, đột nhiên lại có một tiếng chuông cửa “di-di-di-” khác, Hoàng Xuân Mai đoán đó là chuông cửa của phóng viên. “Nhưng chị Nhiếp vẫn chưa gọi lại, tôi không biết mình có nên nhận lời phỏng vấn hay không. Tôi phải nói gì với cậu ấy đây?” Hoàng Xuân Mai không biết trả lời thế nào, chỉ nhìn chằm chằm vào máy bộ đàm, để âm thanh “di-di-di-” trôi qua trong khoảng lặng, nhưng tâm lý Hoàng Xuân Mai thì không bình tĩnh chút nào.

Một lúc sau, Nhiếp Thục Văn gọi điện lại và nói rằng học viên đại lục cũng khuyên không nên trả lời phỏng vấn, vì họ đã được truyền thông Trung Quốc phỏng vấn cách đây không lâu, nhưng bản báo cáo cuối cùng đã bóp méo cuộc trò chuyện của họ. Ngoài ra, học viên Mỹ cũng chấp nhận phỏng vấn của các phương tiện truyền thông địa phương, nhưng do nội dung báo cáo chủ yếu sử dụng phát ngôn của quan chức ĐCSTQ, đưa nội dung phụ diện nhiều hơn chính diện, và các cuộc phỏng vấn với học viên chỉ là hình thức “cân bằng”. “Nếu truyền thông không thể báo cáo một cách khách quan và có chiều sâu, tốt hơn hết là chúng ta không nên chấp nhận phỏng vấn”, Nhiếp Thục Văn nói.

Nghe xong cuộc điện thoại, Hoàng Xuân Mai vô tình nhìn vào máy bộ đàm. Với câu trả lời này, Hoàng Xuân Mai dường như đã tự tin hơn trong lòng, và có thể sắp xếp suy nghĩ của mình tốt hơn.

Cô ý thức được, vì mình làm công việc nội trợ, nên so với những người khác cần đi làm, đi học thì phóng viên liên hệ với cô sẽ thuận tiện hơn; Một số việc như đặt hàng, in ấn tài liệu… cũng do cô lo liệu cho mọi người nên dần dần, cô trở thành một trong những đầu mối điều phối chính. Để thuận tiện cho liên lạc, nên nhiều trường hợp cô vẫn lưu lại địa chỉ nhà, số điện thoại cho mọi người. Nghĩ đến đây, cô chợt hiểu tại sao phóng viên báo đài lại tìm đến nhà cô.

“Di-di-di-” chuông cửa lại vang lên, Hoàng Xuân Mai vẫn không dám bắt máy, cô nghĩ vẫn là vị phóng viên kia. Nhưng không khỏi hiếu kỳ, cô đứng dậy đi ra ban công nhìn xuống thì tình cờ thấy một người đàn ông ở tầng dưới cũng nhìn lên. Họ nhìn nhau một lúc, và Hoàng Xuân Mai bước nhanh vào nhà.

“Vị phóng viên đành miễn cưỡng rời đi. Điều này không tốt chút nào. Nếu sau này có phóng viên khác lại đến cửa nhà tìm thì phải làm sao? Không thể cứ không nghe máy bộ đàm như thế này, phải nghĩ ra một cách!” Sau khi suy nghĩ, Hoàng Xuân Mai đã kết nối với một vài học viên khác. Các học viên nghe Hoàng Xuân Mai tường thuật về tình huống này, mọi người đều cảm thấy thực sự cần phải thảo luận, cuối cùng họ quyết định đến nhà của Hồng Cát Hoằng vào buổi tối để thảo luận xem đối đãi với nó thế nào.

Học cách đối diện với giới truyền thông

Sau khi hướng dẫn con gái làm bữa tối đơn giản, Hoàng Xuân Mai trở về phòng và thay y phục, chuẩn bị đến nhà của Hồng Cát Hoằng ở Tùng Sơn.

Đối diện với chiếc gương trên cầu thang, Hoàng Xuân Mai mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Thực sự xin lỗi, hiện tại tôi không tiện trả lời”. Cô nhìn vẻ mặt mình trong gương, có vẻ ninh tĩnh tường hòa. Đây là điều mà đồng tu vừa gọi điện thoại tới đã nhắc cô: “Khi thấy phóng viên, không cần hồi ứng, trên mặt mỉm cười, và đừng căng thẳng”.

Bước ra cửa, phóng viên đã rời đi hết rồi, Hoàng Xuân Mai thở phào nhẹ nhõm và không khỏi cảm thấy thích thú: Tôi là một người vừa đơn thuần vừa bình phàm như vậy, làm sao có thể đối diện với sự “bao vây” của giới truyền thông!

Khi họ đến nhà Hồng Cát Hoằng, một số đồng tu đã đến trước, thấy Hoàng Xuân Mai vào cửa, họ liền tiến đến hỏi thăm tình hình. Hoàng Xuân Mai mỉm cười và báo cáo với mọi người: “Chưa trả lời, phóng viên đã rời đi khi tôi xuống lầu”. Vì còn những học viên khác chưa đến nên mọi người vẫn đang đợi. Một số người đang lặng lẽ đọc “Chuyển Pháp Luân” ở trong góc phòng, trong khi những người khác đang luyện công bên cạnh lối đi trong phòng khách. Một số người bắt đầu phát biểu ý kiến ​​của họ. Hoàng Xuân Mai nghe thấy Hồng Cát Hoằng lớn tiếng nói: “Nếu chúng ta không đứng ra nói chuyện, ai sẽ nói giúp chúng ta?”

Mười mấy đồng tu lần lượt đến, sau khi Hoàng Xuân Mai giải thích ngắn gọn những gì đã xảy ra ngày hôm nay, mọi người đều bày tỏ suy nghĩ của mình. Không ít người nghĩ rằng họ nên trả lời phỏng vấn. Một số người đã nêu lên mối quan ngại của học viên Hoa lục về việc báo chí không có khả năng đưa tin vô tư, còn những học viên làm việc cho Đài truyền hình Đài Loan cho rằng môi trường truyền thông Đài Loan khác hẳn, và họ cũng đồng ý nhận lời phỏng vấn. Có người còn nói: “Nếu chúng ta nhất loạt không nhận lời phỏng vấn, giới truyền thông sẽ nghĩ chúng ta quá bí hiểm. Nhưng họ nhất định cần phải làm tin, nếu chúng ta không nhận lời, điều đó trái lại không tốt”.

“Nhưng chúng tôi không có kinh nghiệm đối diện với truyền thông, vì vậy chúng tôi không biết phải nói gì với truyền thông!”

Hồng Cát Hoằng không thay đổi bản chất hào sảng của mình, nói: “Không cần nghĩ nhiều, chúng ta hãy nói một cách trung thực, rằng Pháp Luân Công là gì”.

Tuy nhiên, làm thế nào để đề cao tâm tính thông qua tu luyện, những thứ này giống như nước uống, lạnh hay ấm, đối với người không tu luyện cũng khó có thể giải thích rõ ràng cho họ. Làm thế nào chúng ta mới có thể làm cho ngoại giới hiểu được? Sau một hồi thảo luận, sơ bộ đã có sự thống nhất: chúng ta có thể chụp ảnh các bài tập của mình, nói về các bài công pháp, nói về tác dụng chữa bệnh khỏe người và tu tâm tính của mình, và cũng có thể cho các phóng viên xem lớp học Pháp chung của chúng ta…

Như được ông Trời an bài, ngay sau khi mọi người đạt được sự đồng thuận về việc “bước ra và đối diện với giới truyền thông”, Hồng Cát Hoằng tình cờ bắt gặp trên ti vi, kênh truyền hình ‘Tin tức Hoa Thị Buổi Tối’ có chiếu cảnh phóng viên đã quay phim căn hộ của Hoàng Xuân Mai trên tầng 5, máy quay đặt ở ban công tầng 4. Người dẫn chương trình nói, “Đây là trụ sở của Pháp Luân Công ở Đài Loan!” Sau khi ngớ người, các học viên nhìn nhau mà cười. Bởi vì mọi người đều biết rằng cần học Pháp và luyện công, rằng trọng điểm của tu luyện nằm ở việc đề cao tâm tính… chứ không có khái niệm “trụ sở chính” trong tâm trí của mọi người. Nhờ vậy, mọi người đều nhận thức rõ hơn về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đối mặt với các phương tiện truyền thông.

Số lượng các học viên Pháp Luân Công tăng vọt

Sau khi đi đến thống nhất, một số người sắp xếp địa điểm và hình thức phỏng vấn, một số người chịu trách nhiệm liên hệ với các phương tiện truyền thông về nội dung cuộc phỏng vấn, nhận được vô số lời mời từ đài truyền hình, báo, tạp chí, đài phát thanh. Người đầu tiên đến phỏng vấn là phóng viên Đài phát thanh Trung ương của Đài Loan, và địa điểm là nhà của Hồng Cát Hoằng. Lời tường thuật trung thực của phóng viên tạo thêm tín tâm cho mọi người.

Vào ngày 22/7/1999, Hoàng Xuân Mai đã cho các phóng viên Đài TH Đài Loan xem tình hình đàn áp các học viên Pháp Luân Công được tải xuống từ Internet. (Ảnh NXB Bác Đại cung cấp)

Địa điểm luyện công tập thể của gần một trăm học viên tại Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch vào mỗi Chủ nhật cũng đã trở thành địa điểm cho các cuộc phỏng vấn và chụp ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Pháp Luân Công, vốn dĩ chỉ là công pháp khẩu truyền tâm thụ, nháy mắt bỗng trở nên nổi tiếng.

Các học viên Pháp Luân Công ở Đài Bắc thường xuyên luyện công theo nhóm tại Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch vào các buổi sáng Chủ nhật. (Ảnh chụp tại quảng trường bên cạnh Phòng hòa nhạc Quốc gia vào ngày 16 tháng 11 năm 1997. Được phép của NXB Bác Đại)

Diệp Thục Trinh, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, là một trong những người được phỏng vấn nổi tiếng nhất vào thời điểm đó.

Câu chuyện thần kỳ về Diệp Thục Trinh, từ một bệnh nhân mắc nhiều chứng bệnh nghiêm trọng trở nên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng được báo cáo trên các phương tiện truyền thông, đã thu hút nhiều người hơn đến học Pháp Luân Công. Học viên Vương Hành tại Đài Trung mô tả: “Mọi người đều biết rằng sức khỏe của cô ấy rất tệ, sau khi luyện công đã chuyển biến tốt. Mọi người đều cảm thấy Pháp Luân Công thực sự thần kỳ”.

Em gái Hồng Cát Hoằng là Hồng Nguyệt Tú nhớ lại: “Mặc dù ban đầu các phương tiện truyền thông Đài Loan sử dụng các báo cáo của Đài TH Trung Quốc CCTV, nhưng ngay sau đó, các phương tiện truyền thông đã dần dần tiếp xúc với các học viên Đài Loan. Thông qua việc các học viên Pháp Luân Công giới thiệu chi tiết nguyên lý tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn, và biểu diễn năm bài công pháp trên các phương tiện truyền thông cho mọi người xem, cuối cùng các phóng viên và công chúng đã lý giải được rằng Pháp Luân Công là một công pháp tốt. Một số phương tiện truyền thông cũng đăng tiểu sử của Sư phụ Lý trên báo, thu hút nhiều người hữu duyên đến học Pháp Luân Công”.

Các lớp chín ngày học Pháp luyện công trên khắp Đài Loan cũng xuất hiện một tình huống phát triển bùng nổ. Số lượng người tham gia trong mỗi lớp học tăng vọt từ mười hoặc hai mươi đến bốn hoặc năm mươi, và một số lớp thậm chí lên đến hơn một trăm người; làn sóng học công đột nhiên trào dâng, khiến các lớp học chín ngày trong nhà riêng của các học viên Pháp Luân Công trở nên chật cứng. Phòng khách của nhà Hoàng Xuân Mai ban đầu có sức chứa hơn chục học viên, nay chen chúc hơn bốn mươi người, nên cô phải thu dọn bàn ghế và kê thêm vài chiếc đệm ngồi. Phòng khách đầy rồi, thì kéo dài tới cửa phòng ăn.

‘Lớp học Pháp chín ngày’ ở nhà của Diệp Thục Trinh cũng chật kín người học, hơn một trăm người học trong phòng khách. Trương Thanh Khê không thể quên được cảnh tượng lúc đó, ông mô tả: “Sau khi dỡ bỏ tấm ngăn giữa phòng khách và phòng đọc vẫn không đủ chỗ, mọi người ngồi dồn ra tới cả ngoài đường, có nhiều người căn bản không thể vào được”. Sau đó, họ phải phân thành hai lớp nam và nữ trên hai tầng lầu.

Trên thực tế, không chỉ có lớp học chín ngày, mà bắt đầu từ sáng sớm ngày 26, tại các điểm luyện công của Đài Loan cũng đã dấy lên một làn sóng luyện công đông đảo chưa từng thấy. Công viên thể thao Nghi Lan, công viên Sâm Lân, Đại An, Đài Bắc, công viên Thanh niên Vạn Hoa… đều có nhiều những gương mặt mới tới học công pháp. Một học viên đến từ công viên Đông Hồ ở Đài Bắc kể lại rằng: không chỉ có người đến học các bài công pháp, mà thậm chí còn có rất đông người xem, điều này khiến các học viên vốn quen với các bài tập ninh tĩnh cảm thấy có thêm cơ hội đề cao tâm thái.

Mặc dù sự cố “25 tháng 4” xảy ra trên Trung Quốc đại lục vào năm 1999 đã phá vỡ cuộc sống tu luyện yên bình của các học viên; từ tu luyện bản thân đơn thuần, họ buộc phải đối mặt với ngoại giới và truyền thông, nhưng nó cũng cho phép nhiều người nhận thức được Pháp Luân Công, đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hồng truyền Pháp Luân Công, và đồng thời rèn luyện năng lực đối diện với xã hội của những học viên.

Nhiều người nghĩ rằng trái ngược với cuộc đàn áp phi nhân đạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, những năm 1998 – 1999 lại là năm hạnh phúc nhất đối với các học viên Đài Loan: số lượng điểm luyện công ngày càng tăng khiến mọi người đều thuận tiện luyện công tập thể buổi sáng; Kể từ khi họ đến đại lục giao lưu với các học viên Hoa lục, và sau chuyến thăm của Sư phụ Lý Hồng Chí tới giảng Pháp ở Đài Loan, các học viên nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc học Pháp tập thể, và các “điểm học Pháp” tập thể cũng lần lượt được thành lập. Năm 1998, phiên bản phồn thể của sách ‘Chuyển Pháp Luân’ cũng chính thức được xuất bản ở Đài Loan. Kể từ năm đó, sự nhận thức về hình thức tu luyện đã trở nên thuần thục hơn; các học viên nói chung cảm thấy tâm tính của họ được thăng hoa trong quá trình thực tu, và thể hội tới sự mỹ diệu của tu luyện.

Kể từ khi các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ở Trung Nam Hải vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, họ đã gây chấn động trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và nước ngoài. (Ảnh NXB Bác Đại cung cấp)

(Còn nữa…)

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, hãy bấm vào link: https://vi.falundafa.org (tiếng Việt); và: www.falundafa.org (tiếng Anh)

Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” như một trang sử sống động, ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo ‘hạt giống’ Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có cho người dân của quốc gia này.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ​​ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.

Theo Epoch Times
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm

Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version