Đại Kỷ Nguyên

Nữ tiến sĩ Việt tại Nhật Bản: Nội tâm thanh tịnh thì trí tuệ thăng hoa

K

hi hiểu được bản chất uyên nguyên của cuộc sống, tôi xả bỏ được rất nhiều tâm trạng lo lắng hay phiền muộn. Mọi việc trong đời đều có căn nguyên, hạ tâm mình xuống, không cưỡng cầu và thuận theo tự nhiên, đó chính là một lối sống tốt đẹp.

(Học viên Pháp Luân Công Nguyễn Thị Hoa)

Ngọc Khánh ghi
(Toàn bộ ảnh trong bài là do chị Hoa cung cấp)

Từng lo sợ không thể hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Nhật, chị Hoa đã có bước ngoặt và gặt hái được thành công trong sự nghiệp nhờ thực hành nguyên lý Chân- Thiện- Nhẫn trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân của tác giả Lý Hồng Chí. Chúng tôi đã trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hoa (33 tuổi, Tiến sỹ kỹ thuật, đang giảng dạy tại trường đại học Osaka, Nhật Bản) để hiểu hơn về cuộc sống và sự nghiệp của nữ Tiến sỹ trẻ này.

4 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, ấn tượng trong chị về đất nước và con người nơi đây là gì?

Nhật Bản là quốc gia phát triển và văn minh với những công dân có tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao. Nói về sự cẩn thận thì có lẽ người Nhật đứng số 1 trên thế giới. Đa số người dân ở xứ sở hoa anh đào có thái độ ôn hoà, luôn thể hiện sự tôn trọng người khác. Mặc dù phải làm việc thời gian kéo dài nhưng ít khi họ thể hiện sự nóng nảy hay tức giận với người xung quanh.

Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa ứng xử kỷ luật và tự trọng, người lao động luôn đối mặt với áp lực cao, thậm chí phải chống lại cơn ác mộng “Karoshi” (làm việc đến kiệt sức). Chị có gặp khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống ở đây?

Khi mới sang Nhật, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và việc nghiên cứu học tập, bởi vì tôi không biết tiếng Nhật. Ngoài ra, tôi còn phải chăm sóc cho con gái 2 tuổi của mình. Mặc dù tôi gửi con đến trường mầm non, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên việc làm các thủ tục nhập học gặp nhiều rắc rối. Con chưa thích nghi với cuộc sống mới nên hay ốm, vì vậy tôi thường xuyên phải nghỉ học ở nhà chăm cháu.

Hơn một năm đầu, kết quả nghiên cứu của tôi không tốt. Môi trường làm việc áp lực, rất khó làm quen với quan niệm sống khắt khe và tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật. Thêm vào đó là những khó khăn của bản thân, nhiều lúc tôi e rằng mình không thể tốt nghiệp được.

Hai mẹ con chị Hoa tham gia lễ hội mùa lá đỏ tại Nhật

Người Nhật có thuật ngữ “Jōhatsu” (蒸発 – bốc hơi) để nói về những người muốn trốn chạy khỏi cuộc sống hiện đại, chị có cách nào để vượt qua được áp lực đó?

Đối mặt với “Áp lực Nhật Bản”, người ta phải chịu đựng theo những cách khác nhau. Tôi cho rằng áp lực không chỉ đến từ công việc và những khó khăn ngoại cảnh, mà phần lớn xuất phát trong tâm. Mặc dù có học vấn, được khen ngợi, nhưng tôi không cảm thấy đó là niềm vui.

Tôi mệt mỏi với những suy nghĩ về tương lai của mình và con gái, về Việt Nam thì không muốn, mà ở lại thì con đường phía trước vẫn mịt mù. Gia đình và bố mẹ sẽ ra sao? Ngoài ra, tôi liên tục phải dùng thuốc kháng sinh vì các loại viêm nhiễm. Bệnh đau lưng hành hạ khiến tôi không thể cúi làm việc được quá 10 phút. Tuy nhiên, thân thể khó chịu cũng không đáng sợ bằng tâm hồn mệt mỏi. Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì tôi suy sụp mất.

Người ta mệt mỏi bởi suy nghĩ nhiều, thống khổ cũng bởi mong cầu mọi thứ, nhưng không phải ai cũng biết cách vượt qua. Chị vượt qua hoàn cảnh bế tắc đó bằng cách nào?

Tôi cũng nhận thấy con người rất khó mà buông bỏ những mong cầu vật chất, vậy nên họ trầm luân trong khổ sở bế tắc. Năm 2017, tình cờ tôi đọc được câu chuyện của cơ trưởng người Việt với hơn 14.000 giờ bay, mặc dù đi khắp năm châu bốn biển, nhưng càng bay cao thì anh càng cảm thấy vũ trụ thật xa vời và con người càng cô đơn. Cuối cùng anh đã tìm được câu trả lời về vũ trụ, sinh mệnh, thời không qua cuốn sách Chuyển Pháp Luân của tác giả Lý Hồng Chí.

Cuốn Chuyển Pháp Luân đã giúp chị Hoa cân bằng được cuộc sống và thăng tiến trong sự nghiệp

Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho tôi, tôi tìm ngay cuốn sách Pháp Luân Công mà đọc hết một mạch. Sau đó tôi bắt đầu đọc cuốn Chuyển Pháp Luân và không dừng lại được vì cuốn sách nói về khoa học và giáo dục con người làm người tốt theo ba chữ Chân- Thiện- Nhẫn. Trước đó tôi vốn không tin xã hội này còn nhiều người tốt, vì ở đâu cũng đầy rẫy bất công, và mọi người chỉ coi trọng lợi ích bản thân. Đọc cuốn sách, tôi có niềm tin, rằng con người sẽ có thể quay về với những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, thậm chí có thể thăng hoa lên cảnh giới tư tưởng cao hơn thông qua tu luyện. Khi hiểu được Pháp Luân Đại Pháp là Phật pháp, tôi bắt đầu thực hành theo những lời dạy trong cuốn sách.

Những nguyên lý trong sách Chuyển Pháp Luân đã giúp tôi nhanh chóng lấy lại trạng thái tâm lý cân bằng. Khi hiểu được bản chất uyên nguyên của cuộc sống, tôi xả bỏ được rất nhiều tâm trạng lo lắng hay phiền muộn. Mọi việc trong đời đều có căn nguyên, hạ tâm mình xuống, không cưỡng cầu và thuận theo tự nhiên, đó chính là một lối sống tốt đẹp.

Phải chăng buông bỏ, không truy cầu là không làm gì cả, cứ ngồi chờ đợi rồi kết quả tốt đẹp sẽ đến?

Câu hỏi này gợi tôi nhớ tới một câu chuyện về hành giả và lão hoà thượng.

Hành giả hỏi lão hòa thượng: Trước khi đắc Đạo, ngài làm gì?
Lão hòa thượng: Đốn củi, gánh nước, nấu cơm.
Hành giả hỏi: Vậy đắc Đạo rồi thì sao?
Lão hòa thượng: Đốn củi, gánh nước, nấu cơm.
Hành giả lại hỏi: Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa đắc Đạo?
Lão hòa thượng: Trước khi đắc đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm; đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm.

Pháp Luân Đại Pháp là pháp môn tu luyện giữa đời thường, khái niệm buông bỏ, không truy cầu không đồng nghĩa với việc không làm gì cả mà chính là chỉ tập trung vào việc cần làm, không nghĩ viển vông. Suy nghĩ lan man cũng giống như mò trăng đáy nước mà thôi.

Hơn nữa, Pháp Luân Đại Pháp dạy chúng tôi là ở đâu cũng phải làm người tốt, làm việc gì cũng phải nghĩ đến người khác trước, vậy nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng cố gắng để làm việc chăm chỉ, mang lại lợi ích cho công ty, cho xã hội và gia đình.

Chị Hoa tham gia các hoạt động cùng các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hiroshima, Nhật

Vậy sau khi hạ được cái tâm của mình xuống thì cuộc sống và công việc của chị chuyển biến thế nào?

Trước hết tôi cảm thấy mình không còn mệt mỏi với những suy nghĩ không tưởng. Nhờ luyện 5 bài công pháp, sức khỏe của tôi chuyển biến tốt lên từng ngày, bệnh đau vai gáy, đau lưng, viêm amidan, viêm xoang đã khỏi. Tôi vui vẻ, hoạt bát và tràn đầy năng lượng, đi bộ làm việc suốt ngày, mặc dù chỉ ngủ 3-4 tiếng nhưng không thấy mệt.

Tôi có thể tập trung cao độ cho công việc nghiên cứu và học tập, nhờ vậy mà có thể giải quyết các vấn đề rất nhanh, hiệu quả công việc tăng lên đáng kinh ngạc. Trước đó tôi đã luôn sợ mình không tốt nghiệp được, sau khi tu luyện một thời gian tôi đã vượt chỉ tiêu tốt nghiệp với việc xuất bản 4 bài báo quốc tế, và tốt nghiệp trước thời hạn nửa năm. Tôi lấy bằng tiến sỹ sau 2 năm 7 tháng.

Kết quả này khiến gia đình và bạn bè tôi khá bất ngờ, bởi chương trình tiến sỹ tại Nhật thông thường mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Nhờ thành tích học tập tốt, tôi được giáo sư nhận ở lại làm trợ lý giáo sư cho trường và trở thành người nước ngoài đầu tiên có tên trong danh sách cán bộ khoa, được hưởng phúc lợi giống như một trợ lý giáo sư người Nhật (thông thường người nước ngoài chỉ được nhận vào làm trợ lý giáo sư bổ nhiệm cho Lab, với vị trí này thì không được nhận thưởng và trợ cấp khác). Trải nghiệm này giúp tôi tin rằng, nội tâm càng thanh tịnh thì trí tuệ càng thăng hoa, càng dễ dàng phát huy hết tài năng của mình.

Chị Hoa chụp cùng hiệu trưởng trường kỹ thuật, Đại học Osaka nhân ngày nhận bằng tiến sỹ và trong buổi làm việc cùng giáo sư và đối tác.

Công việc chuyển biến tốt rồi, còn các mối quan hệ khác của chị thì sao?

Trước đây tôi là người khô khan, và có phần ích kỷ, chỉ biết đến công việc của mình, ít quan tâm đến mọi người xung quanh. Pháp Luân Đại Pháp dạy tôi làm người cần tuân theo Chân- Thiện- Nhẫn vậy nên tôi bắt đầu học cách nghĩ đến người khác trước, quan tâm và giúp đỡ mọi người. Đối với sinh viên, tôi cũng nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong nghiên cứu và học tập. Nhờ vậy các mối quan hệ của tôi cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

Tham gia buổi giao lưu văn hóa với người Nhật và sinh viên quốc tế

Tôi biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt nhưng tôi không có thời gian, nếu gặp một người nói như vậy, chị sẽ trả lời họ như thế nào?

Tôi sẽ chỉ kể trải nghiệm thực tế của mình và khuyên họ hãy một lần thử đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, còn lựa chọn là ở họ.

Xin chân thành cảm ơn chị đã dành chút thời gian quý báu để chia sẻ cùng độc giả của chúng tôi.

Ghi chú của người biên tập: Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn khí công tu luyện cổ truyền theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Thông qua việc tu sửa tâm tính và rèn luyện thân thể trong Pháp Luân Đại Pháp, những người chân chính tu luyện có thể đạt đến trạng thái khỏe mạnh, hết bệnh và thăng hoa về cảnh giới tinh thần. Để biết thêm thông tin, mời các bạn truy cập https://vi.falundafa.org/. Tất cả sách, nhạc luyện công và tài liệu hướng dẫn đều được cung cấp miễn phí.

Thông tin cá nhân của TS. Nguyễn Thị Hoa
NGUYEN THI HOA (Ms.)
Doctor of Engineering, Assistant Professor of Environmental Management laboratory (Tokai Laboratory)
———
Division of Sustainable Energy and Environmental Engineering
Graduate School of Engineering
Osaka University
2-1 Yamadaoka, Suita, Osaka 565-0871, JAPAN
Mobile Phone: +81-80-6122-2148
Email: nguyenhoa1987.hd@gmail.com;