Đại Kỷ Nguyên

Hạt giống vàng (P5): Các bác sĩ tâm huyết hồng truyền Đại Pháp ở Cao Hùng, Đài Loan

Bìa cuốn "Hạt giống vàng" (do NXB Bác Đại cung cấp)

“Sư phụ Lý chỉ cần miễn là chúng ta tu tâm tính phù hợp với Chân Thiện Nhẫn, và có một tâm cầu Đạo – ông ấy chỉ yêu cầu điều này. Điều đó thực sự khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi cảm thấy Đại Pháp nhất định là một chính Pháp”…

Giáo sư trường Y đã tìm ra đáp án

Khi Nhiếp Thục Văn cùng chồng đến Cao Hùng vào cuối năm 1995, kế hoạch đầu tiên của bà để bắt đầu cuộc sống trong hoàn cảnh mới chính là tiếp xúc với một vị khách lạ: ông Lưu Thiệu Đông, phó giáo sư Khoa Giải phẫu Học viện Y tế Cao Hùng. Đây là thông tin liên lạc mà Nhiếp Thục Văn có được từ Hiệp hội Nghiên cứu Bắc Kinh trước khi đến Đài Loan.

Là một giáo viên trường Y, Lưu Thiệu Đông từ nhỏ đã rất hứng thú tìm hiểu văn minh tiền sử. Sau khi đọc qua rất nhiều thư tịch liên quan, ông biết được nhiều hiện tượng bất khả tư nghị mà khoa học hiện đại không cách nào giải thích được. Và mẹ ông cũng là một tín đồ của khí công, chỉ cần bà cụ phát hiện ra một “công pháp hay” là nhất định cụ sẽ theo học, nên Lưu Thiệu Đông cũng đã tiếp xúc với không ít môn khí công.

Khoảng nửa năm trước đó, mẹ Lưu Thiệu Đông, đang sống ở Hoa Kỳ, đã gửi cho ông một đoạn băng ghi âm các bài giảng Pháp của tiên sinh Lý Hồng Chí ở Tế Nam, Sơn Đông. Đây là một công pháp tốt mà cụ tiến cử.

Lưu Thiệu Đông, người đã lấy bằng bác sĩ tại Khoa Sinh học Tế bào và Giải phẫu tại Trường Y – Đại học Công nghệ Texas, trong quá khứ đã tập qua nhiều loại khí công theo lời tiến cử của mẹ mình, nhưng ông cảm thấy hơi “hoang mang”: “Khí công có cơ sở lý luận gì? Tại sao nó cần phải luyện như thế? Lai long khứ mạch đằng sau nó là gì? Trước nay chưa ai giảng cho tôi về điều này”.

Từng câu từng câu hỏi của ông đều được trả lời một cách thấu đáo trong những cuốn băng ghi âm mới do mẹ ông gửi đến; trong Pháp ông còn được lý giải về văn minh tiền sử, bối cảnh đằng sau tu luyện khí công và rất nhiều đạo lý uẩn hàm tinh thâm. Không chỉ vậy, Sư phụ Lý còn đề cập đến rất nhiều lĩnh vực mà ông chưa nghĩ đến hoặc chưa tiếp xúc tới. Mặt khác, Lưu Thiệu Đông đã tiếp xúc qua với một số đoàn thể tôn giáo, nhưng ông thấy những nhân sĩ tôn giáo này yêu cầu cúng dường, yêu cầu mô bái (quỳ gối chắp tay bái), nhưng khi bước ra khỏi trường sở tu hành, thì hành vi cư xử của họ không khác gì người thường, khiến ông rất nản lòng. Ngược lại, Sư phụ Lý không yêu cầu các đệ tử của mình cúng dường, cũng không yêu cầu bái sư, “Sư phụ Lý chỉ cần miễn là chúng ta tu tâm tính phù hợp với Chân Thiện Nhẫn, và có một tâm cầu Đạo – ông ấy chỉ yêu cầu điều này. Điều đó thực sự khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi cảm thấy Đại Pháp nhất định là một chính Pháp”.

Đương thời, những người học công ở Đài Loan hầu hết đều tự luyện công tại nhà, và họ không quen biết nhau. Nhiếp Thục Văn đã liên lạc với Lưu Thiệu Đông, với hy vọng có thể lập một “địa điểm luyện công” ở Đài Loan, phỏng theo cách tiếp cận ở Trung Quốc đại lục.

“Chị Nhiếp nói cần quảng bá Pháp Luân Công, tôi nói ‘Tốt! Chúng ta cùng nhau tiến hành nhé!”

Trước đây, Lưu Thiệu Đông chỉ “mô phỏng” động tác của năm bài công pháp theo yếu lĩnh động tác được mô tả trong sách, sau khi được Nhiếp Thục Văn giúp chỉnh lại các động tác cho thuần chính, Lưu Thiệu Đông đã sớm thành lập điểm luyện công đầu tiên của Cao Hùng ở công viên Tam Dân. Sau đó, Lưu Thiệu Đông và Nhiếp Thục Văn đã đi khắp nơi tìm những địa điểm thích hợp để lập các điểm luyện công.

Hai chị em lần lượt bước vào tu luyện

Một buổi sáng, Nhiếp Thục Văn đang luyện công trong Công viên Thể thao Tả Doanh, đột nhiên nghe thấy ai đó nói: “Các bác đang tập Pháp Luân Công à?”

“Đúng vậy, làm sao cô biết?”

“Tôi biết! Em gái tôi đã dạy tôi”.

Khi Nhiếp Thục Văn nghe thấy điều này, bà tự nghĩ rằng đã có những người khác tập Pháp Luân Công ở đây. “Cô đưa tôi đi gặp em gái cô nhé!” – Nhiếp Thục Văn nói với vị nữ sĩ.

Vị nữ sĩ này chính là Vương Lợi Dư. Lúc đó bà đã ngoài năm mươi tuổi, và vừa học Pháp Luân Công từ em gái Vương Mãn Như.

Sinh ra trong một gia đình quân nhân, trên có một anh trai và một chị gái, dưới có một em trai và một em gái, Vương Lợi Dư, người con thứ ba, từ nhỏ đã tính tình hoạt bát; em gái Vương Mãn Như miêu tả bà là người rất thích biểu diễn, thích biểu hiện. Tuy nhiên, người phụ nữ hoạt bát và thích biểu diễn ấy lại xuất thân từ một gia đình nghèo, từ nhỏ đã không có quần áo mới, phải đi đôi giày cũ nhỏ hơn một cỡ.

Sau đó, Vương Lợi Dư theo học tại một học viện quân sự và làm quản giáo trong quân đội; sau khi được huấn luyện về chiến tranh chính trị, bà càng trở nên hùng biện hơn. “Các cuộc thi diễn giảng, các cuộc thi tranh luận, cuộc thi nào tôi cũng đứng nhất, không bao giờ đứng thứ hai”.

Gia đình lúc đó kiệt quệ tài chính vì người cha nghiện cờ bạc; Sau khi đi làm, Vương Lợi Dư phải chu cấp cho cha số tiền tương đương với lương của mình, nên bản thân bà chẳng dành dụm được gì. Trong quân đội, bà đã gặp mối tình đầu của mình là một sĩ quan quân đội đẹp trai, hai người yêu nhau kéo dài tới 6 năm, nhưng khi tiến tới hôn nhân, bà vấp phải sự phản đối của cha mình: “Người đàn ông này chỉ là một tên tiểu tử nghèo túng!”

Cha bà vì để có thêm thu nhập, đã cản trở hôn nhân của bà. Vương Lợi Dư cũng chứng kiến ​​cảnh chị gái đã lấy chồng vẫn phải giúp cha trả nợ cờ bạc, khiến vợ chồng bất hòa, nên bà thầm quyết định: “Đời này mình không lấy chồng nữa!”

Không chỉ thất ý trong tình trường, Vương Lợi Dư, một người hoạt bát, có năng lực và tài hùng biện, đã có một sự nghiệp quân sự không thuận toại, tưởng chừng như cơ hội thăng tiến đã tới tay, nhưng cuối cùng lại lạc khỏi tay, cuối cùng bạn đồng học của bà ấy “từ trên trời rơi xuống” trở thành trưởng quản của bà ấy. Sau khi xuất khỏi quân ngũ, Vương Lợi Dư không một xu dính túi, đi bán mì bò để kiếm sống, tuy nhiên, vì thiếu vốn chu chuyển, nên cuối cùng bà mất hút.

Cha qua đời khi bà ở tuổi bốn mươi lăm, Vương Lợi Dư vẫn một mình độc hành trên con đường nhân sinh mệt mỏi. Để xây dựng một nơi trú ẩn an toàn cho phần còn lại của cuộc đời mình, bà đã kết hôn với đồng nghiệp của cha mình, một người mà bà đáng gọi là “chú”. Quyết định này mang đến sóng gió lớn hơn cho bà: ba đứa con lớn của chồng lo mẹ kế độc chiếm tài sản của gia đình, thường xuyên về nhà cãi vã với vợ chồng bà nên gia đình không yên ấm. Sau nhiều năm thăng trầm trong cuộc cãi vã không hồi kết, cuộc hôn nhân của bà đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.

Vào tháng 10 năm 1995, em gái Vương Mãn Như của bà đã học Pháp Luân Công từ cha chồng của cô ấy. Vương Mãn Như kể lại: Cháu trai của cha chồng tôi đã tham gia ba lớp học khí công của Sư phụ Lý ở Trung Quốc đại lục, “Cậu ấy cảm thấy nó rất tốt, nên đã dạy cho cha chồng tôi, và cha chồng tôi lại dạy cho tôi”.

Trước đây Vương Mãn Như bị phù cánh tay, vào mùa đông bị nứt nẻ chảy máu, hơn nữa cô làm công việc kế toán, thường xuyên bị mép giấy cắt bị thương. “Thực sự đau thấu tâm can”, nhưng sau khi luyện công ba tháng, căn bệnh mà cả Tây y và Trung y không thể chữa khỏi, nay đã lành và không còn tái phát. Vương Mãn Như đã rất vui mừng và giới thiệu công pháp cho chị gái Vương Lợi Dư của mình.

Lật giở bản tiếng Trung giản thể của sách “Chuyển Pháp Luân” do em gái gửi, Vương Lợi Dư đã nghiền ngẫm nó. Bà, người mãi oán thán về vận mệnh khốn khổ của mình, đột nhiên nhẹ nhõm như được cởi trói: “Khi tôi còn trẻ, tôi muốn gì cũng đều không được, chính là mọi thứ đều bất thuận, tôi thậm chí không muốn sống nữa”. Bà thừa nhận, trên con đường nhân sinh, bà đã từng tuyệt vọng, nghĩ đến chuyện tự kết liễu đời mình, “Tôi thú nhận với những người xung quanh của mình, tôi đã sớm không còn muốn sống tại nhân gian nữa. Cá tính của tôi rất mạnh mẽ, nhờ đọc sách ‘Chuyển Pháp Luân’ tôi mới chân chính thể hội rằng, trong mệnh [của tôi] không có thứ đó, thì tôi dẫu làm gì cũng có tác dụng gì đâu?”

Minh bạch ra cái lý này, khi các đứa con lại về nhà cãi nhau, bà không còn tức giận nữa, mà trái lại một trái tim nhân ái đã trỗi dậy. Bà không còn bất bình hay oán trách về hoàn cảnh nhân sinh, mà đột nhiên cởi mở bao dung hơn; và nhờ luyện công, thân thể bà trở nên nhẹ nhàng vô bệnh.

Một lần nữa, các con lại cãi nhau dữ dội về tài sản của gia đình, người chồng già vừa buồn bực vừa thương tâm, bất ngờ quỳ xuống trước mặt Vương Lợi Dư, nước mắt chảy dài trên mặt, xin lỗi bà không ngừng. Vương Lợi Dư đỡ chồng lên mà không phàn nàn, thành tâm nói với ông: “Sư phụ Lý nói rằng người tu luyện không có kẻ địch, và tôi sẽ không để tâm [chuyện tài sản]”. Vì vậy, người chồng bội phục Sư phụ Lý, và bắt đầu luyện công. Vài năm sau, ông qua đời trong thanh thản.

Tích cực thành lập các điểm luyện công và mở các lớp học 9 ngày

Khi hai chị em Vương Lợi Dư quen biết Nhiếp Thục Văn, họ cũng tham gia vào các hoạt động hồng pháp như thiết lập điểm luyện công. Ban đầu, Vương Lợi Dư tích cực lập các điểm luyện công ở các quận Nam Tử và Tả Doanh. Lưu Thiệu Đông nhớ lại, rằng vào thời điểm đó, mọi người đều rất chủ động tìm kiếm công viên hoặc địa điểm thích hợp. “Có khi hai người đi, một người mang theo đài, và người kia mang theo biểu ngữ”.

Vào thời điểm đó, mỗi khi một điểm luyện công mới được lập nên, thường rất nhanh chóng thu hút một số người đến luyện công, vì vậy họ thường rất bận rộn dạy công cho những người mới; sau khi người mới đã luyện công ổn định, họ mới rời đi lập các điểm mới. Các học viên mới cũng có thể lập các điểm luyện công mới gần nhà của họ. Các điểm luyện công ở Cao Hùng cứ như thế mà được khuếch tán ra.

Ngoài việc thành lập điểm luyện công mới, nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của “Lớp chín ngày học Pháp luyện công” đối với các học viên mới, không lâu sau, Nhiếp Thục Văn và mọi người đã nỗ lực thiết lập “Lớp chín ngày” tại Học viện Y tế Cao Hùng ở khu vực thành thị, nơi Lưu Thiệu Đông công tác. Sau này, một lớp học 9 ngày cũng được tổ chức tại Trung tâm hoạt động của Hợp Quần Tân Thôn, nơi Nhiếp Thục Văn cư ngụ.

Lưu Thiệu Đông kể lại rằng thời điểm đó, học viên mới không có nhiều, để thuận lợi mở “Lớp chín ngày”, chính Vương Lợi Dư và em gái Vương Mãn Như đã đến chi viện cho ba cô con gái nhỏ của họ. Nhiếp Thục Văn, người mới đến Đài Loan, không có bằng lái ô tô hay xe máy; để đến Học viện Y tế Cao Hùng từ nơi bà sống ở Tả Doanh, bà đã đạp xe đến trạm xe hàng ngày, sau đó bắt xe buýt, rồi lên tàu hỏa để đến thành phố Cao Hùng, sau đó Lưu Thiệu Đông đến đón bà ở ga.

Cùng lúc đó, Nhiếp Thục Văn đã liên lạc được với vợ chồng Trịnh Văn Hoàng ở Đài Bắc nhờ Hiệp hội Nghiên cứu Bắc Kinh. Để giao lưu với học viên ở Đài Bắc, hiệp trợ “Lớp chín ngày học Pháp luyện công”, bà đã giặt giũ, nấu ăn cho các cựu chiến binh gần nhà để trang trải chi phí đi lại. Nhiếp Thục Văn nguyên là người có địa vị xã hội cao, chủ nhiệm khoa tâm tạng trẻ em, được nhiều người kính trọng, bỗng hạ mình làm “tân nương đại lục” trong mắt người Đài Loan. Đối mặt với sự thay đổi địa vị thân phận như vậy, Nhiếp Thục Văn chỉ cười nói: “Tôi đến Đài Loan là để làm công việc này, nếu các bác sĩ ở Thượng Hải biết chuyện, họ sẽ nghĩ rằng, Nhiếp Thục Văn ơi, làm sao nên nông nỗi như vậy!?”

Năm 1996, Nhiếp Thục Văn đi từ Cao Hùng đến điểm luyện công Dương Minh Sơn ở Đài Bắc để giao tiếp với các học viên. (Ảnh do NXB Bác Đại cung cấp)

Tuy nhiên, Nhiếp Thục Văn không chỉ cam tâm, mà còn cho rằng đây là cơ hội tốt để tu luyện. Lưu Thiệu Đông cho biết: “Nhìn thấy những phó xuất quên mình của rất nhiều người, tôi càng tin rằng đây là Pháp chân chính”.

Sau đó, thông qua một người em trong trường quân đội, Vương Lợi Dư cũng mở một Lớp 9 ngày học Pháp luyện công ở Đài Nam.

(Còn tiếp)

Tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp tại đây

Ghi chú: 
Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý như một trang sử sống động.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo hạt giống Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ​​ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.

Theo “Hạt giống vàng” – trích đoạn 5
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm
Biên dịch: Hương Thảo

Exit mobile version